PHẠM THỊ DIỆU THU "ĐIỀU EM CHƯA DÁM NÓI": GIỌT TÌNH YÊU LONG LANH

Untitledbbbb

Tôi biết bắt đầu thế nào đây khi lòng đầy cảm xúc được đọc 99 bài thơ trong tuyển tập Điều em chưa dám nói của nhà thơ Phạm Thị Diệu Thu.

Tôi không biết bắt đầu từ đâu vì tác giả của nó đã rất quen thuộc với những người yêu thơ qua rất nhiều tác phẩm thơ đã đi vào lòng người: Tập thơ Trả lại những đam mê (Nhà xuất bản Văn học, 2015), tập thơ Nhớ một người dưng (Nhà xuất bản Văn học, 2016),… và rất nhiều tuyển tập thơ in chung, trong khi tôi chỉ là một gã đam mê thơ, đứng bên lề văn chương…

Thôi thì bắt đầu bằng sự điềm tĩnh vậy, bắt đầu bằng mượn ý của các nhà thơ lớn của thế giới “Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn” và “Thơ là người thư ký trung thành của trái tim” để nhận chân cái đẹp của Điều em chưa dám nói.

Điều em chưa dám nói là một tập thơ về tình yêu, một đề tài lớn nhất, đẹp đẽ nhất và muôn thuở của nhân loại và đặc biệt là của các nhà thơ. Có điều gì đẹp hơn tình yêu chăng? Không. Nhưng khuôn mặt của tình yêu là thiên hình vạn trạng: là trong sáng, là vui tươi, là u buồn, là bẽn lẽn, là uyên ương, là đớn đau, là đắm say…  trong cõi nhân gian mơ hồ. Chẳng phải ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã từng thốt lên “Đố ai định nghĩa được tình yêu” đó sao.

Trong mênh mang mơ hồ đắm say đó, Điều em chưa dám nói thật là dễ thương. Là một người mộng mơ nhưng đầy chân thực, Phạm Thị Diệu Thu lấy chính cái tên mình để làm nick name trên facebook, nơi nàng bộc lộ tình yêu thương đắm say và rộng lớn của mình.

Nếu nói thơ là sự tuôn trào bộc phá những tình cảm mãnh liệt thì điều đó càng rất đúng với những bài thơ của Diệu Thu. Tình cảm làm thơ của nàng mãnh liệt đến đỗi nàng dặn con gái của mình :

“Mẹ bảo này con gái của mẹ ơi

Đừng như mẹ đắm mình vào thơ nhé”

(Bài thơ mẹ viết tặng con gái)

Không phải yêu thơ, làm thơ mà còn “đắm mình vào thơ” thì tình yêu, niềm vui, niềm đau khổ … với thơ là lớn biết dường nào.

Vậy mà trong nỗi đắm say ấy, ngay trong cái tựa của tuyển tập, nữ thi sĩ của chúng ta chỉ là  Điều em chưa dám nói chứ không phải là Điều em chưa nói. Tôi suy nghĩ mãi về cái tựa này mới chợt nhận ra cái sâu lắng, cái khiêm tốn và cái đau đớn, đắm say của nhà thơ tài năng này. Điều em không dám nói, nói lời tình yêu mạnh mẽ, phải chăng là sự tự ti trong tiềm thức :

“Hay bởi em người đàn bà cũ kỹ

Mượn vần thơ

khắc khoải

đếm mong chờ...”

(Điều em chưa dám nói)

Không. Diệu Thu của chúng ta không hề tự ti. Nhà thơ tự hỏi, tự khẳng định để mà tự vươn lên, diễn tả đắm say những hoa mộng của điều mà em chưa dám nói.

Trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay, người ta e rằng tâm hồn cũng bị số hóa và khi đó thơ cũng theo nhịp điệu mà cằn cỗi. Tôi không hình dung được là các nhà thơ tiền bối lẫy lừng của chúng ta sẽ như thế nào khi đối diện với loại hình thơ được phát tán mạnh mẽ như hiện nay. Nhiều quá, nhanh quá mà thơ bẽ bàng chăng? Nhưng với Diệu Thu thời đại số hóa không làm thay đổi đam mê con người thơ mà ngược lại nó giúp nhà thơ trình bày rõ ràng, trong sáng, có minh họa tràn đầy mộng mơ.

Điều em chưa dám nói là nỗi bộc bạch về tình yêu qua nhiều cung bậc – nếu tình yêu có cung bậc - và thực sự là nó có cung bậc với không gian và thời gian. Với Diệu Thu cung bậc ấy có thể phân làm 3:

pham-thi-dieu-thu-tra-lai-nhung-dam-me-ngay-cu-01-.8384

1 - Tình yêu thuở ban đầu khi ta hãy còn rất trẻ, đời còn nhiều mộng mơ, là những mối tình “cậu, tớ” rất riêng của nữ nhà thơ .

2 - Câu chuyện tình yêu với những đắm say, vui sướng, đau đớn, nhớ nhung, hờn dỗi … và hạnh phúc cau trầu.

3 - Lời tự sự yêu thương về đời, về người, về thơ.

Theo tôi, có thể không phải là hay nhất, nhưng nét đặc sắc nhất của Diệu Thu là những bài tình thơ của tuổi học trò. Chẳng phải tự dưng mà người ta biết nhiều đến nhà thơ với những mối tình “cậu, tớ”. Đó là nét rất riêng, rất hay của Diệu Thu, không lẫn vào đâu được của cô gái Hà Nội này.

Tôi, và có lẽ các bạn nữa, sẽ rất thích những bộc bạch trinh nguyên thời chúng ta hãy còn rất trẻ. Chúng ta sẽ thấy mình “trẻ” và yêu trong đó. Nhớ nhung và thuần khiết.

Cậu và tớ có lẽ là một cách nói rất riêng, thường hay dùng của những người trẻ Bắc Hà, đặc biệt là Hà Nội. Cách nói rất riêng này nhưng trên toàn cõi Việt Nam đều hiểu là những đôi bạn trẻ. Cậu và tớ trong thơ Diệu Thu là những người trẻ yêu nhau.

Ta thấy ta trong nỗi lòng hoa mộng :

“Cậu là nguồn cảm hứng

Để tớ viết thành thơ…”

Và :

“Những vần thơ ngọt ngào

Luôn có hình bóng cậu.”

(Cậu là nguồn cảm hứng)

Ta thấy ta trong dỗi hờn trong trẻo :

“Bắt đền bắt đền đấy

Nhớ cậu đến cháy lòng

Vần thơ nay tớ viết

Cho dịu nỗi chờ mong!”

(Bắt đền)

Còn cái bắt đền nào dễ thương hơn không? Bắt đền mà không bắt đền. Tôi không hiểu “người ta” sẽ đền bằng cách nào ngoài lòng yêu thương.

Ta nhớ về một thời chúng ta trẻ người non dạ, mà cái giận dỗi cũng làm nên tình yêu. Giận dỗi, nũng nịu với một người thôi : người mà ta yêu. Thật lạ :

Có khi nào trên đường đông... thiếu vắng

Cậu giật mình tìm gọi "Dấu yêu ơi!" ?

Có khi nào biết tớ thèm được giận dỗi

Chỉ với người duy nhất: chính cậu thôi?

Nhớ cậu nhiều nhớ mãi không nguôi...”

(Cậu à có nhớ tớ không?)

Những hình ảnh tình yêu cậu - tớ trong thơ thật là dễ thương huyền ảo :

“Có khi nào cậu nhớ tới tớ không

Như nỗi nhớ tớ dành riêng cho cậu

Có khi nào tâm tư hiểu thấu

Cậu luôn dành cho tớ yêu thương?”

Cả tuyển tập thơ có hơn mười ngàn chữ mà đã có 75 chữ “cậu” và 57 chữ “tớ” mà không nhiều, không loạn, không đơn điệu chút nào. Đó là tài hoa của nhà thơ. Đó là đặc sắc của nhà thơ. Đó là sự nũng nịu của một thời hoa mộng. Đó là khi ta mang trong mình một trái tim tuổi trẻ đầy mạnh mẽ và yêu thương. Tôi không biết có nhiều nhà thơ nói về mối tình cậu tớ hay không nhưng với riêng tôi nhà thơ Diệu Thu là đặc sắc nhất, mang dấu ấn nhiều nhất về điều này. Khi các bạn muốn trở về một thời hoa niên đầy hoa mộng thì chúng ta có thể tìm đến Diệu Thu. Một vườn hoa trẻ tươi sáng, trinh nguyên sẽ chào đón ta trở về.

Nhưng tôi e rằng, cái đặc sắc, riêng với Diệu Thu, không phải là Điều em chưa dám nói thời hoa mộng ấy mà là câu chuyện tình yêu của anh và em. Chập chùng ở đây là “anh” cũng có thể là “cậu” và “em” là “tớ” của ngày xưa, hay chính hôm nay. Ta lấy cậu và tớ, anh và em để tỏ nỗi lòng. Thời gian dường như biến mất. Chỉ còn anh và em và tình yêu ở lại. Cậu và tớ, anh và em có cách biệt nào không? Tôi cũng không biết nữa, nhưng có lẽ là một. Là một nhưng có thể là hai đấy các bạn ạ.

Ta hãy nghe nhà thơ hát :

“Dù bây giờ hay đến tận mai sau

Em vẫn khát vẫn mong chờ anh đến

Vẫn yêu anh như em từng ước hẹn

Dẫu bao năm em vẫn đợi anh về...”

(Chẳng khi nào em hết nhớ anh đâu!)

Chẳng phải là mối tình  “cậu tớ” được nâng cấp đó sao. Tình yêu anh trong em là đắm say, là vĩnh cửu và hai tiếng thủy chung. “Anh” và “em” nghe dịu ngọt và đời hơn.

Yêu nồng nàn, da diết. Nhớ sâu thẳm, thủy chung. Mối tình anh và em là câu chuyện tình yêu vậy. Ai mà không khắc khoải những dòng tình yêu tuyệt bút:

“Dẫu thế nào em vẫn mãi như xưa

Dẫu ai nhớ hay ai quên biền biệt

Em mãi yêu anh nồng nàn da diết

Như cuộc đời

định mệnh vậy

anh ơi!”

(Điều em chưa dám nói)

Nhà thơ tình yêu cậu - tớ trinh nguyên, tươi trẻ của chúng ta đã biến thành tình yêu anh - em da diết, đắm say và thủy chung như thế đó. Cuộc đời tươi đẹp mãi trôi đi trong tình yêu. Chỉ có thể thốt lên một điều thôi: Tuyệt vời.

Và các bạn hỡi, cung bậc còn lại của tình yêu là những tự sự yêu thương về đời, về người, về thơ cũng là một bức tranh đầy màu sắc.

Ta hãy nghe :

“Hãy luôn yêu thương và tràn đầy nhựa sống

Cháy hết mình đi em cho những đam mê ! …”

(Cháy hết mình cho đam mê đi em)

Cuộc đời là những vần thơ và đam mê là như con chữ. Nếu nhìn cuộc đời từ đây ta thấy cái tuyệt vời của từ “hãy”. Đó là sự gắn kết tuyệt vời của những yêu thương, của sức sống tràn đầy và cháy hết mình cho những đam mê. Đời còn nhiều lo toan, còn nhiều đớn đau, bệnh tật nhưng khi chúng ta “hãy”… thì sao nhỉ? Chắc chắn điều tuyệt vời sẽ đến với ta, dẹp lo toan phiền não và chắc tình yêu là một trong số đó. Phải không nhà thơ ơi?

Và tự sự về cuộc đời nhà thơ cho ta một cái nhìn đầy yêu thương:

“Cuộc sống ngắn ngủi lắm

Hãy biết thương yêu nhau

Cùng giúp nhau cố gắng

Hạnh phúc tỏa muôn màu”

(Cuộc sống mến thương)

Cuộc sống là mến thương. Mến thương là tình yêu. Đến đây tôi lại gặp chữ “hãy” thân quen, mạnh mẽ. Tôi có hơi tò mò và tìm thấy 74 từ “hãy” nhưng chỉ có 15 từ “xin” trong tuyển tập thơ . “Hãy” và “xin” về một nghĩa nào đó là gần giống nhau, đều là mệnh lệnh cách, là yêu cầu làm một điều gì đó. Nhưng từ “hãy” nghe mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và quyền uy hơn. Chữ “xin” nghe có vẻ yếm thế hơn. Mà về cái gì vậy? Đó là về  tình yêu cuộc sống. Ta thấy nhà thơ yêu mạnh mẽ, quyết liệt và quyền uy với cuộc đời biết bao.

Đến đây tôi thấy như mình là người có lỗi. Thấy mình có lỗi hơn khi có nhiều bài thơ xuất sắc được phổ nhạc, có bài được 2 nhạc sĩ, thậm chí được 3 nhạc sĩ phổ nhạc. Tình thơ bay lên khuôn nhạc một cách dịu dàng.  Điều mà nhà thơ đặt ra là quá lớn, quá đam mê, quá mãnh liệt mà tôi không sao nói hết được điều tuyệt vời này. Kính mong các bạn hãy đọc, hãy lắng nghe, lắng lòng mình lại để thấy những cánh hoa đầy màu sắc của một tình yêu vĩ đại bay khắp cõi nhân gian.

Với tôi chỉ còn lại là nỗi niềm hân hoan, hạnh phúc và đắm say khi được đọc tập thơ đáng yêu này.

Điều em chưa dám nói long lanh những hạt thơ của tình yêu bay lên.

Untitled_bbac_si

Sài Gòn, ngày 25-6-2023

Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh



Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com