HUỲNH VĂN HOA: HUY GIANG, NHƯ NGỌN LỬA ĐỎ

HUYGIANG
HUY GIANG

Huy Giang tên thật Nguyễn Đăng Trừng, sinh ngày 22 tháng 5 năm 1942, tại thôn Trước Bàu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh - Đà Nẵng, cựu học sinh Trường Quốc học - Huế.

Tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh; Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Chủ nhiệm Báo Sinh viên, trong vụ án Báo Sinh viên bị Tòa án chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn kết án vắng mặt 10 năm khổ sai.
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng nguyên là đại biểu Quốc hội khóa XII, thuộc Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí  Minh.

*

Huy Giang viết ít. Thơ đăng chủ yếu trên tạp chí Bách khoa, Văn học, Gió Mới, Phụ nữ diễn đàn. Những năm đầu 60 của thế kỷ XX, bên cạnh làm thơ, Huy Giang còn viết truyện ngắn, dịch văn học (Trên đường rút lui, truyện ngắn E. Hemingway, Tạp chí Văn học, số 49, 1-11-1965).

Tạp chí Văn học, năm thứ nhất, số 1, ra đời vào tháng 11 năm 1962. Đây là Nguyệt san Văn hóa - Xã hội - Nghệ thuật, tập hợp nhiều gương mặt trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biêu biểu ở miền Nam như Hoàng Văn Đức, Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Cao Đàm, Nhật Tiến, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đình Toàn, Lý Chánh Trung, Nguyễn Duy Cần, Thanh Lãng, Dương Kiền, Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Nguyễn Xuân Hoàng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thái Tuấn,...

Vậy mà, từ số 4, tháng 2 - 1963, Huy Giang bắt đầu có sáng tác đăng trên tạp chí sáng giá này. Từ số 27, ngày 1-11-1964 trở đi, Huy Giang sau đó là Đynh Hoàng Sa, Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Đynh Trầm Ca, Tần Hoài Dạ Vũ có chân trong Ban Biên tập của tạp chí Văn học. Lúc bấy giờ, các nhà thơ xứ Quảng mới ở tuổi mười tám, đôi mươi, còn rất trẻ. Đây là vinh dự và sự đánh giá cao tài năng của các cây bút đất Quảng.

Tạp chí Văn học số 28, 15 tháng 11 năm 1964, Huy Giang có truyện ngắn Cây súng. Và, cũng trên tạp chí Văn học, số 31, tháng 1-1965, Huy Giang có truyện ngắn Hoa cúc. Không gian truyện vẫn là làng quê Quảng Nam, bắt đầu xa dần khung cảnh thanh bình, bước vào sự khốc liệt của chiến tranh.

Những bài thơ đầu tiên, Huy Giang viết về tình thương, tình yêu, những nỗi buồn của những ngày mới lớn, có buồn nhớ, như bao người trẻ khác. Tiễn người viết năm 1962, tại Đà Nẵng, lúc tác giả 20 tuổi. Đó là buổi sáng, trời đầy mây, không có gió, lòng bâng khuâng, không biết gửi buồn về đâu:

Buổi sáng đưa người trời đầy mây
Không gió nào lên cho tóc bay
Không biết lòng mình ra sao nữa
Chắc buồn ghê lắm mình không hay ...

Hình ảnh con tàu nặng nề rời ga, có bao nhiêu wagon mang người đi, chỉ tôi ở lại, cúi nhìn đường sắt chạy song song. Con tàu rồi sẽ qua bao nhiêu truông, bao nhiêu dặm, người đã đi, đêm nay, tôi nằm không ngủ, mở vòng tay ôm một khoảng không. Khổ cuối bài thơ sao buồn vậy, sẽ chết và chôn tại sân ga, để đêm đêm đón chuyến tàu qua, nhớ đôi mắt một người.

Tiễn người, Huy Giang kết thúc bài thơ với không khí nhuốm màu ảm đạm, phảng phất nỗi buồn của ngày mới lớn, khung cảnh yên vui từng ngày mất đi, cái chết xuất hiện:

Tôi chết người nhờ ai chôn sân ga
Đêm đêm tàu đến tàu đi qua
Mồ tôi thao thức nhìn sao hiện
Ôi mắt người kia nhưng quá xa.

Cũng nằm trong mô-típ, con tàu - sân ga - tiễn biệt, con tàu dần đi và nỗi buồn ở lại, nhưng khác với Tế Hanh trong Những ngày nghỉ học, viết năm 1938:

Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

Tôi thấy tôi thươngh những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương vấn trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi réo kẻ về

Kẻ về không nói bước vương vương
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhướ muôn phương.

Dần dần, thơ Huy Giang nghiêng về phản ánh hiện thực. Đó là những bài thơ 5, 6 chữ, như có lần nhà thơ bày tỏ quan niệm về cuộc đời và nghệ thuật:

Tôi không thể làm thơ nữa
Bằng cách sắp chữ lựa vần
Như thuở xa xưa bình trị ...

Ước mong của người bà về đứa cháu trai đầu lòng, "là con trai ngang dọc / cầm tên bắn cung". Thế rồi, "con ngựa đã chết / trong một trận dội bom / chiếc cung cũng đã cháy / thân ngoại cũng tro tàn".

Hiện tại, thân phận của đứa bé ngày xưa, không như mong đợi của bà, của mẹ:

bây giờ con phấn đấu
trong trận giặc khốn cùng
liệu làm sao ngang dọc
như lòng ngoại thầm mong
(Con ngựa trắng)

Những bình yên ngày cũ tan dần, những ảo mộng ban đầu như bong bóng vỡ theo ngày tháng, không thể sống như hôm qua, "không thể làm thơ nữa", một bước ngoặt trong đời. Và, cũng từ đây, một tin yêu mới, một ý chí mới nhen lên, sống hết mình trong từng giây phút để thực hiện ước mơ. Chính từ nhận thức này, Huy Giang có những chuyển đổi trong nội dung thơ.

Trên Tạp chí Văn học, số 14, tháng 12 - 1963, lúc ngoài hai mươi tuổi, Huy Giang viết bài Những ngày đau xót. Bài này, in lại trong  Tiếng hát những người đi tới, Tuyển tập thơ, Tổng hội sinh viên Sài Gòn, 1967. Bài thơ dài, có 636 từ, với 102 dòng, đủ cung bậc của những nỗi ám ảnh, niềm đau đớn và khát vọng về hiện thực quê hương.

Thơ Huy Giang là tiếng nói của một người chứng kiến những bi kịch chiến tranh, những đổ nát, nghèo đói của quê nghèo miền Trung: Mẹ tôi tần tảo ngược xuôi / Dành dụm từng đồng từng cắc / Mới làm nên được căn nhà / Nhưng mới lợp tranh gác mái / Thiếu tiền mua cót làm phên / Phải xin ván bia người bỏ / Đóng vào che gió che mưa / Những đêm mùa đông rét quá / Phải lấy những bao giấy xi măng / Dán bừa lên những kẽ hở / Mong cho đỡ lạnh phần nào (Những ngày đau xót).

Không chỉ vậy, bệnh tật, nghèo khó dày vò con người: Bữa tôi đi người căn dặn / Gắng lo chữa bịnh nghe con / Tôi biết bịnh mình khá nặng / Cũng chẳng làm được gì hơn / Vết lở lớn dần trong phổi / Từng đêm tôi lại nằm ho...

Nhân vật trữ tình trong các bài thơ của Huy Giang là những người nông dân khổ nghèo, người bẻ ghi xe lửa với "mặt trời như lửa đỏ / đốt trên lưng, trên da" (Đời sống) hay người mã phu già:

sau một ngày rời rã
hắn ôm con ngựa già
nói như là ru vậy
ngủ cho mùi nghe con
ngày mai đường phố chợ
có kẻ bán, người buôn
những đống hàng có nặng
gắng giúp già cho ngoan
ngựa đã già tuổi quá
hắn lại già tuổi hơn
người lẫn vật vất vả
từng manh áo, miếng ăn
ôi ngày qua, tháng lại
bánh xe cũng lăn đều
mà nỗi nhọc nhằn đó
chưa bao giờ lăn qua
(Người mã phu)

Dầu vậy, trong thơ Huy Giang, ta thấy một trái tim luôn cháy lên những khát vọng nồng nàn, những ước mơ lặng thầm, niềm mơ ước về một đất nước thanh bình, một tình yêu nồng nhiệt của một người trẻ làm thơ:

Hỡi các bạn trong Nam ngoài Bắc / Cùng anh em quê quán miền Trung / Tôi đã lớn lên ở đó / Tôi cũng đi gần khắp Sài Gòn / Dù chưa ra thăm Hà Nội / Nhưng chắc là tôi sẽ mến yêu / Nghe nói sông Hồng rất lớn / Sau đê ruộng lúa phì nhiêu / Nghe nói phù sa đỏ thắm / Chắc đỏ bằng máu tôi là cùng / Hỡi tất cả đồng bào toàn quốc / Từng cam chịu khổ đau nhiều / Tôi xin gởi lời thăm hỏi (Những ngày đau xót).
Những hình ảnh thơ trữ tình về miền Trung, về Sài Gòn, về Hà Nội mến yêu, có phù sa sắc thắm của sông Hồng, "đỏ bằng máu tôi" ... sâu lắng và thân thương.
Huy Giang đổi cả tuổi trẻ của  mình cho ước mơ thành thật đó.
*

Khi viết những dòng cuối về thơ Huy Giang, dầu biết, hơn nửa thế kỷ qua, ông đã rời địa hạt nghệ thuật này, qua những lĩnh vực khác, song, nghĩ về đời và thơ Huy Giang, vẫn không quên những dòng Vítězslav Nezval (1900 - 1958), một trong những nhà văn người Séc tiên phong nhất trong nửa đầu thế kỷ XX và là người đồng sáng lập phong trào Siêu thực ở Tiệp Khắc, đã viết:

"Trong thơ cũng như trong đời sống, mùa xuân không ngừng nở hoa, giọt mồ hôi lao động không ngừng tuôn chảy, cuộc đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn không bao giờ ngưng nghỉ. Không có một tư tưởng, một tình thế, một sự vật hoặc một câu chuyện nào không thể thành thơ với nghĩa trở thành một chủ đề của nó, hoặc mang lại cho nó một hương sắc mới".
Như "một ngọn lửa đỏ" (Tấn phong), thơ Huy Giang cháy không nguôi bao niềm hy vọng ! Những dòng thơ "không ngừng tuôn chảy" về một thế giới tốt đẹp.

HUỲNH VĂN HOA
Nguồn: vansudia.net, ngày 14.11.2021 7-2020

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com