Một trong những câu “slogan” quen thuộc hiện nay của giới trẻ: “Cuộc tình dù đúng dù sai, đứa nào nhớ dai thì đứa đó khổ”, tưởng bông lơi, cười cợt nhưng ngẫm lại thấy… đúng! Có những sự bực dọc, nỗi buồn từ quá khứ xa xăm cứ ám ảnh mãi khiến nhiều người khó mà vui sống.
Chuyện đã qua rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại, họ không thể bình tâm, nghiến răng kèn kẹt như thể muốn “ăn tươi nuốt sống” ngay tắp lự; hoặc quát lên một câu nặng nề như báng bổ vào mặt “đối phương” cho nhẹ lòng. Ô hay, những lỗi lầm, sai phạm ấy đã được giải quyết xong rồi kia mà? Vậy mà hễ có dịp, lại bùng lên như lửa giấu trong tro. Than ôi, chẳng khác gì giữa bầu trời quang đãng bỗng dưng đột ngột mây đen ùn ùn kéo đến, giông tố ầm ầm khiến người trong cuộc “trở tay không kịp”!
Sau khi cưới nhau, mặn nồng cá nước, én nhạn hiệp đôi, cả hai tâm đầu ý hợp và trở thành “cặp đôi hòan hảo”. Thiên hạ dù xấu bụng cũng thầm khen hạnh phúc của họ. Ngày nọ, sau những lời tỉ tê ngọt ngào, người chồng gặng hỏi… một cách vu vơ: “Trước anh, em đã “sâu sắc” với ai chưa?”. Chuyện tình xa lắc xa lơ thời sinh viên, hầu như đã quên; và nhất là nghĩ đến hạnh phúc tràn trề đang có nên chẳng việc gì cô vợ phải giấu giếm. Chị hồn nhiên kể lại - như trước đây chồng cũng từng “công bố” những bóng hồng trong dĩ vãng.
Tưởng chuyện đơn giản như “đang giỡn”, nhưng từ đó trở về sau, khi gặp chuyện không hài lòng là anh lại lôi ra “làm hành làm tỏi” cứ như thể mình đã từng chứng kiến! Thật ra, dù vợ chồng nhưng vẫn có những chuyện “sống để dạ chết mang theo”, bởi kể ra vô tình khiến đời sống lứa đôi kém đi sự thi vị.
“Không bắt tận tay, không day tận mặt” đã thế, huống gì có những tình huống bắt gặp quả tang thì sao? Ngày kia, người vợ nói với chồng đi công tác xa 1 tuần. Do công việc kết thúc sớm nên chị về trước 1 ngày. Nghĩ mọi chuyện vẫn bình thường nên chị không điện thoại báo trước, hơn nữa, muốn cho anh bất ngờ. Lúc mở cửa vào nhà, rồi nhẹ nhàng đẩy cửa phòng ngủ, chị hoảng hồn khi thấy anh đang âu yếm với người khác. Chị không nói gì, lẳng lặng khép cửa phòng bước ra ngoài và mãi đến chiều tối chị mới quay về nhà. Cứ xem như mọi việc không gì xẩy ra, vài ngày sau đó chị mới “đóng cửa bảo nhau”. Nghe vợ trút hết mọi sự giận dữ, đay nghiến, chì chiết khiến người chồng mặt xanh như tàu lá chuối. Những tưởng từ sự cố này sẽ “lớn chuyện”, nhưng sau đó chị không một lần nhắc đến nữa. Không nhắc lại vì hơn ai hết chị biết quên, biết tha thứ. Sự cao thượng, khoan dung của vợ đã khiến người chồng tự “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Và quả nhiên, anh chẳng hề dám léng phéng thêm một lần nào khác.
Cũng câu chuyện oái oăm đó, nếu không biết quên, tự mình sẽ làm khổ lấy mình. Nỗi khổ tâm này, khiến con người ta lúc nào cũng nghi ngờ, đặt ra nhiều tình huống giả định rồi tự dằn vặt, so sánh: “Đời tôi sao cà chớn thế này? Chẳng bù vợ chồng anh X, chị Y lúc nào cũng hạnh phúc rạng ngời”. Thế là hễ gặp lúc chồng / vợ đi công tác xa, hội họp bạn bè… lập tức trong đầu đã tưởng tượng ra đủ chuyện “cực kỳ gay cấn”! Do đã nghĩ ngợi trước trong đầu nên khi người đó về, lập tức có bao nhiêu câu hỏi gay gắt tuôn ra dạt dào: “Cô/ anh đừng có nói là tôi vu oan giá họa nhá. Chuyện hôm kia còn sờ sờ ra đó, nhớ chưa? Nhớ chưa?”
Lúc giận dữ, ít ai có thể kiềm chế lời ăn tiếng nói nên sự việc càng trầm trọng hơn. Mà, tâm lý con người cũng lạ, dù đã không còn “tái phạm” sai trái đó, nhưng cứ chì chiết mãi, họ cũng tự ái “làm cho có”! Đôi khi chuyện chẳng có gì cả, nhưng nếu không biết quên thì lại tự mình “ngộ độc”.
Thời gian đang “tìm hiểu” nhau, có duy nhất lần nọ do không muốn chàng quấy rày, đeo đuổi nữa nên lúc chuông reo, nàng nhờ người yêu mới nói một câu sắc lẹm: “Xin lỗi anh, tôi là người yêu của X. Anh đừng làm phiền cô ấy nữa”. Nghe câu nói “chết người” ấy, lập tức lửa ghen ngùn ngụt cháy bùng, chàng càng nung nấu ý chí phải giành cho bằng được thắng lợi cuối cùng. Với quyết tâm sắt đá ấy, chàng toại nguyện. Thế nhưng trong tâm trí vẫn còn lởn vởn câu nói kia, lúc chung vui với bạn bè trong công ty của vợ, hễ nhìn thấy gương mặt nam tính nào, đẹp trai phong độ là chàng ghé tai hỏi nhỏ nhưng ngụ ý mọi người cùng nghe: “Có phải chàng mặc áo xanh, cao 1m8 kia ngày trước trả lời điện thoại anh không?”.
Lần sau cũng thế, ghét quá, không cho đi theo.Chàng căn vặn: “Cô muốn đi một mình đặng dễ dàng hú hí với người cũ chứ gì?”. Những câu nói xóc hông ấy khiến dẫn đến một cuộc đấu khẩu bất phân thắng bại.
Trong đời sống có ai dám vỗ ngực rằng mình không bao giờ có lúc sai lầm? Cơm và vô tới miệng còn rớt ra, nữa là. Do đó, khi biết được sai lầm của người bạn đời, cách giải quyết khôn ngoan vẫn là biết quên, biết tha thứ. “Khép lại qua quá khứ để hướng đến tương lai” - câu nói này áp dụng không đời sống hôn nhân vẫn luôn có ý nghĩa tích cực.
L.M.Q
(Nguồn: TGPN 21.7.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|