HUỲNH VĂN HOA: VỀ ĐÂY NGHE EM, BẢN TÌNH CA SÂU LẮNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

image_17174273

 

Về đây nghe em là bài thơ hay của A Khuê,được Trần Quang Lộc (1949 - 2020) phổ nhạc vào khoảng đầu năm 1970, rất quen thuộc với công chúng Việt Nam, nhất là qua tiếng hát của những ca sĩ nổi tiếng như Thái Thanh, Elvis Phương, Khánh Ly, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Mỹ Lệ, Quang Linh, Quang Dũng, Thu Phương, Tuấn Ngọc, … Ca từ của bản nhạc sâu lắng, nồng nàn tình cảm, song, ít ai biết tác giả của nó, nhà thơ A Khuê.

A Khuê sinh trưởng trong một gia đình Công giáo, có truyền thống nghệ thuật. Thuở nhỏ, A Khuê được cha cho học vĩ cầm nên sành về âm nhạc. Âm nhạc có ảnh hưởng trong cuộc đời và sáng tác của A Khuê. 

A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1948 tại xã Quang Phúc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, theo gia đình vào Nam năm 1954. Giữa thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ XX, A Khuê sống và sáng tác chủ yếu tại Đà Nẵng. A Khuê là tác giả của các tập thơ: Vàng bay, Nhà xuất bản Da Vàng, Đà Nẵng, 1970,  Lùa bò trong sương, Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM, 1999. 

Về đây nghe em, không dài, toàn văn như sau:

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Mà về đây nghe gọi tiếng xưa
Để nhớ trong tiếng vỡ bờ

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thỏa ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Và hận thù người người lắng xuống
Rồi tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi

Này hồn ơi lên cao lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Này về đây nghe nhau thở dài trong đêm

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây cùng khóc trên sông nước buồn
Chở lòng mình trở về quê hương
Chở hồn mình vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin tạ chút ơn
Hạnh phúc khi đã gặp nhau

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thỏa ước mơ đi hát dạo

Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Và hận thù người người lắng xuống
Rồi tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi

Về đây, về đây
Về đây nghe em.

Bài thơ có 6 khổ. Mỗi khổ bắt đầu bằng lời mời gọi thiết tha, trữ tình: Về  đây nghe em / Về đây, ... Phương thức lặp từ vựng này được nhắc lại đến 17 lần. Không chỉ vậy, trong bài thơ, phép lặp còn sử dụng nhiều lần (Kể chuyện tình / Kể chuyện tình / Kể chuyện tình / Để chào đời/ Để bằng lòng / Chở lòng mình / Chở hồn mình / Chở thật thà / Để chào đời / Để bằng lòng ...). Việc sử dụng hình thức lặp trong từng đoạn thơ nhằm nhấn mạnh về nội dung, tình cảm cần nói đến trong câu, trong đoạn, mang đến giá trị biểu cảm, vượt lên sự liệt kê đơn thuần, làm nên cái hay của tác phẩm. Có điều, ý nghĩa thẩm mỹ của hình thức này luôn chuyển hóa, luôn lay động. Đây là chỗ đặc sắc của bài thơ. Trong mỗi khổ thơ, ta nhận ra nhịp điệu của tâm hồn, của tình ý, luôn hòa hợp, gợi cảm, làm cho câu thơ lung linh, ngân vang. Không lần nào giống lần nào. Câu đầu là lời mời gọi, câu hai là bày tỏ tình cảm về một nơi chốn đi về.

Thế giới nghệ thuật của bài thơ thấm đẫm những suối nguồn tình tự của ca dao, dân ca. hệ quy chiếu này, ta gặp nhiều hình ảnh quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng, đó là chiếc áo the đen của ông cha ta thường mặc trong những dịp lễ, tết, đó là đôi guốc mộc của mọi lứa tuổi, nhất là những cô thiếu nữ ngày trước, đó là hạt lúa mới của một vụ mùa vừa gặt, đó là nồi ngô khoai mang hơi ấm tình người, hạt sương mai long lanh buổi sớm, dòng suối mát, ... nơi quê nhà thân thuộc, mến thương.

Có thể nói, trong thơ ca Việt Nam, ít có nhà thơ nào sử dụng cấu trúc câu, cấu trúc hình tượng theo kiểu kêu gọi: về đây, về đây, ... Cảm cảm thán: Về đây, về đây, như đã nêu, lặp lại nhiều lần, chủ yếu vẫn là bày tỏ về sự chân thành, hồn hậu, thoát ra từ một trái tim nhân bản của chủ thể sáng tạo. A Khuê là tiếng thơ lạ của xứ Quảng trước 1975, vừa có chất Bắc, vừa có chất Trung, lại mang âm hưởng của Kinh thánh, lãng đãng của thiền tịnh và chút gì đó của gã lang bạt, đặc biệt, trong đó, có sự lắng đọng của văn chương dân gian.

Chút sương khói hư huyền mà A Khuê thổi vào trong Về đây nghe em, nào hồn ơi lên cao lên cao / Đem ánh sáng hân hoan trên trời / Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương / Này về đây nghe nhau thở dài trong đêm ... đã gửi lại cho đời một tiếng thơ dung dị, giàu tính nhạc, thu hút người đọc. ... Song, nếu chỉ có thế, bài thơ không thể truyền tải thông điệp của người viết, cũng không gửi gắm nỗi niềm xao xuyến đến với người đọc, đặc biệt, sự đồng cảm, đồng sáng tạo của người chuyển thể bài thơ thành những giai điệu trong âm nhạc. Đằng sau lớp từ về một thuở thanh bình, yên ả trong tiếng xưa, trong ca dao, trong ước mơ đi hát dạo, trong tiếng vỡ bờ, điều đáng trân trọng, đó là lời cầu mong chân thành về một quê hương mà hận thù người người lắng xuống / không còn tìm nhau như tìm xót xa / trong lúc lệ đã đầy vơi ... 

Khổ 4, 5, đọc kỹ, chính là lời kinh cầu, bày tỏ nguyện ước, được trở về cùng khóc trên sông nước buồn / Chở lòng mình trở về quê hương / Chở hồn mình vào dòng suối mát / Chở thật thà vào lòng dối trá / Nhạc hoa xin tạ chút ơn / Hạnh phúc khi đã gặp nhau / Và hận thù người người lắng xuống.

Hình ảnh, âm thanh, lời ca ngọt ngào, trữ tình, mang dấu vết của thánh ca, thật thà, không dối trá, tạ ơn đời,... làm cho bài thơ mang thêm ý nghĩa mới. Phải chăng, đó chính là điều mà nhà thơ muốn gửi gắm!

Về đây nghe em, giữa lời thơ và lời ca khúc không khác nhau là bao ! Đó là một bài thơ trong trẻo, dịu dàng, thanh sạch, đầy chất nhân văn, tựa như khúc dân ca, mộc mạc, duyên dáng, nhẹ nhàng đi vào đời, đi vào lòng. Những hình ảnh dân dã, quen thuộc của đời thường khiến người nghe cảm nhận sự gần gũi với quê hương đất nước, lắng đọng trong tâm hồn, theo giọng kể:

Kể chuyện tình bằng lời ca dao

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới...

Như gã hát rong, kêu gọi người về, tiếng gọi thiết tha, trìu mến, đầy da diết, mong đợi như hạt sương mai buổi sớm, như trên sông nước buồn của quê hương, từ đó, chảy về suối nguồn của thật thà, không dối trá:

Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc... 

Về đây nghe em ! Về đây thả ước mơ đi hát dạo

Để chào đời bằng hạt sương mai

Về đây nghe em! Cùng khóc trên sông nước buồn

Chở lòng người trở về quê hương

Chở hồn mình về dòng suối mát

Chở thật thà vào lòng dối trá ...

"Về" và "Chở" hay "Về" để "Chở", hai ước mơ, hai khát vọng như bổ sung cho nhau, cùng hướng về một đích: cho quê hương, cho cuộc đời dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, yêu thương hơn, rũ bỏ hận thù, hòa vào dòng suối mát lành, hạnh phúc khi đã gặp nhau. Được viết vào đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, khi chiến tranh diễn ra khốc liệt trên quê hương, bài thơmột lời kêu gọi trở về với nguồncội, trở về với dân tộc. Có lẽ vì vậy, mãi hơn năm mươi năm sau, bài hát vẫn được những người yêu âm nhạc mến mộ, trân trọng và tìm đến,  ...

Thời gian, càng tô thắm thêm vẻ đẹp ngời sáng, thánh thiện của Về đây nghe em.

Huỳnh Văn Hoa


(nguồn: Báo Đà Nẵng chủ nhật - số ra ngày 22.10.2023)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com