Vào những năm 60 của thế kỷ XX, một ngòi bút xông xáo, dũng cảm, nhiệt huyết, đầy bản lĩnh giữa Sài Gòn, đó là Trần Triệu Luật. Ông sinh năm 1944, quê quán xã Đoan Hùng, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình (nay thuộc xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Năm 1954, theo gia đình di cư vào Nam, cựu học sinh trường Trung học Chu Văn An và cựu sinh viên Đại học Luật khoa Sài Gòn.
Trần Triệu Luật tham gia và là thành viên của Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn, nhiệm kỳ 1963-1968, là một trong những thủ lĩnh chủ chốt của phong trào đấu tranh học sinh - sinh viên, tổ chức và hướng dẫn các cuộc biểu tình chống Mĩ và các thế lực chính quyền Sài Gòn một thời nóng bỏng, sôi động. Viết văn, làm báo, dịch thuật, điểm sách, cộng tác với các báo và tạp chí: Bách khoa, Văn học, Tin văn, Hành trình, Đất nước, những tờ báo có uy tín ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Vào năm 1968, Trần Triệu Luật là thành viên trong Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam.
Sau Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân (1968), ông thoát li ra vùng giải phóng và hy sinh cùng ngày, cùng địa điểm với nhà văn Trần Quang Long, ngày 11-10-1968, tại Trung ương Cục Miền Nam. Lúc ấy, ông mới 24 tuổi.
1. Một cây bút sắc bén, nhạy cảm
Trần Triệu Luật là cây bút sắc sảo, đặt ra những vấn đề về đấu tranh cách mạng của các nước Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, về vấn đề thanh niên, sinh viên, về vai trò của người trí thức, về vận mệnh dân tộc trước những bão táp của thời đại,... Ông là một trí thức, một tài năng báo chí, có cái nhìn đa diện về xã hội miền Nam. Đóng góp lớn của Trần Triệu Luật là những bài văn, bài báo, bài thuyết trình đanh thép, lập luận chặt chẽ, thể hiện một trí tuệ uyên bác, một sức đọc rộng lớn về những vấn đề xã hội đương thời.
Ông nổi lên là cây bút trẻ làm báo, viết chính luận đặc sắc trên các báo chí tiến bộ tại Sài Gòn vào những năm 60 của thế kỷ XX. Trần Triệu Luật quan tâm hàng đầu đến lực lượng thanh niên, sinh viên. Ông xem lực lượng này là quan trọng, quyết định vận mệnh đất nước, gửi gắm vào đó bao tình cảm và hy vọng: "người thanh niên hôm nay, trong tinh thần cởi mở , khoan dung và tôn trọng lẫn nhau, cùng nhìn lại khởi điểm chung đó để sẵn sàng lo tới hướng tiến chung ... người thanh niên đang và sẽ hòa mình vào đời sống chung, tác động trở lại xã hội với ý hường cải tạo, dựng xây xã hội" (Thanh niên với đời sống xã hội, Tạp chí Văn học, số 27, ngày 1-11-1964, trang 24, 25).
Vẫn trên tạp chí Văn học số 38, ngày 15-5-1965, bài viết Tập thể sinh viên trước những vấn đề căn bản, 16 trang, một tiểu luận đậm chất lý luận. Nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò của sinh viên: "phải ý thức đến quyền sống tự do của con người, quyền độc lập cho dân tộc nhất định là phải luôn luôn phản ứng trước những áp bức con người, đàn áp quyền tự do, tước đoạt quyền độc lập của một dân tộc" (trang 5), "sinh viên có thể thảo luận tự do ở đại học mọi vấn đề khoa học, triết học, đạo đức, chính trị ..." (trang 9).
Mặt khác, những bài viết dưới dạng bút ký chính luận như “Chỗ nằm cho người đã chết”, “Cây cầu nào dành cho Đại học Vạn Hạnh”, “Đuốc lửa và những ngọn nến vàng”... cho thấy ngòi bút đau đáu về những vấn đề xã hội, "về đêm, giữa lòng thành phố Sài Gòn, vẫn có những ngôi nhà lụp xụp không đèn" của cái Hòn Ngọc Viễn Đông" và ước mong "bóng tối đổ xuống, những ngọn nến vàng lại thắp lên ... một đuốc sáng rạng ngời" (Tiếng hát những người đi tới, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, 1993, trang 516, 517).
“Vấn đề chuyển ngữ và việc xây dựng nền đại học quốc gia”, một vấn đề không đơn thuần về ngôn ngữ, đó là vấn đề về độc lập chính trị, về quyền tự chủ và tự trị đại học, về xây dựng nền học thuật dân tộc và về phục vụ quảng đại quần chúng, ... Một tiểu luận tâm huyết, "đánh ngã những trở lực, chướng ngại trên con đường cách mạng nhằm công bình hóa và dân chủ hóa xã hội Việt Nam" (Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam, nơi miền đất mới, tập 4, NXB Văn học, 2008, trang 907).
Chỗ khác, một bài chính luận nảy lửa, bị kiểm duyệt bỏ nhiều đoạn, là bài “Dân chủ trong chiến tranh”, đăng trên Văn học, số 59, ngày 1-5-1966. Mở đầu, Trần Triệu Luật viết:
“Sắc luật bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vừa được Ủy ban Lãnh đạo quốc gia chính thức ban hành xác nhận thêm một lần nữa chiêu bài không thể nào “dân chủ trong chiến tranh” chẳng những không được chính quyền chấp nhận mà chỉ là sản phẩm của những kẻ có âm mưu đen tối, tham vọng độc tài và mặc cảm tự ti với Cộng sản” (trang 1).
Sau đó, tác giả phê phán thứ “dân chủ thành thị”, bỏ quên người lao động nghèo, đang bị “giá sinh hoạt uốn cong cái đòn gánh chị gánh hàng” , anh sinh viên “biểu tỏ sự quan tâm của mình về những đứa em đang xô vào tửu quán, tiệm ăn để xin thuốc thừa, rượu cặn “ (trang 6).
Bài báo kết luận, “Lịch sử tranh đấu Việt Nam đã sáng lên ý nghĩa Dân chủ tại Hội nghị Diên Hồng là động lực chính yếu đem lại chiến thắng vinh quang cho tổ quốc trước đoàn quân Mông Cổ hung hãn” (trang 7).
Vẫn trên tạp chí Văn học, số 60, ngày 15-5-1966, bài viết “Việt Nam trong thử thách”, được đưa lên những trang đầu của số báo, có ý nghĩa minh định một thứ lửa: lửa thời sự, lửa nhiệt tình, lửa tuổi trẻ và cũng là bài viết bị kiểm duyệt, bỏ nhiều chữ, nhiều dòng nhất. Tính ra, có đến 17 lần như thế. Một giọng văn vừa căm phẫn, bi tráng, vừa bẽ bàng, cay đắng trước thực tại của xã hội, "Thời sự Việt Nam rối như tơ vò", cổ vũ "chiến đấu để giành lại chủ quyền độc lập, người Việt Nam ngày càng phải cầm súng" (trang 3), chống những kẻ "được coi là khôn ngoan vì sớm biết chọn con đường an thân, khuôn mình vào trong ốc đảo sinh kế thường nhật... họ cũng được coi là khôn ngoan vì sớm tập cho thói quen những cách dửng dưng, yên lặng trước cảnh đàn bà bỏ chồng đi làm điếm (kiểm duyệt bỏ 2 chữ), con gái hở hang bắp đùi để quyến rũ những chiến sĩ bảo vệ "tự do"(kiểm duyệt bỏ 3 hàng)... Không biết trong hoàn cảnh như thế, chủ nghĩa vị kỷ, chán đời hoặc hư vô, hưởng lạc sẽ được suy tôn như chân lý đến bao giờ ?" (trang 5), "giáo dục vượt khỏi sứ mệnh đào tạo thanh niên và hướng dẫn xã hội để đi vào buôn bán chữ nghĩa kiếm ăn, chạy chọt văn bằng kiếm chỗ và lừa bịp kiến thức kiếm danh" (trang 6).
Những trang viết của Trần Triệu Luật, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn đó những ý nghĩa nhân văn.
2. Một trái tim chan chứa yêu thương
Châu Phi và văn chương Châu Phi là những tiếng thét gào, đầy phẫn nộ của những nhà văn lương tri của nhân loại, “Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu” của Alan Paton, nhà văn Nam Phi, Nguyễn Hiến Lê dịch, Ca Dao, Sài Gòn, 1969, là những chương bi thảm về cuộc sống tủi nhục, đau đớn, đầy dẫy bất công dưới sự đàn áp dã man của thực dân Hà Lan và Anh suốt nhiều thế kỷ. Những mỏ vàng và kim cương nhuốm đầy máu và nước mắt của những nô lệ da đen. Alan Paton đã diễn tả bi kịch con người, bi kịch dân tộc, bi kịch thời đại bằng một tác phẩm với giọng văn đầy căm uất.
Tiếng vọng đoạn trường, đầy khắc nghiệt hắt lên những trang văn về một màu da bị khinh bỉ, bị miệt thị. Tất cả những tiếng kêu gào, nổi dậy của những nhà văn, nhà thơ Châu Phi vào những thập niên 40, 50, 60 của thế kỷ XX lan đến nhiều đất nước đang đấu tranh đòi giải phóng dân tộc, đòi độc lập, tự do, đòi quyền sống con người, trong đó tác động sâu sắc đến trí thức Việt Nam. Vì thế, bây giờ, sau nhiều thập niên, đọc lại các bài viết của Trần Triệu Luật, ta thấy những gì ông thao thức, gửi vào trang viết trong các năm 60 đều gắn liền với biến động chính trị, với lòng nhiệt thành, với sự phản kháng mãnh liệt của một trái tim trẻ tuổi, chan chứa tình yêu quê hương, gắn bó với nhân dân. Thân phận của Châu Phi da đen giống như số phận của dân tộc Việt trước 1945. Đây là mối đồng cảm của nhiều nhà văn Việt Nam, trong đó có Trần Triệu Luật.
Những bài viết về Châu Phi của Trần Triệu Luật thấm đượm tình yêu thương con người, ngợi ca các giá trị tinh thần, giá trị văn hóa của lục địa đen, biểu dương “những người thanh niên cầm súng chiến đấu trong rừng rậm và giữa đồng lầy” (trang 18), “chuyện những đứa trẻ da trắng ác độc hành hạ”, chia sẻ “làm người da đen là làm người nô lệ, nô lệ ngay từ khi mới sinh ra”(trang 20). Những cảnh đời ở Sénégal, Madagascar, Cameroun, … đau thắt con tim Trần Triệu Luật khi chuyển ngữ: Le fouet siffle / Siffle surton dos sueur et de sang (Sợi roi da rít lên / Rít lên trên lưng mày mồ hôi và máu mặn). Cuộc sống là chuỗi ngày dài (Le jour est long) đầy khổ nhục, đày đọa. Không thể nói hết tấm lòng nhân ái, sự phẫn nộ của Trần Triệu Luật khi chọn giới thiệu văn học các nước châu Phi:
Kẻ da trắng đã giết cha tôi
Người cha kiêu hãnh
Kẻ da trắng đã hãm hiếp mẹ tôi
Người mẹ đẹp xinh
Kẻ da trắng đã đánh gục anh tôi giữa đường nắng lóa
Anh tôi khỏe mạnh
Kẻ da trắng quay về phía tôi
Bàn tay đỏ đầy máu...
“Những người trẻ da đen giữa lòng giấy trắng” (Văn học, số 56, ngày 15-3-1966 và số 57, ngày 1-4-1966) là những dòng viết của Trần Triệu Luật về tình yêu, sự bất bình, về niềm đau xót trước sự bất công, đói nghèo, những tệ nạn xã hội đối với đất nước và con người châu Phi khốn khổ, bất hạnh. Trần Triệu Luật nói về "đất mẹ da đen" :
Người đàn bà da đen, người đàn bà Phi châu
Ôi mẹ, mẹ của con mà con đang tưởng tới ...
Ôi mẹ, người đàn bà da đen, người đàn bà Phi châu,
ôi mẹ, mẹ của con, tạ ơn mẹ ...
Có thể nói. Những người trẻ da đen giữa lòng giấy trắng là những trang văn thấm đẫm tình người, khát vọng về quyền sống, kêu đòi giải phóng, đưa lại tiến bộ đối với đất nước và con người châu Phi.
Về quê hương Việt Nam, trên tạp chí Bách khoa, năm 1966, “Những ý nghĩ xuôi dòng về nhạc Trịnh Công Sơn”, Trần Triệu Luật nhận ra trong ca từ Trịnh Công Sơn có những nỗi niềm và bức xúc của tuổi trẻ: "nỗi đau buồn chung của tuổi trẻ trước thảm trạng đất nước chiến chinh...Trịnh Công Sơn nói cái điều tuổi trẻ có, cái điều tuổi trẻ mang trong người, tuổi trẻ tìm tới Trịnh Công Sơn như người bạn có giọng nói bộc lộ, có khóe nhìn bày tỏ, có tầm tay giãi bày, đây Trịnh Công Sơn, đây tuổi trẻ đô thị miền Nam đang hát và đang tỏ bày ...còn tôi, còn tuổi trẻ chúng ta thì chúng ta còn lại gì sau lời hát ? Chúng ta có, hơn một lần, những thần thoại quê hương và những huyền thoại thanh bình ... rồi ta còn gì ngoài thần thoại và huyền thoại, ngoài lựu đạn cay và bom nổ liên tiếp và liên miên" (Dẫn lại từ Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam, nơi miền đất mới, tập 4, NXB Văn học, 2008, trang 896).
Và, cũng trên tạp chí Văn học, số 60, ngày 15-5-1966, bài viết có tựa đề Việt Nam trong thử thách, được đưa lên những trang đầu của số báo, có ý nghĩa minh định một thứ lửa: lửa thời sự, lửa nhiệt tình, lửa tuổi trẻ và cũng là bài viết bị kiểm duyệt, bỏ nhiều chữ, nhiều dòng nhất. Tính ra, có đến 17 lần như thế. Một giọng văn vừa căm phẫn, bi tráng, vừa bẽ bàng, cay đắng trước thực tại của xã hội miền Nam thập niên 60, "Thời sự Việt Nam rối như tơ vò", "chiến đấu để giành lại chủ quyền độc lập, người Việt Nam ngày càng phải cầm súng" (trang 3), chống những kẻ "được coi là khôn ngoan vì sớm biết chọn con đường an thân, khuôn mình vào trong ốc đảo sinh kế thường nhật... họ cũng được coi là khôn ngoan vì sớm tập cho thói quen những cách dửng dưng, yên lặng trước cảnh đàn bà bỏ chồng đi làm điếm (kiểm duyệt bỏ 2 chữ), con gái hở hang bắp đùi để quyến rũ những chiến sĩ bảo vệ "tự do" (kiểm duyệt bỏ 3 hàng)... Không biết trong hoàn cảnh như thế, chủ nghĩa vị kỷ, chán đời hoặc hư vô, hưởng lạc sẽ được suy tôn như chân lý đến bao giờ ?" (trang 5), "giáo dục vượt khỏi sứ mệnh đào tạo thanh niên và hướng dẫn xã hội để di vào buôn bán chữ nghĩa kiếm ăn, chạy chọt văn bằng kiếm chỗ và lòe bịp kiến thức kiếm danh" (trang 6).
3. Một niềm thương tiếc
Trần Triệu Luật, theo như bạn ông, Lê Hiếu Đằng, người gắn bó sâu sắc với ông trong những ngày hoạt động nội thành, người cùng bị Tòa án Mặt trận vùng III Chiến thuật của chính quyền Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt và cũng là người chứng kiến sự hy sinh của ông cùng với Trần Quang Long sau trận bom của không quân Mỹ, đánh vào Căn cứ Cục R, đã viết lại:
"Ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh hiểm nghèo nào, Trần Triệu Luật bao giờ cũng dũng cảm đương đầu, không chịu lùi bước. Trong con người mảnh khảnh của anh lại ẩn chứa một nghị lực đáng ngạc nhiên. Và trong đôi mắt to đen, hiền lành của anh lại ẩn chứa những ánh lửa. Ánh lửa của nỗi đau mất nước, nỗi đau đời và nỗi đau của cảnh ngộ riêng anh" (Tiếng hát những người đi tới, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, 1993, trang 513).
Đoạn văn ngắn trên đã khắc họa đầy đủ chân dung Trần Triệu Luật.
Trần Triệu Luật là gương mặt đẹp của báo chí Việt Nam trong thế kỷ XX. Những trang văn cháy bỏng, chân thành và thiết tha về vận mệnh dân tộc, đã để lại cho đời sau bao xúc động.
Chúng ta mong có một tuyển tập những bài viết của Trần Triệu Luật trong những năm từ 1960 đến 1968 được xuất bản, từ đó, góp phần làm phong phú thêm nền báo chí Việt Nam.
Nghĩ đến Trần Triệu Luật là nghĩ đến một trí thức yêu nước, một tài năng báo chí, dấn thân và miệt mài đấu tranh cho quyền sống của con người, cho độc lập, tự do của tổ quốc. Ông như ngôi sao chói ngời trên mặt trận văn hóa, bảo vệ những giá trị truyền thống, tốt đẹp của dân tộc. Tiếc rằng, ông hy sinh sớm, lúc mới 24 tuổi. Đã 55 năm, Trần Triệu Luật anh dũng nằm xuống, những khát vọng về công bằng xã hội, về quyền sống của con người vẫn cháy lên trên quê hương này !
Trần Triệu Luật đã được đặt tên đường quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
HUỲNH VĂN HOA
(Nguồn: Đặc san Người Làm Báo Đà Nẵng, Tháng 4-2023. Số Kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, 21-6-1925 / 21-06-2023
< Lùi | Tiếp theo > |
---|