Theo các bậc cao niên, làng Phong Lệ xưa có tên gốc là xứ Đà Ly, sau chia làm hai làng là Phong Bắc nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ - TP. Đà Nẵng, và Phong Nam thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang - TP. Đà Nẵng. Dù chia tách địa lý hành chánh như vậy, song đến ngày lễ hội rước Mục Đồng, hai địa phương nói trên cùng về tham dự.
Lễ rước Thần Nông đi qua giữa thôn Phong Nam
Cụ Ngô Văn Luôn (79 tuổi), hiện là Trưởng ban tư lễ đình Thần Nông kể rằng, theo truyền thuyết, làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ giữa đồng. Ngày kia, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó giữ lại. Dân làng cho là có thần linh “cư ngụ” nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Sau đó một thời gian, có đàn trâu trong làng chạy lạc lên cồn, người lớn không ai tìm ra, duy chỉ có đám trẻ chăn trâu là tìm được. Từ đó có tiếng đồn lan ra là cồn Thần chỉ dành cho các trẻ chăn trâu (mục đồng) đến gần mà thôi. Xóm cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng.
Truyền thuyết nói trên, về sau qua nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục Đồng.
Cụ Ngô Tấn Văn (80 tuổi), trú tại thôn Phong Nam cho biết, ngày trước có lệ cứ cách 3 năm, làng lại tổ chức lễ rước Mục Đồng một lần. Sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm mới tổ chức lễ một lần. Trong đời mình, năm lên 12 tuổi, cụ là trẻ chăn trâu được tham dự lễ hội rước Mục Đồng. Ngày trước, lễ hội rước Mục Đồng tổ chức rất lớn, 3 ngày 3 đêm, có giết trâu, có hát mục đồng, không khí trong làng nhộn nhịp, vui tươi.
Ông Ngô Văn Nghĩa (67 tuổi), Trưởng ban tổ chức lễ rước Mục Đồng cho biết: “Theo các bô lão kể lại, từ cuối tháng ba âm lịch, khi vụ mùa đã thu hoạc xong cũng là lúc các công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu. Không khí trong làng rộn ràng, tất bật để chuẩn bị lễ hội. Ngoài cờ nhỏ của mục đồng, còn có 17 cây “đại kỳ” của chư phái tộc. “Đại kỳ” với cán lớn bằng tre dài 5 mét, có khoan lỗ đút cây ngang qua để treo các con giống. Nào là tứ linh (lân, long, qui, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương). Nhưng nhiều nhất vẫn là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, gàu dai, gàu sòng, dừng, nia...
Để được chiếm giải trong lễ hội, các tộc họ có điều kiện “sáng tác” các hình tượng bằng gỗ rất công phu, mỹ thuật. Mang trên mình nhiều thứ như vậy nên cây cờ lớn thường rất nặng, phải chọn 3 lực điền khoẻ mạnh với đầy đủ nai nịt ngang lưng mới đủ sức mang cờ. Sau 60 năm lễ hội bị gián đoạn, đây là lần thứ hai, tái diễn lễ hội đặc sắc này (lần thứ nhất tổ chức vào năm 2007).
Lễ rước Thần Nông, hay rước Mục Đồng ở làng Phong Lệ là một trong những hình thức coi trọng nghề nông. Thông qua lễ rước Thần Nông, giá trị người nông dân được nâng cao. Trong xã hội phong kiến ngày xưa xem thường những kẻ chăn trâu. Tuy nhiên, khi đến làng Phong Lệ (xưa) trong những ngày rước Thần Nông, trẻ chăn trâu được tôn vinh, xem trọng - đây là một điều rất đặc biệt trong chế độ phong kiến mấy ngàn năm của lịch sử dân tộc…”.
Sáng ngày 2 - 4 (AL), chính thức diễn ra lễ rước. Trời vừa hửng sáng đã vang lên tiếng trống giục giã dân làng về dự lễ. Tất cả tề tựu trong sân đình Thần Nông, còn được gọi là đình Mục Đồng. Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái rồi cung thỉnh bài vị Thần Nông đặt vào kiệu do 4 mục đồng khiêng. Xong đâu đó, đám rước lên đường với chiêng trống, kiểng cổ vang động`khắp làng, sau cùng là đoàn mục đồng vai mang giỏ bịt mõm trâu, dây thẹo buộc trâu diễu hành. Kiệu rước, uy nghi, trang trọng tiến về hướng cồn Thần, trong âm vang của nền nhạc cổ bát âm. Vừa đi, thi thoảng người phụ trách dùng loa xướng lên:
- Chúng mục đồng làng Phong Lệ ta!
- Dạ! (mục đồng đáp lại).
- Rước Thần Nông về làng Phong Lệ ta!
- Giá hạ! Giá hạ! (mục đồng đáp lại 3 lần).
- Cầu cho tốt lúa tốt gieo. Vũ thuận phong điều, hò reo một tiếng!
- Giá hạ! Giá hạ (mục đồng đáp lại 3 lần).
Theo các bô lão của làng Phong Nam, Giá hạ là từ cổ địa phương có nghĩa là gieo lúa (vãi giống lúa gieo xuống đồng).
Khi đi đến cồn Thần, đám rước dừng lại. Kiệu Thần được đặt gần vào nơi di tích có trụ đá ghi ”Di tích cồn Thần” bằng sơn đỏ. Cụ Phùng Sinh, trưởng ban tư lễ thay mặt cho giới mục đồng trong làng đứng ra làm lễ cúng triệu thỉnh Thần Nông. Cụ và ban tư lễ cùng khấn vái và xin keo âm dương để cung thỉnh rước thần về đình tham dự lễ cúng. Sau khi xin keo được, ông ra hiệu cho người đánh kiểng cổ nổi lệnh báo tin: Thần Nông đã giáng hạ. Lúc này, tất cả lại chỉnh đốn trang phục, hàng ngũ chuẩn bị rước Thần Nông về đình làng. Về đến đình làng, Kiệu được khiên vào đình, bài vị Thần Nông được đặt lên bàn thờ nơi hậu tẩm chính đình. Lễ phẩm lần lượt được bày khắp ba gian đình. Mục đồng nghiêm chỉnh đứng trước đình làm lễ. Các chức sắc trong làng nghiêm trang đứng thành hai hàng chứng minh buổi lễ. Cụ Sinh cho hay, ngày xưa, sau khi tế lễ xong, các mục đồng là những người được mời vào ăn cổ cùng với chư vị chức sắc trong làng, lúc này không phân biệt thứ hạng.
Rước Mục Đồng là lễ hội đặc sắc, duy nhất ở nước ta nhưng với 3 năm mới tổ chức 1 lần nên ít du khách có dịp mục kích. Thiết nghĩ, ngành du lịch TP. Đà Nẵng nên hỗ trợ cùng với dân làng để lễ hội tổ chức hằng năm, tạo ra một “sản phẩm” du lịch đặc sắc, độc đáo của TP. Đà Nẵng mà không “nơi mô” có được.
Kiệu rước vị Thần Nông
Trẻ Mục đồng diễu quanh cánh đồng làng
Cúng xứ đất Cồn Thần
Cúng và xin keo xin rước Thần Nông về đình Thần Nông để cúng tế
Rước kiệu Thần Nông qua cánh đồng làng
Rước kiệu Thàn Nông vào đình Thần Nông
Các vị bô lão xướng Văn tế cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Mục đồng làm lễ trước đình Thần Nông
Toàn cảnh trước đình Thần Nông nhân dịp lễ rước Mục Đồng
Bài & ảnh:
LÊ QUỐC KỲ
(Tuý Loan, Hoà Vang - Đà Nẵng)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|