Bài 2: TỐNG HỮU ĐỊNH - Người 'khai sơn phá thạch' nghệ thuật cải lương
Ông Tống Hữu Định
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Có thể xem đây là “tuyên ngôn” của nghệ thuật cải lương. Nói cách khác, cải lương là cải cách, thay đổi cho tốt hơn. Không phải ngẫu nhiên đầu thế kỷ XX, từ “chèo sân đình” đã có nhiều nghệ sĩ, đứng đầu là Nguyễn Đình Nghị đã mạnh dạn cải cách, cải tiến chèo để hình thành một hình thức mới, giá trị mới - họ gọi là “chèo cải lương”.
Để có nghệ thuật cải lương, trước hết phải nhấn mạnh đến sự ra đời của các ban nhạc đàn ca tài tử. Loại hình nghệ thuật này hình thành vào cuối thế kỷ XIX ở Nam Kỳ lục tỉnh - với sự góp công, góp sức của các “thầy đờn” lừng danh như Nguyễn Quang Đại, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tống Triều, Tống Hữu Định, Phạm Quang Đàn… “Tục hay đờn địch giải buồn/ Cúng cơm đãi tiệc, thơ tuồng xướng ca/ Kim thanh bài bản rập hòa/ Thanh tao nhã hứng miệng ca tay đờn”. Đó là những câu thơ mà ông Nguyễn Liên Phong viết năm 1909 nhằm biểu dương tài năng các nghệ sĩ đàn ca tài tử.
Không lẽ chỉ một nhóm tài tử, giai nhân “Tay vàng tay ngọc ngón đờn quá xinh” chỉ biểu diễn cho nhau nghe? Phải có công chúng. Họ tham dự càng đông với sự đồng cảm, tán thưởng thì người nghệ sĩ mới càng hào hứng. Hơn nữa, đây cũng là một cách có thêm thù lao nuôi dưỡng nghệ thuật, chẳng lẽ “ăn cơm nhà vác ngà voi” mãi sao?
Vì lẽ đó, ông Nguyễn Tống Triều thương lượng với chủ nhà hàng Minh Tân ngang ga xe lửa Mỹ Tho - Sài Gòn cho đến giúp vui. Nghe tiếng tăm, thực khách ngày càng đông. Nhận thấy công chúng hoan nghinh nhiệt liệt, hiệu quả kinh tế, Thầy Hộ - chủ rạp hát bóng Casino phía sau chợ Mỹ Tho cũng mời ban tài tử này đến trình bày tối thứ Bảy và thứ Tư, trước khi chiếu bóng.
Bấy giờ, trên sân khấu chỉ có kê bộ ván ngựa cho các nghệ sĩ tài tử ngồi hoặc thêm một hai cái bàn, vài ba chậu cây kiểng - nói chung bày trí đơn sơ. Về bài ca, phổ biến nhất và “hớp hồn” công chúng nhiều nhất vẫn là bản Tứ đại oán Bùi Kiệm - Nguyệt Nga. Chi tiết này cho thấy truyện thơ Lục Vân Tiên có sức sống rất sâu rộng trong tâm thức người dân miền Nam. Lúc biểu diễn, các nam nữ nghệ sĩ đều chít khăn đóng, mặc quốc phục chỉnh tề, ngồi yên và cất lên tiếng ca réo rắt, du dương theo từng làn điệu.
Nhìn chung, các nghệ sĩ chưa ý thức rằng, ngoài giọng ca điêu luyện thì công chúng còn muốn xem họ thể hiện điệu bộ, hình thể phù hợp với tình huống, tính cách nhân vật. Người sớm nhận ra điều then chốt này là ông Tống Hữu Định, tục danh ông Phó Mười Hai - sinh năm 1869 tại làng Long Châu (Vĩnh Long) vốn dòng dõi Tống Phước Hiệp - công thần của chúa Nguyễn.
Năm 1915, từ Sài Gòn về Vĩnh Long, ghé lại Mỹ Tho, ông có xem cô Ba Đắc ca Tứ đại oán Bùi Kiệm - Nguyệt Nga cực duyên dáng: “Kiệm từ khi thi rớt trở về/ Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề:/ “Cũng tại mày ham bề vui chơi”/ Kiệm thưa: “Tài bất thắng thời/ Con dễ nào không lo bề công danh/ Tuổi con còn xuân xanh/ Công ơn cha mẹ, con chưa đáp đền, đó cha ôi”. Rõ ràng, trong lời ca giữa Bùi Ông và Bùi Kiệm có đối thoại, thế nhưng cô Ba Đắc chỉ ngồi yên như lúc ca mọi bài ca khác. Điệu bộ không cử động “khua tay múa chân”, phần nào làm giảm đi sự hào hứng của công chúng khi thưởng thức.
Tại sao lại không “vừa ca vừa ra bộ” - nay ta gọi là “diễn xuất”?
Trở về Vĩnh Long, trong buổi chơi nhạc tại nhà mình, ông Tống Hữu Định đã tổ chức ca bài Tứ đại oán Bùi Kiệm thi rớt trở về theo lối mới. Các ông giáo Du đóng vai Bùi Ông, ông giáo Diệp Minh Ký trong vai Bùi Kiệm và cô Ba Định trong vai Kiều Nguyệt Nga “vừa ca vừa ra bộ”. Nói nôm na, người nghệ sĩ vừa cất giọng ca, vừa có động tác hình thể phù hợp với lời ca.
Thế thì, từ Tứ đại oán Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, các soạn giả phải “ca kịch hóa bài Tứ đại” bằng cách phải sửa đổi câu ca theo lối vấn đáp: Bùi Ông đương ngồi trong phòng khách, Bùi Kiệm ở ngoài bước vào xá một cái. Bùi Ông (hỏi): “Sao việc thi cử thế nào con?”. Bùi Kiệm (vô ca Tứ đại lớp đầu): “Dạ thưa cha, con nay thi rớt trở về”. Bùi Ông (ca tiếp): “Kiệm à, nghe qua tao tức tối trăm bề/ Cũng tại bởi mày, sao ham bề vui chơi?”. Bùi Kiệm nối theo: “Thưa cha, tài bất thắng thời/ Con dễ nào không lo bề công danh/ Tuổi con còn xuân xanh/ Công ơn cha mẹ, con chưa đáp đền, đó cha ôi!”.
Sự cách tân “ca ra bộ” đã được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đó, nó không còn bó gọn ở Vĩnh Long mà dần dần lan tỏa rộng ở những nơi khác như Sa Đéc, Vũng Liêm v.v... Có thể nói, sáng kiến quan trọng này là gạch nối từ âm nhạc chuyển dần sang hình thái sân khấu, buộc người nghệ sĩ không chỉ rèn luyện về thanh âm mà còn phải nỗ lực trong cách biểu cảm của hành động. Giai đoạn chuyển biến từ “ca” đến “diễn (ra bộ)”- chính là một bước ngoặt quyết định, là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của một loại hình nghệ thuật mới có tên: Cải lương.
Dần dần trải qua nhiều năm tháng, tiếp theo hình thức “ca ra bộ” là “hát chập”. Hát chập có nghĩa là hình thức liên ca, gồm nhiều bài ca nối tiếp nhau có nhiều động tác, lồng vào đó là một cốt truyện ngắn, có ý nghĩa, có nội dung.
Do đáp ứng nhu cầu thưởng thức và đòi hỏi của công chúng, đà phát triển của ca ra bộ và hát chập ngày một nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ vị trí “phụ diễn” hết sức khiêm tốn, màn độc đáo Bùi Kiệm - Nguyệt Nga được dựng lên thành vở ca kịch hoàn toàn. Đó là vở Lục Vân Tiên tức Nguyệt Nga cống Hồ - vở cải lương đầu tiên trên sân khấu thầy Năm Tú tại Mỹ Tho, do nhà soạn giả Nam bộ là ông Trương Duy Toản biên soạn.
Hiện nay, tại TP.HCM có con đường mang tên Tống Hữu Định. Những nghệ sĩ tiên phong “khai sơn phá thạch” để từng bước tạo dựng nên loại hình nghệ thuật cải lương sẽ còn mãi trong trí nhớ người đương thời. Cải lương đã bước qua cột mốc thời gian 100 năm, chắc chắn sẽ tồn tại mãi…
Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Phụ Nữ Tp.HCM ngày 15.8.2018)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|