“Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Về chung vui bên gia đình/ Tết Tết Tết Tết đến rồi”. Vừa nghe tiếng hát nhí nhảnh, rộn ràng, cô vợ ngoái lại hỏi chồng: “Ủa, năm này gia đình mình ăn Tết ở đâu anh?”. Anh chồng đang nghía cành đào tươi thắm, thả hồn du dương theo tiếng nhạc, giật mình: “Ừ, cũng như mọi năm”.
Mọi năm, khoảng trưa ngày mồng Một, cả nhà lên xe phóng về nội. Nhà khóa trái cửa, nhờ hàng xóm trông giúp vài ba ngày. Quê nội, nào có xa xôi gì, đi ô tô vài tiếng đồng hồ là đến. Suốt mấy ngày Tết, vợ chồng con cái sum vầy bên bố mẹ. Ông bà nội tha hồ nựng, chăm sóc, hàn huyên cháu con cho bõ nhớ. Đã thành thông lệ rồi. Sao năm nay còn hỏi? Cô vợ chớp chớp đôi mắt như công chúa ngủ trong rừng thức giấc lúc đầu xuân: “Năm nay “phá lệ” đi. Mình ở nhà "tĩnh dưỡng" nha anh”.
Trời, anh trợn tròn con mắt.
Sở dĩ chị tha thiết đề xuất nguyện vọng bởi ngày Tết nhưng nào có được nghỉ ngơi. Về quê chồng, phận dâu con nên chị phải cáng đáng mọi thứ từ nhà bếp ra đến ngoài sân cho các cuộc nhậu mà gia đình chồng tiếp đãi anh em, bầu bạn. Trước đây, hãnh diện với “bá quan văn võ” vì chị là con dâu nhà này. Đố mèo mỡ, gái gú nào có thể chen vào “xí phần”. Bây giờ thì khác. Con cái đã lớn, chị muốn nhân nghỉ Tết dài ngày năm Ngọ cho chúng nó một chuyến đi chơi xa. Hơn nữa, chị cũng cần thư giản, nghỉ ngơi, hú hí với chồng. Anh lắng nghe, không dám thở dài, chỉ ư ử… ngâm thơ Huy Cận: “Thâu qua cái ngáp dài vô tận/ Hình ảnh lung linh vũ trụ tàn”! Nghe “hoàn cảnh” quá chừng.
Chuyện lên kế hoạch ngày Tết, đôi lúc lại rắc rối. Dù tính toán, bàn bạc thế nào thì đôi lúc phải biết chấp nhận “thiệt thòi” một chút về phía mình, nhất là ở vai trò người đàn ông trụ cột trong gia đình. Không thể lấy quyền gia trưởng buộc vợ con thế này thế kia theo sở thích cá nhân. Nói như thế, bởi có những trường hợp trái khoáy, anh chồng chỉ muốn vợ con “túc trực” ở nhà để lo bữa nhậu tiếp đãi bầu bạn. Nếu có dẫn đi chúc Tết hàng xóm, họ hàng cũng sa đà vào men say bí tỉ, bỏ mặc vợ con ngong ngóng chờ!
Chị bạn tôi thở ngắn than dài rằng, mọi năm, hai đứa nhóc tíu tít níu váy đòi đi theo nhưng năm nay lại khác. Chúng xin bố mẹ cho làm cú “phượt” cùng bạn bè mà sang tận Singapore. Chà, mấy năm rồi “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”, một phần vì công ăn việc làm mà nhất là tài chính. Tằn tiện bao năm mới vợ chồng mới có thể quà cáp, dắt díu về thăm quê cha đất tổ. Rồi từ hồi cuối năm đã hứa hẹn với ông bà nội Tết này đông đủ cháu con. Thế mà, chúng lại “trở chứng”. Khổ thân chưa? Dù không vui nhưng cuối cùng vợ chồng chị đành tặc lưỡi: “Chúng nó nhỏ nhít gì nữa, thích chơi Tết với bè bạn cùng trang lứa thì mình phải chấp thuận thôi”.
Mọi năm, về quê nội luôn là ưu tiên hàng đầu. Thuyền theo lái, gái theo chồng cơ mà. Năm nay, nghe tin bố mẹ ông ốm, chị vợ muốn chồng đưa cả nhà về quê ngoại, luôn thể vấn an các cụ. Hợp lý quá, anh chồng gật đầu cái rụp. Cô vợ mừng rơn như được hồi xuân những mấy chục xuân xanh. Trên thuận dưới hòa là vui. Ngại nhất, lúc ấy, chồng ầu ơ ví dầu bàn lảng qua chuyện khác.
Lại còn có chuyện, năm ngoái kinh tế suy thoái, làm ăn không như ý nên vợ chồng có lúc lục đục, gấu ó nhau mãi. Anh chồng muốn “làm hòa” bằng cách đưa cả nhà đi đâu đó “hâm nóng” lại tình yêu. Nghe bố mẹ bàn, các con vỗ tay hoan nghênh quá xá. “Tết mà”. Thấy cả nhà trên dưới một lòng, đồng thanh nhất trí với “phương án” đó, anh hào hứng điện thoại thông báo bố mẹ kế hoạch vừa thay đổi. Chuyện này đơn giản quá, phải không? Thì đây: “Ừ, tùy vợ chồng con thôi, nhưng mà, mẹ nhớ mấy cái Triêm, cu Nhớ quá”. Chưa hết: “Con quên rồi à? Tết này, tộc họ mình họp mặt đầu năm rồi bàn luôn chuyện sửa chữa từ đường nữa. Con là cháu đích tôn của tộc, con không về, thử hỏi bố…”. Tự dưng điện thoại mất sóng như sáu câu vọng cổ đang xuống xề mùi mẫn bỗng im bặt!
Trong tâm thức Á Đông, chứ không riêng gì người Việt, ngày Tết luôn là cuộc tri ngộ, sum vầy của các thành viên trong gia tộc. Quanh năm buôn bán, làm ăn xa, ngày tết là dịp cùng tâm sự, chia sẻ tình cảm của năm qua. Hơn cả thế, sự sum họp này không chỉ của người trên dương trần mà còn là khoảnh khắc ông bà tổ tiên cùng quay về sum họp với cháu con. Mâm cơm ngày Tết, chén chú chén anh mà thiếu người này, vắng người kia cũng kém vui. Những lúc cúng giao thừa, mừng tuổi năm mới, thắp nén nhang trên bàn thờ ông bà luôn có ý nghĩa lớn lao, thiêng liêng hơn mọi ngày. Con cái làm ăn xa, có điều kiện kinh tế mà không về quê ăn Tết, các bậc phụ huynh cau có, trách móc cũng phải thôi.
Thế đấy, chuyện nghỉ Tết, ăn Tết thế ở đâu, đôi lúc cũng là bài toán khó.
Cả năm tât bật lao vào công việc, mỗi gia đình có lựa chọn khác nhau miễn tâm đầu ý hợp. Nói nghe dễ nhưng do sự ràng buộc của nhiều mối quan hệ nên phải cân nhắc. Ý chồng một đàng, ý vợ một nẻo. Dung hòa thế nào? Con cái đòi chơi Tết nơi này nơi, bố mẹ lại muồn ở nhà tiếp khách. Ừ, cho chúng nói đi theo tour với theo bè bạn nhưng chẳng lẻ “bám trụ” giữ nhà chỉ có chàng và nàng song ca: “Tết Tết Tết Tết đến rồi/ Tết đến trong tim mọi người”?
Chuyện ăn Tết ở đâu là do mái ấm đó quyết định, tuy nhiên đừng quên ý nghĩa của ngày Tết khác hẳn với mọi ngày. Do đó, vợ/ chồng trong lúc “oản tù tì” cần tự biết phải nhường nhịn thế nào để tìm ra “đáp án tối ưu” nhất.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí TGPN 27.1.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|