THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: SONG LANG HAY SONG LOAN?

LÊ MINH QUỐC: SONG LANG HAY SONG LOAN?

Untitled-1songloan

 

 

Có những bộ phim khi chiếu rạp, thiên hạ lại quan tâm, bàn đến nhan đề hơn là nội dung phim. Bộ phim Song lang là một thí dụ thời sự. Cứ như theo đạo diễn Leon Lê tuyên bố: “Với bộ phim dài đầu tay, tôi xác định đó phải là bộ phim mà mình muốn làm. Và phải có cải lương”. Chính vì thế, hiện nay trên cộng đồng mạng đã có cuộc trao đổi, tranh luận lý thú, xoay quanh câu hỏi chung, tại sao lại “song lang”? Mà tên gọi này có đúng với một nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật cải lương?

 

Trước hết, thử đặt câu hỏi, “song lang” bắt nguồn từ đâu?

 

Có ý kiến cho rằng, nó từ “minh lang” mà ra. Bằng chứng là Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu giải thích: “Minh lang là cái gõ cá, cái phách của người đánh cá dùng để gõ mà đánh cá”. Từ đó, họ liên hệ đến bộ gõ song lang trong dàn nhạc cổ. Nói cách khác, song lang từ minh lang ra.

 

Lại có ý kiến cho rằng, song lang là do song loan nói trại mà thành. Tuy nhiên, có sự phản bác vì loan (chim mái), chẳng lẽ hai con chim mái lại cặp kè với nhau? Hơn nữa, thiên hạ thường dùng “loan phụng hòa minh” tức chim mái, chim trống sóng đôi để chỉ sự hoàn hợp vợ chồng kia mà? Thơ văn cổ điển Việt Nam thường sử dụng điển tích này, chẳng hạn, “Nào người phượng chạ, loan chung/ Nào người tích lục, tham hồng là ai?”(Truyện Kiều); “Này đà loan phụng rẽ bày/ Nệm nghiêng gối chích, phận này đã cam” (Lục Vân Tiên)…

 

Thoạt nghe cũng hợp lý. Tuy nhiên cái sự hợp lý này chỉ phù hợp với chuyện văn chương chữ nghĩa, chứ không thể áp dụng vào một nhạc cụ song loan.

 

Trước khi lý giải, ta hãy tìm hiểu “song loan” là cái gì? Chính là phách. Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội - 1998) do Nguyễn Lộc chủ biên, giải thích: “Phách, còn gọi sanh, song loan, một nhạc khí gõ, gồm có bàn phách, lá phách, tay ba”. Và “Khi cả tay ba và hai lá phách cùng gõ xuống bàn phách thì tiếng phách nghe hơi thô nhưng khỏe chắc. Trong hát bội, phách giữ nhịp tiết tấu, tiếng nhà nghề gọi là nhịp trường canh” (tr.450). Từ điển Việt Nam (1970) của Lê Văn Đức cũng cho biết: “Nhịp đôi, hai nhịp liền nhau trong bản đàn: nhịp song loan” (tr.1299),

 

Rõ ràng, song loan là một từ đã được ghi nhận, nó còn gọi là phệt. Nhà nghiên cứu Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng giải thích trong công trình Hát bội (Kim Lai ấn quán XB năm 1970): “Sanh hay phệt hay phách là hai miếng tầm vông dùng để nhịp câu lối hoặc để khắc trong đêm khuya quân lính đi tuần” (tr.274).

 

Nói nôm na, song loan còn là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đờn ca tài tử nói chung. Nó dùng để gõ nhịp, giữ trường canh. Nhưng tại sao hai miếng gỗ cứng làm thành cặp sênh để gõ nhịp lại gọi song loan?

 

Trong Phương ngữ Nam Bộ (NXB Hội Nhà văn -2014), nhà nghiên cúu Nam Chi Bùi Thanh Kiên đã căn cứ tài liệu Góp nhặt vài nét văn hóa dân gian Nam Bộ của Đỗ Văn Đông (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2008), giải thích: “Trên hai mảnh gỗ này có khắc chạm mỗi bên một hình con chim loan, cho nên nó được gọi là song loan. Sau này, người ta thôi dùng gỗ tròn moi rỗng, có cần đạp, giao cho người đàn kìm giữ nhịp khỏi mất một người cầm nhịp riêng. Người bình dân Nam Bộ nói song loan thành song lang, rồi quen dùng như vậy cho tới ngày nay” (tr.1254).

 

Tuy nhiên cách lý giải này, có người không đồng thuận với lý lẽ: “Người miền Nam chỉ có nói chệch "loan" thành "lon”, chớ không bao giờ chệch thành "lan/lang”.

 

Thọat nghe cũng có lý, nếu xét theo cách nói quen thuộc ở Nam Bộ. Ta thử nêu một vài “quy tắc” biến âm phổ biến, chẳng hạn, “an” thành “ơn”: “Có cha có mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn dứt dây”; “an” lại thành “ươn”: “Liệu bề đát được thì đươn/ Đừng gây rồi bỏ thế thường cười chê”; “ân” thành “ưng”: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”; “uyền” thành “oàng”: “Tam cang em hỏi bạn chung thoàn/ Rủi chẳng may sóng gió lớn chìm thoàn anh vớt ai?”; đôi khi “uyên” thành “oang”: Vô doan xấu số mắc phải anh chồng khòm/ Tới chừng nó chết cái hòm cong cong”; “ong” thành “uông”: “Chào cô trước mũi tiên phuông/ Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền” v.v…

 

Vậy, cách giải thích của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Đông có vô lý không? Không hề. Trong trường “oan” (loan) trở thành “ang” (lang), chính là sự biến âm theo lối chuyển đổi khuôn vần, chẳng hạn, xềnh xoàng/ xình xàng; nhấp nhoáng/ nhấp nháng; choảnh hoảnh/ chảnh hoảnh; choảnh chọe/ chảnh chọe; hoành thánh/ mành thánh; loạng quạng/ lạng quạng…

 

Vậy, “oan” (loan) trở thành “ang” (lang) cũng nằm trong trường hợp này. Nghĩa là nó không tuân theo “quy tắc” biến âm quen thuộc trong tiếng nói nói chung của người Nam Bộ. Hơn nữa, trong mọi cách biến âm bao giờ cũng có ngoại lệ, không tùy thuộc vào “quy tắc” cố định. Đơn giản, chỉ do ban đầu có người sử dụng và cảm thấy hợp lý nên dần dần nó được cộng đồng chấp nhận. Nói như thế, chỉ xin nêu thêm thí dụ, ban đầu là hát bộ, hiểu theo nghĩa cử chỉ, đi đứng, điệu bộ nhưng rồi người ta chấp nhận hát bội/ trò bội, với nghĩa như Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích là ca hát, đám hát, ban hát. Tương tự, hát chèo từ trào mà ra - trào là cười cợt, giễu cợt; cũng có ý kiến cho rằng chèo từ chầu… Nhưng rồi, cộng đồng chỉ chấp nhận chèo. Và quên đi tên gọi ban đầu. Với dẫn chứng này, rõ ràng bộ thành bội; trào/chầu thành chèo không theo quy tắc nào về biến âm thông thường cả. Đã thế, còn được chấp nhận chứ huống gì “oan” trở thành “ang” là sự biến đổi theo khuôn vần mà tôi vừa nêu trên.

 

Thế thì, song lang đã được chấp nhận hoán đổi cho song lan là điều hợp lý, không còn gì bàn cãi nữa. Hơn cả thế nữa, xin đừng quên, một khi tranh luận về tựa phim cụ thể, dứt khoát, không thể tách khỏi nội dung của nó. Với Song lang ngoài yếu tố thay thế nhạc cụ song loan, biết đâu nó còn ngụ ý về câu chuyện của hai người đàn ông thì đã sao?

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 31.8.2018)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com