Y học cổ truyền nước ta vốn chủ trương tích cực: phải biết chữa bệnh khi chưa có bệnh. Câu nói này bao hàm ý nghĩa giản dị: Ngừa bệnh hơn chữa bệnh! Chúng tôi giới thiệu 10 động tác đơn giản cần làm mỗi ngày (1), nếu luyện tập cho thành thói quen, quý vị sẽ có sức khỏe tốt…
1. Xoa vuốt mặt
Mỗi buổi sáng (khi vừa tỉnh giấc, tư thế vẫn nằm trên giường) bạn xoa hai bàn tay vào nhau cho nóng, rồi úp bàn tay ấm áp ấy vào mặt, chà xát nhẹ như động tác rửa mặt, vuốt mặt nhẹ nhàng từ cằm lên trán thật nhiều lần. Tốt nhất nên làm từ 4-5 giờ sáng (giờ dần) là thời điểm hưng phấn của kinh phế, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo phấn chấn ngay.
2. Nha khấu
Nha là răng, khấu là gõ. Đây là thao tác gõ răng và nuốt nước miếng vào buổi sáng sớm. Sau khi xoa vuốt mặt (khoảng 5 phút) vẫn tư thế nằm ngửa trên giường, bạn ngậm miệng và cử động hai hàm răng vào nhau một cách nhẹ nhàng (gọi là gõ răng), cứ gõ được 10 lần thì ngừng lại, rồi dùng lưỡi lia mạnh vào vòm họng để nước bọt (nước miếng) tiết ra, sau đó nuốt nhanh số nước miếng ấy. Thao tác nha khấu cần làm 10 phút mỗi sáng. Người tập luyện nha khấu, sẽ có được bộ răng cứng chắc và bộ máy tiêu hóa tốt.
3. Uống nước lạnh buổi sáng
Liền sau hai động tác xoa vuốt mặt và nha khấu, bạn nên uống từ từ khoảng 0,5 lít nước đã nấu chín và nguội (trong vòng từ 15-20 phút). Uống nước buổi sáng sớm là phương pháp làm thanh tẩy đường ruột, tác dụng loại thải các độc tố tích ứ ở kẽ gian bào (do tế bào bài xuất ra). Thao tác uống nước sạch vào buổi sáng giúp bạn da dẻ hồng hào tươi nhuận.
4. Rung lắc hai tay
Đây là thao tác cần làm liền sau khi uống nước sạch xong. Động tác rung lắc hai tay là cách tập Dịch cân kinh cải biên: hai chân giang ngang bằng chiều dài hai vai, 10 đầu ngón chân bấm mạnh xuống mặt đất, đầu không suy nghĩ, hai tay bạn đu đưa ra phía trước như con lắc đồng hồ. Cử động rung lắc hai tay phải làm nhẹ nhàng, thanh thản (chứ không cố sức), trong khoảng 30 phút. Người tập Dịch cân kinh đều đặn, sẽ thấy các chứng nhức mỏi tan biến…
5. Đại tiện đúng nhịp sinh học
Đồng hồ sinh học cổ truyền cho biết: Nguyên khí vượng (maxi) ở phủ đại trường (ruột già) vào giờ mão (5-7 giờ) và suy (mini) vào giờ dậu (17-19 giờ), do đó bạn nên tạo thói quen đi tiêu (đại tiện) vào thời điểm ruột già hoạt động cao điểm (giờ mão), lúc này nhu động ruột hoạt động tốt.
6. Điểm tâm đúng nhịp sinh học
Đồng hồ sinh học cổ truyền cũng nghiệm lý: nguyên khí cao điểm khu trú ở bao tử vào giờ thìn (7-9 giờ) và suy vào giờ tuất (19-21 giờ), đề nghị bạn nên ăn sáng vào giờ vượng của dạ dày (giờ thìn) để sự hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng tăng cao. Không ăn sáng là gián tiếp sống trái với nhịp sinh học của cơ thể, làm hao mòn sức lực. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn no vào giờ tuất vì bao tử hoạt động yếu kém vào thời điểm này.
Người không ăn sáng sẽ dễ bị sỏi mật, người thường xuyên ăn cơm tối trễ, dễ bị sỏi bàng quang.
7. Tận dụng các thời điểm làm việc
Cơ thể người ta có 5 thời điểm hưng phấn trong mỗi ngày, đó là các giờ địa cầu: 5 giờ, 11 giờ, 16 giờ, 20 giờ và 24 giờ. Vào thời điểm não hưng phấn này, người ta giải quyết công việc minh mẫn và khả năng sáng tạo phong phú hơn các giờ khác trong ngày. Đối chiếu với nhịp sinh học thì tương ướng với vượng khí ở các kinh đại trường (5 giờ), kinh tâm (11 giờ), kinh bàng quang (16 giờ), kinh tâm bào (20 giờ) và kinh đởm (24 giờ) là các đường kinh mạch chủ về tinh thần - cảm xúc của người.
8. Tận dụng các thời điểm nghỉ ngơi
Mỗi ngày cơ thể người có 5 thời điểm suy nhược (thời điểm não ức chế) là 2 giờ, 9 giờ, 14 giờ, 18 giờ, 22 giờ. Do đó bạn không nên làm các công việc phức tạp, khó khăn vào 5 thời điểm này. Trong điều kiện của giờ làm việc hành chính (9 giờ và 14 giờ) bạn chỉ nên chọn các dịch vụ dễ dàng (không phải động não) sẽ tránh được các sự cố (sai lầm kỹ thuật). Đối với nhịp sinh học thì 5 thời điểm ức chế não tương ứng với khí suy (mini) của các đường kinh hệ tiêu hóa (kinh tiểu trường 2 giờ, kinh tam tiêu 9 giờ, kinh can 14 giờ, kinh đại trường 18 giờ, kinh tỳ 22 giờ).
9. Nhịp gót chân tại chỗ
Buổi tối trước khi đi ngủ (khoảng từ 21-22 giờ), bạn nên tìm một nơi thoáng mát (bầu khí dưỡng sinh là bầu khí có nhiều ion âm, là nơi có nhiều cây cối tươi mát) đứng thẳng người và nhịp gót luân phiên (tức là một gót chân áp mặt đất, thì gót chân kia nhấc cao lên, nhưng 10 ngón chân vẫn nằm nguyên không xê dịch). Động tác này là cách chạy tại chỗ, giúp khí huyết luân lưu toàn thân một cách nhẹ nhàng. Nhịp gót chân tại chỗ cần làm khoảng 10 phút mỗi tối, bạn sẽ tìm được giấc ngủ sâu, thoải mái,…
10. Vuốt hai cánh tay theo y pháp Cốc Đại Phong
Khi vào giường chuẩn bị ngủ, bạn nên thoa vuốt 2 cánh tay (từ cổ tay đến khuỷu tay) theo phương pháp của nhà dưỡng sinh Cốc Đại Phong (Trung Quốc) là dùng cánh tay này thoa vuốt mạnh tay kia, lần lượt theo chiều của 3 kinh âm (từ khuỷu tay ra bàn tay) và của 3 kinh dương (từ mu bàn tay vào khuỷu tay). Thao tác này phải làm nhanh và chà xát mạnh (để nóng da thịt) kéo dài khoảng 5 phút. Phương pháp Cốc Đại Phong nhằm kích thích thư giãn cơ bắp, dễ dỗ giấc ngủ (vì thoa vuốt 2 cánh tay là bổ pháp các đường kinh tâm, kinh tâm bào lạc, kinh tam tiêu, kinh phế, kinh tiểu trường, kinh đại trường)
Tóm lại, chăm sóc sức khỏe từ lúc cơ thể còn khỏe mạnh, là cách phòng bệnh tật tích cực nhất. Cổ nhân đã nghiệm sinh hàng ngàn năm: sức khỏe là nguồn gốc của mọi hạnh phúc trên đời.
LYĐK Lê Vương Duy
BS. Lê Nguyễn Hạo Nhiên
Chú thích:
(1) Dòng họ Lê Lã (Hưng Yên) có lưu truyền về thời sinh linh khu học, để vận dụng vào y học:
NGUYÊN KHÍ THỊNH (Qi Max)
Phế dần - đại mão - vị thìn cung/ Tỵ tỳ - tâm ngọ - tiểu mùi trung / Bàng thân - Thận dậu - tâm bào tuất / Hợi tạm - tý đởm - sửu can thông!
(Nghĩa: phế 3 – 5 giờ; ruột già 5 – 7 giờ; bao từ 7 – 9 giờ; tụy tạng 9 – 11 giờ; tim 11 – 13 giờ; ruột non 13 – 15 giờ; bàng quang 15 – 17 giờ; thận 17 – 19 giờ; màng bao tim 19 – 21 giờ; tam tiêu 21 – 23 giờ; mật 23 – 01 giờ; gan 01 – 03 giờ)
NGUYÊN KHÍ SUY (Qi Min)
Tâm tí - tiểu trường nhược sửu cung / Bàng quang dần khắc - thận mão không / Tâm bào thìn kỵ - tam tiêu tỵ / Ngọ đởm – can mùi – thân phế hung / Dậu đại trường suy - hiềm tuất vị / Hằng tri tỳ hợi bất tuyên thông!
(Nghĩa: tim 23 – 01 giờ; ruột non 01 – 03 giờ; bàng quang 03 –05 giờ; thận 05 – 07 giờ; màng bao tim 07 – 09 giờ; tam tiêu 09 – 11 giờ; mật 11 – 13 giờ; gan 13 – 15 giờ; phổi 15 – 17 giờ; ruột già 17 – 19 giờ; bao tử 19 – 21 giờ; tụy tạng 21 – 23 giờ)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|