Sau khi ăn chung mâm, ngủ chung giường, “cho nhau chắt hết thơ ngây/ trên cánh môi say/ trên những đôi tay…”, nhiều người nghĩ rằng đã thuộc về nhau thì cả hai có được quyền “kiểm tra” lẫn nhau! Không cho mà được à? Mọi tâm tư, tình cảm của người này, người kia biết và có quyền can thiệp.
“Lý thuyết” là vậy, nhưng trong đời sống hôn nhân, mọi việc không đơn giản.
Thật ra, mỗi người đều có một thế giới riêng, chẳng phải “mờ ám” gì nhưng họ không muốn người bạn đời phải biết đến. Dẫu biết đến cũng chẳng thể giải quyết được gì, lại đâm ra nghi ngờ, chất vấn… Nhức cả đầu rồi cãi nhau chí chóe.
Anh bạn tôi đã chia tay người tình cũ lâu rồi. Ai nấy đã có cuộc sống mới, chung vui hạnh phúc. Vài năm sau, do thất vọng, “cơm không lành canh không ngọt”, cô ta mới nhắn tin: “Em cần anh”. Sở dĩ như thế bởi cô nghĩ rằng, chỉ có anh thấu hiểu và yêu thương cô thật lòng, vậy mà ngày đó, cô đã ruồng rẫy anh để đến người khác. Nhận những tin nhắn ấy, anh không trả lời. Đúng ra là anh không dám. Suy nghĩ ấy, thái độ ấy đã cho thấy anh dứt khoát, không dan díu với những gì đã qua.
Đáng khen quá đi chứ?
Vâng, sẽ đáng khen hơn nếu cô vợ không tò mò đọc tin nhắn ấy. Từng chữ, từng dòng cứ như dao nhọn xoáy vào tâm can. Cô khóc òa lên và tra vấn chồng suốt mấy ngày liền. Dù có thề thốt gì đi nữa, vợ vẫn không tin. Nếu lâu nay không có mối quan hệ mật thiết, làm sao người cũ lại nhắn cái tin ngọt ngào… “chết người” đến thế? Trong tình huống này, ai có thể “minh oan” cho anh? Rút kinh nghiệm, trước khi về đến nhà, anh chủ động xóa sạch các loại tin nhắn dễ gây hiểu nhầm.
Anh chồng nọ khi vợ làm bếp đã tranh thủ lấy ngay “dế cưng”của vợ và tò mò đọc dòng chữ: “Em đã về đến nhà chưa?”. Trả lời: “Dạ, cám ơn anh”. Anh nóng bừng mặt. Hai người có mối quan hệ thân thiết cỡ nào, lại quan tâm nhau đến thế? Thật ra câu chuyện chỉ là: Hôm ấy, trời mưa tầm tã nhưng vợ anh vẫn rời khỏi công ty, vội vã đi đón con rồi về nhà lo cơm nước. Anh trưởng phòng can ngăn, bảo đợi hết mưa hãy về cho an toàn nhưng cô không nghe. Hành động của cô, đáng khen quá đi chứ? Vậy mà anh chồng đâu hiểu cho. Tối hôm đó cơm nước lạnh tanh, chẳng ai buồn đụng đũa.
Từ ngày có điện thoại di động, thuận lợi đấy nhưng cũng nhiều rắc rối không kém. Có những cặp vợ chồng quy ước nhau, không được xem điện thoại của nhau. Thế lại hay. Bởi có những trường hợp tách khỏi ngữ cảnh, người ngoài sẽ hiểu qua một góc độ, một sắc thái tình cảm khác.
Rồi thế giới facebook cũng có xẩy ra những oái ăm còn tệ hại hơn. Nơi ấy, những lúc muốn xả xì- trét, có cô lên đó “chém gió”, chẳng hạn: “Chiều nay có ai rủ đi ăn bún bà Béo thì vui quá”. Lập tức, cả vài chục comment của bạn bè chia sẻ, có người hào phóng mời. Ngay lập tức, anh chồng tò mò đến quán từ sớm, ngồi chờ trước với ý định… cực kỳ trong sáng: “Để xem cô nàng đi chung với ai? Đến nước này, chớ có gân cổ lên cãi nha!”. Trong lúc anh chờ dài cổ, đâu hay biết vợ mình đã về đến nhà và đang lo cơm nước như mọi ngày.
Cô bạn tôi còn nhớ như in cuộc cãi vã ầm ĩ suốt mấy ngày liền. Đêm ấy, anh nhất quyết không đi nghe ca nhạc bởi khoái nhậu với bè bạn hơn. Quay về đến nhà, cô ném lên một câu status: “Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau”. Đơn giản chỉ vì yêu thích ca khúc ấy. Anh chồng tò mò đọc được, đoán già đoán non rồi hùng hổ truy xét cớ làm sao nàng lại ước như thế?
Thật mệt mỏi khi mọi động tĩnh, suy nghĩ vu vơ nào cũng không lọt khỏi sự tò mò của người đầu ấp tay gối! Có những cảm xúc chỉ thoáng qua, nhưng không khéo lại “trầm trọng hóa vấn đề” khiến đời sống kém vui. Không gì tệ hại hơn sự nghi ngờ luôn thường trực trong đầu lại bắt đầu từ tính tò mò mà ra.
Có ai đó nói rằng, những thế giới riêng tư của người ta, cách tốt nhất đừng thèm ghé mắt vô. Khi một người đã có ý định mờ ám gì khác, chẳng dại gì họ lưu lại “vết tích” nơi ấy mà giấu nhẹm đi. Đúng thế thật. Dù cô vợ luôn nghi ngờ tính nết “thấy gái mắt sáng như đèn ô tô” nhưng anh bạn tôi vẫn hiên ngang “qua mặt” như chơi. Kinh nghiệm của anh như sau: Hễ “chân dài” đang trong tầm ngắm anh luôn lưu lại bằng những cái tên đàn ông, thòng thêm chức danh rất đàng hoàng. Nếu tò mò, muốn kiểm tra, cô vợ cũng rối trong “mê hồn trận” ấy. Có người còn tinh quái hơn, khi nhắn tin không xưng “anh em” mà chỉ “mày tao chi tớ”. Lúc điện thoại, nếu nghe những câu “hầm hố” như: “Mày hả? Tao đang ở nhà. Nhậu nhẹt gì?” là thừa biết có “gấu mẹ vĩ đại” đang kè kè bên cạnh. Cúp máy ngay. Những quy ước nho nhỏ này cho thấy, con người ta luôn có cách lách qua mọi sự kiểm tra, dù gắt gao đến đâu!
Chung sống với nhau, một trong những nguyên nhân khiến “người trong cuộc” mệt mỏi vẫn chính do tính tò mò mà ra. Tự mình buồn bực rồi đâm ra nghi ngờ lung tung. Có những chuyện ấm ớ, vô thưởng vô phạt lại trở thành “ngòi nổ” cho các cuộc tranh cãi… lãng xẹt! Cách tốt nhất, cả hai nên chủ động tự đề ra quy ước về “thế giới riêng”, từ đó cùng tôn trọng và chọn cách ứng xử hợp lý nhất.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 28.7.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|