NGUYỄN VĂN MỸ: Nổi khổ doanh nghiệp

 

peint01RR

 

Nổi khổ doanh nghiệp

 

Tôi có nhiều bạn bè làm doanh nhân, làm thuê cho nhà nước hoặc tư nhân và làm chủ riêng mình. Cứ tưởng ai cũng giám đốc giống nhau. Tìm hiểu mới biết có nhiều khác biệt. Vất vả nhất là làm chủ, nhiều lúc chỉ dám “ngủ một mắt”, bởi mắt còn lại phải lo toan tính toán trăm bề. Sau đó là làm thuê cho tư nhân, lơ mơ là “được cho nghỉ”. Đỡ nhất là doanh nghiệp nhà nước. Chỉ cần có quan hệ, biết điều và đừng tệ quá, cứ đoán ý lãnh đạo mà thực hiện là yên tâm. Đó là với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Còn số chụp giựt, thì khỏi nói. Nghĩ cũng buồn cười, chẳng nước nào nhiều loại hình doanh nghiệp như Việt Nam, cứ trăm hoa đua nở, chẳng ai quản lý nổi. Tha hồ lập lờ với người tiêu dùng.

Cứ tưởng là giám đốc là sướng, ai dè cũng trăm đường khổ. Khổ vì kinh doanh thì ít mà khổ vì những chuyện không đâu thì  nhiều. Thời buổi kinh tế khó khăn, xăng, điện, gas… và vật giá tăng từng tuần. Sức mua giảm sút, phải tiết kiệm mọi thứ để vượt khó và tồn tại. Nhiều giám đốc tư nhân không có thư ký, trợ lý, không có chế độ tiếp khách và điện thoại, đi taxi thay vì xe riêng để giảm chi phí. Gặp nhau, ít khi nghe họ kêu về những cái khó đó mà chủ yếu là những cái khổ “từ trên trời rơi xuống”. Phải công nhận doanh nhân Việt Nam vô địch về sự chịu đựng. Nào là những thủ tục “hành là chính” của các cơ quan thuế, hải quan, thanh tra liên ngành…Rồi đủ thứ thông tư của những “người cõi trên” , nghị định “đùng một cái” đã buộc tay, trói chân doanh nghiệp.

Chưa đủ, Luật còn cho phép các doanh nghiệp tha hồ làm hàng nhái, hàng giả các thương hiệu lớn khi được đặt tên công ty giống nhau, chỉ cần khác một hai chữ phía trước là vô tư lừa khách. Nghị định 43/2010 NĐ-CP chỉ cấm các doanh nghiệp sử dụng các chữ “Tân”, “Mới” trước hoặc sau tên công ty. Có lẽ trước đó có hàng nhái bánh trung thu ”Tân Kinh Đô”, “Tân Đồng Khánh”…nên mới đưa vào luật. Do vậy mới có hàng trăm công ty  nhái các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ riêng ngành du lịch đã có hàng chục công ty nhái các thương hiệu Top Ten  của Saigontourist, BenThanhtourist, Lửa Việt, Hòa Bình… Chỉ cần thêm vài từ phía trước như Cổ Phần, Dịch Vụ, Thương Mại, Sự Kiện…hoặc thay chữ Tourist bằng Travel…là tha hồ lập lờ. Từ kiểu chữ cho đến logo và cả website nhái.

Kẻ viết bài này từng nhờ luật sư ra Nam Định kiện công ty trùng tên, chỉ khác chữ Cổ Phần. Họ liền thách thức, dọa kiện lại và trưng giấy phép hẳn hoi của Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Nam Định cấp. Đa phần các công ty nhái đều dây mơ rễ má với công ty gốc. Nhiều công ty còn tách ra từ công ty gốc, nên hiểu rất rõ và cách làm hàng nhái càng tinh vi. Mà du lịch Hòa Bình là điển hình. Công ty nhái thêm chữ thành phố Hồ Chí Minh, còn lại mọi thứ y chang.

Du lịch là sản phẩm trừu tượng, dùng xong mới biết chất lượng nên dễ làm hàng nhái, hàng giả nhất. Riết chẳng ai thắc mắc, cả doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng đều quen dần việc sống chung với lũ. Cái cần bảo hộ là tên riêng chứ không phải tên lót. Tôi nghi các nhà làm luật chẳng hiểu gì về ngữ pháp tiếng Việt. Càng chưa hình dung những hệ lụy và rắc rối xảy ra cho các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp đi kiện, bị kiện ngược lại vì “Tôi được nhà nước cấp phép đàng hoàng”. Vô tình, nhà nước tiếp tay cho hàng giả. Trong khi xăng, điện của nhà nước độc quyền, liên tục tăng giá, kéo theo sự đồng khởi leo thang các dịch vụ thì nhà nước lại kêu gào doanh nghiệp giảm giá? Khi vận động tham gia kích cầu nội địa, có doanh nghiệp đẵ thẳng thừng: “Có giỏi thì vận động xăng, điện giảm giá đi, cứ leo thang mãi sao chịu nổi. Nhà nước phải nêu gương trước, không thể cứ “trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp” được”.

Hiện nay, nhà nước đã tăng lệ phí làm passport từ 200 ngàn lên 300 ngàn, lệ phí visa vào Việt Nam thấp nhất từ 25 lên 45 usd. Sắp tới có thể các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Bắc Âu…lâu nay được miễn visa vào Việt Nam sẽ bị bãi bỏ. Nếu đúng vậy, đây sẽ là đòn hiểm đánh vào việc cạnh tranh vốn ốm yếu so với các nước trong khu vực. Vé tham quan đồng loạt tăng giá. Khu du lịch đảo Tuần Châu, Quảng Ninh tăng từ 30 ngàn lên 160 ngàn. Chưa đủ, lệ phí giao thông trên quốc lộ 1 từ Hà Nội đi Cần Thơ và quốc lộ 14 đi Tây Nguyên sẽ tăng tới 350%. Đúng là đại nhảy vọt. Những con đường đau khổ nhất nhì châu Á đang phải cõng phí nhất nhì thế giới. Hèn gì lượng doanh nghiệp phá sản trong 2 năm qua đã vượt con số 100.000, hơn cả tổng số 20 năm trước cộng lại. Trong tình hình đó, nếu không biết “khoan thư sức” cho dân và doanh nghiệp thì hậu quả khôn lường.

Khi mua nhầm hóa đơn giả, thay vì truy phạt thủ phạm thì ngành thuế lại phạt nạn nhân. Các doanh nghiệp đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế để nuôi bộ máy nhà nước, trong đó có các ngành thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường…Chẳng biết họ ở đâu mà để kẻ xấu lộng hành như vậy. Cứ ra đường là thấy hàng nhái, vào chợ là gặp hàng giả. Đáng lẽ phải chia sẻ, động viên doanh nghiệp gặp nạn , kiểm điểm quản lý thị trường thì lại phạt nặng nạn nhân. Khác nào phạt người ra đường bị móc túi vì tội “Tại sao mang theo bóp khi ra đường?. Nếu để ở nhà, thì bọn cướp sẽ thất nghiệp mà chết?” Cách hành xử của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay đang vô tình khuyến khích kẻ xấu. Rồi chuyện mỗi ngày phải nhận vô số tin rác quảng cáo, đi nước ngoài mà điện thoại roaming là lãnh đủ.

Khổ nhất là việc hết nhóm này tới nhóm khác vào công ty mời mua vé ca nhạc từ thiện, mua sách kỷ niệm của các ngành, ủng hộ quỹ này quỹ kia, mời quảng cáo của mấy tờ phụ trương các báo trung ương… Cứ như thập diện mai phục. Không thể đột nhập vào các cao ốc văn phòng để làm phiền thì dùng điện thoại “khủng bố”. Rồi mời đóng tiền “tự nguyện” để được khen thưởng danh hiệu này, cúp vàng nọ. Dù làm tốt mà “con nhà nghèo” thì đành chịu, bởi khen thưởng chỉ dành cho kẻ có tiền. Thậm chí có tờ báo kiên quyết bỏ tên các doanh nghiệp không chịu đóng tiền “đăng quảng cáo chúc mừng mình” dù trước đó đã đóng lệ phí khen thưởng và được công nhận. Gần đây, nở rộ các chương trình “truyền hình trực tiếp” để làm từ thiện của VTV. Toàn của các bộ, các ban ngành đoàn thể trung ương. Điện thoại tới tấp, nhân danh cả phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, chủ tịch thành phố, Ban tổ chức trung ương, thanh tra chính phủ… Có cả chữ ký và dấu đỏ của lãnh đạo hẳn hoi. Ít nhất cũng mươi triệu ủng hộ trở lên. Có người vừa đề nghị vừa dọa, lại còn bảo “10 triệu chẳng đáng là bao!”, và mời mua vé máy bay ra Hà Nội dự lễ để được truyền hình trực tiếp…

Các giám đốc nhà nước còn lấy cớ xin lãnh đạo cấp trên để từ chối khéo. Chỉ khổ các giám đốc tư nhân. Không cho thì “mang tội”, cho thì chẳng biết lấy từ khoản nào vì làm gì cũng phải có kế hoạch. Nội chuyện vắt óc để suy nghĩ từ chối sao cho “phải đạo” là đã mất hết thời gian, còn hơi sức đâu mà sáng tạo vượt khó. Chẳng cần ai nhắc, nhiều công ty vẫn âm thầm làm từ thiện tại chỗ, bởi đó là một phần trách nhiệm với cộng đồng. Trong lúc khó khăn, nhiều công ty phải giảm lương, thậm chí giảm nhân sự, lấy đâu ra tiền để ủng hộ quanh năm. Không biết các chương trình như vậy chi phí tố chức tốn hết bao nhiêu?? Có giám đốc cho biết: “Cứ nghe tới chương trình từ thiện truyền hình trực tiếp là nổi da gà. Bởi sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khổ sở”. Công bằng mà nói, tư thân các chương trình đó là cần thiết và rất tốt. Cũng có những doanh nghiệp thật sự có nhu cầu tham gia. Vấn đề là đừng lạm dụng để phiền nhiễu các doanh nghiệp khác. Chỉ có người thực hiện mới làm méo mó ý nghĩa và mục đích. Chẳng biết tới bao giờ doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi vòng kim cô, không phải suốt ngày lo đối phó với những nỗi lo sợ và khổ sở  như vậy? Hãy để họ toàn tâm, toàn ý lo việc kinh doanh, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Nguyễn Văn Mỹ

(Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com