Anh Lê Hưng VKD vốn là một thầy thuốc nổi tiếng trong giới y học cổ truyền Bình Dương. Từ sau ngày về hưu đến nay, anh lại quan tâm đến một lĩnh vực rất thú vị là phong thủy. Tập bản thảo chuyên đề về phong thủy của anh có nội dung khá phong phú, sẽ là thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bài viết dưới đây là lời dẫn nhập của tập bản thảo đó …
TS. Huỳnh Ngọc Đáng
Hồn cốt quê hương:
ĐỊA LÝ PHONG THỦY LÀ GÌ?
A- Truyền thuyết phong vật:
Cộng đồng các dân cư ở Châu Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng, đều có chung tâm lý: Đất lành chim đậu.
(hàm ý: tìm chọn nơi có địa hình thuận lợi để sinh sống lâu dài...). Thực tế địa lý thiên nhiên của phương đông châu Á có ba cảnh quan đặc biệt:
1- Đồi rộng núi cao khá nhiều (các nhà phong thủy xưa gọi bằng thuật ngữ: hổ sơn, tay hổ đặc biệt khi núi đồi ở phía tây thì gọi là bạch hổ)
2- Aông ngòi lớn nhỏ đều mở hướng hạ lưu về biển cả (thuật ngữ phong thủy: long mạch, tay long, khi sông biển ở phía đông thì gọi là thanh long)
3- Lại chịu ảnh hưởng của khí hậu “nóng – ẩm – gió mùa” thường xuyên hàng năm...
Tất cả sự kiện vừa nêu, tác động trực tiếp vào các mặt sinh hoạt của các dân tộc định cư trên vùng lãnh thổ này, đã làm nẩy sinh thống kê qui nạp pháp, đó là khảo sát 8 hiện tượng tự nhiên tương tác thường ngày, mà ai cũng thấy: nước – lửa – sấm chớp – đầm lầy – núi non – gió bão – trời cao – đất thấp (ngôn ngữ dịch lý: thủy – hỏa – lôi - trạch – sơn – phong – thiên – địa; thuật ngữ bát quái: khảm – ly – chấn – đoài – cấn – tốn – càn – khôn), để xây dựng thành học thuyết độc đáo: Dịch lý, trên căn bản “văn hóa triết Âm Dương” có nền “văn minh lúa nước” sinh động hàng ngàn năm qua.
Nói riêng về nước ta (Việt Nam): 3/4 địa hình lãnh thổ là đồi núi (sơn nguyên có độ cao dưới 1000 m chiếm tới 85% diện tích), cộng thêm hàng ngàn sông rạch chằng chịt rãi khắp lãnh thổ từ Bắc đến Nam (tính trung bình cứ khoảng 20 Km dọc bờ biển lại có một cửa sông ...), nghĩa là chúng ta nhìn đâu cũng thấy bức tranh “giang sơn cẩm tú” – sông núi đẹp như gấm” (nói theo ngôn ngữ phong thủy: “long mạch – hổ sơn trùng trùng”) mỗi nơi mỗi vẻ ... như sách cổ “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện” đã đúc kết chung cho các truyền thuyết phong vật nước nhà:
- Núi non kỳ lạ, đất đai linh thiêng, nhân dân anh hào, truyện thần kỳ thường vẫn có...
Từ nguồn thực tế này, người Việt cổ (cũng như các thế hệ người Việt hiện nay...) đã ước mong sống và làm việc trong môi trường “mưa thuận gió hoà”, tức là “mô hình hóa” tâm linh sinh tồn:
- Phong hòa/ gió lành
- Thủy tú/ nước sạch
Cho mỗi khi tìm chọn nơi làm nhà ở (địa lý dương trạch) hoặc làm mộ chôn người chết là thân nhân của mình (phong thủy âm phần); nói cách khác: từ hiện thực yêu mến các phong cảnh sông & núi thiên nhiên (phong vật đẹp) đến tâm lý chiếm hữu lâu dài môi trường giang và sơn đẹp đẻ ấy, đã mặc nhiên sinh ra một học thuật, theo cụ tổ của dòng họ Lê Lã tỉnh Hưng Yên xưa – cụ Lê Lã Triệu – gọi là: Kham dư luận học (kham: núi non – gò đóng; dư: cuộc đất, vùng đất) với 2 ứng dụng chủ yếu là: địa lý dương trạch (làm nhà ở cho người sống) và phong thủy âm phần (làm mộ – huyệt cho người chết).
Cụ đồ nho Lê Lã Triệu đã quan niệm:
- Tình yêu tổ quốc được bắt đầu từ lòng yêu mến cảnh trí thiên nhiên sông – núi đẹp (phong vật mỹ cảnh) trên môi trường quần cư... Rồi khi đã yêu mến phong vật mỹ cảnh, tất yếu nảy sinh tâm lý xã hội: Mọi người cùng nhau gìn giữ bảo quản lãnh thổ “đắc địa hữu ảnh vô ngôn” ấy (vùng đất có cảnh đẹp mà không cần lời giải thích), bằng cách thường xuyên và vĩnh viễn: vừa xây dựng thành quách, lâu đài hoặc nhà ở cho bộ tộc – gia tộc hoặc gia đình mình sống, vừa làm nghĩa trang – mộ huyệt cho người chết (thuộc dòng họ mình), để duy trì “an ninh tinh thần”: Người sống cũng như người đã chết, luôn được hưởng thụ những cảnh đẹp tự nhiên của đất trời, cũng như thừa hưởng những thành quả lao động của nhiều thế hệ tổ tiên đã vun đắp thêm vào lãnh thổ đẹp như tranh thêu (nhất là các “phong vật mỹ cảnh Việt Nam”), mà theo dòng tiến hóa lịch sử của dân tộc: mỗi ngày càng phát triển ...
Nhìn từ góc độ “Folklore học” (tạm hiểu là “văn hóa dân gian”) về các truyền thuyết phong vật (thuộc lãnh vực văn hóa phi vật thể)có liên quan đến phong tục “làm nhà cho người sống hoặc xây mộ cho người chết” (dân gian quen gọi là “phong thủy”) từ xưa đến nay, dù đã trải qua nhiều biến đổi về cách nghĩ và cách làm theo thời gian, nhưng niềm tin tưởng có mối tương quan hữu cơ huyền nhiệm giữa con người với nơi cư trú (nhà ở hoặc mộ phần) vẫn luôn là một hiện thực bất biến, và đã lan tỏa rất phổ biến ở nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới… Mặt khác, khi mọi người xếp loại “phong thủy” thuộc phạm trù truyền thuyết phong vật, thì “tính biến thể” (đặc trưng của các truyền thuyết trong văn hóa dân gian – trong Folklore học) của phong thủy cũng rất phong phú, và cuối cùng hiện nay đang có “bức tranh đa dạng” về cách tư duy phong thủy của nhiều học giả nghiên cứu sâu một học thuật đậm chất lưỡng tính: vừa huyền học (occulte) vừa khoa học (science):
Ở nước ta, nhiều truyền thuyết dân gian kể về tài năng của các “thầy phong thủy – géomancien” như Cao Lỗ (thần kim qui) thời cổ sử, như Tả Ao (thời cận đại), như Dương Thái Ban (ở thế kỷ 20) … cũng được mọi người biết đến và ngưỡng mộ các hiệu ứng tốt đẹp của khoa này. Riêng tại tỉnh Bình Dương, theo tác giả Huệ Thông: đầu thế kỷ 20, trong thời gian (1923 – 1926) ở chùa Hội Khánh (TX. Thủ Dầu Một), cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đã viết sách phong thủy – dạy chữ nho và hốt thuốc đông y chữa bệnh cho dân. Hiện nay Bảo tàng Bình Dương còn lưu giữ cuốn sách xem địa lý và la bàn của cụ Nguyễn Sinh Sắc (1). Như vậy, người yêu thích phong thủy luôn quan tâm nghiên cứu 6 kỹ thuật phong thủy (Yếu quyết lục thuật):
1- Mịch long mạch (tìm nguồn khí hóa của tay long)
2- Khảo hổ sơn (xem xét vị thế của tay hổ)
3- Quan minh đường thủy (nhìn dòng luân lưu của nước ở phía trước)
4- Sát huyền vũ phong (tra cứu luồng gió thổi ở phía sau)
5- Lập cát phương (chọn lựa hướng tốt)
6- Điểm sinh huyệt (xác định vị trí có tú khí)
để tận hưởng và cảm thụ được cái “thần” của phong vật mỹ cảnh (vốn dĩ “hữu ảnh vô ngôn”) mà chỉ có ngôn ngữ của “kham dư luận học” mới có thể lưu trữ được. Cụ Thiên Lương (nhà giáo Lê Quang Khải, 1910 – 1984) thường phàn nàn với người bạn thân ở Sài Gòn vào những năm 50 của thế kỷ 20 (là cụ đông y sỹ Dương Thái Ban, người có kỳ tích: bán hết ruộng vườn để gom đủ 50 lượng vàng, đi Hương Cảng học phong thủy thời kỳ 1930 – 1940), đại ý như sau:
- Nhiều thầy hành nghề địa lý ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, cũng như nhiều đầu sách dịch thuật phong thủy được lưu hành... tuy có bàn thảo nhiều, nhưng không hình dung được gì cả (“hữu ngôn vô cảnh”) hình như người ta đã cố tình quên cái cốt tủy của tâm linh phong thủy là nguồn “văn hóa triết Âm Dương”, và cái uyên áo của phong thủy thì lại luôn ẩn tàng trong ngôn ngữ của kỳ thư Dịch lý (tác phẩm bất hủ của văn hóa triết Âm Dương).
Bằng phương pháp nghiệm lý, các cụ tổ phong thủy Việt Nam (hàng ngàn năm qua) đã “thông tuệ chiêm ngưỡng” toàn cảnh lãnh thổ nước nhà “nhiều sông như gấm – nhiều núi như hoa”, đã khai mở lối tiếp cận thuật phong thủy (thông qua ngôn ngữ Dịch lý), nhằm nâng cao hơn nữa tầm cỡ nhân văn: yêu giang sơn thiên nhiên, yêu quê hương cẩm tú ... đồng thời rèn luyện thêm phong cách: sống khỏe – sống đẹp – sống có ích ... cho mọi người (theo nội hàm 64 “hiện tượng cận tâm lý ứng xử” tiềm ẩn trong 64 quẻ Dịch lý phương Đông cổ đại). Cụ Đẩu Sơn Lê Lã Sảng cũng thường căn dặn con cháu: Muốn biết và làm phong thủy không sai lầm thì phải học và hiểu tốt Dịch lý!
B- Nhận diện phong thủy:
Với tinh thần cầu thị học hỏi và gìn giữ di sản văn hóa truyền thống dân tộc, người biên soạn tư liệu “nghiệm lý phong hòa – thủy tú” xin được giới thiệu với quí độc giả tường lãm chánh kiến của các chuyên gia phong thủy và của giới truyền thông văn hóa đương đại (trước khi quí vị đọc tới nội dung chính của tư liệu “phong hòa – thủy tú”)
1- Ngày nay về mặt thực hành, phong thủy cho chúng ta các lời khuyên về cách kiến tạo một môi trường sống thoải mái và tích cực.
TS. Gill Hale – Anh Quốc
2- Phong thủy chính là hệ thống bình giá cảnh quan, để tìm kiếm địa điểm may mắn cho công trình kiến trúc.
Học giả Ihoji – Đại học Oakeland – New Zealand
3- Phong thủy cơ bản là xoay chuyển môi trường ta sống. Môi trường xung quanh nhào nặn và tạo nên cá tính cũng như sức khỏe của ta.
Học giả Merlina Merton (Philippines)
4- Ở Hoa Kỳ hiện nay đang lưu hành 03 bộ sách phong thủy (được tái bản nhiều lần):
a) “Kiến tạo căn nhà cho trái tim của bạn” – tg: Robin Lennon
b) “Thuật phong thủy, nhà khoa học trong nhà bạn” – tg: John Govert
c) “Nhà thiết kế với phong thủy “ – tg: Sarah Rossbach
5- “Áp dụng khoa học phong thủy vào cuộc sống, có nhiều điều nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn trực tiếp đến công việc -sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Tỷ phú Bill Gates cũng quan tâm đến phong thủy”
Báo Công An Tp. HCM (16/5/2006)
Cuối cùng, người biên soạn tư liệu “nghiệm lý phong hòa – thủy tú” xin được phép lạc quan minh họa toàn cảnh bức tranh “địa lý phong thủy Việt Nam “ mà sách cổ nước nhà “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện” đã viết:
- Quế Hải (a) tuy ở ngoài cõi Ngũ Lĩnh (b), nhưng núi non kỳ lạ, đất đai linh thiêng, nhân dân anh hào, truyện thần kỳ thường vẫn có …
(ghi chú: (a) là phương danh của nước ta ngày xưa
(b) là phương danh thuộc Trung Quốc phía bắc nước ta thời cổ sử)
Lê Hưng VKD
Tham khảo tư liệu (1): Hội khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương – tập san số 04 tháng 10/2006
< Lùi | Tiếp theo > |
---|