ĐOÀN TUẤN: DỊCH GIẢ, ĐẠO DIỄN HUY VÂN - MỐI TÌNH ĐẦU VỚI ĐIỆN ẢNH

 

daodien-Huy-van-Doan-tian

Nhiều khán giả chúng ta rất quen với bộ phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam của đạo diễn Nga Roman Karmen.

Trong phim này, R. Karmen vừa là đạo diễn vừa là quay phim, kiêm cả biên kịch. Cùng cộng tác với ông là hai nhà quay phim khác là Egheny Mukhin và Vladimir Yeshurin. Nhưng ít người biết, một cộng sự rất đắc lực cho R. Karmen trong suốt 7 tháng làm phim ở núi rừng Việt Bắc và Trung du, đồng bằng Bắc bộ. Một người mà R. Karmen liên tục nhắc đến trong cuốn Hồi ký Ánh sáng trong rừng thẳm, đến nỗi “Vắng anh ấy một ngày là tôi cảm thấy buồn”. Cảm thấy chưa nói hết tình cảm của mình, R. Karmen còn viết cuốn thứ hai Việt Nam chiến đấu, trong đó ông cũng nhắc nhiều đến người đồng hành của mình. Ông gọi anh theo   nghĩa là người cùng làm việc, là cộng sự chứ không chỉ đơn thuần là người phiên dịch.

Người đó chính là dịch giả Huy Vân. Người đã cùng nhà văn Thép Mới dịch kiệt tác Thép đã tôi thế đấy của N. Oxtrovsky. Một tác phẩm mà đến nay, các nhà xuất bản đã tái bản hàng chục lần. Và trong lĩnh vực điện ảnh, ông để lại  tác phẩm đầu tay, một bộ phim truyện tuyệt vời có độ dài 100 phút, một bộ phim mà tư tưởng của nó không bao giờ cũ. Đó là bộ phim truyện Một ngày đầu thu.

Trước khi đến Việt Nam, R. Karmen, năm 1936 đã sang ở Tây Ban Nha để làm phim về cuộc nội chiến chống phát xít;  năm 1942 đã xuống  Leningrad  quay những ngày thành phố bị  phong tỏa; rồi đi Stalingrad, quay trận chiến định mệnh. Ông cũng chính là người quay những thước phim đầu tiên về Giải phóng Berlin năm 1945… Ông đến Việt Nam qua một đồn Biên phòng trên Biên giới Trung -Việt vào ngày 28.5.1954. Phía Việt Nam đón đoàn gồm ba xe Jeep và hai xe tải, chở máy móc và dụng cụ làm phim. Hai người ra đón đoàn là một anh lính người Tày và Huy Vân - phiên dịch.

Trong mắt R. Karmen, Huy Vân là một chàng trai nhỏ bé, gầy gò. Anh đội chiếc mũ rộng vành chạm cả xuống vai như chiếc mũ nấm. Anh nói tiếng Nga rất tốt, vui vẻ và có nụ cười rất lôi cuốn. Ngay lập tức, R. Karmen đề nghị Huy Vân là người đồng hành với ông trong suốt chuyến đi.

Trước đó, Huy Vân là một trong số 50 học viên đầu tiên của Việt Nam được cử sang Bắc Kinh để học tiếng Nga. Sau này, để quay được nhiều, đoàn phim chia làm ba nhóm, tỏa đi ba hướng. Đi cùng Mukhin là anh Khuê. Nhưng anh Khuê có tật nói lắp, phát âm rất buồn cười “đồng chí Mu-Mukhin”. Còn đi với Yeshurin là anh Khôi. Anh này nói tiếng Nga theo đúng các mẫu câu của nghi thức lời nói Nga: “Các đồng chí có cho rằng…”, “Các đồng chí nên…”.

Còn Huy Vân thì sao? Anh nói chuyện liên hồi. Anh cẩn thận phát âm những từ khó. Anh biết nhiều câu tục ngữ Nga. Thậm chí anh còn có phẩm chất của ông đồ - trí thức Việt, do là khả năng tự giễu cợt thân hình mảnh khảnh của mình. R. Karmen rất thích nghe Huy Vân kể chuyện. Anh kể về đất nước mình, dân tộc mình với bao nhiêu truyền thuyết cùng phong tục, tập quán. Karmen nhiều khi thấy tiếc, vì đêm tối ngồi trên xe, ông không thể mở sổ ghi hết những lời anh nói. Nhưng đến tối, trước khi đi ngủ, Karmen thường bắt Huy Vân kể lại những câu chuyện trên đường về tính cách người Việt qua ca dao, cổ tích.

Đạo diến Karmen rất quý mến và khâm phục Huy Vân. Nếu đoàn quay phim vng anh một ngày, Karmen cảm thấy buồn. Và khi thấy đoàn phim quay những cảnh đơn điệu, ông lại nhớ Huy Vân với kiến thức văn hóa và vốn sống của mình, đã cung cấp cho Karmen rất nhiều thông tin bổ ích và phong phú để đạo diễn hình thành kịch bản. Karmen cảm nhận, trên khuôn mặt Huy Vân luôn nở nụ cười ngây thơ, thân thiện. Mái tóc đen xõa thẳng xuống sống mũi, che gần như kín một bên mắt. Và khi nói chuyện, anh thường nghiêng đầu về một bên, nhìn xuyên qua mái tóc. Karmen nhận thấy, khuôn mặt Huy Vân mang một vẻ rất ngộ nghĩnh và tinh nghịch, ngay cả khi nói chuyện nghiêm túc.

Huy Vân kể, có lần anh gặp hổ. Đang đi công tác, bỗng gặp con hổ đứng ngay trước mặt mình, giữa đường mòn, cách vài bước chân. Nó đang trong tư thế lao tới. Nhưng gặp Huy Vân, nó… lao sang bên cạnh. Anh chết lặng. Con hổ cũng hốt hoảng, lao vào rừng, đạp gãy những cây trúc, biến mất. Còn Huy Vân, chạy  thục mạng về làng, người run bần bật.  Nhưng anh lại hài hước ngay: “Có lẽ, con hổ thấy mình nhỏ bé quá, không đủ nó tráng miệng chăng?”. Chính những chi tiết về hổ như vậy nên trong phim Việt Nam,  đoàn làm phim phải  mất nhiều thời gian để quay cảnh con hổ ra suối uống nước.

Rồi những ngày sau đó, Karmen đồng hành cùng Huy Vân trên từng thước phim, đến từng địa điểm, gặp từng nhân vật nổi tiếng. Huy Vân cũng đưa Karmen đến quay và phỏng vấn các bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… Qua Huy Vân, Karmen được trò chuyện với các văn nghệ sỹ như  nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Trần Văn Cẩn... Rồi những cảnh tiếp xúc với hàng binh, tù binh Pháp cùng những người phản chiến.

Đặc biệt là cảnh hỏi cung tướng De Castries. Có đoạn viên tướng Pháp thú nhận, lẽ ra hòa bình đã được ký kết vào những ngày đầu của năm 1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Fontainebleau. Nhưng phía Pháp một mực đòi tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam. Điều đó không công bằng và không thực tế. Thủy sư đô đốc D’ Argenlieu phải chịu trách nhiệm cho sai lầm này.

Sau những cuộc hỏi cung, Huy Vân lại cùng R. Karmen về Hà Nội. Các anh quay những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi thành phố, cảnh người dân tưng bừng đón chào đoàn quân chiến thắng Điện Biên về tiếp quản Thủ đô, phỏng vấn Thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng, cảnh ông Phạm Văn Đồng nói chuyện với Ủy ban Quân quản thành phố với khát vọng làm cho Hà Nội trở thành bó đuốc của Tự do và Công lý…

Bảy tháng ở Việt Nam trôi đi quá nhanh với 40.000 mét phim đã được quay. Bao kỷ niệm Karmen mang theo. Huy Vân cùng mọi người ra sân bay Gia Lâm tiễn đoàn phim. Đó là một ngày mùa đông của tháng 12. Và Karmen xao xuyến nhìn Huy Vân, người mà ông cảm nhận ngay từ phút gặp đầu tiên, hai người không hề rời nhau cho đến khi khuôn mặt buồn bã của người bạn Việt Nam yêu quý nhòa dần qua cửa sổ máy bay…

Nghệ thuật điện ảnh có sức hút khủng khiếp với bất cứ ai bước vào lãnh địa của nó. Và Huy Vân đã quyết biến ước mơ thành hiện thực. Anh thi vào Trường Điện ảnh Việt Nam, ngành đạo diễn. Ngày đó, Nhà nước Liên xô đã cử đạo diễn Agida Ibraghimov sang hướng dẫn. Kết thúc khóa học, có ba đạo diễn được làm phim. Đạo diễn Vũ Sơn làm Hai người lính (34 phút); đạo diễn Nguyễn Văn Thông làm Con chim vành khuyên ( 43 phút).

Theo thông lệ quốc tế, những phim có độ dài dưới 60 phút được xếp vào hạng mục “phim ngắn”. Chỉ riêng bộ phim Một ngày đầu thu do Huy Vân vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn chính và Hải Ninh làm phó đạo diễn  thực sự là bộ phim truyện dài với thời lượng 100 phút.

Bộ phim kể câu chuyện về hai chiến sỹ quân báo gồm một nam (Dưỡng -Quý An) và một nữ (Thơm - Tuệ Minh) nhận nhiệm vụ trinh sát một đồn địch ở một làng công giáo đồng bằng Bắc bộ. Họ cần sự phối hợp của du kích thôn. Hai người tiếp cận gia đình anh du kích tên là Kiên (Hoàng Uẩn) và vợ Kiên (Trà Giang). Nhưng vợ Kiên phản đối vì chồng đi suốt đêm suốt ngày, ngủ bờ ngủ bụi, để gia đình thiếu thốn. Trong lần đi trinh sát, Dưỡng bị giặc Pháp bắn chết. Anh mang theo mối tình đơn phương với Thơm. Còn Thơm, bị thương, tìm đường về làng. Chị được Kiên băng bó và che giấu. Giặc Pháp càn vào làng. Chúng phát hiện dấu máu trong vườn nhà Kiên và bắt anh.

Trong trường đoạn này có chi tiết tên Pháp định đánh một em nhỏ vì làm nó bực thì Kiên lao vào ngăn. Tên Pháp rút súng bắn Kiên. Anh hy sinh trong vòng tay người vợ. Và vợ anh, sau này cũng trở thành du kích. Bởi chị hiểu, hạnh phúc gia đình không thể tồn tại bên ngoài cuộc chiến đấu chống xâm lược của dân tộc.

Tư tưởng của phim Một ngày đầu thu khiến tôi nhớ đến một tiểu thuyết được dựng thành phim có tên là Dấu hiệu tai họa (1987) của nhà văn Vasiliy Bykov. Ông kể câu chuyện, trong  cuộc Chiến tranh  Vệ quốc vĩ đại, có một làng ở Belorusia, nằm trong vùng giáp ranh. Dân làng cho rằng mình không tham gia bên nào, giữ yên bình. Nhưng trong một trận càn khủng khiếp vì thất bại, phát xít Đức trả thù, đã hủy diệt ngôi làng.

Câu chuyện trong Mộ ngày đầu thu rất gọn. Ít nhân vật. Cấu trúc rõ ràng. Nhịp điệu phát triển mạnh. Đặc biệt, trong phim có những đại cảnh trên công trường xây dựng với cả chiều rộng và chiều cao của không gian, được đạo diễn dàn dựng rất vững vàng, sinh động. Trường đoạn Thơm và Dưỡng vào đồn trinh sát diễn ra ban đêm trên vùng sông nước, vừa trữ tình, vừa căng thẳng. Rồi những cảnh hai người dìu nhau chạy trên cầu khỉ, cảnh Thơm băng qua lau lách thật lãng mạn và bi tráng. Đạo diễn cũng dàn dựng cảnh quân Pháp lùng sục, với cả chó bên hàng rào kẽm gai, pháo sáng buông trong đêm; cảnh đoàn quân Pháp phóng xe vào làng càn quét, ánh đèn pha quét sáng loáng vườn chuối, bờ ao, cảnh tập trung dân làng với những nhân vật cụ thể v.v…được Huy Vân sắp đặt đâu ra đấy. Vì ở nước ta, không phải đạo diễn nào cũng dàn dựng thành công được cảnh có nhiều nhân vật mà không lúng túng.

Đạo diễn Huy Vân lại được sự cộng tác vô cùng quý báu của nhà quay phim Hồng Sến. Những động tác máy của người nghệ sĩ Nam Bộ quay những cảnh chuyển động hay cận cảnh gương mặt nhân vật đều chứa đầy cảm xúc chân thành, nâng niu thiên nhiên và con người. Nhưng tiếc thay, bộ phim vừa hoàn thành cũng chính là lúc đạo diễn lâm vào hoàn cảnh trớ trêu. Sau khi được trả tự do, Huy Vân làm nhiều việc để mưu sinh. Bởi con đường trở về với công việc làm phim đã khép lại. Nhưng dường như anh đã linh cảm thấy số phận mình.

Ở phần kết phim Một ngày đầu thu, anh đã xây dựng nhân vật Thơm, dẫn cậu bé Hà Sơn  - con của vợ chồng anh Kiên, đến bệnh viện thăm mẹ  bị thương. Hà Sơn chào mẹ để đi Liên Xô học. Hình ảnh đó sau này đã trở thành hiện thực với những người con gái của anh.

Đ.T

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 128 tháng 5.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com