“Khi người bạn đời được “thăng quan tiến chức”, bạn buồn hay vui?”. Nghe thế, nhiều người buột miệng: “Ơi hay, hỏi gì lãng xẹt vậy trời? Sao lại không vui?”. Thế nhưng, có nhiều chuyện éo le, ấm ức khó thể tâm sự, chia sẻ với ai khác, dẫu bạn bè rất thân thiết. Vì thế, sau tin vui ấy, nhiều người tặc lưỡi ngâm câu thơ buồn não ruột: “Bao giờ cho đến… ngày xưa?”.
Sau khi cưới, trên bước đường lập nghiệp, đôi vợ chồng trẻ cùng một điểm xuất phát. Cả hai cùng là nhân viên bình thường trong công sở nọ. Với anh chồng, chỉ cần ổn định công ăn việc làm, chiều tan sở ngồi lai rai với bạn bè, tối về hú hí với con, xem ti vi, lướt web là hài lòng. Trong khi đó, cô vợ có chí tiến thủ, quyết không “dậm chân tại chỗ”. Nhờ đó, sau một thởi gian được bổ nhiệm trưởng phòng. Ai cũng mừng cho cô, riêng anh chồng lại… không.
Khi vợ/chồng “thăng quan tiến chức”, mối quan hệ xã hội của họ nhiều khả năng cũng khác trước. Ngày nọ, cô vợ thỏ thẻ: “Mình đổi xe mới đi anh. Bạn bè em chế giễu cái xe nhà mình “cùi bắp” quá”. Người chồng giật nảy người: “Tiền đâu em?”.Cô vợ nhéo mũi chồng mà rằng: “Anh khéo lo xa”. Nhẫm tính một lúc về tiền thu nhập của vợ, anh yên tâm nhưng xét chưa cần thiết vì còn phải lo nhiều thứ khác nữa nên cản. Vợ cãi: “Chẳng lẽ, với chức vụ mới mà em đến cơ quan cũng với chiếc xe “cùi bắp” ấy sao? Phải bằng chị bằng em, anh à”. Tất nhiên, anh không đồng tình. Nhưng rồi, quyết định cuối cùng không thuộc về anh, bởi lẽ so với vợ, lương anh chỉ như “bò chét nhét miệng hùm”!
Khi có được nguồn tiền thu nhập cao hơn, nhiều người lại giữ luôn vai trò “chủ đạo”, trước lúc làm việc gì cũng không thèm hỏi qua bạn đời một tiếng. Trước kia, anh bạn tôi dành riêng phòng khách cho bạn bè văn nghệ văn gừng, các văn hữu có thể đến bình luận thi thẩn cuối tuần. Dù bàn ghế đơn sơ nhưng ấm cúng, anh hài lòng lắm. Đột nhiên ngày nọ, cô vợ cho vác về một bộ sa lon to đùng, lại thay luôn tranh ảnh đang treo trên tường để tỏ ra “quý tộc” hơn. Thiện ý này không ngoài mục đích do cô “thăng quan” nên ít ra vật dụng cũng phải “xứng tầm”. Không ngờ, sóng gió ầm ầm nổi lên.
Những chuyện mua sắm này có hợp lý hay không, chưa bàn đến. Có điều trong những trường hợp này, nhiều người chồng cảm thấy bị “lép vế” quá. Chưa hết, có người còn “tủi thân” bởi lúc xã giao, giới thiệu tên tuổi, bạn bè thường nói: “Đây anh X, ông xã của cô A”, dù cô không có mặt ở đó. Sở dĩ vậy, là cũng nhằm “cầu chứng” cho “vai vế” của anh X trong xã hội. Những trường trường hợp này không phải “ăn theo” uy tín của vợ là gì?
Điều khiến họ dễ cảm thấy mình “dưới cơ” nhất vẫn là mức thu nhập. Tất tần tật những gì mua sắm trong nhà, lo toan chuyện học hành con cái đều từ tiền bạc của “người kia”, vô hình chung họ cảm thấy tiếng nói của mình “yếu” dần đi. Không ít người sau khi thăng chức cũng thay đổi ít nhiều tính nết. Họ cảm thấy rằng, người vợ/ chồng khó có thể chia sẻ công việc như trước.
Anh bạn tôi sau khi trúng cử vào chức danh lớn của một hội nghề nghiệp, lập tức bao nhiêu người xum xoe, cầu cạnh nên anh thường được mời đến nhà hàng sang trọng này, dự hội nghị tầm cỡ kia v.v… Thế nhưng anh không thể dẫn theo vợ như trước, dù họ có mời cả “phu nhân”. Quan khách ở đây toàn những người có “máu mặt”, giám đốc công ty này, chủ tịch hội đồng nọ trong khi đó vợ anh chỉ là người bình thường nên anh nghĩ khi giới thiệu khó “làm sang” cho mình. Từ đó, cả hai khó có thể “dính nhau như sam” nữa.
Mới đây thôi, sau khi anh bạn tôi được đề bạt lên vị trí cao hơn, có xe hơi đưa rước đi làm mỗi ngày, cô vợ vẫn đi dạy học, dù lương ít ỏi nhưng đó là niềm đam mê của cô. Anh không đồng ý: “Lương em ba cọc ba đồng, không bằng một hai chầu nhậu anh tiếp khách. Lại còn hao tốn sức khỏe, mau già người. Chi bằng em ở nhà lo cho con. Mọi việc anh lo tất”. Tưởng nói chơi, sau đó anh cương quyết làm thật và cuối cùng, hô đã quyết dịnh “đường ai nấy đi”. Rõ ràng, dù có tiền, có chức quyền nhưng nếu xử sự thô bao, không khôn khéo cũng có thể gây tổn thương cho người khác.
Thông thường, khi người này “thăng quan tiến chức”, người kia phải mừng. Thế nhưng có những trường hợp ngược lại, nghĩ cho cùng là do cách ứng sử thiếu tinh tế, không khéo léo mà ra. Nghĩ mình danh giá hơn, thu nhập cao hơn nên đã vô tình hay hữu ý “cao giọng” trong lời ăn tiếng nói, thái độ “kẻ cả” với vợ/ chồng. Chính điều này là nguyên nhân chính gây ra sự bất hòa đáng tiếc. Nghĩ cho cùng, tình chồng nghĩa vợ vẫn là điều cốt lõi nhất. Do đó, dù được thăng chức vụ thế nào ngoài xã hội, khi về đến nhà hãy trở lại và làm tròn vai trò chồng/ vợ như vốn đã xác lập trước đó.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 30.6.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|