Nguyễn Đông Giang tên thật Nguyễn Văn Ngọc, sinh ngày 6 tháng 2 năm 1943, quê quán làng An Hải, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Học Đại học Văn khoa - Đại học Huế.
Dạy học tại các trường Trung học Đông Giang (nay là trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng), Trung học Trần Quý Cáp - Hội An, Trung-Tiểu học Bồ Đề An Hải, Khiết Tâm, Vinh Sơn, ...
Trước 1975, có thơ đăng trên các báo, tạp chí tại miền Nam.
Tác phẩm: - Thơ của người giang hồ, NXB Da Vàng, Đà Nẵng, 1969 - Cho tương lai bắt gặp, thơ, in chung, Đà Nẵng, 1971
- Bản tình ca cũ, thơ, NXB Nhân Ảnh, 2010
- Vô lượng tình sầu, Sông Hàn xuất bản, CA, Hoa Kỳ, 2015
Hiện định cư tại Hoa Kỳ.
*
Thơ Nguyễn Đông Giang là tiếng nói hồn hậu của một con tim, như dòng thơ trong bài Cho tương lai bắt gặp, đó là Chan Yêu Thương Cho Tất Cả Tâm Hồn. Trước hết, Nguyễn Đông Giang yêu làng quê An Hải yên bình, êm ả, nằm bên bờ sông Hàn. Nơi đó, mùa thu đi qua dễ thương như một thiếu nữ. Nắng hồng nhuộm thắm dòng sông buổi sớm. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi những mạch đời ôm nhựa sống:
mùa thu Đông Giang dễ thương như thiếu nữ
nắng nhuộm dòng sông những buổi sáng qua phà
tôi ra đời tại Hà Thân đất cát
nắng quên vàng mây ngại nở cơn mưa
…
nghìn năm sau mạch đời ôm nhựa sống
nước sông Hàn buồn gợn bóng hoàng hôn…”
(Khi trở lại Hà Thân)
Có nhiều nhà thơ xứ Quảng nhắc nhớ về Hội An, Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, về những địa danh như Hòn Kẽm Đá Dừng, Dùi Chiêng, Tý Sé, Ngũ Hành Sơn, Cà Tang, Trung Phước, Đại Bình, Hà Lam, Xuân Đài, Gò Nổi, Bảo An, Cửa Đại, ... Chỉ có mỗi một Nguyễn Đông Giang nói đậm về vùng cát, vùng biểncủa Hà Thân, Tân Thái, Sơn Trà, An Cư, Mỹ Khê, An Hải của Đà Nẵng xưa. Có thể thấy, cả vùng Đông Giang bên kia sông Hàn hiện lên thân thương, trìu mến, ân tình với hình ảnh bãi cát, con đò, bến cá, đường đất, chuyến phà, ghe thuyền, ... thường xuyên đi và về trong thơ Nguyễn Đông Giang. Cho đến tận hôm nay, hiếm thấy một nhà thơ yêu làng chài, yêu vùng đất giáp với sông, với biển, với núi, nặng nợ và thương mến quê hương như nhà thơ Nguyễn Đông Giang. Làng chài An Hải phả lên thơ Nguyễn Đông Giang những cung bậc truyền cảm:
Chiều thu đẹp, dạo chơi quanh An Hải
Nắng thu vàng, làm nhớ áo ai phơi
Hồn quá mỏng, nên tay ôm không nổi
Bao lần theo, bao lần lạc dấu người
Cơn mưa nhẹ, ướt ngang đời trôi nổi
Tôi hay người, đang được để tang ?
Xin đến quán, uống dăm ba ly rượu
An Hải chiều, An Hải nhớ mang mang
(Lần dạo chơi An Hải, 1967)
Một buổi chiều thu, nắng vàng trong, trên những con đường làng, đầy cát, dạo chơi quanh An Hải, bao hình ảnh về chiếc áo, vòng tay, dấu chân, cơn mưa nhẹ, nhưng mà, lạ thay: Bao lần theo, bao lần lạc dấu người, để rồi:
Xin đến quán, uống dăm ba ly rượu
Nhưng sao "uống dăm ba ly rượu" ? Thứ chất cay cay ấy có mặt để giải quyết cái gì trong tình yêu, nỗi nhớ, có như Hoa và Rượu của Nguyễn Bính:
Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa, rượu ế, ấy tình tôi,
Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng
Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi!
Cuối cùng, buổi chiều thu quê hương, vẫn là An Hải chiều, An Hải nhớ mang mang, bâng khuâng, dịu dàng.
Năm 1968, Nguyễn Đông Giang có bài lục bát Buổi em về, 10 câu. Có ba lần em về (Em về làm nắng mùa xuân / Em về, bước nhẹ như mây / Em về, tóc rối xanh xao). Mỗi lần về gắn với mùa xuân, gắn với bước đi nhẹ như mây, gắn với tóc rối xanh xao. Bài thơ mượn phương thức so sánh để diễn tả các cung bậc tâm hồn.
Nguyễn Đông Giang yêu những cuộc đời giản dị, chân chất của quê nhà. Yêu mùi vị riêng biệt của làng quê: mùi mắm cái. Yêu em gái nhà quê:
Em gái nhà quê lòng xanh lá chuối
Đứng mơ anh từ luống cải vườn cà
Chiều Đông Giang vàng nắng bao la
Từng rỗ cá em đội về từ Mỹ Khê Tân Thái
Anh yêu lắm những con đường thơm mắm cái
Làng An Hải còn bao cảnh đời khuya sớm tảo tần, chịu thương chịu khó, vất vả lo toan cho cuộc sống:
- Sáng rổ cá tôm em đội qua nhà
Mùi mắm cái quê em Tân Thái
Bỗng ngậm ngùi thoang thoảng hương xa
Nước sông Hàn dưỡng nuôi Đà Nẵng
Thắm thiết ngọn hoa An Hải Sơn Chà
Nước sông ấm chảy vào tim phổi
Róc rách ân tính sông núi thiết tha
(Quê xa)
Nguyễn Đông Giang luôn nhìn ra những vẻ đẹp của quê hương. Đó là những con đường đất cát, đầy thân thương. Đó là những chuyến ghe chở người về các bến. Tất cả còn nghèo nhưng đậm nghĩa đậm tình, yêu biết mấy cho vừa. Cho đến bây giờ, những câu thơ về phía đông sông Hàn vẫn lấp lánh tình yêu. Đó là mùa thu dễ thương như thiếu nữ, có nắng sớm trên sông, có bên ni sông gió thổi, có quê còn nghèo nhưng đẹp:
Mùa thu Đông Giang dễ thương như thiếu nữ
Nắng nhuộm dòng sông những buổi sáng qua phà
Anh một đời dong ruổi hát ca
Đêm mưa gọi đò lạnh run hai lá phổi
Em ở Đà thành có biết đâu bên ni sông gió thổi
Trong lòng anh những ngày tháng thân yêu
Quê anh nghèo nhưng còn đẹp những buổi chiều
Nắng trải trên đường quê quanh năm đất cát
Những con đường Hà Thân được gió sông thổi mát
Ghe chở người về cập bến thu xưa
Chừng nớ quê hương anh yêu mấy cho vừa.
(Những con đường mùa thu Đông Giang)
Nguyễn Đông Giang yêu vùng đất Hà Thân, An Hải bằng một thứ tình yêu nồng thắm, sâu đậm, chân thật. Ông như gã bộ hành, dong ruổi hát ca trên những con đường quê quanh năm đất cát, hát về đời sông, đời người, hát về những ngày tháng thân yêu.
Nguyễn Đông Giang có một bài thơ được nhiều bạn đọc yêu thích, đó là, Cho tương lai bắt gặp, in trong Tập san Nhận Diện, số 1 và 2, 16-5-1971. Toàn bài như sau:
Ngày nào đó cuộc tương tàn chấm dứt
làng hoang vu người trở lại dựng nhà
tôi mặc áo nâu trở về làm ruộng
tôi trở về làm lại kiếp người ta
Ngày nào đó không còn nghe tiếng súng
tôi trở về thay vợ giữ con
nắm hạnh phúc trong bàn tay còn lại
chan yêu thương cho tất cả tâm hồn
Ngày nào đó hương thơm từng nấm mộ
tôi bùi ngùi dẫy cỏ nhớ thương
người đã chết xin muôn đời hãy sống
trong lòng người trong lòng đất quê hương
Ngày nào đó em thôi chạy giặc
mẹ hết già trong nỗi lo âu
em đi chợ nhớ mua bông bí nụ
mẹ chải đầu nhớ từng sợi tóc thơm tho
Ngày nào đó lũ chim về lót ổ
trong vườn cây đầy trái ngọt xanh tươi
tôi hôn khẽ lên bàn tay còn lại
bâng khuâng nghe như có giọng ai cười.
Bài thơ có 5 khổ, khổ nào cũng bắt đầu bằng cụm từ Ngày nào đó... Chủ đề bài thơ thể hiện ước mơ và khát khao về hòa bình, kết thúc chiến tranh, quê hương trở lại thanh bình: làng hoang vu người trở lại dựng nhà / tôi mặc áo nâu trở về làm ruộng/ trở về làm lại kiếp người ta.
Tác giả mong mỏi về ngày không còn tiếng súng, trở về thay vợ giữ con / nắm hạnh phúc trong bàn tay còn lại / chan yêu thương cho tất cả tâm hồn. Ngày ấy, thắp nén hương thơm trên từng nấm mộ, dẫy cỏ nhớ thương, người đã chết xin muôn đời hãy sống / trong lòng người trong lòng đất quê hương.
Ôi, cái ngày, mẹ hết già trong nỗi lo âu và em thì đi chợ mua bông bí nụ, thứ bông cắt ra từ giàn bí, nụ thơm nồng, luộc lên, có mặt trong những bữa cơm đạm bạc, ấm nồng tình nghĩa gia đình. Và mẹ, chải đầu nhớ từng sợi tóc thơm tho từ mùi hương dân dã của thứ dầu làm từ sản vật quê hương.
Và, cũng ngày nào đó, lũ chim về lót ổ trong vườn cây đầy trái ngọt xanh tươi, nhà thơ hôn khẽ lên bàn tay còn lại, bâng khuâng nghe như có giọng ai cười.
Nằm trong mạch thơ về quê hương, Mai tôi về, một bài thơ ngọt ngào bao hương vị đất nước, nơi ấy có câu hát đưa tình, có đường làng vui, có mùi phân trâu bò ngai ngái, có người thầy cầm phấn giảng bài cho lũ em thơ, có tiếng gà trưa, có đời quá vui, xin quên hết / quên cả chính mình, còn mỗi một tay...Bài thơ với điệp khúc "mai tôi về", viết vào năm 1972, khi chiến tranh đã lấy đi một bàn tay của nhà thơ, song, vẫn thấy ấm lên một giọng tròn Quảng Nam. Những hình ảnh quen thuộc xứ Quảng như đường làng vui giọng người xuôi ngược, xin đi gánh đất, đắp trăm đường vào giấc ngủ mơ, sáng tối trưa nghe tiếng gà cục tác, bờ tre ruộng lúa, con chó con mèo đủ giấc ngủ say, … Đây là bài thơ thể hiện ước vọng thành thật, lời lẽ mộc mạc, hình ảnh gần gũi đời thường. Xin trích toàn bài:
Mai tôi về quê hương nắng ấm
Câu hát đưa tình tròn giọng Quảng Nam
Đường làng vui giọng người xuôi ngược
Phân trâu bò ngai ngái hương lan
Mai tôi về quê Cha đất Mẹ
Cầm phấn giảng bài cho lũ em thơ
Ngày còn lại xin đi gánh đất
Đắp trăm đường vào giấc ngủ mơ
Mai tôi về nơi tôi khôn lớn
Cho tôi nhìn bao nỗi thương yêu
Sáng tối trưa nghe tiếng gà cục tác
Đời bình yên trứng ấp nở nhiều
Mai tôi về bờ tre ruộng lúa
Nhìn mặt trời lên mặt trời lặn mỗi chiều
Mưa nắng mấy mùa đời tôi chẳng thiếu
Những tiếng cười chan chứa thương yêu
Mai tôi về quê Cha đất Mẹ
Con chó con mèo đủ giấc ngủ say
Đời quá vui rồi, tôi xin quên hết
Quên cả chính mình, còn mỗi một tay...
*
Nguyễn Đông Giang đã hôn khẽ lên bàn tay còn lại, chép mùa thu quê hương bằng những vần thơ của bao nỗi thương yêu và gửi lại cho đời. Giọng thơ Nguyễn Đông Giang luôn chan chứa ân tình, không gọt giũa, cầu kỳ về ngôn ngữ, vì thế, gần với cuộc sống. Nhà thơ ghi lại những hình ảnh quê nhà bằng một tâm hồn thương yêu, chân chất, đầy sắc màu chân quê. Một tiếng thơ thành thật. Một nguyện ước chân thành. Một trái tim cảm động.
10-2022
HUỲNH VĂN HOA
Nguồn: Tạp chí Non Nước, số 301, 12-2023
< Lùi | Tiếp theo > |
---|