ĐOÀN TUẤN: NHỮNG NGÀY TẠM XA CHIẾN TRẬN

DOANTIAN-VA-NGUYNE-THUYrrCựu chiến binh, nhà thơ, nhà biên kịch Đoàn Tuấn (trái) và đồng đội Nguyễn Thủy


Sau những ngày chiến đấu khốc liệt ở Anlung Veng và Bak Anlung, Tiểu đoàn 8 được cấp trên cho về đóng quân gần phum Giềng. Gọi là gần vì từ đây vào phum cũng gần 4-5 km. Đó là một phum cũ, dân đã bỏ đi từ lâu.

Lính D8 từ trong rừng ra không khác gì thổ phỉ. Quần áo rách tả tơi. Nhiều người mặc quần đằng sau ra đằng trước. Bởi đằng trước rách te tua. Chỗ đầu gối rách sớm nhất. Toang hoác. Đi đứng khó chịu. Lính xé béng luôn. Ống quần còn có tác dụng là rẻ lau súng đạn. Bởi suốt 5 năm lính, chưa bao giờ chúng tôi được phát rẻ lau vũ khí.

Tóc tai dài trùm gáy, dài hơn mang tai. Dính bết. Không có xà phòng. Mắt trắng dã. Hằn những tia đỏ ngầu vì thiếu ngủ. Gương mặt quắt lại. Hai gò má nhô lên như hai ụ mối mùa khô. Đôi môi thâm sì như hai con đỉa vắt ngang. Chỉ có hàm răng, tuy xỉn vàng, vẫn còn độ sáng. Khi cười, vẫn thấy dễ thương. Nhất là những anh răng vẩu. Khi họ cười, không thấy mặt đâu, chỉ thấy hàm răng nhô ra phía trước như vòng cung nhỏ, lên xuống phập phồng.

Nước da ai cũng tái xanh. Như lá rừng. Hậu quả của sốt rét triền miên và đói dinh dưỡng. Thân thể gày ốm tong teo. Mông má chạy đâu mất. Tuy vậy, ít thấy ai cởi trần. Bởi sỹ diện. Giấu đi 36 cái xương sườn. Giấu đi những ngả đường gian khổ. Giấu đi những vết ghẻ lở như những vũng suối cạn mùa khô. Giấu đi những vết hắc lào như những vết thương nhỏ. Giấu đi những vết lang ben như những vết cháy rừng, những bình độ, toạ độ trên đường truy quét.

Về phum Giềng rồi. Lính mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì được xa Anlung Viêng, vùng chiến trận. Lo vì được gần dân. Phải chỉnh đốn dung nhan và trang phục cho đàng hoàng một chút. Chẳng gì, mình cũng là lính nước ngoài ở Campuchia. Mình đi giúp bạn, chả nhẽ lại ăn mặc lôi thôi? Y tá Võ Đình Chiến có tiếng ăn mặc đẹp nhất Tiểu đoàn, suốt ngày nổ: ''Nhìn quân phục, đoán tư cách. Nhìn lông nách đoán lông...''. Tuy rất bậy nhưng lính nghe, thấy vui tai.

Phum Giềng, đối với D8, lính không lạ gì. Vì năm 1979, D8 đã ở phum Choăm Sre. Mỗi khi lên Trung đoàn gùi lương thực, thực phẩm, đều phải đi qua phum Giềng. Một phum trù phú. Thích nhất là có nhiều em xinh.

Lại được làm nhà, dựng nhà trên mặt đất. Không như nhà hầm trên Anlung. Những công việc của nhà nông như chặt tre, đánh tranh, buộc rui, mè... lính làm thuần thục. Nhìn những căn nhà mái tranh mới lợp, vách thưng tre, sao gợi nhớ những ngôi làng bên Tổ quốc xa xăm.

Vậy là lính D8 lao vào chiến dịch tân trang, làm mới lại mình, như hồi nhập ngũ. Lính tráng đua nhau đi tắm. Suốt ngày suốt đêm. Những anh ở bẩn nhất, thường bị chê ''hôi như heo'', giờ cũng chịu khó giội nước lên người. Có anh ngày tắm đến 3 lần như xạ thủ B40 Võ Ngọc Tiết. Huỳnh Đức Thuận, vốn lười đánh răng, giờ cũng đánh ngày 2 lần. Lê Minh Quốc, vốn lang ben, giờ đun nước nóng, nhờ Trần Đào Hiền Nhân, cầm dép cao su, (dép râu), kỳ lưng kỳ ngực đến hết những đường kỷ hà gian khổ. Tuấn Chim cu, hắc lào nặng, giờ tìm chỗ nhiều ánh nắng, hong bộ ấm chén cho khô. Hà Quang Minh tích trữ nước hoa, giờ mang ra xài, thơm điếc mũi...

Các loại kéo của quân y, y tá Lê Minh Đước cho anh em mượn sạch. Những anh khéo tay được Tiểu đoàn trưng dụng làm thợ cắt tóc. Các sỹ quan tích trữ dao cạo râu, giờ mang ra cho lính xài cùng. Chỗ nào cũng thấy lính giặt tăng, võng, ba lô và quần áo cũ. Cả khu rừng như một binh trạm lớn trên Trường Sơn năm xưa, nơi lính dừng chân nghỉ xả. Trinh sát Nguyễn Đức Cầm lại mang sổ tay ra, ghi những lời hay ý đẹp nằm lâu trong đầu. Chẳng hạn: ''Đường ta đi có thể dài ngàn dặm, nhưng không thể bước nếu trong giày vướng viên sỏi nhỏ''. Thông tin Huỳnh Xuân Thiển được dịp trổ tài, phá võng, may quân phục mới hoặc sửa lại quần áo cho anh em...

Và có lẽ, sung sướng nhất, hạnh phúc nhất là được đi trên những lối mòn, giữa hai bờ cỏ. Những bước chân giẫm xuống đất bình an. Không sợ vướng mìn. Không sợ vấp mìn. Tuy vai vẫn khoác AK, nhưng đi lại thong dong. Chỉ cần được bước một cách bình thường, ngắm những cây dầu gai con non, thân đen trũi sần sùi hai bên đường, ngẩng nhìn mây trắng. Chợt nghe tiếng quạ bên rừng, lòng thanh thản bao nhiêu.

Con đường vào phum Giềng bắt đầu hằn dấu giày. Lính tráng ngược xuôi tấp nập. Họ vào phum suốt ngày. Đêm cũng không xá.  Và  những tiếng Kh'mer bập bõm, lâu ngày không được dùng, giờ lính ôn lại. Bi bô như trẻ con học nói. Dân Kh'mer nghe lại càng thương. Khi đi mang theo quần áo. Khi về, ba lô nặng trĩu gà, chó, rượu... Tối tối, anh em C8 lại tụ tập chỗ quản lý Võ Huy Lụa, nghe nhạc từ đài ''Trung Hoa tự do'' (Đài Loan). Từ chiếc radio nhỏ xíu, vang lên những giọng ca hải ngoại như Thanh Tuyền, Chế Linh ''Chiều mưa biên giới anh đi về đâu''..., ''Thành phố buồn, nhớ không em, nơi chúng mình...''. Những giọng ca đã cất lên từ lâu, đã hát cho hàng triệu người, nhưng giờ đây, chúng tôi cảm thấy, dường như họ hát cho riêng mình. Lắng từng tiếng. Uống từng lời. Dịu vết thương sau bao ngày đau đớn.

Và anh em được ngày ăn 3 bữa cơm nóng. Không còn cơm vắt muối hầm như thời Anlung. Tối đến, các đơn vị sinh hoạt, hát đồng ca vang rừng.

Tôi và Huỳnh Đức Thuận, vào phum đổi mấy chú gà con. Về thả quanh nhà. Thuận bảo: ''Cho có vẻ làng quê Việt Nam''. Chiều chiều, Thuận cuốc ụ mối. Gà con theo sau, ăn mối căng diều. Và nửa đêm về sáng, lại nghe tiếng gà gáy râm ran.

Đêm ngủ được đẫy giấc.

Không còn nghe tiếng mìn nổ, tiếng hoả lực ùng oàng.

Không còn nghe tiếng gọi ''Mẹ ơi!'' xé lòng của đồng đội khi vấp mìn.

Và không còn rất nhiều thứ đau thương khác...

Ôi những ngày tạm rời xa chiến trận...

Những ngày rời xa chiến trận...

Những phút giây rất đỗi bình thường...

Sao quý báu và thân thương đến thế...nhiều thân yêu.

Đ.T

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com