Trong thời đại ngày nay, người đàn bà đã ý thức được “quyền lực” của họ mà bất kỳ người đàn ông nào cũng phải “lép vế”: Quyền đẻ con. Chỉ có họ mới có thể làm được nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý này. Chính từ đó, không ít Roméo, Xuân Tóc Đỏ, Kim Trọng… phải “quay như chong chóng” trước đòi hỏi của vợ/ người tình. Động một chút là các nàng la toáng lên: “Anh không quan tâm, chăm sóc vợ con à?”. Vợ, có thể ta bỏ bê một chút đàn dúm theo chân ngắn, chân dài nhưng với con thì không thể.
Lắm lúc, xông pha trên đường đời quá mệt mỏi, ta muốn an phận thủ thường, bằng lòng với những gì đã có. Lập tức, các nàng hét toáng: “Anh không lo tương lai cho con à?”. Câu nói của nàng khiến ta giật mình mà vươn vai xốc tới!
Vợ chồng giận nhau là “chuyện thường ngày ở huyện”, nàng làm mình làm mẫy bỏ bê cơm nước ư? Chẳng ngán, ta ăn tiệm còn khoái khẩu khẩu hơn nhưng con thì sao? Giận nữa à? Đêm ngủ một mình khỏi phải lo “trả bài” còn khỏe tấm thân. Thế nhưng nàng bồng con tếch về ngoại thì lòng ta như lửa đốt bởi nhớ thằng tí / con tún quá chừng chừng! Cứ thế, cứ thế từng ngày nàng lôi chuyện con cái ra là mọi thứ khiến ta phải “tâm phục khẩu phục” và ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của nàng.
Ta thử xem nếu đàn ông đẻ được con thì lúc ấy mọi việc sẽ ra làm sao?
Trước hết, người đàn ông đâm ra ỷ lại vào vợ, đòi hỏi ở người vợ nhiều hơn vì họ có những 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau kia mà. Cứ bám vào việc sinh con đẻ cái, họ tha hồ “làm tình làm tội” người vợ mà không phải sợ bị chê là “gia trưởng”. Gia trưởng cái nỗi gì khi họ vừa hùng hục như trâu cày kiếm tiền nuôi vợ và vừa phải có trách nhiệm đẻ con cho vợ nữa? Thế là dư luận xã hội đồng thuận với họ. Sướng ơi là sướng! Có lẽ sướng nhất là lúc “nằm cữ” họ được người vợ cung phụng, chiều chuộng tất tần tật mọi thứ bởi “vì tương lai của con em chúng ta”! Lúc ấy, trong các bệnh viện khoa sản mọc lên vô số quán nhậu, bia bọt tràn lan nhằm thỏa mãn như cầu của người sắp đẻ!
Lúc ấy, mỗi người đàn ông là một “ông trời con”, đàn bà phải tìm đến, phải chạy theo họ như bướm vây lấy hoa. Khỏi cần phải tán tỉnh, gạ gẫm, quà tặng lấy lòng giới nữ, khỏi cần “anh theo Ngọ về gót giày lặng lẽ đường quê” mỗi ngày; họ nằm khèo ở nhà là đã có những giai nhân tuyệt sắc tìm đến bởi đàn bà chỉ đóng vai trò mờ nhạt trong cộng đồng, đừng có hòng léng léng và manh nha trong đầu bất kỳ sự cạnh tranh nào về “quyền lực” đẻ con của họ.
Lúc ấy, các cuộc thi hoa hậu chỉ dành cho giới mày râu bởi thiên hạ chỉ quan tâm cái đẹp của người vai u thịt bắp, có sức lao động như trâu cày lại còn biết đẻ con. Cái đẹp ấy hấp dẫn ở chỗ từ lúc “trai tân” đến lúc “dậy thì” và “qua vài lửa” thì thân hình cũng đổi khác mà nữ giới không thể sánh kịp… Lúc ấy, ngoài việc đi làm, đàn ông còn phải siêng năng đi spa, tập thể dục thẩm mỹ để gìn giữ vóc dáng...
Lúc ấy, từ các trường học có thêm nhiều môn học nhằm cho đàn ông vừa giỏi về chuyên môn, vừa phải biết nuôi dạy con với các kỹ năng tuyệt vời như cho con bú, ru con, giặt tả, pha sữa…; các nhà thời trang phải thiết kế quần áo phù hợp cho “ông bầu” v.v… Nghĩa là thẩm mỹ của nhân loại phải thay đổi.
Thậm chí, vì đẻ được nên chắc chắn có nhiều người đàn ông rất “thức thời”, họ chẳng thèm phải có vợ làm gì. Chẳng việc gì phải nuôi thêm một miệng ăn, trong khi bản thân mình hoàn toàn có khả năng chủ động đẻ con để nối dõi tông đường?
Vào ngày nọ, như khát vọng tót vời của mọi Adam trên trái đất này, tôi cũng đẻ được. Vì đẻ được nên hằng ngày, dù tay chân cứng đờ, mỏi nhừ với bao công việc ở cơ quan nhưng vợ “đòi hỏi” nên tôi cũng đành phải chiều, không một lời thở than. Rồi khi có con, vừa cho con bú, vừa dỗ con ngủ, tôi lại vừa nai lưng ra cày kiềm tiền nuôi con nuôi vợ! Lúc đó, tôi thầm kêu: “Trời ơi! Sao tôi khổ thế này?” và cầu cứu ông Bụt:
- Con khổ quá! Con chịu đựng hết nổi rồi, cho con làm đàn ông mà không phải đẻ nữa!
Lập tức ông Bụt hiện ra, nhìn tôi và phán:
- Ta hiểu nỗi khổ của con, nhưng thôi, con chờ đợi thêm chín tháng mười ngày nữa, vì con vừa mới… dính bầu!
Nghe xong, tôi xây xẩm mặt mày, tưởng chừng đất sụt dưới chân như vừa trải qua cơn động đất 12 độ richter.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Thế giới phụ nữ 20/5.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|