Phong tục tặng vải lụa cho người cao tuổi


Ngày xưa, thời Lý (1010-1225) sau khi lên ngôi hoàng đế, năm Canh Tuất (1010) Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Ông đến thăm Cổ Pháp quê nhà, tặng các bô lão địa phương tiền, lụa, mở đầu phong tục”lụa tặng già” ở nước ta. Cũng thời gian này, nhà vua ban chiếu đại xá cho cả nước, trong đó có tha thuế nợ lâu năm cho người già yếu, cô đơn.

 

 

tue1bb95i-gic3a0-1

Ảnh: Internet

 

Tiếp theo, thời Trần chế độ trọng lão được thể hiện rõ nét, dưới một hình thức khác, đó là tôn trọng ý kiến các bô lão trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước Đại Việt.

Năm Ất Dậu (1265) giặc Nguyên Mông tiến sát biên giới, lăm le xâm lược nước ta một lần nữa. Nhà Trần đã triệu tập các bô lão trong cả nước về dự Hội nghị Diên Hồng, ngay ở kinh thành Thăng Long. Thượng hoàng Trần Thánh Tông đặt tiệc thiết đãi các bô lão ở thềm điện Diên Hồng trưng cầu kế hoạch giữ nước. Tất cả các bô lão đều đồng thanh quyết đánh! Triều đình đã làm theo ý nguyện của các bô lão và cuối cùng cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của nhân dân ta đã thắng lợi.

Các vua Trần sau đó khi về thăm quê ở Thiên Trường (nay là Nam Định) thường có tục đãi “yến” và tặng “lụa” cho các cụ cao niên.

Thời Lê (1428-1789) Nhà nước phong kiến Đại Việt một mặt vẫn tiếp tục thực hiện chính sách an sinh đối với người già, mặt khác nâng chính sách đó lên thành luật.

Hồng Đức chính thư có ghi: “Trong hương thôn có người già mà không kính nể, dám tự ngồi ăn cùng một mâm, ngồi chung một chiếu thì lấy tội khinh nhờn mà luận tội, phạt 30 trượng”. Trong bộ Quốc triệu hình luật (Luật Hồng Đức năm 1483) có ghi: “Những người già nếu phạm tội cũng được châm chước, nương nhẹ”.” Người già từ 70 tuổi trở lên, phạm tội đều cho chuộc bằng tiền”(Điều 16) ”Khi phạm tội chưa già cả, tàn tật, đến khi già cả, tàn tật mới phát giác, thì xử theo tội già cả, tàn tật (Điều 17). ”Đạo làm con phải hiếu kính cha mẹ, khi cha mẹ già yếu phải sớm khuya phụng dưỡng, không được để thiếu thốn. Làm cha mẹ phải biết sửa mình để ngay thẳng gia đình, lấy nghĩa lý dạy con trai, lấy nữ công, nữ tắc dạy con gái…”(Điều 90).

Bên cạnh luật nước, các làng xã còn đặt tra “lệ trọng lão” trong các hương ước và quy định cấp vài, ba sào ruộng công, gọi là “dưỡng lão điền” cho các cụ cao tuổi, giao cho con cháu làm lấy hoa lợi nuôi dưỡng các cụ. Khi các cụ qua đời, ruộng đó trả lại làng xã để lại cấp cho các cụ khác.

Thời Nguyễn (1802-1945) theo Đại Nam hội điển sự lệ do triều Nguyễn biên soạn, thì những ai đã là quan chức về hưu, cứ 80 tuổi trở lên được vua ban cho bạc, vải lụa theo cấp bậc. Dưới triều Minh Mạng (1820 - 1940) đã có lệ ban thưởng cho quan và dân sống lâu, gọi là thọ quan thọ dân. Các quan nhất phẩm, nhị phẩm, tam phẩm, sống lâu 100 tuổi được thưởng 100 lạng bạc, 10 tấm lụa. Dân thường sống lâu 100 tuổi được thưởng 30 lạng bạc, 3 tấm lụa, 3 tấm vải (đối với các cụ ông) và 20 lạng bạc, 2 tấm lụa, 2 tấm vải (đối với cụ bà). Thời Minh Mạng cũng cho ban hành “Huấn dịch thập điều” quy định: “Đạo làm người trước hết phải làm nghĩa vụ con em (tức có hiếu với bố mẹ); Với cha anh trong gia đình phải giữ lễ hiếu để (trung, tín, nhân, nghĩa, lễ, trí)". Chính từ các quy định này mà gia đình trong ấm ngoài êm, nền nếp gia phong được tôn trọng, an ninh trật tự xã hội được bảo đảm.

Ngày nay, mỗi dịp tết đến, xuân về Chủ tịch nước gửi tặng các cụ cao niên tròn 100 tuổi trên phạm vi cả nước 5 mét lụa. Tỉnh ủy, thành ủy tặng khánh vàng, Ủy ban nhân dân tặng Giấy chúc thọ và tiền mặt 500.000 đồng (cộng chung 1.500.000 đồng). Các cụ từ đủ 90 tuổi hàng năm được chúc thọ, tặng quà 1.000.000 đồng. Riêng các cụ từ đủ 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi được tổ chức mừng thọ hằng năm với mức quà tặng 500.000 đồng.

Việc làm này kể từ khi có Luật Người cao tuổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2010 và trong bốn năm qua (2011 - 2014) trên phạm vi cả nước đã thực hiện tốt chính sách này.

 

Vĩnh Niên

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com