Tôi thực sự chấn động khi đọc tiểu thuyết Trên đường (On The Road) của nhà văn Mỹ gốc Pháp Jack Kerouac do dịch giả Cao Nhị chuyển ngữ.
Câu chuyện kể về hành trình của hai chàng trai Mỹ, đi từ miển Đông sang miền Tây rồi ngược lại với bao cuộc gặp gỡ tưng bừng, ngày cũng như đêm. Những cuộc tình thoáng qua nhưng sâu đậm, những bữa rượu túy lúy cùng những người bạn nồng nhiệt… Nói về cái hay của cuốn sách thì…chỉ có cách tự thưởng thức, nhưng còn một cái hay rất hay nữa là tài năng của người dịch. Những câu văn của một tâm hồn tự do, những khát vọng của một trái tim trong sáng, lối sống của một thế hệ lấy đường phố là ngôi nhà, lấy bạn bè là gia đình, lấy chuyện đi làm lẽ sống cứ diển ra vùn vụt. Những đoạn đối thoại đầy cảm giác, nhịp điệu câu văn cũng như nhịp điệu cuộc sống của hai tay chơi lang bạt kỳ hồ được ông Cao Nhị dịch hay đến nỗi cứ tưởng ông là người trong cuộc. Nghĩa là dịch giả rất lãng tử. Bạn tôi, nhà báo Đinh Trọng Tuấn nhận xét, chính ông Cao Nhị cũng là người lãng tử!
Lãng tử như chính đời ông. Thời trẻ, ông là người điển trai. Dáng người cao, nước da sáng trắng, gương mặt trong sáng, đôi mắt dài và đẹp, lấp lánh mộng mơ. Mái tóc ông mềm mại, bồng bềnh như mây trôi. Đặc biệt, ông có dáng đi như người bước trên không, lúc nào cũng nhẹ nhàng, thong thả. Nhưng hình như số phận “ghen” với ông. Nó muốn “tặng” cho ông những “món quà” để xem chủ nhân xử trí ra sao.
Năm 1954, ông còn đang tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, lúc này, phong trào “đấu tố” địa chủ, tư sản đang lên. Vợ ông vội gửi cậu con trai Cao Xuân Huy vào Nam theo người cậu. Khi ông trở về, tuy là một cán bộ kháng chiến, ông cũng không thể can thiệp để cho gia đình bên vợ được bình an. Bà tạm lánh vào Nam để chăm sóc con trai, chờ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Genève đã quy định. Nhưng tình hình, do nhiều nguyên nhân, không diễn ra theo mong muốn của hàng chục triệu trái tim người Việt khát khao. Gia đình ông chia đôi như chính đất nước hàng chục năm trời. Ở trong Nam, vợ ông đi bước nữa. Ở ngoài này, ông cũng tục huyền.
Ông có niềm say mê viết báo. Ông viết cho các báo đương thời như Cứu Quốc, Hà Nội ngày nay, Độc lập… Đang yên đang lành, bỗng một ngày đẹp trời, mùa Thu năm 1956, đạo diễn Trần Thịnh (bạn bè thường gọi “Thịnh râu”) rủ ông ra tờ báo, chuyên về Điện ảnh và Sân khấu. Trần Thịnh là con rể ông dược sỹ Thẩm Hoàng Tín, Thị trưởng Hà Nội thời kỳ 1950 - 1952. Đạo diễn Trần Thịnh học điện ảnh ở Pháp, trường IDHEC, cùng với Phạm Kỳ Nam, Lê Dân, Lê Mộng Hoàng… Năm 1955, các nhà làm phim này cũng về nước. Trần Thịnh và Phạm Kỳ Nam về Hà Nội. Lê Dân và Lê Mộng Hoàng về Sài Gòn. Trần Thịnh góp vốn nhiều, làm chủ nhiệm. Ông Cao Nhị về xin mẹ tiền, góp vốn cùng bạn, được bầu làm thư ký tòa soạn. Bà mẹ biết tính con trai, chỉ hay chữ nghĩa, vừa đưa tiền vừa mắng yêu: “Mày chỉ thích làm báo!”. Tờ báo lấy tên Sáng Tạo - một cái tên mang tính “khởi nghiệp” của những người trẻ tuổi. Nhưng tờ báo chỉ ra được… 2 số thì bị đình bản.
Lý do tại sao?
Tờ báo ra số đầu vào ngày 5.11.1956 thì ngày 7.11, ở Hà Nội, khai mạc Tuần phim Liên Xô. Các bạn Nga - Xô viết mang sang những phim như Ngai vàng sụp đổ, Hai sỹ quan, Nữ tài tử dạy hổ, Người yêu phương xa… Khi xem xong những bộ phim này, Cao Nhị không khen thì chớ, lại còn viết bài chê. Ông chê gì? Ông chê cách xây dựng câu chuyện khiên cưỡng, chê cách xây dựng nhân vật giả tạo, chê các tình tiết chắp vá, chê những thủ pháp trong phim thiếu thuyết phục… Không những chỉ mình Cao Nhị chê, mà ông còn cho đăng nhiều bài của các tác giả như Phan Vũ, Phạm Kỳ Nam, Vũ Phạm Từ… cũng đồng loạt chê.
Về sau, Cao Nhị bị kiểm điểm với vai trò là người chịu trách nhiệm về bài vở của tờ báo. Các ông chê đúng hay sai? Trong kháng chiến chống Pháp, ở Hà Nội, họ đã được xem nhiều phim của Mỹ, của Pháp, của trường phái Tân hiện thực bên Ý v.v… Nay thấy dòng phim “hiện thực xã hội chủ nghĩa” có vẻ thiếu tự nhiên, nên phê. Mục đích là gì? Nhà phê bình Lại Nguyên Ân, sau này có dịp đọc lại những bài phê bình đó, đã nhận xét: “Đó là những tiếng nói trung thực và dũng cảm của những nghệ sỹ cấp tiến muốn khắc phục ngay những nhược điểm của nền sân khấu - điện ảnh miền Bắc, nhằm xây dựng nền sân khấu - điện ảnh theo kịp thời đại cải cách dân chủ lần thứ nhất của hệ thống xã hội chủ nghĩa”.
Báo đình bản, hai ông bị kỷ luật một thời gian. Sau, ngứa nghề, lại ngồi dịch và viết để… gửi cho các báo khác. Ông Trần Thịnh ký bút danh là Kim Thoa; sau này được trở lại làm phim, ông Thịnh đã làm các phim như Tội ác còn mãi sau chiến tranh, Hát Cửa Đình, Hoa Tây Bắc, Tấm lòng son…. Còn ông Cao Nhị, may còn giữ được cái tên của mình, cùng Dương Tường, Nhị Ca, khởi công dịch tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolxtoi. Các ông dịch qua bản tiếng Pháp. Nhưng qua bản dịch, người đọc vẫn cảm nhận được tâm hồn Nga, tính cách Nga cùng những phong tục, tâm lý thời đại, ngôn ngữ các nhân vật rất rõ nét.
Riêng ông Cao Nhị, tôi còn khâm phục ở chỗ, ông rất am hiểu văn học Nga. Có lần, thấy tôi cầm cuốn Truyện L.Tolxtoi chọn lọc, ông hỏi: “Có truyện Một người cần bao nhiêu đất không?”. Tôi nói, không có. Ông lại hỏi: “Anh đọc chuyện đó chưa?”. Tôi lắc đầu. Ông khuyên tôi tìm đọc: “Đó là truyện rất có ý nghĩa”. Đúng là, sáu năm học ở Nga, đánh vật với mấy cuốn tiểu thuyết dày cộp của đại văn hào đã đủ mệt nhoài. Sao một ông già ở Hà Nội lại biết ngõ ngách các truyện ngắn của ông Lev? Tôi tìm đọc.
Tolxtoi kể, có một người nông dân rất giàu, tên là Pakhom. Ông này nghe nói bên kia sông Volga, nơi người Bashkir sinh sống, còn rất nhiều đất. Họ lại bán rẻ nữa. Ông ta mò sang. Hỏi giá, người Bashkir nói, chỉ cần một nghìn rúp, ông ta sẽ mua được cả vùng đất mà ông ta có thể đi suốt một ngày. Trả tiền, Pakhom lên đường. Ông vượt qua bao vùng đất tuyệt đẹp. Vừa nhìn, ông vừa dự tính những kế hoạch tương lại. Ông đi mãi, quên mất trời sắp tối, phải vội quay về. Nhưng khi về đến nơi, ông ngã lăn quay xuống đúng cái điểm mà ông lựa chọn ban đầu. Người ta chôn ông tại cái điểm cuối cùng, cũng chính điểm mà ông xuất phát. Từ đầu đến chân, tất cả chỉ khoảng hai mét. Đó là tất cả chỗ đất mà ông ấy cần.
Tôi đọc xong, sững sờ về triết lý của Tolxtoi. Trao đổi với ông Cao Nhị, ông còn giảng giải, truyện này không chỉ có ý nghĩa với một con người, mà còn có ý nghĩa với một quốc gia, một dân tộc. “Những thằng nào đòi chiếm đòi chiếm đất Việt Nam chắc là chưa đọc truyện này. Tuy là cường quốc nhưng họ còn ngây lắm!”.
Triết lý sống thiền đã thấm vào ông như một lẽ tự nhiên. Nhiều người cùng thời ông, ngoài miệng ra rả nói thiền, nhưng cứ động đến sự việc gì liên quan đến tiền, thì tham, sân, si trong lòng đột nhiên lại “lộ sáng”. Căn phòng của gia đình Cao Nhị rất nhỏ, chừng 18 mét vuông, lại nhiều người chung sống. Nhưng ở đó luôn tràn đầy bầu không khí ấm áp. Dù ông là “cha dượng” của hai người con riêng của vợ, nhưng dường như, mọi người đều không có cảm giác “con chung con riêng”. Ai cũng nhớ nụ cười của ông những khi được chứng kiến cảnh con cháu sum vầy. Hỏi ông, sao ông luyện được nụ cười hiền như bụt, ông trả lời, Phật Di Lặc là biểu tượng của sự thư giãn, hưởng thụ niềm vui trần thế. Nên mình cố gắng luyện. Sau này, người đời đắp vào ông ấy bao nhiều vàng, biến ông ấy thành biểu tượng khác. Nhiều nhà bày tượng Di Lặc nhưng tâm lại hướng đến điều ngược lại.
Dù ông viết báo và dịch sách hàng ngày, nhưng trong nhà, ông không sắp xếp cho mình một chỗ để cái bàn viết. Ông có thể đứng viết, ngồi viết ở bất cứ chỗ nào. Điều kiện làm việc như vậy, nhưng với nghề, ông luôn nghiêm túc. Dù có những lúc dịch, ông phải ký tên khác. Có lần, một người làm sách, đúng hẹn, đến nhà lấy bản thảo. Ông nói: “Đợi một chút. Vì cái tên loài cá trong nguyên bản khó phiên sang tiếng Việt. Tôi đã tra nhiều từ điển, nhưng tìm chưa ra”. Người làm sách: “Ôi dào, anh vẽ chuyện. Cứ phang cho nó loại cá gì chẳng được! Rượu vào, không có loại cá nào làm chết người đâu!”. Nhưng ông vẫn nhẹ lời xin khất vì ông sợ bản dịch sai, có hại với người đọc.
Nhiều năm làm ở báo Văn Hóa, ông luôn giữ được cách viết, sao cho mỗi bài, dù là bài nhỏ, cũng luôn có góc nhìn riêng của mình. Có lần, một đạo diễn nổi tiếng đang tưng bừng khoe, mình làm video cho bài hát Làng tôi của Văn Cao hay thế nào. Các bạn cùng trang lứa gồm đạo diễn, quay phim, nhạc sỹ, người tổ chức ca nhạc… đang say mê tán thưởng, thì ông nhỏ nhẹ hỏi, cái video này, nếu đưa vào các ca khúc cùng có tên là Làng tôi của Chung Quân và Hồ Bắc thì có gì khác nhau? Người diễn thuyết và người nghe đang cùng nảy tưng tưng như quả bóng, bỗng cùng xì hơi. Nhưng không ai giận. Bởi ai cũng hiểu, ông muốn giúp các bạn trẻ làm nghệ thuật, nên phải cố gắng sáng tạo. Anh đạo diễn ôm đầu: “Khó lắm bố ạ!”. Ông từ tốn: “Đã gọi là nghệ thuật thì làm cái gì cũng khó. Nghệ thuật, cũng như thể thao, người ta chỉ thích những cái xuất sắc. Làm nghệ thuật mà dễ thì dân chợ Đồng Xuân đi làm phim hết cả rồi!
Những năm nghỉ hưu, ông kê cái bàn nhỏ ra hè, đặt cái máy chữ nhỏ trên cái bàn gỗ cũng nhỏ, trước cửa. Nhà ông sát tòa soạn báo Văn nghệ. Mặc cho các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đi qua, ông vẫn cần mẫn ngồi. Có lần, một chị, mắt đỏ hoe, phóng Honda đến, nhờ ông đánh gấp “Đơn ly hôn”. Ông xem qua rồi hẹn, mai đến lấy. Chị ấy muốn lấy ngay. Ông nói, ruy-băng bị mờ, đang chờ thay, chữ mới rõ. Hôm sau, chị ấy đến, tủm tỉm xin lại đơn rồi xé bỏ. Ông giảng giải cho tôi: “Liếc qua lời lẽ trong đơn, tôi thấy chị này vẫn yêu chồng lắm. Chắc cơn đồng bóng nổi lên, chiều tối lại tan ngay. Mình làm kế hoãn”.
Có một chi tiết ở đầu bài, cần nói ra. Chàng trai Cao Xuân Huy, theo mẹ vào Nam, ba mươi năm sau, là tác giả tiểu thuyết Tháng Ba gãy súng. Câu chuyện thuật lại một cách trung thực tình cảnh hỗn loạn của một đơn vị Thủy quân lục chiến của Quân đội Việt Nam Cộng hòa trước sức tấn công như vũ bão của Quân Giải phóng trong Mùa Xuân 1975. Nhớ ngày gặp lại, hai cha con ngồi uống bia bên nhau. Nhưng cả hai cùng im lặng hàng giờ. Nhiều người thấy lạ. Khi tôi hỏi, ông giải thích, tình cảm sâu nặng nhất đó chính là khả năng im lặng bên nhau.
Đ.T
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 147 tháng 4.2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|