ĐOÀN TUẤN: NHÀ THƠ ĐỖ TRỌNG KHƠI - MỘT TẤM GƯƠNG TỰ HỌC

 

tam-guogtu-hioc-do-tran-khio

Nhìn hình ảnh nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ngồi trên xe lăn, tôi thường liên tưởng đến nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học Stephen William Hawking. Có điều, nhà khoa học người Anh được học ở nhiều trường đại học danh tiếng nhất của đất nước mình, còn nhà thơ của chúng ta mới chỉ học đến lớp Ba trường làng. Nhưng  chẳng hề chi. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có nhiều tấm gương tự học thành tài như Tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln, nhà văn M. Gorky, thi sỹ Tản Đà, nhà thơ Phùng Quán…

Các sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956, kể rằng, buổi đầu lên lớp, các thầy Đinh Gia Khánh, Trương Tửu… đều chỉ cho các bạn trẻ quan điểm “Đại học là tự học”. Đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu kể, năm 1976 khi ông thi vào Đại học Điện ảnh Bắc Kinh, các thầy cũng nói: “Mười năm Cách mạng văn hóa, chúng tôi bị đày đi nông thôn, không nhớ gì kiến thức điện ảnh, các anh hãy tự học”.  Nhưng điều kiện tự học của họ khác xa Đỗ Trọng Khơi. Ít ra, họ đều ở hoàn cảnh “hậu chiến” và còn nguyên vẹn chân tay. Còn cậu bé Đỗ Trọng Khơi lại ở trong hoàn cảnh chiến tranh và chưa qua tuổi nhi đồng. Đặt mình vào vị trí của Đỗ Trọng Khơi, ta mới cảm nhận được sức mạnh tinh thần khổng lồ không kém gì sức vươn thể chất của Thánh Gióng.

2.

Khi Khơi lên 6 tuổi, bố anh nhập ngũ. Những năm 60 - 70 trong thế kỷ XX của đất nước, những người đàn ông ở các làng quê miền Bắc, tuổi từ 17 đến 37, đều nằm trong danh sách sẵn sàng ra trận. Một năm sau, bố anh hy sinh tại chiến trường Quảng Ngãi. Cậu bé Khơi vẫn được cùng bạn cắp sách đến trường. Nhưng một bên chân của cậu, cứ sưng dần. Lúc đầu là mấy ngón, sau lên cổ chân, bắp chân, rồi cả hai chân. Hai tay cũng vậy. Cứ co quắp lại dần. Mới 11 tuổi, Khơi không thể đi được. Gia đình chạy chữa nhiều nơi, nhưng đều không kết quả. Ở một làng quê thời chiến, có bao nhiêu việc quan trọng. Số phận của một con người nhỏ bé, đành phó mặc cho Trời. Dù ông bà và mẹ cùng những người thân hết lòng chăm sóc, nhưng con người nhỏ bé ấy, cứ phải nằm một chỗ. Lại nằm nghiêng. Hai chân dần dính chặt vào nhau. Đầu và cổ hầu như không cử động. Các khớp xương cứng lại. Những động tác thông thường cũng làm cậu đau đớn. Ở cái tuổi đang tung bay “như con chim chích / nhảy trên đường vàng” (Tố Hữu) mà phải nằm bất động , hỏi còn bi kịch nào đau đớn hơn?

Người ta thường nói về “phúc” hay “họa”. Trong cái này có cái kia. Nhưng trí óc non nớt của cậu bé hơn mười tuổi đầu ấy đâu có nghĩ gì về những khái niệm trừu tượng đó. Và cậu chỉ biết, mình còn sống. Mình đang sống. Cậu sinh năm Canh Tý mệnh Lương thượng chi thử - mghĩa là “Chuột trên xà”. Một khi chuột đã ở trên xà thì chỉ có nước chạy. Nhưng cậu bé Khơi, tuy nằm một chỗ nhưng tâm trí cậu chạy. Tâm trí chạy đi đâu? Chạy tìm những cuốn sách. Những bộ tiểu thuyết như Tam Quốc chí, Đông Chu liệt quốc… mở ra cho cậu những thế giới vừa hiện thực, vừa kỳ ảo.  Tuy không thể đến trương, nhưng những cuốn sách đã  mang  đến cho cậu “những cánh cửa học vấn”.

Rồi sách trong nhà cũng đến lúc cạn. Tâm hồn và trí óc khát khao dinh dưỡng. Có người họ hàng đến thăm, nói cho cậu biết, ở chợ huyện Hưng Hà, quê cậu, có hiệu sách. Phải công nhận một điều, những năm kháng chiến chống Mỹ, công tác văn hóa cơ sở ở các tỉnh miền Bắc làm rất tốt. Hầu như xã nào, huyện nào cũng đều có thư viện. Mỗi huyện đều có một vài “Hiệu sách nhân dân”. Và các Nhà xuất bản, do ít giấy, đều chọn in những cuốn sách có chất lượng. Cậu bé Khơi bàn với mẹ, trích một phần tiền tuất của người cha liệt sỹ, để mua sách. Và Trời  Phật không phụ lòng người ham học.

Có một chị bán sách,  chị Hòa, cảm phục và quý mến tình yêu sách của cậu bé Khơi, đã bí mật cho cậu mượn những cuốn sách mà cửa hàng chưa bán. Điều kiện đặt ra là phải giữ cho sách mới tinh nguyên. Những năm đó sách giáo khoa còn có bài khuyên học trò giữ gìn sách vở. Nhiều người còn nhớ bài thuộc lòng, có câu: “Tay này bẩn quá / Làm sách lọ lem / Rửa tay sạch đã / Mới giở sách xem”. Trong bom đạn và đói nghèo, tình làng nghĩa xóm của đồng quê Việt Nam vẫn có những dòng suối nguồn trong trẻo nuôi dưỡng những tâm hồn đầy khát vọng.

Và cậu bé Khơi đã đọc sách liên tục trong suốt mười năm như thế. Kiến thức của cậu chủ yếu có tự việc tự học.  Học từ sách. Cậu đọc mọi cuốn. Từ sách văn học đến lịch sử, từ sách tiểu sử đến sách khoa học, địa lý... Không chỉ đọc một cách thuần túy, cậu còn học học được cách viết, cách nói giản dị và rõ ràng. Sách giúp cậu suy nghĩ độc lập giúp cậu thử nghiệm và tìm tòi một cách tự tin. Sách giúp cậu thoải mái trong ăn nói. Và đặc biệt, sách giúp cậu khám phá bản thân.

Sách tạo cho cậu  cơ hội quý giá chứng minh bản thân mình. Và sách cũng giúp cậu trân trọng bản thân mình. Nhưng cậu đọc, không chỉ để mà đọc. Với trí tuệ năng động và tâm hồn nhạy cảm, đặc biệt là nhu cầu được tâm sự, nhu cầu muốn kể chuyện đã khiến cậu bé Đỗ Trọng Khơi cầm bút viết lên những dòng thơ văn đầu tiên trong đời. Những trang viết này được chàng thanh niên đóng thành tập. Đó là những dòng cảm xúc tinh khiết, những lời tâm sự chân thành, những suy nghĩ trong sáng về con người, thời gian và cuộc sống của một con người không ai nghĩ là nằm một chỗ.

Một con người tự học luôn có cơ hội “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” (Chế Lan Viên). Hay nói như cổ nhân “Hữu xạ tự nhiên hương”. Trước hết, anh cần phải có  chất “xạ” trong người. Đó là tinh chất của riêng anh. Và khi gặp gió lành, chất “xạ” đó sẽ đủ hương bay đi, làm thơm không gian. Tập thơ văn chép tay của Đỗ Trọng Khơi đang “lang thang” trong làng quê, bỗng một ngày đẹp trời, rơi vào tay của một nhóm sinh viên Đại học Y Thái Bình về quê Khơi thực tập. Họ chuyền tay nhau đọc say mê. Và họ càng kinh ngạc khi diện kiến chàng thi nhân nằm còng queo trên giường tre.

Đặc biệt, trong số này có chàng sinh viên - bác sỹ tương lai Hoàng Năng Trọng - một lương y không chỉ giúp bệnh nhân và còn giúp họ thăng hoa trong cuộc sống. Chính vị bác sỹ này làm cầu nối đưa những bài thơ đầu tay của Đỗ Trọng Khơi lên tạp chí Văn nghệ Thái Bình.  Và cũng chính bác sỹ Trọng đưa thơ Đỗ Trọng Khơi ra mắt các “nhà thơ Trung ương” như Nguyễn Bùi Vợi, Bế Kiến Quốc… để thơ anh vang trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Văn Nghệ. Biết ơn người bạn bác sỹ có tấm lòng Bồ Tát, những bài thơ của anh, lúc đầu ký tên khai sinh “Đỗ Xuân Khơi” và “Đỗ Tuấn Khơi” thì nay chính thức mang tên tác giả “Đỗ Trọng Khơi”.

Khi thơ văn của anh đã ra khỏi làng quê thì nhà thơ cũng muốn tạm biệt “góc sân” để đến với những “khoảng trời” cao rộng. Một lần, được lên thị xã Thái Bình dự Đại hội văn học nghệ thuật, không khí sáng tạo văn học cùng các đồng nghiệp ở nơi hội tụ văn chương tỉnh nhà đã khiến Đỗ Trọng Khơi khát khao muốn ở lại nơi này. May sao, dịp ấy, nhà văn Bút Ngữ, người sáng lập Hội văn nghệ Thái Bình, lúc ấy trả lại ngôi nhà được Tỉnh ủy cấp, mhiều đồng nghiệp khuyên Đỗ Trọng Khơi xin mua lại. Anh quyết định từ biệt làng quê dù mẹ và họ hàng can ngăn. Nhưng người tuổi Tý, một khi  “đã nói là làm”. Có chút tiền tuất của cha mà anh tiết kiệm được, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, anh cũng xoay đủ tiền mua căn nhà ở ngoại ô thị xã (lúc đó chưa lên thành phố). Anh thấy mình cần phải làm chủ cuộc đời của mình. Thiên hướng đã định hình. Công việc đã xác định. Cuộc di cư này đã chứng minh quyết định của anh hoàn toàn đúng và sáng suốt. Và sau này, anh còn di cư lần nữa. Mỗi lần chuyển nhà, cuộc sống của anh lại biến đổi theo chiều hướng đi lên. Ngôi nhà anh ở, càng về sau, càng đẹp. Trời Phật chỉ đãi người lương thiện.

Sách đã cho anh tri thức. Người có tri thức luôn là người có sức mạnh nội tâm, sức mạnh tinh thần. Sức mạnh này giúp cho chủ nhân khám phá những vùng đất khó khai thác. Trường hợp Đỗ Trọng Khơi thông hiểu Kinh Dịch làm tôi hết sức ngạc nhiên. Có lần, gặp chuyện không may, tôi nói với anh. Anh giảng giải căn nguyên và khuyên tôi thích nghi, chấp nhận. Tôi ngạc nhiên: “Sao anh nói chuẩn xác thế?”. Anh chỉ cười khiêm tốn: “Mình cảm thấy thế!”. Lần khác, mẹ tôi đi viện. Nói chuyện với anh. Anh nhắn tin nên chuẩn bị cái này, cái nọ… Sau mọi việc đúng y chang. Anh quả có tài xem Kinh Dịch. Một cuốn sách rất khó đọc. Những bậc anh tài thông kim bác cổ như các cụ Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê… mới dám dịch. Và mỗi người, căn cứ vào thời buổi, tâm thế của mình, đưa ra cách diễn giải. Tôi biết nhiều nhà nghiên cứu ở viện Hán - Nôm, dù học Trung Quốc về, đều thấy rất khó đọc cuốn này.  Làm sao một người tự học như Đỗ Trọng Khơi lại thông thạo ? Anh kể, một lần đi viện, đang chờ khám bệnh, có một ông đi qua, thấy anh đang ngồi buồn, bỗng đưa anh cuốn Kinh Dịch.’’ Cho ông đấy. Tôi đọc, chẳng hiểu gì!”.  Anh nghiền ngẫm và từng ngày tìm hiểu…

 

Lại nói chuyện bệnh tật. Nhờ bác sỹ Hoàng Năng Trọng và Tiến sỹ Lê Đức Tố cùng nhiều bác sỹ khác ở Bệnh viện Thái Bình, Bệnh viện Việt Đức làm phẫu thuật, qua bao khó khăn, mới giúp tách được một chân của anh khỏi dính vào cơ thể.  Còn một chân kia, anh bảo: “Trời mổ cho mình đấy!”. Tôi ngạc nhiên. Anh kể: “Dạo Thái Bình đón hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, tôi cũng liên hệ với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nhờ tìm hài cốt bố tôi.  Khi đến nhà văn hóa thị xã, người đông lắm, không nói chuyện gì được. Cô Hằng hẹn tôi ra ngoài thành phố trước, ở nghĩa trang, nơi sẽ đặt mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tôi ngồi trên cái xe ga, phóng đi. Bỗng “rầm” một cái, chiếc xe bay lên trời, còn tôi rơi xuống đất. Đau điếng. Nhưng bỗng tôi cảm thấy, cái chân của mình rời ra khỏi phần dính vào cơ thể. Nó cử động được. Dù đang đau đớn, nhưng tôi cảm thấy hết sức vui mừng. Cái chân bên kia, do các bác sỹ mổ cho tôi. Còn cái chân bên này, tôi cảm thấy, hình như Trời mổ cho tôi. Cũng có thể bố tôi nhờ Trời giúp!”.

 

Khi hiểu được Kinh Dịch cũng là lúc Đỗ Trọng Khơi lập được lá số tử vi cho mình. Và lá số cho biết, anh sẽ có một gia đình đàng hoàng. Cơ duyên đến với anh cũng nhờ sách. Có một cô gái làm thủ thư, mãi tận Bạc Liêu, tên là Đỗ Thu Oanh, đọc, tìm hiểu rồi bén duyên với nhà thơ. Và cây tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái hạnh phúc. Hai cậu con trai khôi ngô là Đỗ Lập Sơn và Đỗ Lập Thành là hai “kiệt tác” của vợ chồng anh. Người xưa nói, không có ai tốt nghiệp trường học gia đình. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi  cùng vợ hàng ngày vẫn chuyên cần  tự học trong trường học làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà…

Đ.T

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 223 tháng 3.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com