THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: PHONG TỤC TẾT VIỆT XƯA & NAY

LÊ MINH QUỐC: PHONG TỤC TẾT VIỆT XƯA & NAY

 

PHONG-TIC-TET-VIET-XUA-VA-NAY

 


Trong tâm thức của người Việt, Tết rất quan trọng vì nó khởi đầu cho sự vận hành của một năm. Tết Nguyên đán bắt đầu vào lúc giao thừa với lễ Trừ tịch, nhưng từ ngày 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời đã là Tết. Người ta tin rằng, dịp này ông thần bếp sẽ “báo cáo” với Ngọc hoàng mọi chuyện tốt xấu trong năm qua Sớ Táo quân. Việc thờ Thần bếp không mất đi vì ngoài tín ngưỡng nó còn có ý nghĩa nhắc nhở các thành viên trong một nhà ăn ở cho phải đạo.

Không những thế, nhiều tập tục ngày xưa vẫn còn duy trì đến nay.

Về lễ Trừ tịch hay lễ Giao thừa, theo nhà văn hóa Phan Kế Bính: “Tục ta tin rằng mỗi năm có một quan Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới”. Vì thế, dù giàu dù nghèo nhà nào cũng phải có lễ Giao thừa nhằm tạ ơn thần đất, thành hoàng, người khuất mày khuất mặt phù hộ trong năm qua. Ngày trước, sau lễ, nhiều người làm nghề gánh nước tự ý gánh cho  nhà láng giềng vài đôi, ngụ ý “của vào như nước”, gia chủ vui vẻ trả tiền công nhiều gấp mười ngày thường. Nay, ai cũng xài nước máy nên tập tục này mất đi.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Nay đã khác. Còn lại chăng là dưa hành, bánh chưng xanh. Thịt mỡ không còn là sự khoái khẩu nữa, không tin cứ hỏi… phụ nữ đang ăn kiêng giữ eo thì rõ ngay! Bây giờ không thấy ai trồng cây nêu, không còn thấy hình ảnh “xúc xắc xúc xẻ” nữa. Đó là dăm ba đứa trẻ nghèo cầm ống tre, trong đó đựng mấy đồng tiền vừa đi vừa lắc để tạo nên âm thanh “xúc xắc” rộn rã. Chúng đến trước mỗi nhà, hát lời chúc tốt lành và được gia chủ cho tiền lấy hên. Sau lễ cúng Giao thừa, người ta thường rủ nhau đi chùa hái lộc đầu năm. Nay không chỉ có thế, còn là dịp xem bắn pháo hoa.

Trên bàn thờ gia tiên bày biện một mâm cỗ rước ông bà. Nhìn khói trầm thơm lãng đãng trong nhà, người ta tin rằng đó là những “gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ này với thế hệ trước. Do có sự “hiện diện” thiêng liêng ấy nên con cháu phải cư xử trên thuận dưới hòa, nếu có hiềm khích cũng phải bỏ qua, hàn gắn lại sự thuận thảo. Tập tục tốt đẹp này đã tồn tại hàng ngàn năm nay và sẽ không bao giờ mất đi.
Ta thấy tục xông đất đầu năm xưa nay luôn là mối quan tâm của nhiều người. Ai cũng muốn người “nhẹ vía”, làm ăn phát tài phát đạt, mua may bán đắt, khôn ngoan lanh lợi đến “đạp đất”, “xông đất” nhà mình. Trường hợp không nhờ cậy được ai, gia chủ tự xông đất nhà mình cũng không sao.

Sáng mồng Một Tết, cả nhà mặc quần áo mới, sạch sẽ, chúc mừng và trao cho nhau những phong bao lì xì. Người lớn mừng tuổi trẻ em; con cháu mừng ông bà thay lời chúc thọ trăm năm an khang, khỏe mạnh, vui vầy; ông bà lại chúc các cháu học hành giỏi giang hoặc làm ăn tấn phát hơn v.v… Bạn bè đi thăm hỏi nhau, ai cũng có sẵn vài ba phong bao lì xì.  Nay cũng vậy.

Về Tết xưa, trên tờ Gia Định báo - tờ báo đầu tiên của Việt Nam, số đầu tiên phát hành vào ngày 15.4.1865. Trên số báo ra ngày 21.2.1870 có cho biết, thuở ấy người Sài Gòn đã có trò chơi đánh đu: “Tết An Nam năm nay, tại Thủ Đức, có bày cuộc chơi rất vui và người ta đua nhau tới chơi đông vui lắm, là có trồng một cây đu bầu, một cây đu tiên: gọi đu tiên vì kẻ đánh phải phải ăn bận tử tế, đánh cho có cung cách thì coi mới được. Vậy có hát bội mặc áo mãng (loại thêu rồng của hát bội) lên ngồi, và xích và hát cùng bắt bài hát Phiên (một điệu của hát bộ) nghe rập ràng êm tai lắm, tối lại thì có nam thanh nữ tú, ăn mặc trọng thể cũng lên cây đu tiên mà đánh, mỗi người cách nhau có thấy hai cái lồng đèn. Người Ngô (người Hoa) cũng cầu vui, đem pháo đến đó mà đốt không biết bao nhiêu”.

Qua bài báo đã cách đây hơn một trăm năm, ta thấy văn hóa sông Hồng đã theo chân lưu dân miền Nam. Về mặt phong tục học, chi tiết này rất quan trọng, nó đã chứng minh văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất từ Nam chí Bắc.

Dễ dàng nhận ra nét phong tục xưa, nay vẫn còn duy trì là mâm ngũ quả “cầu sung dừa đủ xài”. Giữa chợ hoa, không thể thiếu một loại trái cây đặc trưng trên bàn thờ nhà nào cũng có, đó là dưa hấu. Thiếu gì thì thiếu, chứ không thể thiếu dưa hấu. Qua ngày Tết xẻ dưa ra vẫn còn đỏ tươi, họ tin năm đó làm ăn hanh thông, phát đạt.

Sở dĩ ca khúc Ngày Tết quê tôi của nhạc sĩ Từ Huy được nhiều người yêu thích cũng do tác giả nhấn mạnh đến yếu tố sum họp anh em, bạn bè, bà con ruột thịt: “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi / Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi/ Đàn em thơ khoe áo mới / Chạy tung tăng vui pháo hoa/ Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi / Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam / Dù đi đâu ai cũng nhớ / Về chung vui bên gia đình...”.

Tết xưa là dịp gia đình xum vầy ăn những món quê thuộc “truyền thống” như thịt heo kho măng lưỡi lợn, chả giò nướng, cá hom củ riềng, bánh chưng v.v... thì nay, người ta lại thích kéo nhau ra quán. Tha hồ lựa chọn món ăn, không phải mất nhiều thời gian nấu nướng. Hàng quán vẫn mở “líp ba ga”, vẫn giao thương, buôn bán mà không chịu nghỉ ngơi dù là… Tết!

Trước kia, thông thường những ngày Tết nhất, thay vì phải ở nhà đón khách, tiếp đãi trà nước, bia bia bọt thì nay lại có nhiều gia đình dẫn nhau du lịch. Suốt một năm làm lụng đã nhọc nhằn, vì thế, du lịch thư giản vẫn là sở thích của nhiều người. Đây cũng là một cách lựa chọn khôn ngoan nhằm tái tạo lại năng lượng, nâng cao chất lượng sống.

L.M.Q

(nguồn: tạp chí TST tourist XUÂN 2017)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com