HOÀI THƯƠNG: GS - TS TRẦN VĂN KHÊ & Điệu hò Đồng Tháp

 

Tìm lại lời ru Nam bộ

Một sáng chủ nhật đẹp trời ngày cuối năm 2012, tại nhà Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề “Điệu hò Đồng Tháp ngày xưa”. Góp mặt trong buổi giao lưu là nghệ sĩ lão thành - nghệ nhân Kim Nhụy, người nổi tiếng với điệu ru con, dân ca Nam Bộ, đặc biệt là điệu hò Đồng Tháp trầm bổng xoáy vào lòng người.

 

GS-Khe-1

GS - TS Trần văn Khê và Nghệ sĩ lão thành - nghệ nhân Kim Nhụy

 

Gặp lại người hát ru đúng chất Nam Bộ

 

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê chia sẻ, năm 1958, ở Pháp, ông tình cờ nghe được giọng hò Đồng Tháp mượt mà trong đĩa “Tiếng hát Việt Nam”, do Nhà Xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc thu thanh năm 1957. Bị mê hoặc bởi giọng hò có sức lay động, truyền cảm lạ lùng đó; thế nhưng ông không biết người hò là ai. Mãi đến tháng 9.2012, ông mới tình cờ gặp lại được người có giọng hò ngọt ngào mà ông đã nghe được và “để ý” từ năm 1958. Đó chính là nghệ nhân Kim Nhụy.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê cho biết trước khi đi Pháp, ông biết hò Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ,... chứ chưa biết hò Đồng Tháp. Tới chừng nghe Kim Nhụy hát, ông mới thấy hò Đồng Tháp vô cùng uyển chuyển, ngọt ngào. GS Khê nói: “Nói về các câu luyến láy thì hò Nam bộ chưa có chỗ nào uyển chuyển bằng hò Đồng Tháp. Tôi cầm đĩa hát đi giới thiệu cho nhiều sinh viên, nhiều người bên Pháp nghe. Ai cũng tấm tắc khen hay, nhiều người mượn đĩa để sao chép lại. Vậy là suốt mấy chục năm trời, tôi đi giới thiệu câu hò này ra nước ngoài mà không biết người hò đó là ai”.

Theo GS Khê, có thể nói, nghệ sĩ Kim Nhụy là người đã đưa câu hò Đồng Tháp đến với người dân toàn quốc và thế giới. Bà là nghệ sĩ hát ru Nam bộ hiếm hoi có chất giọng mượt mà, ngọt ngào mà chứa chan tình cảm.

Chị Song Anh, con gái duy nhất của nghệ sĩ Kim Nhụy chia sẻ, nghệ sĩ Kim Nhụy sinh ra ở Đồng Tháp. Mồ côi mẹ từ năm 2 tuổi, hằng ngày bà đi cắm câu, mót lúa, nghe các dì, các chị hát hò đối đáp với nhau trên đồng, trên sông riết rồi thuộc từng hơi hướng, làn điệu và hàng trăm câu hò. Phận con nhà nghèo côi cút nhưng bà rất sáng dạ. Năm 1945, Kim Nhụy đi theo kháng chiến, bà gia nhập Đoàn Văn công tỉnh đội Long Châu Sa. Năm 1954 tập kết ra Bắc, bà gia nhập Đoàn cải lương Nam bộ. Năm 1957, Đài Tiếng nói Việt Nam mời bà về ban ca nhạc của đài.

Dù không nối nghiệp má, từng công tác trong ngành ngân hàng; nhưng điều đặc biệt là chị Song Anh cũng có giọng hò vô cùng ngọt ngào, sâu lắng.

 

GS-Khe-2

Nghệ sĩ lão thành - nghệ nhân Kim Nhụy

 

Trong buổi gặp gỡ với giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ Kim Nhụy, hình ảnh một cụ ông 92 tuổi ngồi trên xe lăn, hát hò đối đáp với một cụ bà 83 tuổi, cũng ngồi trên xe lăn là hình ảnh gợi nhiều cảm xúc. Thỉnh thoảng đến những đoạn lên quá cao hay xuống quá thấp, khi giọng hò của nghệ sĩ Kim Nhụy đã không còn chạm tới được những cung bậc ấy thì lập tức đã có giọng Song Anh đắp vào. Hai bàn tay chị nâng tập giấy in sẵn lời của các điệu hò cho má coi. Thỉnh thoảng khi thấy má ngập ngừng hắng giọng, chị lại nhẹ nhàng “nhắc tuồng” hoặc nhỏ nhẹ “để con hò phụ má”. Góp sức “hò phụ” nghệ sĩ Kim Nhụy còn có cô cháu ngoại Minh Anh - con gái chị Song Anh.

GS Khê dù giọng không được khỏe mấy ngày gần đây nhưng vẫn sẵn sàng cất lời:

Ơ à ơi, ời à

Ơ à. Gặp mặt em đây không biết chừng nào anh gặp nữa này bạn chung tình

Ôi em có phân điều chi thì phân một bữa cho tận a tình à

Ơ à. Kẻo mai sau đây anh về nơi chốn cũ rồi thương bóng nhớ a à hình

Mà tội nghiệp cho thân anh, ơ á à”.

Tuy sức khỏe của nghệ sĩ Kim Nhụy kém, hơi không đầy như ngày trẻ nhưng giọng hát ru của bà vẫn còn “lửa” lắm. Bà đáp lại:

Ơ à. Ngó lên trời thì trời trong mây trắng

Dòm xuống nước thì nước trắng lại trong

Nhỏ như ai chứ nhỏ nhỏ như em đây mà chắc dạ ơ à

Bền lòng ơ à

Ơ à… Lỡ duyên thời em chịu lỡ chớ đóng cửa loan phòng ờ ơ à... Em chờ anh, ơ à

 

Phục hồi và phát triển điệu hò dân gian Đồng Tháp

 

Hò Đồng Tháp là một điệu hò hay mang tính dân gian được liệt vào danh mục bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhưng đã bị mai một và mất dần theo năm tháng cần phải phục hồi và phát triển.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cùng nhóm sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp hiện đang chuẩn bị hoàn thành giai đoạn phục hồi và phát triển điệu hò Đồng Tháp trên quê hương Đồng Tháp.

Hò Đồng Tháp xuất hiện từ trước những năm 1950 của thế kỷ trước, một điệu hò rất hay, nó có sức lôi cuốn, hấp dẫn mọi người một cách kỳ lạ với những âm điệu trầm, bổng, cao vút.

Lời hò Đồng Tháp đều xuất phát từ thơ lục bát, song thất lục bát hoặc từ ca dao tục ngữ. Điệu hò đã đồng hành cùng các đoàn văn công biểu diễn khắp nơi phục vụ đồng bào, chiến sĩ trong vùng kháng chiến thời đó của tỉnh Long Châu Sa (nay là Đồng Tháp).

Để phục hồi và phát triển điệu hò Đồng Tháp (di sản văn hóa phi vật thể), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cùng nhóm sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp sẽ tổ chức các lớp tập huấn hò và sáng tác lời mới hò Đồng Tháp cho các diễn viên, nghệ nhân hát dân ca, nghệ nhân tài tử, tác giả đang hoạt động trong phong trào văn nghệ quần chúng nắm được nguyên tắc hò và sáng tác lời hò ở các địa phương trong tỉnh, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản; đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương, thu hút khách tham quan qua điệu hò Đồng Tháp.

Bây giờ, nghệ sĩ Kim Nhụy đã già yếu, giọng hát không còn như xưa nhưng trí nhớ của bà còn rất minh mẫn. Theo đánh giá của Giáo sư Trần Văn Khê, bà là một cuốn từ điển sống, hiếm hoi về lời ru, dân ca Nam Bộ. Giữ gìn và thể hiện lại những gì mẹ truyền đạt chính là chị Song Anh. Cũng như mẹ mình, chị Song Anh đang dạy lại lời ru cho con gái.

Theo Giáo sư Trần Văn Khê, hát ru là nét nhạc đầu tiên đến với con người từ lúc mở mắt chào đời. Khi còn trong bụng mẹ, tiếng ầu ơ, nựng nịu của mẹ đã kích thích đến não bộ của bé. Thuở nằm nôi, lời ru không chỉ giúp bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ mà còn giúp bé sớm phát triển. Nhạc điệu hát ru mượt mà, êm đềm. Ngôn từ hát ru là những bài ca dao ngợi ca quê hương, đất nước, tình nghĩa gia đình, là lời răn dạy đạo đức làm người…

Giáo sư Trần Văn Khê lấy làm tiếc khi hiện nay nhiều bà mẹ trẻ không biết hát ru và không có thời gian hát ru cho con. Nếu hát ru con, các bà mẹ Nam Bộ thường hát theo kiểu vọng cổ, cải lương. Điệu ru Nam Bộ truyền thống đã bị pha tạp.

Theo GS Khê, hát ru đúng và hay không phải chỉ để đi thi liên hoan, phát hành đĩa mà để lời ru đi vào đời sống hằng ngày, ngân nga bên vành nôi con trẻ. Có vậy, điệu hát ru Nam bộ nói riêng và những điệu hát ru dân tộc nói chung không bị phôi pha và nhạt nhòa trong vòng xoay thời cuộc.

 

Hoài Thương

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com