Nhà thơ VÕ THỊ NHƯ MAI
Những giai điệu du dương mê hoặc!
Tôi đọc tập bản thảo thơ KHẮC BÓNG THỜI GIAN của anh Nguyên Bình một cách chậm rãi, từ tốn, như kiểu một người nhàn rỗi nhấp ngụm trà, ngồi nhìn ra cửa sổ ngắm hoa mộc lan và nghe chim hót lích chích vui tai, hàng giờ, như kiểu một đứa trẻ thích thú vui cười bận rộn với món đồ chơi mới, mấy hôm, như kiểu đôi tình nhân đang lững thững đi dạo trên một bãi biển sóng vỗ bờ trắng xóa. Những bài thơ của anh mượt mà, nền nã, sang trọng, dịu dàng, nhiều tâm tư, tình cảm mà cũng rất đỗi khiêm tốn, ngọt ngào.
Tôi là người làm thơ, yêu thơ nên cảm thông sâu sắc đặc biệt đối với những người làm thơ. Một cuốn tiểu thuyết đưa chúng ta đến một câu chuyện với nhiều tình tiết, nhiều bất trắc, nhiều tình huống và những cách giải quyết vấn đề khác nhau.
Thơ thì khác, bài thơ hay chắp cho ta đôi cánh tưởng tượng, suy luận, kết nối. Có những bài thơ ý nghĩa với người này nhưng vô duyên với người khác, một tập thơ thì càng khác hơn bởi những bài thơ trở thành những thông điệp nhỏ, có khi riêng lẻ nhưng nếu nhìn tổng thể thì chúng đều có sự liên kết chặc chẻ, chứa đụng tâm tình, là thế giới quan về cuộc sống, tình cảm, con người, đất nước, thiên nhiên....của chính tác giả.
Nhà thơ NGUYÊN BÌNH
Đêm gió về/lặng nghe/cây hoàng lan thở dốc/ Người đi đâu/ đốt đuốc mười phương/ tàn tro khóc/ Thiên hà xám xanh/ mắt đêm rạn vỡ/ khuya rơi./Chuyển động đều/ quán tính ngủ say/ sao khép mắt./Ta cúi đầu/ ngàn năm vuốt mặt/ thổn thức trăng.
Chúng ta có thể nói điều gì khi đọc bài thơ này? Một hiệu ứng kỳ lạ, vừa giản dị, vừa hòa quyện, chúng ta nghe, cảm nhận và tưởng tượng, không gian đêm, trăng thổn thức, người chẳng còn quanh đây, nỗi buồn sâu thẳm, cái cô đơn của người thơ giàu tình cảm, giàu liên tưởng. Bài thơ bắt đầu bằng một bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng và rồi trở nên sống động đến cảm động, cuốn hút ta vào thi cảnh ấy. Thành công của bài thơ là đã khơi nguồn cảm xúc mãnh liệt của người đọc.
Thật bối rối khi đọc một tập thơ với nhiều cung bậc khác nhau, như những bông hoa trong một khu vườn mà đóa nào cũng đẹp, bông nào cũng xinh, bài thơ nào cũng hay và rất đỗi mượt mà. Thôi thì đành điểm qua những cảm nghĩ theo cách riêng của mình, trong khi vẫn đang ngập tràn cảm xúc.
Vẻ đẹp mùa thu
Mùa thu trong thơ Nguyên Bình không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài mà còn ở ý nghĩa mà nó mang lại. Xuyên suốt tập thơ, mùa thu của Nguyên Bình luôn phảng phất một nét buồn dịu vợi. Mùa thu trong thơ ca từ xưa đến nay vừa là mùa thu hoạch nhưng cũng là biểu tượng của những gì đang trôi qua, của hoài niệm, với hàng cây dần trụi lá, trái bắt đầu chín muồi.
Mùa thu của Nguyên Bình còn tượng trưng cho mùa thu cuộc đời, giai đoạn nhẹ nhàng nhất, bâng khuâng nhất, khi mà tuổi trẻ sôi nổi khát bỏng của mùa hè đã qua đi, nhưng thời hoàng kim không vì thế mà biến mất bởi vì thu trong thơ và thơ trong thu vẫn mãi đẹp, mãi gợi cảm. Dường như nàng thơ của anh và mùa thu quyện thành một, là tình cảm thiêng liêng, là nhớ nhung dấu ái mà anh trân trọng, nâng niu.
Mùa thu của Nguyên Bình là nét nhạt phai của chiều, là hương bồ kết vương trên tóc mây, là cơn gió heo may, là làn khói trắng. Mùa thu của anh còn là mùa của hoài niệm, của sắc thu xưa, đóa cúc quỳ, là những lời mật ngọt và phút giây yêu đương quyến luyến vụng về. Đêm trầm tưởng là bài thơ hay nhất của anh, là tôi nghĩ thế, từ ngữ đẹp, ý thăng hoa lung linh. Những ý tưởng được diễn tả trong các tác phẩm của Nguyên Bình nổi bậc sự tương tác giữa vẻ đẹp thiên nhiên và nhận thức của con người, hai yếu tố không thể tách rời nhau, tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau.
Nhà thơ thường nhạy cảm với thời tiết, mùa màng, họ lắng nghe từng âm thanh, từng cơn gió và những đổi thay của không gian xung quanh, này là tiếng gió, hoa cúc vàng, con thuyền trôi trên sông, một cơn gió heo may, tiếng chim trong vườn khuya, để rồi lòng dâng trào xúc cảm, nghĩ đến em, đến những mơ hồ dậy sóng, rồi tự hỏi, liệu nàng còn nhớ đến ta, liệu nàng có nghĩ đến những kỷ niệm chung như ta đang nghĩ về.
Thu này thu mãi bâng khuâng/ Xin làm chút nắng đợi vần thơ ai/ Này em nén tiếng thở dài/Chờ anh vẽ lại chiều phai nhạt chiều... (Vẽ nét thu phai)
Anh gọi mùa em bâng khuâng/ chiều thơm gội đầu bồ kết/ đêm hồng tóc mây em tết/ mùi hương con gái thật thà. (Mùa thu “chết dưới cội hoa”)
Em khóc mùa thu/ heo may lăn tròn vai nắng/ tay níu cành khuya/ xa xôi một làn khói trắng... (Mùa thu hạnh phúc)
Ta chờ em cuối ngõ về mây trắng/ sắc thu xưa lặng lẽ dậy hương rồi/ mang theo nhé đóa cúc quỳ vàng nắng/ hai đứa mình kết lại những mùa vui. (Thu trở lại)
Em gọi giùm anh màu nhớ/ ơ kìa... mây trắng lang thang/ hình như mùa thu chưa nỡ/ chia tay với chiếc lá vàng. (Dấu yêu)
Thu sang nào có hay đâu/ Mãi hong khờ khạo bên cầu nhớ mong/ Hai bờ sông trắng sương giăng/ Bờ vui chưa nối bến trăng neo thuyền. (Nợ tình)
Ánh tà dương xô chiều về đêm muộn/ chớm thu chưa mà sắc nắng hoe vàng/ em có tiếc chút xanh nơi cùng tận/ buổi hạ về lay động bóng thời gian... (Đêm trầm tưởng)
Lặng lẽ em vể trong hơi may/ vườn khuya xiêm áo lạc phương này/ dư ảnh ảo huyền mù sương trắng/ mắt lệ ngàn thu vương tóc mây (Thềm trăng)
Vàng cánh thu sầu hoa cúc/ khăn san vai lạnh hững hờ/ bến sông ai chờ ai đợi/ giặt phơi tình cũ....bao giờ. (Tình không)
Người đi thu cũ đã vàng chưa/ dòng lệ sầu vương hẹn mấy mùa/ ai biết thuyền tình neo cổ độ/ lạnh lùng xa vắng bến sông xưa. (Gởi giọt rượu đào)
Nắng tiêng tiếc ngõ thu vàng/ cơn mê hoa cúc chảy tràn khắp sân/ Tôi vân vê hạt hồng trần/ chờ cây ảo mộng nảy mầm trên tay... (Nảy mầm)
Ngẫng nhìn mây trắng trôi mau/ hình như thu đã về đâu đây rồi/ lắng nghe gió , lắng nghe trời/ lắng nghe tôi chạm lòng tôi...mơ hồ.(Mơ hồ)
Tình yêu thiêng liêng
Viết về mùa thu lãng đãng nhiệm mầu và hay như thế, Nguyên Bình cũng có những câu thơ, những bài thơ có bối cảnh là những mùa khác trong năm. Mùa xuân với đóa mai vàng, hoa tím, hay mùa hạ gợi lại tuổi học trò mộng mơ áo trắng hoa phượng tiếng ve, riêng mùa đông lạnh lẽo dường như ít được chú ý.
Tôi tự hỏi nhà thơ đi qua mùa đông ra sao, à, ngay cả mùa đông của anh cũng rất lạc quan với cúc vàng bướm trắng, thạch thảo yêu kiều, bếp lửa tí tách vui reo. Riêng nàng thơ anh tặng luôn danh hiệu bốn mùa bởi nàng đã ở trong tim, trong tâm khảm. Nàng thơ của anh, tình yêu của anh, trong trẻo, mơ màng, thắm thiết, dịu dàng. Nàng là đóa sen tươi mới, là thiên thanh vời vợi.
Tình yêu anh dành cho nàng rạo rực xúc cảm nhưng e dè trong hành động, đến mức anh phải thốt lên: Giá như sợi tóc đừng câm/ đôi mắt biết nói tay cầm chả run/ thì tôi liều thả nụ hôn/ lên trên cái má phính tròn ...dễ thương... (Lục bát mơ).
Nói chuyện bên lề, Tagore đã từng viết bài thơ dài “Sự tỉnh thức của thác nước” sau một buổi sáng đứng bên hiên nhà nhìn về phía mặt trời ló dạng sau vòm lá, đúng lúc ấy, một sợi mi mắt của ông rơi xuống và đột nhiên ông thấy thế giới đắm chìm trong ánh sáng rực rỡ tuyệt vời, những làn sóng vẻ đẹp và niềm vui dâng trào khắp mọi phía và bài thơ của ông đã tuôn ra như một dòng thác, vừa là gợi cảm thiêng liêng, vừa là hình ảnh tuổi thơ của ông khi nhìn thấy những con sếu bay trên bầu trời đầy mây.
Đọc tập thơ của Nguyên Bình phần nào đó làm tôi nghĩ đến ông hoàng thơ tình Tagore, thi sĩ luôn xem trọng người phụ nữ xinh đẹp tưởng tượng và nàng thơ theo một cách thân thương và sâu sắc đặc biệt, với những sự pha trộn đối lập để minh chứng rằng, tình yêu đích thực của con người không chỉ là dục vọng mà còn là ân sủng thiêng liêng. Hãy đọc những câu thơ tình hay của chàng thơ Nguyên Bình nhé:
Che lòng chiếc lá đơn sơ/ một tấm sen xanh vừa hái/ một nụ hôn chưa bùa ngãi/ thiên thanh vời vợi trên đầu. (Thiên thanh)
Anh mang về nụ hôn/ dại khờ thời cắp vở/ áo dài ơi... nhung nhớ/ dịu mát tím đường quen. (Cho em)
Hỏi giò phong lan hồ điệp/ dùng dằng chưa hé vòi yêu/ chờ ai mà em cắc cớ/ trách tôi hay giận nắng chiều? (Thế thôi hoa tím)
Em bên anh rừng dịu dàng sắc biếc/ cánh nguyên trinh thơm ngát đóa môi gần/ con ong mật say hương mùa gió nổi/ vạn nẻo đi về chở nắng bâng khuâng. (Chuyện tình yêu)
Nắm tay nhau bước về phía tình thôi/ tình vĩnh cửu là tình yêu chân thật.../ mình sẽ nếm ngày vui từ giọt mật./ từ yêu thương vàng óng dấu yêu này.. (Không phai)
Sao mà chỉ một ngày đêm?/ Anh trao tất cả cho em diệu kì:/ Này đây mộng đẹp xuân thì/ Này đây yêu dấu những khi mong chờ. (Tặng em)
Xa nhau chưa mà đồi hoang hoa tím/ ta lấm lem cuối dốc nhớ tuyệt mù/ Em có biết chiều rơi về huyễn mộng/ Ta khóc cười mong nhớ đến thiên thu (Vết thương)
Cành hoa tím/ runh rinh màu chia biệt/ bỗng rạng ngời/ anh cúi ghé môi hôn (Qua cơn đau)
Treo mặt trời bên ô cửa/ tia nắng mong manh như sợi tơ vàng/ tình yêu em có là ngọn lửa/ hôm thiên hà đăng quang? (Tình yêu)
Người phụ nữ lý tưởng hóa trong thơ Nguyên Bình không phải chỉ là hình ảnh trừu tượng đơn thuần mà là sự kết tinh giữa trải nghiệm giác quan và trí tưởng tượng thơ mộng. Những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp và phúc lành của nữ tính trong thiên nhiên, được thăng hoa bằng đam mê và tấm chân tình của một tâm hồn đa cảm, là những cảm giác và tình cảm khiến trái tim rung động tạo nên những nhịp đập đầy năng lượng. Niềm hạnh phúc, sự phai tàn và tình yêu thiêng liêng xuyên suốt tập thơ hòa thành một bản tình ca ký ức, niềm tin và sự kỳ diệu của cuộc sống vốn luôn chuyển động này.
Những trăn trở đời thường
Khi viết một bài thơ, nhà thơ trải qua nhiều giai đoạn cảm xúc, viết xuống, gạch xóa, thay đổi, cho đến khi bài thơ hoàn thành, nhưng mỗi nhà thơ đều biết, bài thơ chẳng bao giờ hoàn chỉnh trọn vẹn, vẫn cứ chưa đủ theo một ý nghĩa nào đó, họ gấp lại nhưng vẫn tin rằng quá trình sáng tạo vẫn tiếp diễn trong lòng bạn đọc và có ai đó vẫn sẽ âm thầm theo dõi nỗ lực khiêm tốn của họ.
Bài thơ tự nó bắt đầu trong thinh lặng, tĩnh tâm, trong không gian rộng mở và được chắp cánh bằng những nốt nhạc, lời ca và bằng những bài cảm nhận ngọt ngào. Cũng như bất kỳ ai làm thơ, Nguyên Bình có một câu chuyện kể thông qua hình ảnh, ngôn ngữ và cảm xúc mà nếu chúng ta đọc chậm, sẽ thấy sự nhất quán tuyệt vời. Khi chúng ta đi qua từng giai đoạn của cuộc đời, cuộc sống chúng ta thay đổi, ý thức thay đổi, theo các mùa và các sự kiện cũng không bị lặp lại bao giờ.
Các bài thơ của Nguyên Bình thường có những khoảng trắng rộng lớn, đóng khung bằng các mảnh ngôn ngữ lôi cuốn, mượt mà, dịu dàng, làm người đọc thổn thức, rồi anh hoàn chỉnh bằng các hình ảnh sống động nhưng vẫn nhường chỗ cho sự giải thích cá nhân và cho những liên tưởng, suy tư của người đọc.
Tâm hồn Nguyên Bình ngồn ngộn cảm xúc mà có lúc ngôn ngữ bình thường của chúng ta không thể diễn tả hết nhưng với ngòi bút khá điêu luyện anh đã làm được việc khó khăn ấy, lồng cảm xúc của mình vào vỏ bọc ngôn ngữ để dâng tặng người đời những bài thơ tinh tế ngọt ngào, uy nghiêm sắc bén. Anh cần mẫn như một nhà điêu khắc nâng niu viên đá cẩm thạch.
Cũng như những thi sĩ khác, Nguyên Bình biết xót xa, cảm thông, chia sẻ với những cảnh đời, nhất là những gian truân của phụ nữ, những bông hồng lẽ ra phải mọc trên những khu vườn ăm ắp cỏ xanh, thế nhưng: Đường trần gian bụi bặm/ phố dài và lũng sâu/ lấm lem đời son phấn/ tìm uyên nguyên nơi đâu ? (Tạ tình).
Chủ nghĩa nhân văn trong thơ Nguyên Bình trong phạm vi rộng cũng khiến anh trở thành một nhà thẩm mỹ có trải nghiệm về cái đẹp và nghệ thuật sáng tạo bởi anh cũng là một trong những nhà thơ, nghệ sĩ truyền màu sắc và âm nhạc của tâm hồn mình vào các tác phẩm thơ văn, những người luôn tìm kiếm sự tự do bay bổng và vẻ đẹp tối thượng trong cuộc sống này chứ không phải mục đích chính là thể hiện bản thân.
Người nghệ sĩ luôn có những rung động trong suy nghĩ và cảm xúc, những chuyển động không ngừng. Họ ngồi nhìn ra cửa sổ phía bầu trời xanh trải dài ra tận đường chân trời, say mê với những trải nghiệm trữ tình kỳ lạ với tâm hồn thơ mộng. Họ ngồi nhặt những mảnh vụn ký ức, chiêm nghiệm về thời điểm, nguồn gốc, số phận và viết thành thơ, thành ca khúc từ những khoảnh khắc chín muồi, sôi động và tươi sáng này, và rồi cái tôi bên trong theo đuổi những hoài nghi, thất vọng, sự kém hoàn hảo bởi suy cho cùng cuộc sống sẽ phải kết thúc ở thời điểm tàn phai, có hi vọng sẽ có thất vọng và ngược lại.
Bởi trải nghiệm của Nguyên Bình rất phong phú với nhiều niềm vui, anh cảm nhận được chất thơ của tâm hồn. Qua thời gian, thơ Nguyên Bình biết bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực và rút ra niềm hạnh phúc bên trong, nuôi dưỡng và kiếm tìm nguồn an ủi nội tâm. Thơ anh tập hợp những mảnh vỡ nhiều màu sắc, những biên niên sử đầy sương mù với những trải nghiệm đã bị lãng quên từ lâu, những sợi tơ nhận thức mà anh muốn lưu giữ thành tuyển tập quý giá cho người đọc, cho hậu thế.
Còn chăng một đóa vô thường/ trăm năm mộng vỡ thành chương/ thơ tình... (Đóa vô thường)
Đắm say...thì ...cả tinh cầu/ Đã vừa nghiêng xuống phía mầu nhiệm đêm... (Xé đôi)
Nhập định bên tòa sen/ Tịnh tâm miền an nhiên/ Ríu rít tiếng chim hót/ Lắng lòng với vô biên. (Tâm an)
Sáng mai nay chung trà sen nguội ngắt/ ngón tay đau nhầm gõ phím ngắt dòng/ thơ ri rỉ từng chữ lòng quặn thắt/ đống tro tình lạnh lẽo nỗi hoài mong. (Tàn tro)
Trải tấm cà sa màu ngọc lam/ cam lồ tưới tắm nợ nhân gian/ mộng ai vừa tắt hồi chuông nguyện/ sen trắng chưa thơm cõi niết bàn... (Bỡ ngỡ hồn tôi)
Bài ca sáng nay - bài ca cô đơn/ trời đất khép vòng tôi ôm nhật nguyệt/ năm rộng tháng dài, mai này tạm biệt/ mùa đông thạch thảo, mùa xuân hoàng mai. (Bài thơ cuối năm)
Thay lời kết
Thời gian là một bản phác thảo, bản tóm tắt hành trình cõi người và là bản giao hưởng đầy chất thơ. Sự lạc quan trong thơ Nguyên Bình là hệ quả tự nhiên của việc trang điểm nội tâm mang tính xây dựng ngay cả khi anh biến bóng tối thành ánh sáng. Bản nhạc cuộc sống hay còn gọi là Khắc bóng thời gian là một dàn dựng du dương của nghệ thuật và nội tâm thi sĩ.
Quá khứ, hiện tại, tương lai, triết lý sống và toàn bộ những kiếm tìm xuất hiện một cách hài hòa bởi những khoảnh khắc đẹp của từng bài thơ trữ tình được viết ra từ những trải nghiệm quý báu, từ những nỗ lực không ngừng để giải mã cho bản phác thảo này. Cuộc sống là thơ ca của sự thật và niềm vui, là lời tuyên bố chính hiệu của con người bên trong nhà thơ. Cuộc sống là thơ ca của những chuyến đi dạo, chia sẻ với người xung quanh những câu chuyện nhỏ, những giai thoại cũ và dường như sự hồi sinh vẫn đang dang dở.
Thơ Nguyên Bình không chỉ đem lại cảm giác vui vẻ trong chốc lát mà nó còn đi rất gần với những hiện thực của thực tế bên ngoài nên dòng thơ anh sẽ có sức lan tỏa lâu bền hơn nhiều. Thơ Nguyên Bình đủ hay, đủ tạo nên những giai điệu du dương và mang lại niềm vui cho người đọc,
Đọc thơ anh để thấy cầu vồng xuất hiện trên bầu trời sau mưa, sự hồi sinh của rừng sau hỏa hoạn, những trái tim bị tình cảm bỏ rơi được làm dịu đi trong thi ca cuộc đời. Đọc KHẮC BÓNG THỜI GIAN để quay về với những hoài niệm, quay về với những si mê của một thời trẻ dại và tìm thấy cái tôi nội tâm của chính mình trong dòng chảy cuộc đời.
VÕ THỊ NHƯ MAI
(Thạc sĩ văn học, giáo viên tại Tây Úc)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|