LÂM BÍCH THỦY: Chùa Ông ngày ấy - bây giờ


Anh họ tôi năm nay hơn 80 tuổi nói về Chùa Ông ở thị trấn An Nhơn (Bình Định)  xưa: Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1640-1670, trên một vuông đất rộng. Cổng chính chùa là hai cánh cửa lớn, vẽ hình ông Thiện và ông Ác. Chùa thờ ông Quan Thánh. Thiên nhiên ở đây giao hòa. Trước mặt chùa là con đường số 1A chạy từ Bắc vào Nam. Phía bên trái có cây bàng to, xum xuê cành lá đỏ, bên phải có cây đa bự đến độ 9 -10 đứa trẻ ôm không kín. Đối diện với Chùa, bên kia đường, là ngôi nhà có hồ sen hình bán nguyệt. Mùa hè, hương sen tỏa ra ngào ngạt. Ở đó, ngày và đêm rộn vang tiếng đàn, tiếng hát, bài chòi, lô tô.. của Đoàn Cải Lương Bà Thuộc. Anh  vừa kể vừa ngâm nga:

 

vuon-hoa-phat-giao-17-201406221520402S7ABb7ZHF

Ảnh: Internet

 

Trước  cổng  là  hai  cây  cổ  thụ  già

Cây  bàng  bên  trái  nhánh  vươn  xa

Mù u bên  phải cây tròn trái

Gốc lớn, tàng to trải rộng ra

Sớm  chiều  nghe  rõ  tiếng  chuông  vang

Nghi  ngút  trầm  hương, tượng  thếp  vàng

Ấm  nghĩa, ấm  tình  nơi  tôn  kính

Nơi  đây  trung  điểm  của  quê làng

Theo lời anh tôi: Chùa Ông là do Hội quán người Hoa lập nên. Trước đây, thủ từ của chùa do dòng họ Tần trông coi, chăm sóc nhang đèn. Thủ từ phải hội đủ các tố chất như học vấn cao, kinh tế khá giả, không tham lam, đạo đức khiêm nhường, giàu lòng nhân ái. Thủ từ cũng tuân thủ theo luật cha truyền con nối. Nhưng khi họ Tần ở thị trấn An Nhơn không còn ai nối nghiệp nữa, Hội quán người Hoa họp lại để cử họ khác. Sau khi xem xét, sàng lọc, Hội quán tán thành để dòng họ Lâm tiếp quản, vì tuy họ Lâm nghèo nhưng hội đủ các tố chất còn lại. Thế là ông Nội tôi - Lâm Thanh Phong được làm thủ từ chùa Ông từ đó. Chính nơi này đã lưu giữ những năm tháng tuổi thơ của ba tôi - nhà thơ Yến Lan.  

Đây tôi sống trong xanh nghiêm thánh thất

Đèn lưu ly hao sáng mộng tràn đầy

Lan can đổ xuống dần từng bậc bậc

Hồn cuộn dần bậc bậc khói hương xây

(Trích Bình Định 1935)

Đây cũng là nơi lần đầu ba tôi gặp Hàn Mặc Tử, khi ông đưa nhà văn -  tác giả của “Kép Tư Bền”- Nguyễn Công Hoan đến thăm chùa, vào khoảng năm 1930. Tôi thường nghe bà tôi nhắc nhở: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Còn cha tôi thì dạy: “Các con hiểu hiện tại nhưng phải biết về quá khứ; đừng thờ ơ với những dấu ấn lịch sử xưa - đó là vàng của ông cha để lại cho thế hệ của các con đó”. Tôi thường bắt anh tôi kể về ngôi chùa, anh rằng: “Chùa này thiêng lắm em à. Ở chính điện là tượng của ba ông: từ phải sang: quan Châu Xương - mặt vằn vện; Quan Công - mặt đỏ, Quan Bình mặt trắng. Phật tử nào ốm đau, đến xin xăm lấy đơn bốc thuốc uống đều khỏi bệnh và khi gia quyến có điều gì phiền muộn đến chùa xóc thẻ, nghe giải thích thẻ để tránh, đều linh nghiệm. Hồi đó, lũ trẻ bọn tôi thường đến chơi lò cò dưới bóng cây đa. Ông, bà ngoại tôi dặn: “Cụ Đa thiêng lắm, chơi ở đó không được bậy bạ làm ô uế chốn chùa. Cụ Đa giận làm chết dần chết mòn đó nghen con!”. Tôi nhớ mãi lời bà dặn.

Với vốn Hán Việt pha Tây cùng sự thông minh, cậu Bảy (tức cha tôi) được ông nội giao việc giải thích thẻ cho khách. Khách căn cứ vào sự giải thích từ tiếng Hán - Nôm ra tiếng Việt để bà con đi bốc thuốc, uống chửa bệnh và tránh được những việc sẽ gặp phải trong tương lai. Về vấn đề này anh tôi lại ngâm nga:

Chùa xưa đón khách thập phương về

Lễ thánh trong lòng thấy hả hê

Như được phép thiên phò hộ độ

Đến ngày sóc vọng khách nhiều ghê

Sự yên bình, viễn tịch nơi chùa lặng lẽ trôi qua. Đùng, một ngày nọ, có chuyện khó hiểu. Chuyện ấy đến tận sau này, cậu Bảy vẫn chưa giải thích nổi:

Chuyện thứ nhất

Thời gian lúc 12 giờ trưa. Nhân vật là một người đàn ông chừng 25 - 30 tuổi

Hôm ấy, trưa thường lệ, cậu Bảy vào lau chùi bụi nhang ở bàn thờ. Chân vừa chạm ngạch cửa, cậu ngạc nhiên, thấy có người đàn ông lạ, tay chắp trước ngực, vừa giật lùi từ Tam Bảo ra, vừa lẩm bẩm: “Con lạy ngài! Xin ngài tha cho, từ rày con không dám vào nằm ở đây nữa, xin ngài tha…”. Cậu Bảy nhìn vẻ mặt tái nhợt như mất hồn của người đàn ông nọ, định lôi anh vào nhà mái ngói âm dương bên trái chùa xoa dầu khuynh dịp cho, vì nghĩ anh bị trúng gió độc. Nhưng anh lắc đầu lia lịa, vẻ ngơ ngác lộ rõ, hỏi:

- Ồ thày không thấy “ngài hay sao? Lạ quá hè! Ngài phương phi như thế, mặt vằn vện dữ dằn như thế, đứng cạnh thầy mà thầy không thấy ư? Lạ thật đấy.

Rồi anh ta kê miệng sát tai cậu Bảy nói:

- Mặt ngài giống mặt ông ngồi trên kia.

Cậu Bảy nhìn theo ánh mắt sợ sệt của anh lia nhanh vào tượng quan Châu Xương, và nghe anh giải bày tiếp: “Tôi đến xin xăm, bốc thuốc chữa bệnh cho vợ. Thấy còn lâu mới tới giờ, buồn ngủ quá, chui vào nằm dưới gầm bàn, định chợp mắt chút cho đỡ mệt; vừa mới thiu thiu thì Ngài xuất hiện, mắt long sòng sọc như có lửa, dựng tôi dậy, mắng: “Đây là chốn tôn nghiêm để thờ cúng, sao dám vào nằm, đó là tội phạm thượng. Đi ra ngay, ra ngay”! Kể xong, anh ta lại hỏi:

- Có thiệt  thầy không thấy Ngài chớ, sao lạ quá hè?

Chuyện thứ hai  

Thời gian khoảng 5- 6 giờ tối.Nhân vật - chính là mẹ kế cậu Bảy.

Như mọi ngày lúc ấy, cậu Bảy vào chùa lo việc thường nhật. Mới chân trong, chân ngoài bậc cửa, thì cậu nghe như tiếng ai rên và lảm nhảm gì đó; tóc gáy cậu dựng đứng. Cậu thử đưa mắt về phía tượng ba ông, một cảm giác mờ mờ ảo ảo như các ngài đang lắc lư cái đầu để trêu cậu. Hoảng quá cậu quay ngược ra thì tiếng rên nghe gần hơn. Cậu lần theo, thấy lờ mờ một khối đen đang động đậy tại đống cát ở hiên (thưở ấy, nhà ai cũng chứa cát để phòng hỏa hoạn). Khối đen cứ tự húc đầu mình vào cát như ăn vạ ai. Đến gần, cậu hốt hoảng nhận ra kế mẫu. Búi tóc bà xổ tung, rối như canh hẹ. Cậu đến bên mà bà vẫn còn húc đầu vào cát, miệng van nài:

- Dạ từ nay con không dám vào đây nữa, dạ con chừa, dạ con chừa rồi, xin ngài tha cho con!

Cậu Bảy vực bà dậy, dìu vào nhà, lấy dầu khuynh dịp xoa lưng và lấy đồng bạc cắt, cạo gió cho bà. Vừa xoa, cậu vừa an ủi : “Dì bị gió độc nhiểm vào người , cạo ra hết và nằm nghĩ chút xíu là khỏi thôi hà”. Lúc ấy, vẻ mặt tái mét, miệng méo xệch, người thì còn run bần bật như bà gặp phải quỉ dữ. Cậu Bảy kéo tấm đrap đắp ngực cho bà rồi dặn: “Con ở ngoài nhà, có việc gì cần, dì ới là con vào liền”. Đến tối, quay lại thấy kế mẫu đã bình tâm, cậu Bảy hỏi: “Dì ơi, chặp tối con thấy dì tự húc đầu vào cát, xin tha tội là sao?”

- Trời quơi (ơi), bộ dì khùng sao tự húc đầu vào cát rồi, xin mình tha tội. Con không thấy Ngài nắm tóc dì dụi vào đống cát à. Sợ  lắm con ơi, mặt ông ta vằn vện, mắt thì đỏ rực, hùng hổ nắm tóc lôi dì từ trong ra, vừa vùi đầu dì vừa mắng xối xả “mày là con đàn bà không chính chuyên, dơ dáy, vào đây làm ô uế chốn linh thiêng - đó là tội phạm thượng”.  Con người to lớn đến vậy mà con không thấy và không nghe Ngài nói tí nào sao?” - Mẹ kế ngạc nhiên hỏi lại cậu Bảy .

Qua lời kể của người đàn ông lạ và mẹ kế, cậu Bảy không tìm ra được lời đáp. Cậu sinh nghi. Cậu gắn hai sự kiện lại và tự hỏi: “Không lẽ chùa có thần canh giữ”? Từ đó, chùa Ông trở nên “linh thiêng” hơn trong mắt bà con thị trấn An Nhơn và các vùng lân cận…. Ngày rằm, Tết hoặc nhà có chuyện không may xảy ra, họ đến chùa cầu, xin xăm, bốc thuốc chữa bệnh đều như nguyện ước. Những người tuổi khoảng 70 (ở thập niên 1990) kể: “Hồi nhỏ, bọn anh muốn vào trộm quả của phật tử cúng để ăn mà không tài nào lấy được; cứ chân bước vô chính điện, thì như có ai kéo lại, nhìn không thấy ai ngoài ba ông tượng trên bàn thờ. Dường như các ông đang trừng mắt nhìn, bọn anh sợ quá biến luôn”.  

Sau giải phóng, từ Hà Nội trở về, ba tôi đến thăm chùa trước tiên. Thấy chùa vẫn giữ những nét xưa; cây đa già tuy mang trong mình thêm vài chục tuổi, song cụ vẫn xanh tươi; cành lá xum xuê tỏa bóng trùm nửa sân chùa, chỉ khác là rễ đa nhiều hơn, thòng từ trên cao xuống, sừng sũng như những chứng nhân lịch sử chứng kiến những cuộc bể dâu của quê hương…

Nhưng vào thập niên 80 của thế kỷ 20, khi nhà nước chủ trương xóa bỏ những gì dính dáng đến "mê tín dị đoan" thì cụ đa bị người ta chặt bỏ, chùa bị đập phá để xây nhà làm việc cho các cơ quan hành chính của phường Bình Định.  Giá hồi ấy cán bộ huyện có tầm nhìn xa, rộng, thì thị xã ta đã có niềm để con cháu tự hào! Vì cụ Đa lớn tuổi hơn rất nhiều so với cây me hơn 300 tuổi tại Nhà Bảo tàng vua Quang Trung ở Tây Sơn. Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, cây đa, cổng làng, mái đình, chùa... luôn là những biểu tượng của một nền văn hóa miền quê. Nó đi vào tâm hồn của người Việt chúng ta một cách thầm lặng và tôn kính. Giờ đây, chùa Ông chỉ còn lại trong bài thơ tứ tuyệt của ba tôi:

Bồn dừa tơ

Bốn mươi năm khuất bóng dải thành xưa

Nơi tỏa bóng mẹ già mọc lên nhà huyện ủy

Những viên đá tuổi bằng thế kỷ

Lại ghép bồn nâng rặng liễu buông tơ

(1-1987)

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com