Nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 tại làng An Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Có tài liệu nói ông vốn họ Đỗ, nhà nghèo, mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm. Có một nhà giàu họ Bạch, vốn không có con trai, thấy ông ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ Bạch.
Thuở mới bước chân vào đời, với vốn liếng tiếng Pháp đã được học, Bạch Thái Bưởi làm thư ký cho công sứ Bonnet, do đó, người đương thời gọi Ký Bưởi. Lại có tài liệu cho rằng ông làm thư ký cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền. Làm việc được một năm, năm 1895, Bạch Thái Bưởi được sang dự Hội chợ Bordeaux với vai trò giới thiệu sản phẩm của gian hàng xứ Bắc Kỳ.
Lần đầu tiên đến nước Pháp, ông đã thật sự kinh ngạc trước văn minh, tiến bộ của họ. Không như những người khác dành thời gian để du hí đây đó, ông nỗ lực tìm hiểu, học hỏi cung cách buôn bán, cách tổ chức và quản lý sản xuất, nghệ thuật khuyếch trương thương nghiệp của người Pháp. Trên chuyến tàu trở về nước, ông nghĩ rằng, nếu mình thủ phận với đồng lương thì cũng chỉ đủ sống mà suốt đời lại làm tôi tớ cho kẻ khác. Chi bằng bỏ việc để tự dấn thân vào con đường kinh doanh thì mới có cơ may đổi đời. Nghĩ thế, ông mạnh dạn xin nghỉ việc.
Năm 1898, thực dân Pháp khởi công xây dựng cầu sắt lớn Paul Doumer (nay là cầu Long Biên) vượt qua sông Hồng. Người Pháp quyết tâm thực hiện cho bằng được, bởi Hà Nội có vị trí thuận lợi giữa đồng bằng sông Hồng và các đầu mối giao thông thủy bộ lên các miền trung du và thượng du; bên cạnh đó mạng lưới đường bộ cũng nối liền với các tỉnh khác của xứ Bắc kỳ. Các tuyến đường xe lửa từ Hà Nội đi Lạng Sơn, đi Hải Phòng, đi Lào Cai, đi Nam Định - trong đó ba con đường Hải Phòng - Lạng Sơn - Lào Cai đều phải qua sông Hồng. Bạch Thái Bạch đứng ra nhận cung cấp tà-vẹt (traverse) cho công trình này. Tà-vẹt là “gối tựa” của các thanh ray (rail) tức là các khúc gỗ ngang để đặt đường sắt lên trên. Trong ba năm liền, ông lặn lội khắp núi rừng để khai thác gỗ tốt và đáp ứng đầy đủ cho công trình này. Năm 1902, cầu khánh thành, cũng là lúc ông tích lũy được một số vốn khá lớn.
Với số vốn này, ông chuyển sang buôn ngô nhưng thất bại thảm hại. Không nản chí, ông mở tiệm cầm đồ ở Nam Định. Đây là lãnh vực khá mạo hiểm, vì thương trường này hầu như người Hoa hoặc người Pháp đang nắm độc quyền. Người chủ ngoài vốn tiếng Pháp hành nghề theo luật định, còn phải có chuyên môn thẩm định đâu là vàng, ngọc quý, kim cương, cà rá để đánh giá chất lượng của nữ trang mà đưa tiền ra, lúc khách đến cầm. Nếu đánh giá không chính xác thì sạt nghiệp dễ như chơi. Đó là chưa kể các chủ khác còn tung ra những đòn hiểm hóc để cạnh tranh, giành độc quyền cho vay. Bạch Thái Bưởi vững tin ở khả năng của mình và ông đã làm ăn phát đạt.
Từ năm 1906, ông tiếp tục mở rộng khả năng kinh doanh: thầu thuế chợ ở Nam Định, Vinh, Thanh Hóa; mở hàng cơm tây ở Thanh Hóa; đại lý rượu ở Thái Bình. Ngoài ra, ông còn hùn vốn với em rể là Lê Văn Phúc mở nhà in Đông Kinh ấn quán... Với những việc kinh doanh này, chứng tỏ Bạch Thái Bưởi là người có tài quản lý, và trên hết là có y chí tự lập kiên cường.
Bạch Thái Bưởi là người Việt Nam đầu tiên đã mạnh dạn kinh doanh ở lãnh vực mới mẻ: ngành vận tải đường sông. Do đó, ông được người đương thời tôn vinh là “vua tàu thủy”. Vết tích chi nhánh trụ sở và bến đỗ tàu của Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội, nay còn lưu lại ở trước Cột Đồng Hồ đường Bờ Sông (Quai Guillemoto - nay là phố Trần Quang Khải). Đó là ngôi nhà ba tầng, chân tường hầm xây đá xanh (sau là một bộ phận của Sở thương chính).
Bấy giờ, năm 1909, hai hãng Messagerie và Chageurs Réunis độc quyền ngành vận tải đường biển ở Việt Nam. Vận tải đường sông thì ở Bắc Kỳ, có hãng Marty với ba chiếc tàu chuyên chở hành khách, công văn thư từ và một xưởng đóng tàu tại Hà Nội; hãng Deschwanden ở Hải Phòng có sáu chiếc tàu và một số hãng của Hoa Kiều. Đây cũng là năm hãng Marty hết hạn ký hợp đồng với nhà nước, Bạch Thái Bưởi không bỏ lỡ cơ hội. Ông thuê ngay ba chiếc tàu trên và đổi lại thành tên Việt: Phi Phượng (Phénix), Phi Long (Dragon) và Bái Tử Long (Fai Tsi Long). Từ đây, Bạch Thái Bưởi cho tàu của mình chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Ông chấp nhận đối đầu với các thương thuyền Hoa kiều đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy này.
Nhìn thấy một “tay mơ” đang mon men bước chân vào lãnh địa của mình, các thương nhân Hoa kiều chỉ cười khẩy, không tin một người Việt Nam nào trường vốn bằng họ. Để loại bỏ đối thủ ra khỏi “cuộc chơi”, họ liên kết với nhau để hạ giá vé. Tuyến đường Hà Nội-Nam Định giá vé là 4 hào, họ hạ xuống còn 3 hào, Bạch Thái Bưởi cũng hạ xuống 2 hào. Cứ thế, đôi bên chấp nhận cái giá chỉ còn 3 xu! Nhưng Bạch Thái Buởi khôn khéo hơn, đã nghĩ ra cách “khuyến mãi” là biếu cho mỗi hành khách đi tàu của mình một gói trà giá 1 xu. Thậm chí, có lúc, ông còn đãi thêm cả bánh ngọt...
Cuộc đối đầu một mất một còn khiến tình trạng tài chánh của Bạch Thái Bưởi đang đứng cheo leo trên bờ vực phá sản! Mỗi tháng ông thuê ba chiếc tàu với giá 2.000 đồng, nhưng mỗi ngày chỉ thu về trên dưới 20 đồng! Không đủ vốn để tiếp tục duy trì cách hạ giá như thế này nữa, ông nghĩ đến vũ khí hữu hiệu nhất là đánh thức lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc để kêu gọi hành khách ủng hộ. Do đó, thời bấy giờ hành khách đi tàu của Bạch Thái Bưởi thường gặp những người hát sẩm cất tiếng ca:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Cô kia má đỏ hồng hồng
Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan
Đường đi hiểm trở gian nan
Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đàng rước dâu
Dù cho nước lũ sông sâu
Ai về Nam Định rủ nhau cùng về...
Ông còn cho người tới các bến tàu, xuống tận các tàu để diễn thuyết cổ vũ cho tinh thần đồng bang và đặt những thùng lạc quyên trên tàu. Chính biện pháp tích cực này đã cứu sự nghiệp Bạch Thái Bưởi. Điều này cho thấy người dân Việt Nam giàu tinh thần tương thân tương trợ, sẵn sàng ủng hộ việc làm của đồng bào mình. Thắng lợi này có được cũng do không khí chính trị thời bấy giờ như trường Đông Kinh Nghĩa Thục và các sĩ phu yêu nước đang dấy lên phong trào “chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp cho giới doanh nghiệp nước nhà”. Và khai sáng tư tưởng người dân phải biết kinh doanh để làm giàu, khuyến khích mọi người trọng nghề buôn.
Từ đó, tàu của người Hoa kiều ngày càng ế ẩm và nhiều người bỏ cuộc. Về sau, Bạch Thái Bưởi lần lượt mua đứt ba chiếc tàu và xưởng sửa chữa tàu của hãng Marty mà lâu nay ông đang thuê. Đến năm 1917, ông còn mua thêm sáu chiếc tàu của hãng Deschwanden đang phá sản và của bất cứ ai muốn bán. Nếu từ năm 1909, Bạch Thái Bưởi còn thuê tàu thì mười năm sau, ông đã có 30 chiếc tàu, trong đó có ba chiếc viễn dương mang tên: Nguyễn Trãi, Bình Chuẩn, Verdun và thành lập công ty lừng danh mang tên “Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty” - trụ sở chính đặt ở Hải Phòng và nhiều chi nhánh ở Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Bến Thủy, Việt Trì.
Tại các trụ sở của ông, trên vị trí cao nhất người ta bắt đầu thấy phất phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ. Trông từ xa, ta thấy lá cờ như mũi chiếc tàu hiên ngang rẽ sóng mà xông pha trùng dương sóng gió... Trên tạp chí Thế Giới Mới số ra ngày 21.10.1996, tác giả Võ Viết Doãn có cho biết thêm những chi tiết thú vị: “Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 1914- 1918, Bạch Thái Bưởi vẫn đóng được những con tàu của mình. Trong số đó phải kể đến tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu biển đầu tiên của Việt Nam được hạ thủy long trọng ngày 7.9.1919 tại Hải Phòng với sự chứng giám của đông đảo quan khách Tây, ta, trong sự cổ vũ nhiệt liệt của hàng ngàn đồng bào thành phố Cảng chào mừng ngành vận tải thủy Việt Nam đã vươn ra biển. Ngoài ra Bạch Thái công ty còn những phương tiện phụ gồm 20 xà lan, thuyền bằng gỗ và sắt với sức chứa 1.900 tấn, 13 cầu tàu cố định, 16 cầu tàu nổi”.
Không những thế, một người đốc công tâm huyết với Bạch Thái Bưởi là Nguyễn Văn Phúc đã có sáng kiến tân trang, nối dài thêm những chiếc thuyền cũ vừa mua được. Từ năm 1913, ông Phúc đã chỉ huy nối dài tàu Bái Tử Long, bằng cách cắt đôi tàu rồi nối vào khúc giữa một khúc dài 7,8m. Với thành công này, năm 1917, ông Phúc cho nối dài tàu Yên Bái thêm 7m; năm 1919 nối dài tàu Phố Lu thêm 7,2m. Riêng tàu Bình Chuẩn là tàu đầu tiên chạy từ Hải Phòng vào Sài Gòn, cập bến vào cảng ngày 17.9.1920. Sự kiện này làm náo nức tinh thần của giới kinh doanh Nam Kỳ, họ cho đúc bảng đồng tặng tàu Bình Chuẩn với dòng chữ chói lọi làm kỷ niệm: “Tặng tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu Việt Nam đầu tiên tại Cảng Sài Gòn”.
Để có thể hình dung ra không khí làm việc trong nhà máy của Bạch Thái Bưởi, ta hãy đọc lại bài ký sự của ông Quan Dục Nhân - người Hoa. Bài này được viết sau khi khi tàu Bình Chuẩn đã hạ thủy và đăng trên các báo ở Quảng Đông như Nhân quyền báo, Tổng thương hội báo, Đại công báo... Nhà báo Thượng Chi, tức Phạm Quỳnh, đã dịch lại và cho in trên Nam Phong tạp chí số 32 (1920):
“…Nguyễn quân đưa ta đi xem khắp trong xưởng, khi bấy giờ đúng 9 giờ rưỡi, nhân công đương làm lụng, thợ thuyền ước được 500 người, máy móc ước được ba bốn chục bộ,máy bào, máy tiện, lò nấu, không thiếu thức gì, trong xưởng xếp đặt thật là chỉnh đốn… Công nghiệp như thế kể cũng đã to tát lắm mà độc một tay người An Nam kinh lý nổi, và lại chỉ dùng người bản xứ đứng giám đốc được việc chế tạo, thời đủ biết cái trình độ của người An Nam ngày nay đã lên cao mấy bực rồi. Ta còn nghe nói công ty Bạch Thái mới mua thêm một chiếc tàu 3.000 tấn ở bên Mỹ nữa để về chạy sang Âu, Mỹ, Nhật và các nước khác, xem bấy nhiêu cũng đủ biết cái thương nghiệp của họ cũng đã có cái cảnh tượng tiến hóa hẳn rồi”.
Ngày ấy, để động viên tinh thần làm việc của mọi người, ngay trong nhà xưởng, ta thấy có ghi một câu nói trứ danh của Bạch Thái Bưởi: “Trước kia ta cạnh tranh với các Hoa thương trên mặt sông, từ nay trở đi ta lại cạnh tranh với các tàu bè trên mặt biển”. Ông Quan Dục Nhân nhận xét: “Ôi! Lời ấy chẳng hóa ra là lời khoa trương lắm ru. Nhưng mà cái chí tiến thủ của người An Nam cũng đáng khen vậy”.
Công việc đang tiến hành một cách khẩn trương thì ngày 22.7.1932 Bạch Thái Bưởi lên cơn một cơn đau tim dữ dội. Linh tính báo trước có một điều không hay đang dần dần đến. Dù đang nghẹt thở nhưng ông còn kịp mở mắt nhìn qua các bảng hiệu của tàu của “đối thù” người Hoa, người Pháp đang treo trong phòng. Ông mỉm cười. Một nụ cười mãn nguyện. Ông dặn dò các con và những người tâm phúc từng gắn bó:
- Ta còn phải phấn đấu để cho ngọn cờ của công ty người Việt Nam ta phất phới trên năm châu bốn biển, để cả thế giới biết đến tài trí của con người Việt Nam.
Trăn trối xong điều tâm huyết nhất, Bạch Thái Bưởi nhắm mắt. Con người tiên phong trên con đường “chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp”, tiêu biểu cho của giới doanh nghiệp tư sản dân tộc nước Nam trong những năm đầu thế kỷ XX đã về cõi thiên thu, thọ 58 xuân.
Thương tiếc Bạch Thái Bưởi, nhiều trí thức, doanh nhân bấy giờ đã bày tỏ niềm cảm phục sâu sắc. Ông Hội trưởng Hội khai Trí Tiến Đức đã đọc điếu văn: “Cái sự nghiệp kinh doanh của ông, cái nhân cách gan góc mạnh bạo của ông, cái đức tính kiên nhẫn cần cù của ông thực đáng làm gương cho quốc dân noi theo”.
L.M.Q
(Nguồn: Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN số 20.8.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|