THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Túy ngọa sa trường…”

LÊ MINH QUỐC: “Túy ngọa sa trường…”

 

Ai đó đã nói rằng, việc phát minh ra thức uống lên men có tầm quan trọng hơn cả các trận đánh trên trái đất này tự ngàn xưa đến nay cộng lại. Thoạt nghe tưởng ngoa ngôn, bá láp nhưng hãy cứ bình tĩnh nghiệm lại mà xem. Câu nói ấy dù có “vống lên” nhưng đâu phải phát ngôn lúc… say quắc cần câu!


tuyyngoasatruong

 

Không thể thiếu?

Thử hỏi, thức uống nào được sự đồng cảm của loài người và hiên ngang tiến vào các loại hình văn học nghệ thuật bằng bia rượu? Tự cổ chí kim, hầu như các nhân vật Lưu Linh đều xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật. Mỗi người một vẻ, dù không ai giống ai về đời sống riêng nhưng đều giống ở chỗ… khoái nhậu! Thậm chí trước lúc ra chiến trường, nơi gió tanh mưa máu, chẳng biết lúc nào quy cố hương nhưng trước mắt vẫn cứ hào sảng: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tì bà mã thượng thôi / Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Không cần dịch bài thơ này, dù không hiểu nghĩa như chỉ cần nghe âm điệu du dương là người ta những muốn ngửa cổ mà… nốc cạn chén đắng! Ôi dào, thơ với thẩn làm gì. Chỉ cần quơ tay là vốc ngay được cả hàng trăm tuyệt tác về rượu.

Tóm lại, rượu bia đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nhân loại.

Vì lẽ đó khi Nhà nước ta ban hành Dự lệnh cấm bán bia rượu sau 22g, lập tức trở thành đề tài tranh cãi bất tận từ trong nhà ra ngoài đường, từ giường ngủ đến phòng ăn v.v… và v.v… Trước hết phải nói rằng, dân Việt mình có tửu lượng rất oách! Sự việc này thể hiện qua số lượng tiêu thụ do Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam công bố:  Năm 2013, sản lượng tiêu thụ bia của Việt Nam đạt 2,9 tỷ lít, tăng hơn 2% so với năm 2012. Con số này, “liên tục phát huy” và “liên tục phát triển”. Thế thì, một đứa trẻ tốt nghiệp lớp mẫu giáo cũng có thể nhẩm tính rằng, hiện nay với dân số khoảng 90 triệu người, bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 31,5 lít bia mỗi năm, tương đương với khoảng 95 lon bia (4 thùng bia) hay tương đương với 70 chai bia Hà Nội (450ml). Số liệu ấy khiến chúng ta cùng giật mình!

Với câu hỏi vì sao người Việt Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng hay nhậu và nhậu nhiều?

Tôi quả quyết rằng, khi xét một vấn đề cụ thể không thể tách rời khỏi yếu tố tâm lý, văn hóa của một dân tộc. Hàng ngàn năm trước dân tộc ta đã định hình “văn hóa đình làng”. “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Những lúc hội họp bàn luận công việc của làng xã, dù lễ hội, dù phạt vạ, dù đón quan trạng về làng… và dù gì đi nữa cũng không thể thiếu rượu. Vẫn biết,  “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng không thể thiếu rượu! Không chỉ dám cưới, đám hỏi mà ngay cả quan hôn tang tế cũng có rượu! Cúng kiếng người khuất mày khuất mặt, thiếu rượu mà được à? Câu trả lời dứt khoát: “Vô tửu bất thành lễ”.

Có thể nói, rượu đã hình thành và ẩn sâu nếp nghĩ giao tế của người Việt từ ngàn xưa. Dần dà đời sống thay đổi, dẫu biết rằng uống bia rượu không lợi cho sức khỏe nhưng rồi người ta vẫn không thể bỏ được vì nó đã thâm căn cố đế trong suy nghĩ của người Việt.

Nhịp sống hiện đại với nhiều mối quan hệ khác nhau, chẳng hạn ở Sài Gòn, chẳng ai mời bạn về nhà mà nếu có cũng “năm thì mười họa”, chi bằng tạt vào quán nhậu cho nhanh. Mà có về nhà, chẳng lẽ đối đãi chỉ là lời nói suông: “Bác đến chơi đây ta với ta" (Nguyễn Khuyến)? Thế là cũng phải có chút gì nhâm nhi, chén tạc chén thù cho ấm tình huynh đệ…

Một hình ảnh dễ thấy nhất là vào mỗi chiều, các quán nhậu từ thành thị đến nông thôn đều đèn xanh đèn đỏ tấp nập người ra kẻ vào. Ơ hay, sao không hát karaoke? cafe? đi coi phim? nằm nhà xem truyền hình? Giải trí như thế lành mạnh hơn chứ? Tất nhiên, nhưng đừng quên đời sống công nghiệp hiện đại có thể ngấu nghiến thời gian làm việc của mỗi người đến kiệt sức, lúc xong việc, họ có nhu cầu thiết thực là được… nói! Nói để chia sẻ nỗi niềm, buồn vui trong một ngày mà qua đó, cũng là một cách thư giản. Nói vui vẻ, rôm rã nhất, cởi lòng mở dạ vẫn là lúc “rượu vào lời ra”! Thế là cứ mỗi chiều “đến hẹn lại lên”!

Cần thay đổi nếp nghĩ

Việc cấm bán bia rượu sau 22 g, cấm không dược uống bia trong giờ hành chánh, cấm bán cho người dưới 18 tuổi v.v… rất đáng hoan nghênh. Cả xã hội ta đã nhận thức tác hại lúc “quá chén”. Các con số thống kê tai nạn giao thông, đâm chém, giết người, loạn luận, bạo lực gia đình… đã đến lúc báo động đỏ về tác hại của bia rượu gây ra.

Thế nhưng, theo tôi cách giải quyết, thay đổi về tâm lý và nếp văn hóa ứng xử của một dân tộc không chỉ dựa vào các văn bản hành chánh. Khi “luật” ban hành dứt khoát có “lách luật” - sự vận động hiển nhiên của quy luật biện chứng. Vậy thì, điều quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi từ nhận thức của mỗi người. Nhận thức ấy không thể một sớm một chiều mà cần có cả quá trình lâu dài trong chiến lược giáo dục và đào tạo con người.

Đây là vấn đề lớn, xin phép sẽ trở lại bàn luận chuyên sâu hơn vào dịp khác.

 

L.M.Q

(nguồn: SGGP tuần san 2.8.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com