Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam

 

hoi-nghi-van-hoc-1-R

Từ trái: Nhà thơ, nhà văn Dương Trọng Dật, Trần Văn Tuấn, Trần Đức Tiến, Lê Huy Mậu, Trương Nam Hương tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam

 

Từ ngày 2.3.1015 đến ngày 6.3.2015, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam được khai mạc tại Cung Hữu nghị Hà Nội. Hơn 150 đại biểu quốc tế và đông đảo các nhà văn, nhà thơ, dịch giả Việt Nam tới dự.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhấn mạnh: “Chúng tôi đã dịch và xuất bản một cách cơ bản hệ thống những tác phẩm tiêu biểu của các nền văn học khu vực và thế giới. Thực tế đó diễn ra nhiều thập kỷ, dẫn đến một hệ quả là tình trạng nhập siêu văn hóa kéo dài và gia tăng. Giờ đây, chúng tôi muốn điều chỉnh và cải thiện lại tình hình. Chúng tôi không muốn chỉ là thị trường tiêu thụ văn hóa của thế giới mà phải là đối tác giao lưu văn hóa thế giới trên tinh thần bình đẳng và thân thiện. Bởi tư duy lành mạnh cho thấy rằng Việt Nam cần hiểu biết thế giới thì thế giới cũng có nhu cầu hiểu biết Việt Nam. Trên đường suy nghĩ đó, việc duy trì tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam là một hướng đi đúng, thức dậy nhiều tiềm năng và mang lại những hiệu quả bước đầu...”.

Nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Huy Mậu vừa gởi đến trang web www.leminhquoc.vn tác phẩm thơ sẽ đọc tại Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương - Ngày thơ Việt Nam 2015 tại Văn Miếu (Hà Nội).  Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

  hoi-nghi-van-hoc-2-R

Từ trái: Nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Bính Hồng Cầu, Kim Quyên, Thu Trang, Trần Nhương, Hữu Thỉnh, Trương Nam Hương, (?), P.N Thường Đoan, Cao Xuân Thái  tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam

P.V 

Ảnh: Minh Lê 

 

TRƯƠNG NAM HƯƠNG


Đêm vang đỏ


(Kính tặng nhà thơ cựu chiến binh B. Kevin)

Lịch lãm
thâm trầm
Boston ấm trong màu vang đỏ
ở giữa khoảng mong manh và dễ vỡ
nhân văn tràn trong ly pha lê

Tiếng bom đạn còn rền vang kí ức
gương mặt thời gian như bức tranh siêu thực
sự ám ảnh lặng im, hối hận lặng im
từng nỗi đau vẫn đang thổn thức

Họa ngọn cỏ dòng sông mới an ủi được
những vong linh ẩn khuất núi đồi
lịch sử không có đường đi tắt
phải vòng vèo qua máu bạn, thơ tôi

Màu vang đỏ đêm nay ấm quá
ngút ngoài kia tuyết trắng không lời.

T.N.H

Bản dịch của Thiếu Khanh:

The Red -Wine Night

(Dedicated to the veteran and poet B. Kevin)


Subtilely profound
Experienced and gentle
In the color of red wine Boston gets warmer
Between fragile and brittle
Crystal glasses are overflowing with human culture

In memories lethal weapons keep resounding
The face of time is like a surrealist painting
Obsession is silent, repentance is silent
Each pain remains latent

Perhaps a leaf of grass or a stream could console
The spirits hanging around in many a mountain or knoll
There are not any shortcuts to history
But tortuous paths through your blood and my poetry

It’s so warm tonight with the red wine in glow
Out there, there is only white and wordless snow

T.N.H



LÊ HUY MẬU


LÃO NHÀ QUÊ


(Tặng ND)


(Thực thì lão chỉ có mười tám năm ruộng đồng lấm láp
Nhưng năm mươi năm sau lão vẫn lấm láp ruộng đồng)
chẳng giấu giếm
cũng chẳng khoe khoang
lão tự tại, tự thân
nhà quê toàn tòng, toàn tính!
ăn mặc xềnh xoàng
râu ria lởm xởm
khi cơm bụi vỉa hè
khi nhà hàng khách sạn
khi rượu, khi bia
khi với chính khách, việt kiều
khi với bạn nhậu, bạn văn, già trẻ
với ai lão cũng thế
không tự ti cũng chẳng phô diễn
lão tự nhiên, như nhiên!
chuyện của lão thường hóm và sắc, và sâu
thơ của lão như bỡn, như chơi, như đùa, như thật
chẳng cách tân đổi mới cầu kỳ
lão gan ruột, lão đẩy tột cùng yêu ghét
nhưng khi vừa viết xong một câu chạm nọc
lão lại vờ như một một gã khờ ù cạc
đọc một bài vè tếu táo để mua vui!
chẳng ai biết lão ra quân với cấp bậc gì
chỉ biết trong văn chương lão thuộc hàng tướng soái
lẫy lừng tên tuổi
bốn mươi năm hòa bình
lão lẹt phẹt chuyên viên
có vài bậc lương leo hoài không tới ngọn!
lão là người ẩn danh, ẩn tướng
lão là gã nhà quê
lúc tỉnh lúc say ngất ngưởng
chỉ có điều
lão khôn hơn ta tưởng
nắm dao bao giờ lão cũng nắm đằng chuôi!

(Hà Nội 3/3/2015)

L.H.M 


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com