Nhà thơ VÕ THỊ NHƯ MAI
“Đêm nay em nghe gió trở” là tiếng thì thầm của mật thoại đêm, khi ám ảnh từ chất liệu cuộc sống ùa về tràn ngập tâm thức thơ. Thi nhân mở toang cánh cửa tâm hồn với “này biển này dòng sông cỏ dại trên cánh đồng/và ánh trăng vằng vặc soi mảng sân nâu trước cửa”. Không phải hoài niệm mà là tỉnh thức, không phải ẩn mình mà là tiếng kêu“khản cổ tiếng ve ảm đạm lá vàng lạnh lùng mưa rực rỡ nắng”. Nhẩm đếm tạo hóa biến thiên, ô hay, dấu yêu muôn thuở, thời gian pha sương trắng trên mái đầu, ngàn câu hỏi gởi về địa chỉ hoang vu, không chờ đợi hồi âm, khi mà “khắc dấu chân người sao quay bước được đây”. Vâng, không thể, người sẽ không quay về với em, nên người đâu có hay“ngày không bình yên vì vẫn mơ và nhớ/đêm nay em nghe gió trở”
Ai chưa từng nghe nỗi xôn xao khi GIÓ TRỞ từ tận đáy tâm can lúc đối diện bóng mình, hãy chiêm nghiệm cùng nhà thơ VÕ THỊ NHƯ MAI. Theo tôi, năng lượng vô hạn của mặc tưởng bùng cháy trong phút giây thăng hoa, hoặc cũng có thể ẩn tàng từ lâu trong tâm cảm thi nhân trong quá trình sáng tác bài thơ.
Trong gió trở, vạn vật hữu hạn lên tiếng khi dòng ý thức luân chuyển. Tha nhân ơi, lòng ta giờ đây “như tiếng thở dài của những con sông” chảy từ ngọn nguồn của trầm mặc, những nhớ nhớ quên quên không thể đối chứng, những bàng hoàng thảng thốt cũng vô thanh như viên sỏi ném xuống vực sâu, mà “uyển chuyển chân tâm trùng trùng duyên khởi/yên lặng trong đêm vọng niệm ánh dương hồng”. Triết niệm và quán tưởng chỉ là huyền triết, ta không đếm nỗi lòng ta có bao nhiêu hạt bụi trong“trùng trùng duyên khởi”, ta cũng thấy “mặt trời còn nguyên vẹn khi ánh dương hồng bừng lên”. Thế mà khi:
em mở cánh cửa mùa đông
nép mình vào vai gió
ngọt thơm là hương nhu lá cỏ
gối tay lên bụi rù rì
ong vờn sương bạt xâu chuỗi phút phân ly
chạm tay vào ý nghĩ…
Vâng, em “chạm tay vào ý nghĩ” giá băng sau cánh cửa mùa đông, em giao cảm với hương thơm lá cỏ, để em đối mặt với hữu hạn và nhắn gởi đến anh câu hỏi muôn đời:
hạn hữu mùa trằn mình
ươm mầm từ hơi ẩm lửa xanh run run hiu hắt
nâng con chữ khoan thai góp nhặt
giấu vào tim em, âm hưởng, ngất ngây lòng!
mai gió trở mình anh nghe buồn không?
Tôi xin phép được kìm nén cảm xúc thơ để luận bàn đôi chút cùng các bạn: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc” (Hegel).
Chính vì thế mà tôi và các bạn có thể lý giải khi “ong vờn sương bạt xâu chuỗi phút phân ly” lại mang về “hơi ấm lửa xanh run run hiu hắt” để mùa qua “Giấu vào tim em âm hưởng, ngất ngây lòng”. Phải chăng đây là sự ảo huyền của thi ngôn trong thơ ca, là tín hiệu ngữ nghĩa hàm ngôn mà bài thơ mang lại cho độc giả? Theo tôi, tầm vóc của một bài thơ được xác định bởi sự giải thoát khỏi những buộc ràng kinh điển, bởi sự độc đáo và duy nhất của thi tứ, Và GIÓ TRỞ đã đáp ứng những điều kiện giả định mà tôi vừa nêu, khiến tôi bị cuốn vào vòng xoáy của cảm thức thơ Như Mai trong Gió Trở.
Khi tâm thức ta trở gió, kí ức bị đảo lộn nếp gấp trầm tích thời gian, ảo giác ẩn hiện sau lớp bụi trần thế, dòng ý thức luân chuyển trong phút giây mặc khải, hồn thi nhân như lãng đãng nhẹ tênh bay lượn giữa không gian đa chiều đứt gãy, tồn tại bỗng hỗn mang, với khe khẽ dấu chân mùa thu, gánh tình nặng nỗi truân chuyên đọc đường gió bụi bộn bề:
này dấu chân ngủ quên giữa mênh mông cúc vàng
lênh đênh quả tim gánh tin yêu ruổi rong tứ bể.
Có một tác giả nói rằng, tại sao thơ là phải cho người đọc hiểu hết ngọn nguồn của thi tứ, thi ngôn ? Ẩn dụ trong thơ NHƯ MAI gieo băn khoăn mãi trong tôi, đây là hai câu tiêu biểu, khó lòng khám phá bằng tích phân chữ nghĩa. Thôi thì ta cảm nhận chứ không thể thức nhận:
dẫu bàn chân không dẫm những bước lao đao trên trần thế
triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu…
Nhà thơ đào sâu vào khối dung nham hừng hực, từng mảng ý tưởng vụt hiện, đa phạm trù, nhiều lĩnh vực, đậm đặc hình ảnh, được thi nhân liên tưởng để thi từ tuôn chảy như một mặc định của tri thức tồn tại trong ý thức: khớp xương người lính già – chiếc chuông gió mỏng manh – cuốn sổ tay của ba – nỗi nhớ khuấy đại dương – số lẻ - số chẵn. v v…
Chất hậu hiện đại xâm nhập bài thơ, tác giả bỏ mặc tôi, mặc kệ các bạn lao đao cùng chữ nghĩa:
chim vành khuyên đến mùa thì hót
thanh âm có phép nhiệm mầu
trái chua hoá thành quả ngọt
thánh thót buồn vui tự xóa
mái đình quên em hiện hữu trong đời
soi gương thấy người xa lạ
lá non cuối trời rong chơi
thì thôi em về lặng im
không đắng – không cay – không buồn – không nhớ
đêm nay em nghe gió trở
chợt xót thương phận mình!
Khi đã chiêm nghiệm đến tận cùng về vũ trụ và tâm linh, người ta bỗng trở nên ngây thơ đến trống rỗng, tinh khôi đến diệu kì. Có ai cùng tôi thích câu thơ “chim vành khuyên đếm mùa thì hót” , ô hay, vành khuyên hót cả bốn mùa nhưng vành khuyên của NHƯ MAI phải chờ đến mùa định mệnh mới cất tiếng hót chăng. Tưởng như đương nhiên mà chẳng đương nhiên chút nào. Cái tôi cũng vô minh khi nhà thơ “soi gương thấy người xa lạ”, tôi biến dạng trong tự thức, tôi hóa kiếp trong nhiêu khê hỗn độn, để“đêm nay em nghe gió trở”.
Ba khổ thơ kết thúc bằng những chênh chao tâm thức của nhà thơ khi gió trở, khổ 1 cho tác giả, khổ 2 cho người yêu và khổ 3 cho “mặc tưởng tôi”.
Khổ 4 bài thơ hình như là thi tứ độc lập khi tác giả đã no tròn năng lượng mặc tưởng. Từng mảng ý thức theo dòng chảy suy tưởng hiện ra, tồn tại độc lập, chừng như không có sợi dây liên kết. Ở đó, ý thức không kiểm soát được ngôn từ mà trở thành hai người bạn đồng hành. Đến và thăng hoa. Thăng hoa để chạm vào ngõ ngách. Và cuối cùng cái tôi đang là cũng có mặt:
nếu phải lãng quên em
xin nhẹ tay ấn phím xoá
quả chuông đồng hồ tích tắc tích tắc
sự khởi đầu vẹn nguyên!
Phải nói rằng, GIÓ TRỞ là một bài thơ khó đọc, bởi hình như đây là cảm xúc thơ ngàn năm có một, không dễ gì bắt gặp lần thứ hai, khi người tình ngữ ngôn của mọi nhà thơ luôn đỏng đảnh thích chơi trốn tìm.
Chúc mừng nhà thơ Võ Thị Như Mai. Cảm nhận nếu có lệch lạc, nhà thơ bỏ qua nhé.
(Bà Rịa, 14/9/2021)
Nguyên Bình
< Lùi | Tiếp theo > |
---|