1.
Ba mươi năm trước, khi tôi về Hãng phim truyện Việt Nam, thì ở đó, đã có khá nhiều “Tuấn”. Đạo diễn Tuấn “cận” lúc nào cũng đeo kính trắng, đi đứng luôn vội vã. Quay phim Tuấn “Nha” hiền lành, ít nói. Dân điện ảnh vốn luôn trẻ trung, cứ ghép tên cha sau tên con, gọi cho khác. Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn thì mặt mũi lúc nào cũng hồng hào, tính chân thật. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn ăn nói nhỏ nhẹ nhưng khúc chiết, ra dáng một triết gia. Còn nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn thì có biệt danh là Tuấn “tít”’. Không ai biết cái tên này có từ đâu. Chính anh lại càng không. Tôi thì cho rằng, chắc khi cười, anh cứ “tít cả mắt”. Anh có dáng gười cao lớn, gương mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp, nồng nhiệt, rất cuốn hút.
Tôi mến anh ngay từ buổi đầu.
2.
Dạo đó, chúng tôi bắt tay vào làm phim Ngõ đàn bà. Tên kịch bản tôi chọn mãi mới được. Nhưng sau có vị chức sắc đòi đổi vì sợ “khác lạ” quá (!). Việc đi chọn bối cảnh cái ngõ cũng tốn nhiều thời gian. Vì đây cũng là phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Trên đường đi chọn bối cảnh, tôi thấy nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn nói rất nhiều và rất hay về các nhân vật. Anh phân tích từng trường đoạn, tâm lý từng người rất rõ ràng, sâu sắc. Thú thực là chính tôi cũng không nghĩ ra. Cuối cùng, chúng tôi tìm được một cái ngõ rất đẹp trên Đà Lạt. Ngõ gạch. Dốc thoai thoải. Và luôn ẩm ướt. Hai bên ngõ có nhiều căn nhà với nhiều cảnh đời của những người phụ nữ.
Anh Tuấn “tít”’ thường đi dạo một mình trong ngõ đó. Tay cầm máy ảnh. Anh chụp nhiều góc độ, nhiều cỡ cảnh. Anh cứ hình dung ống kính máy quay như đôi mắt nhân vật để chuyển động một cách nhẹ nhàng. Giờ đã ba mươi năm trôi qua, khi xem lại, có nhiều cảnh rất xúc động. Đặc biệt, cảnh hai ông bà ngồi bên bếp lửa. Ống kính lùi xa. Ngọn khói vươn cao, bay lên giữa vùng ngoại ô yên tĩnh. Hạnh phúc tuổi già đơn giản mà ấn tượng. Sau này, khi quay phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh, anh cũng tìm hiểu nhân vật, góc nhìn kể chuyện của người xưng “tôi” rất thấu đáo. Để từ đó, anh tìm ra cách quay riêng. Ống kính như trôi cùng nhân vật, một người từ phương xa về, chạnh lòng nhìn quê hương theo dòng ký ức đầy thương cảm.
Có lần, ở trong Hãng, mọi người đang chúc mừng một đạo diễn nhận được giải thưởng cho bộ phim mà anh là người quay. Báo chí chụp ảnh, phỏng vấn ầm ầm. Đạo diễn nét mặt nghiêm trọng, ăn nói hùng hồn, tay vung tứ phía. Tôi thấy anh đứng bên ngoài, sau bức tường, nét mặt thản nhiên. Anh cùng tôi ra quán café ngồi. Và nói chuyện khác. Anh bảo, việc làm phim như làm dự án. Công việc chung. Nhiều người tham gia. Mình chỉ là một thành phần trong đó, anh cười tít mắt. Đơn giản như đang giỡn.
Mang tiếng là nghệ sỹ, nhưng nhiều người “thích đủ thứ”. Nào tiền bạc, nào danh vọng, nào quyền lực, nào “các em” v.v… Đối với họ, nghệ thuật chỉ là bậc thang để đạt được những tham vọng ngoại thân. Vì vậy, họ luôn chịu nhiều áp lực. Riêng với Tuấn, tôi thấy anh ít phải “lo ra mặt” mỗi kỳ Liên hoan phim hay phong danh hiệu này nọ. Anh bảo, mình làm nghề quay phim là quá sướng rồi. Mỗi phim, được thể nghiệm một cách quay mới. Khi làm phim, được đi nhiều nơi. Gặp nhiều người. Mỗi nơi là một mỏ vàng vô giá. Khi quay, lại được tiền nữa. Và thỉnh thoảng được mời đi nước ngoài. Thế còn đòi hỏi gì? Anh không như nhiều nhà quay phim khác. Họ luôn bất an với nghề, tìm cách nhảy sang vị trí khác, như đạo diễn chẳng hạn. Nhưng ảo tưởng thường không thành. Anh vô tư trong nghề của mình còn một lý do khác. Đó là lòng đam mê chụp ảnh.
Chuyện anh thích chụp ảnh là do nhu cầu nội tâm. Có những tiếng gọi từ làng quê, từ vùng núi, từ những con người nào đó, vừa cụ thể, vừa trừu tượng, luôn vang vọng trong anh. Có lần, vừa từ Yên Bái về, anh đến tặng tôi bức ảnh đen trắng. Trong ảnh, một người phụ nữ H’Mông đang phơi váy trên bờ rào đá. Chiếc váy xòe ra như con bướm vừa đậu xuống. Cạnh đó, một cây đào đang ra hoa bên căn nhà đơn sơ. Anh kể chuyện, người phụ nữ đó quý cây đào thế nào. Ngoài chuyện lo cái ăn, cái mặc, người đàn bà H’Mông này còn trân trọng cái cây ra sao. Giọng anh đầy thán phục và tự hào bao nhiêu! Ít ngày sau, anh lại tặng tôi cái DVD, trong đó có bộ phim tài liệu Thư Đồng Văn do chính anh - là quay phim kiêm đạo diễn và viết lời bình. Vì quá yêu con người và phong cảnh miền núi, anh đã vào vai một cô gái miền xuôi, lên miền núi làm việc, viết thư gửi mẹ cha, kể bao chuyện hay, đầy cảm xúc về người H’Mông, người Thái cùng thiên nhiên nơi đây. Giọng đọc của anh - một người đàn ông đứng tuổi, vừa nồng nhiệt, vừa thơ ngây như đứa trẻ lạc vào vương quốc đồ chơi.
Có người đố anh chụp sao cho ra được gương mặt của người nông dân Việt Nam. Anh suy nghĩ nhiều. Anh đến gặp những người nông dân đang đi cày. Giải lao, họ hút thuốc lào, kể dăm ba câu chuyện, nhưng anh nghĩ, đó chưa phải là gương mặt thật sự của họ. Anh quan sát làng quê từ nhiều góc cạnh. Khi máy bay hạ cánh, anh nhìn xuống đồng bằng Bắc Bộ, thấy miền đất phù sa của xứ sở nhiệt đới đẹp biết bao. Dòng sông, cánh đồng, những cụm mây… hài hòa, dệt nên quê hương thanh bình, yên tĩnh. Nhưng bên trong, nó chứa đựng bao nỗi đắng cay, bao mâu thuẫn, xung đột cùng những quan hệ nhằng nhịt. Những tầng tầng lớp lớp mạng nhện cũ mới này bủa vây, giam hãm người nông dân. Và, từ cảm nghĩ, cảm xúc này một khi đã diong đầy trong tâm tưởng như một sự dồn nét, anh mới bấm máy…
Nhung rồi cũng có lúc anh bất lực khi nhìn ra niềm u uẩn chìm khuất, lãng đãng từ phía sau chân dung ấy. Có lần, anh cùng bạn đi chụp ảnh ở Phú Thọ. Dọc sông Thao. Sương bảng lảng đầy lãng mạn và bí ẩn. Nóc nhà thờ bàng bạc như trôi về như tự thuở xa xưa. Dòng sông uốn quanh bên bãi ngô xanh mướt. Phong cảnh như bức tranh thủy mặc. Nhưng chụp cảnh này, đưa vào khung hình, còn đâu cái vô tận của thiên nhiên? Anh cùng bạn ghé vào quán nước ven đê. Anh kể: “Tôi ra vòi nước ngoài sân rửa mặt. Lúc quay vào, thấy chị chủ quán đứng cạnh cửa sổ rót nước sôi từ phích ra. Bây giờ tôi mới để ý, nhà này có cái ấm đẹp quá. Sứ trắng trong, trên vẽ cành hoa lan, nét nhẹ nhưng cẩn trọng. Hơi nước từ miệng ấm lượn lên thành những đám mây nhỏ. Mải nhìn cái ấm, giờ mới nhìn người phụ nữ. Chị nhẹ nhàng xúc trà, cử chỉ khoan thai. Nắng tuy nhẹ nhưng cũng đủ len vào chỗ chị đứng. Khuôn mặt chị bắt nắng, mây hơi nước bắt nắng, chiếc áo choàng mong manh cũng bắt nắng. Không gian xung quanh chị bừng lên, đẹp điên đảo”. Nhưng hai người không kịp chụp. Người bạn nói chị ra rót nước để chụp. Nhưng bỗng bé gái chừng mười hai tuổi xuất hiện. Chị giúp con buộc chiếc quạt vào xe. Vừa buộc, chị vừa dặn con. Dặn câu gì đã khiến anh phải chùng tay máy, dù rằng khoảng khắc ấy vào khung hình rất đẹp, có thể “đứng” đuộc theo năm tháng? Vâng, chị nói và anh nghe rõ mồn một: “Con nói với ông bà nội là mẹ không về đâu”.
Vâng, chỉ một câu nói ấy thôi, bao ý định nghệ thuật của họ phải dừng lại.
Anh cho tôi xem những bức ảnh anh chụp theo chủ đề Sang sông. Đó là là bộ ảnh anh chụp ở một xã ngoại thành Hà Nội từ hàng chục năm trước. Từ khi người dân đi đò đến bây giờ đã có chiếc cầu bắc qua. Anh kể: “Đi chụp nông thôn, hễ chỗ nào có đò tôi thường ghé qua. Thường thì ngồi uống nước, nghe chuyện thiên hạ. Có khi xuống đò sang bên kia. Không lên bờ, quay lại luôn… Trên đò không chỉ có nắng, có gió, có vị ngọt của dòng sông mà còn có cả vị đắng của dòng đời”. Đi đò, có một phong vị riêng. Mùi vị đậm đà của nền văn minh sông nước. Đi cầu, xe phóng quá nhanh. Chẳng kịp suy nghĩ gì. Kể ra cũng có lý đấy chứ?
Năm 1994, anh triển lãm ảnh về làng quê Việt Nam ở Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp (Tràng Tiền - Hà Nội ). Có một vị khách người Đan Mạch, rất thích ảnh của anh. “Bên tôi cũng có cái cầu ao thế này, nhưng không chụp “ra” được”. Ông ta muốn mời anh sang Đan Mạch một tháng. Ừ, đi thì đi. Trong thời gian triển lãm, anh đi khắp Đan Mạch, tha hồ chụp. Nhưng thực sự, sang đó, anh không thể chụp được những bức ảnh có hồn vía như ở làng quê Việt Nam. Bởi cái cầu ao bên đó, sạch sẽ quá, phẳng phiu quá! Sông cũng có bờ nhưng không phải là những bờ đê sạt lở, không có những cậu bé tắm truồng, đằm mình trên sông cùng mấy con trâu… Tôi nhớ một câu chuyện cổ. Có ông vua, bắt gia nhân, dọn sạch khu vườn thượng uyển, không còn một cái lá vàng. Ông mời người làm vườn giỏi nhất của đất nước đến khoe. Nhưng người làm vườn nói: Đây không phải là vườn. Nó không có lá úa, không sâu bọ, không cành gẫy, cây đổ… Nói cách khác là không gợi lên sức sống vốn có đời thường, trước cảnh ấy, người nghệ sĩ chùn tay bấm máy cũng phải thôi.
3.
Con đường nghệ thuật của anh trải qua những đoạn đường vòng. Sinh và lớn tại Hà Nội. Học Trung cấp Mỹ thuật lại được Nhà nước chọn sang học Hóa hữu cơ tại Thượng Hải. Về nước, lại thi vào ngành Quay phim của trường Điện ảnh. Đối với người làm nghệ thuật, đó là con đường rất đúng. Bởi nhiều trường điện ảnh ở các cường quốc làm phim, họ thường nhận đào tạo những người đã có bằng Trung cấp hay Đại học, hoặc đã đi làm ở ngành nào đó ít nhất 5 năm. Bởi sáng tạo là mình mang những trải nghiệm của cá nhân thể hiện dưới góc nhìn của nghệ thuật.
Với anh, hồi tưởng những ngày ở Trung Quốc, giữa đỉnh cao của “Cách mạng văn hóa”, anh cảm nhận sức sống bền bỉ trong kiếp nạn đắng cay, tủi nhục của con người. Sau này, dù đi làm phim, chụp ảnh hoặc viết văn, anh như cục nam châm, hút vào mình những khoảnh khắc, những cảnh đời se lòng như còn một chất liệu của cảm xúc nữa. Chẳng hạn, năm 1981, lên Lạng Sơn quay Thị xã trong tầm tay. Khung cảnh đổ nát, mấy chàng lính trẻ đi nhờ xe. Đến nơi quay, một anh lính cứ thích ngồi lại. Anh đến bắt chuyện: “Quê đâu đấy?”. “Cháu Thái Bình”. “Sao không xuống xe với anh em?”. “Cho cháu ngồi đây tí nữa”. “Gì thế?”. “Dạ, mùi xe… mùi người… thơm quá!”. Câu trả lời thật bất ngờ, anh xao xuyến mãi.
Khi quay phim Ngã Ba Đồng Lộc, có cảnh, giữa mùa đông, nhưng các cô gái phải diễn cảnh mùa hè. Gió Lào thổi, không ngủ nổi, các cô Thanh niên xung phong phải lấy cái nong, trải nilon, đổ nước vào, nằm ngủ cho mát. Cần một cô đóng cảnh này. Im lặng. Cuối cùng, một cô xung phong. Đó là em Hà Thanh, nữ sinh lớp 11, người Hà Tĩnh. Sau cảnh đó, anh cùng người bạn chở Hà Thanh về thăm quê em ở thị trấn Nghèn. Cảm nhận cảnh người dân còn khổ nhưng quyết “bán gạo mua chữ”’, anh nói với gia đình Hà Thanh cùng đoàn phim: “Tôi xin hứa sẽ trợ cấp cho Hà Thanh được học hành đến nơi đến chốn. Tôi phải nói công khai thế này để tôi không được nuốt lời với anh em, đồng đội”. Từ đó, cô nữ sinh - diễn viên đến gia đình anh ở. Cô có chí tiến thủ, học hành tấn tới. Cả nhà Hà Thanh đều đổi đời. Hai gia đình gắn bó hàng chục năm nay. Hiện nay, Hà Thanh định cư tại Canada. Cô vừa mời cha mẹ sang chơi. Chắc cô vẫn nhớ ngọn gió lành của “bố Tuấn”. Và cô không biết, lúc nghệ sỹ Nguyễn Hữu Tuấn “nhận ra” cô là lúc cô nhẹ nhàng nằm xuống nong nước giá lạnh ở Ngã Ba Đồng Lộc. Cử chỉ ấy không chỉ lay động ống kính mà khắc sâu vào tâm khảm người nghệ sỹ.
Đ.T
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 146 tháng 2.2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|