- Phiền đến thế là cùng. Thêm một ly nữa nhé? Tớ muốn uống cho say trước khi về nhà ngủ đây! Này ông, về nhà là trở về không gian yên tĩnh, vậy mà cũng không xong. Khách đến chơi nhà làm là xáo trộn mọi sinh hoạt thường nhật. Khổ thế. Nhưng khó nói. Nói thế nào đây? Cả một ngày “đốt hết năng lượng” ở cơ quan, về nhà muốn thảnh thơi một nơi với thú vui quen thuộc hằng ngày như xem ti ti, đọc sách... thì chẳng lẽ để khách ngồi chèo queo một mình? Dù không “chưởi chó mắng mèo”, nhưng “người ta” dễ hiểu nhầm nói mình đuổi khéo!”
Thì ra là thế!
Trước đây, trong gia đình có những mối quan hệ, nay ngẫm nghĩ lại, cứ nghĩ chuyện... cổ tích. Chẳng hạn, nhà văn Nguyễn Công Hoan có lần kể rằng:
“Hồi mình còn nhỏ, cứ vào chiều hăm bảy, hăm tám Tết, là thấy cụ Thắng Lãm đến thăm gia đình ở quê nhà. Cụ vừa vào cổng thì cả nhà mừng, chạy ra đón. Cụ cao lớn, chống gậy, nói to và hay cười nhưng lại điếc. Cụ là bạn thân của ông nội mình. Ông nội mình mất sớm, năm ngoài ba mươi tuổi. Trước kia, cứ đến ngày giỗ, thì cụ Thắng Lãm sang. Nhưng rồi cụ bảo đi ăn giỗ thì buồn. Cụ đổi ngày đến thăm, là trước Tết. Chờ cụ nghỉ ngơi khỏi mệt thì nhà bưng cơm rượu lên. Trước khi ngồi vào mâm, cụ đến bàn thờ, thắp hương, lẩm nhẩm lời khấn, rồi vái bốn vái. Cả nhà kính cụ như cha. Cụ thăm hỏi không thiếu ai.
Sáng hôm sau, cụ dậy sớm đi ra đồng. Cụ thăm mộ ông nội mình và vài ngôi ở gần. Thấy chỗ nào sứt lở, cụ bảo anh người nhà đắp lại cho cẩn thận. Rồi cơm nước xong, cụ chống gậy ra về. Mình coi cụ như ông. Mà chính vì thế, nên chẳng bao giờ tìm hiểu xem Thắng Lãm là tên cụ, hay tên làng. Và từ làng cụ đến đây bao xa. Cả nhà quý cụ là người bạn chân thành của ông mình. Cụ chỉ vì tình xưa, nghĩa cũ, trước sau như một, mà đến thăm quê bạn, thăm con cháu của bạn. Nếu cần lợi lộc, cụ đã đến nơi mà con của bạn làm quan.
Này ông, thử đặt trường hợp cụ Thắng Lãm sống trong thời đại @ này, cái thời “chỉ cần một cú click chuột thì đông đã sang tây” liệu cụ có được tiếp đón nồng nhiệt như thế không? Ở thành phố, nhà nhỏ như hộp diêm phải tận dụng từng mét đất, một người khách ở quê lên thăm, ở lại chơi dăm ba ngày đã là một sự “chịu đựng” ghê gớm của chủ nhà.
- Ủa sao lại nói thế? Ông là doanh nhân thành đạt, nhà cao cửa rộng kia mà.
- Đành rằng là vậy, nhưng mọi sinh hoạt thường ngày ít nhiều đã có sự xáo trộn. Khó có thể mở miệng nói với khách câu “nhập gia tùy tục” được. “Năm thì mười thuở” người ta đến chơi một lần, khó dễ với nhau e không phải phép. Chẳng hạn, trong nhà không ai hút thuốc lá, nhưng khách thì phì phèo liên tục như ống tàu nhả khói. Ông chịu đựng được, nhưng vợ và con ngấm ngầm phản đối quyết liệt thì cũng mệt. Dù vợ không nói ra nhưng đã “mặt nặng mày nhẹ” thì trong nhà cũng kém vui. Lúc ấy, nếu con của tớ bày tỏ sự khó chịu ấy với tớ thì còn may, chứ nó trực tiếp phàn nàn với khách thì chỉ có “rách việc”!
Mà lúc khách đến chơi nhà, đâu chỉ mỗi mình họ, nếu bạn của họ cũng đùng đùng kéo đến nhà mình thăm họ thì sao? Chẳng lẽ tớ “kín cổng cao tường” rồi “ngăn sông cấm chợ” chăng? Coi sao được. Đành bấm bụng mà chịu. Thông thường, nhà của tớ chỉ khoảng chín, mười giờ tối là tắt đèn đi nghỉ, nhưng sau giờ ấy bạn của khách lại đến gõ cửa! Phiền toái thật. Đành tặc lưỡi “thôi kệ”. Thầm mong thời gian qua nhanh, dăm ngay nửa tháng trôi lẹ làng để khách “biến” đi là ổn!
- Ừ! Ông “nhỏ to tâm sự” nghe cũng “hoàn cảnh” lắm.
- Không những khách mà ngay cả người ruột thịt, thậm chí ngay cả bố mẹ ruột ở quê lên chơi, không khéo cũng sinh chuyện. Tớ kể ông nghe câu chuyện nhỏ. Nghe cũng buồn cười. Chuyện rằng, có ông cậu ruột đến chơi nhà, sau dăm hôm “cơm hầu nước rót” chu đáo, cô cháu dâu không muốn cậu nấn ná thêm nữa, một tuần nửa tháng rồi còn gì! Cô bèn nghĩ ra một cách khá độc chiêu. Cứ trước giờ cơm, cô nàng từ mày mày bí rị “long lanh lệ thầm”. Chồng hỏi: “Tại làm sao?”. Đáp: “Em vừa mới để tiền chỗ này này, chẳng rõ nó mọc cánh bay đàng nào?”. Cô nàng không dám nói lớn, chỉ nhỏ nhẹ như... sợ cậu nghe được!
Qua ngày sau “kịch bản” này cũng lặp lại. Rồi ông cậu cũng nghe được câu chuyện đó! Thế là ông cậu cũng quyết “dứt áo ra đi”! Chẳng lẽ, cứ ở trong nhà nó, mà nó mất tiền như thế này thì mình cũng mang tiếng oan, chi bằng...
Vậy là “kịch bản” này kết thúc một cách... tốt đẹp!
Ông thấy thế nào? Khó có thể nói ai đúng sai trong chuyện này. Đời sống đô thị, mái ấm gia đình “thu gọn” lại với một không gian riêng biệt, ít có sự chia sẻ có tình cách “làng nước” như ngày xưa. Làm một ly nữa nhé! Bia ngon nhỉ? Tớ nghe đâu ở nước ngoài, khi bố mẹ già yếu, đã “sụp bà chè” thì con cháu đưa ông bà vào viện dưỡng lão? Nghe ra tàn nhẫn thật. Mẹ ở chung nhà với con trai thì tốt quá đi chứ. Nhưng khổ nỗi còn... cô con dâu thì sao?
Tôi đã đọc đâu đó câu chuyện thật cảm động. Đêm nọ cậu con trai đi nhậu về “quắt cần câu”, người ngợm ướt như chuột lội vì phải đội mưa mà về, đến nhà bỗng thèm một bát chè đậu đen, bảo vợ đi nấu. Vợ ngái ngủ bảo, đậu không còn, đường cũng hết, thôi anh ngủ đi, mai em nấu cho ăn! Chồng không chịu. Vợ bèn “dỗ ngon dỗ ngọt”. Dỗ rằng, “Ngủ đi anh, mai em bù cho anh gấp đôi”. Nghe cũng hợp lý, chồng gật gù đồng ý. Nhưng lúc ấy, ở nhà trong bà mẹ già vẫn chưa ngủ, biết con đang thèm chè, bà lẳng lặng dậy, đội mưa ra chợ mua đường đậu về nấu con trai bát chè. Tội nghiệp bà cụ. Tớ không biết cậu con trai ấy nghĩ gì lúc ăn bát chè, nhưng chắc chắn trên khóe mắt có lăn xuống giọt nước mắt vì thương sự tảo tần của mẹ... Còn cô vợ thì sao? Tâm trạng của cô lúc ấy cũng “ngổn ngang” như tơ vò chứ đâu có đùa!
- Đúng! Chuyện tưởng đơn giản, nhưng cũng... rắc rối nhỉ?
- Này ông bạn của tớ! Nếu ở chung nhà mà mẹ chồng với nàng dâu không “hợp gu” nhau, không chóng thì chày cũng “có chuyện” đấy nhé! Chỉ xin đơn cử một trường hợp: Ở nhà của con trai, mẹ chẳng “ăn không ngồi rồi” bao giờ, mẹ lo công việc nấu nướng cho cả nhà. Ăn uống xong, vợ chồng nó gắn chặt mắt vào cái máy truyền hình. Còn bà thì lặng lẽ lui cui dưới bếp, xong lên giường nghỉ. “Năm thì mười họa” mẹ con mới trò chuyện với nhau, còn con dâu với bà thì hầu như cả hai cùng giữ quan điểm... “im lặng là vàng”!
Mà trời ạ, có chuyện gì để nói với người mẹ già nua, lẩm cẩm đã “gần đất xa trời”?
Trong khi đó, với vợ tất nhiên người chồng còn nhiều chuyện phải bàn bạc, phải trao đổi... Rõ ràng dù chung một nhà, nhưng hai thế hệ vẫn không hiểu nhau. Chính vì không hiểu nhau, nên một nhà văn Trung Quốc đã viết câu chuyện khá cảm động, đại khái, cũng chung sống với nhau như thế rồi ngày nọ, ngay sau khi ăn miếng cơm đầu tiên, cô dâu bỗng buông đũa, chạy vào nhà vệ sinh ôn ọe! Chắc cô nàng bụng dạ “có vấn đề” chăng? Bà mẹ sững sờ. À! Biết rồi mà. Lâu nay nó không nói, nay nó “bày tỏ thái độ” chứ còn gì nữa? Nó khinh mình lú lẫn, nấu ăn mất vệ sinh nên nó mới thế chứ!
Nghe mẹ “than trời trách đất” anh chồng thấy cũng... có lý! Anh chồng cũng giận lắm, không thèm hỏi vợ một câu! Tối hôm ấy họ không chung giường như trước...
Sáng hôm sau, như mọi ngày thì mẹ vẫn dậy sớm lo bữa điểm tâm, nhưng cô dâu lại không cầm đũa!
Thế này, quá quắt thật.
Con dâu nó nghĩ mình “ăn bám”, muốn “đuổi khéo”, không dám nói thẳng nên mới bày trò chứ gì? Lạ gì cái thói “nàng dâu mẹ chồng”! Bà buồn lắm. Bà tự ái. Bà tủi thân. Bà Khóc thầm. Dù thương con, nhưng ngay sau khi vợ chồng nó đi làm, bà lẳng lặng thu xếp quần áo, ra bến đón xe về quê!
Ông à! Không có gì lạ. Đây là thái độ “phản kháng” thường gặp ở người già! Chẳng may lúc ấy trên đường ra bến xe, bà cụ đi đứng lớ ngớ thế nào mà bị ô tô đâm sầm và mất tại bệnh viện. Nghe tin mẹ mất, cậu con trai như điên lên, mọi giận dữ đều trút xuống đầu vợ! Tất tần tật mọi chuyện chỉ do thái độ của vợ mà ra! Sóng gió bắt đầu nổi lên trong ngôi nhà. Sóng gió ngày một dữ dội. Không thể chịu đựng nổi với nhau được nữa, họ quyết tâm ký đơn ly dị.
Nhưng than ôi ông có biết sao không? Sở dĩ cô vợ nôn ọe và bỏ bữa ăn sáng không phải vì mẹ chồng nấu ăn không hợp khẩu vị, mà do lúc ấy nàng đang có thai!
Vào thêm một ly nữa đi ông! Thế đấy, câu chuyện buồn quá! Hơn bao giờ hết, trong thời đại này, tưởng rằng được tiếp cận với biết bao thông tin, tưởng rằng không còn đủ thời gian để tận hưởng mọi chân trời đang mở ra thì con người sẽ gần gũi, sẽ hiểu biết với nhiều hơn nữa. Nhưng thật ra có khi đi giữa đám đông, mà ta vẫn thấy cô đơn, lạc lỏng... Mà thôi, uống đi ông bạn của tớ!
- Uống thì uống, nhưng xin hỏi rằng, chẳng lẽ khách ở quê ra, khách đến chơi nhà thì ta lắc đầu chối phắt à?
- Ai lại làm thế! Trước hết là tớ, tớ luôn nhớ đến lời dạy của Đức Khổng Tử, đại khái rằng, “những gì không muốn người khác làm cho mình, thì mình đứng làm cho người khác”. Vậy, nhiều khi đi công tác xa nhà, đến một nơi xa lạ, dù có nhà người thân quen, nhưng để giữ mãi tình thân ấy, đừng để họ phải “bấm bụng” chịu đựng vì ta, cách tốt nhất là ta nên chọn... khách sạn! Ấy là phía tớ.
Còn khách của tớ thì sao? Thì cũng vậy thôi!
Chọn cho họ một khách sạn, dù mình mất tiền, nhưng bù lại là không gian và thời gian hằng ngày không bị “phá vỡ”. Hoặc bằng không, khi xây dựng nhà cửa thì nên tính toán trước phòng ốc dành riêng cho bạn bè, người thân từ quê dẫu “năm thì mười họa” mới đến “tạm trú” dăm ngày nửa tháng. Mà phải thế thôi. Đó là cách giữ một không gian thư giãn cho riêng mình trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù là lúc có người đến thăm, ở lại vài hôm! Có tiếng là thành đạt, là ăn nên làm ra mà cư xử không khéo lại mang tiếng “giàu đổi bạn”. Khổ thế. Ngẫm đi ngẫm lại, tớ vẫn thấy cách lựa chọn này là phù hợp với nhịp điệu của đời sống hôm nay. Còn ông, ông nghĩ như thế nào? Ta làm thêm một ly rồi chia tay nhé!
L.M.Q
Ghi chú:
(Viết bổ sung cho tập Khi tổ ấm nhảy Lambada)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|