THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: HỘI CHỢ TẠI VIỆT NAM ĐƯỢC TỔ CHỨC KHI NÀO?

LÊ MINH QUỐC: HỘI CHỢ TẠI VIỆT NAM ĐƯỢC TỔ CHỨC KHI NÀO?

 

HOI-CHO-TAI-vn-TO-CHUC-KHI-NAO

Thi sĩ có phải là người “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”? Chắc là không. Trong bài thơ Đấu xảo ký văn (ghi những điều nghe thấy trong cuộc đấu xảo” viết bằng chữ Hán, cụ Nguyễn Khuyến đã đề cập đến một vấn đề thời sự thuở ấy và nay lại là tài liệu cho đám hậu sinh “tham khảo” về một hội chợ tổ chức năm 1902 tại Hà Nội:

Thi khéo bày ra kể có vàn,

Khéo mà lại mới, khéo vô ngần.

Kiền khôn, ai khéo khoan thành lỗ?

Vũ trụ, qua đây mới thấy xuân.

Y phục nước ngoài coi rất lạ,

Chim muông rừng thẳm quý nào hơn.

Xứ tôi xoàng xĩnh không gì khéo,

Tượng gỗ cân đai gọi góp phần!

(Nguyễn Văn Tú dịch)

Bút lực của cụ Nguyễn Khuyến thật ghê gớm, chỉ hai câu kết mới đọc qua ta tưởng chừng tiếng thở dài trước thời cuộc. Nhưng không, thi sĩ đã đả kích vua quan triều Nguyễn một cách kín đáo, chỉ là loại “tượng gỗ cân đai” mà thôi! Nghe ra chua chát biết chừng nào.

Có thể nói triển lãm, hội chợ (thuở trước thường gọi đấu xảo) là một những phương thức cần thiết để quang bá, giới thiệu sản phẩm của đến người tiêu dùng một cách có hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, cuộc đấu xảo lần đầu tiên diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 25.2.1866 đến ngày 3.3.1866.

Vị trí được chọn tổ chức ở đâu? Đó là “một dãy nhà cây ngói làm kho khí cụ của sở thủy quân, được trang hoàng thanh nhã để tạm dùng làm trường đấu xảo. Chỗ này thuộc về Thảo cầm viên hiện nay và phía sau Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP.HCM (Sài Gòn xưa và nay, NXB Trẻ, Tạp chí Xưa & Nay in năm 1007, tr.240). Ngoài Thiếu tướng Hải quân De La Grandière còn có Hoàng thân Cao Miên, quan kinh lược Phan Thanh Giản và các quan của ba tỉnh miền Tây đến tham dự. Có khoảng 700 mặt hàng gồm sản phẩm và máy móc nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, thú vật... được triển lãm và bày bán.

Mãi đến năm 1887 tại Hà Nội, lần đầu tiên người Pháp mới tổ chức Cuộc Triển lãm Kỹ nghệ Hà Nội. Đây cũng là năm ghi dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước nhà: ngày 17.10.1887, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) gồm Việt Nam và Cao Miên, trong đó Việt Nam bị chia làm ba “xứ”: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Thâm độc hơn trong chính sách “chia để trị”, thực dân Pháp xem Nam kỳ là “xứ thuộc địa” do quan Thống đốc cai trị; Bắc kỳ là “xứ Bảo hộ” do quan Thống sứ cai trị; Trung kỳ trên nguyên tắc là “lãnh thổ tự chủ” của triều đình nước Nam, nhưng thực chất nó cũng chỉ là “xứ Bảo hộ” do quan Tổng Trú sứ (về sau gọi là quan Khâm sứ) cai trị, nói như thế vì vua nước ta sờ sờ ra đó nhưng chỉ là hư vị. (Đến năm 1899, Lào cũng bị sát nhập vào Liên bang Đông Dương và là xứ thứ 5 trong cái gọi là “liên bang” này). Những chức quan Thống sứ, Khâm sứ, Thống Đốc đều dưới quyền của quan Toàn quyền Đông Dương.

Sau triển lãm năm 1887, đáng chú ý nhất là Cuộc Triển lãm Hà Nội tổ chức năm 1902. Về cuộc triển lãm này, khi nhìn bưu ảnh số 1.402 thấy có chụp quan cảnh và cho biết ngày 16 Novembre 1902 Toàn quyền Đông Dương Beau có đến, chúng tôi có tra cứu nhiều tài liệu để tìm hiểu tường tận hơn nhưng không thỏa mãn. Ngay cả trong quyển sách biên soạn công phu, hữu ích là Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858- 1918), nhà sử học Dương Kinh Quốc cũng không nhắc đến. May mắn, trong bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX (NXB Hà Nội - 1995) dày trên 3.000 trang nhà “Hà Nội học” Nguyễn Văn Uẩn có dành dăm trang đề cập đến sự kiện này.

Theo tài liệu này, ta được biết vị trí chọn làm triển lãm là khu đất ngay trước mặt ga Hàng Cỏ, toàn bộ diện tích xây dựng là 3.000 mét 2; tổng kinh phí lên đến gần 2 triệu rưỡi đồng bạc Đông Dương; ngoài nước Pháp, các thuộc địa Pháp, còn sự tham dự của nước Nhật, Trung Quốc, Philippin, Mã lai, Miến Điện; nội dung hoạt động chủ yếu phản ánh hoạt động kinh tế- văn hóa nhằm khẳng định sự phát triển cả công thương nghiệp, sự ổn định trong giáo dục... Các gian hàng Việt Nam nổi bật với hàng thủ công mỹ nghệ tinh khéo v.v...

Theo cụ Uẩn, triển lãm này chính thức khai mạc từ ngày 3.11.1902 đến ngày 30.6.1903: “Hội chợ năm 1902 mở ra có thể nói là hoàn toàn êm đẹp từ ngày khai mạc đến ngày đóng cửa, nếu không có vụ dịch hạch khủng khiếp năm 1903 ở Hà Nội do chuột nằm trong các hòm từ Ấn Độ đưa sang, gây truyền nhiễm làm nhiều người chết. Hội chợ phải đóng cửa vào ngày 30.6.1903” (tr. 681). Theo tài liệu này, có chỗ ta phân vân, chẳng lẽ cuộc triển lãm này lại kéo dài thời gian như thế chăng? Vâng, kiểm chứng từ áp-phích triển lãm, ta biết thời điểm kết thúc đã ấn định trước là ngày 31.1.1903, chứ không phải vì sự cố trên mà đóng cửa vào ngày 30.6.1903.

Chọn năm 1902 để tổ chức, có lẽ thực dân Pháp cho rằng đây là thời điểm chín muồi để biểu dương “sức mạnh” của chúng?

Lướt qua một vài sự kiện, ta thấy trong năm này người Pháp đã xây dựng xong ga Hàng Cỏ - gọi như vậy vài đây là địa điểm ngày xưa nông dân đem cỏ ra bán cho các quan và lính triều đình nuôi ngựa; trụ sở Công ty Xe lửa Đông Dương và Vân Nam cũng xây dựng xong, trong Nam chúng cũng bắt xong cầu sắt Bình Lợi, nối liền Sài Gòn với Biên Hòa. Điều này có nghĩa là mạng lưới đường sắt đã tương đối hoàn chỉnh. Mà một khi ổn định tuyến đường sắt thì dân cư, chợ búa ở những khu vực này cũng bắt đầu hình thành; và quan trọng nhất với công cụ vận chuyển đó chúng có thể chuyên chở số lượng lớn vũ khí, lực lượng binh lính kịp thời đàn áp những nơi nơi nổ ra những cuộc bạo động. Rồi cầu Doumer (tức cầu Long Biên) cũng đã ngạo nghễ vắt qua sông Hồng - ngày khánh thành vua Thành Thái có ra dự  và điều không ái ngờ đến là nhân cơ hội này chí sĩ Phan Bội Châu đã bí mật tìm đường lên Yên Thế liên hệ với anh hùng Đề Thám...

Sau thắng lợi của triển lãm năm 1902, Thống sứ Bắc kỳ đã ra Thông tư khuyến khích các tỉnh phía Bắc tiếp tục tổ chức với mục đích: “Các cuộc hội chợ này không có tính chất như một cuộc thi tài giữa các vùng mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kích thích những luồng giao lưu buôn bán mới, chúng sẽ thúc đẩy người Việt mở rộng phạm vi quan hệ của họ và tăng cường trao đổi hàng hóa”. Trên tinh thần của Thông tư này, Ủy ban hội chợ được thành lập. Lần đầu tiên một hội chợ đúng ý nghĩa của nó được tổ chức từ ngày 15 đến 31.12.1918. Vị trí được chọn là khu vực Cung Văn hóa Hữu Nghị đường Trần Hưng Đạo ngày nay.

Ngày  nay tại Hà Nội, các cuộc triển lãm - hội chợ thường được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ; tại Thành phố Hồ Chí Minh, thường tổ chức tại Dinh Thống Nhất, Cung Lao Động, Công viên Tao Đàn...

Còn tại Trung kỳ lần đầu tiên tổ chức cuộc đấu xảo vào năm nào? Do không có tài liệu nên tôi không dám cả quyết.

Nhân đây xin được nhắc đến một hội chợ do các nhà báo Nam kỳ đứng ra tổ chức. Ý nghĩa để nhắc lại vì mục đích hội chợ là lấy tiền làm việc thiện. Trên báo Phụ nữ Tân văn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận có phản ánh hoạt động của “Hội chợ phụ nữ” từ ngày 4 đến ngày 7.5.1932 tại đường Lareynière (nay đường Trương Định) của bổn báo. Mục đích hội chợ này nhằm tạo quỹ giúp cho Hội Dục Anh nuôi trẻ em mồ côi.

Đặc biệt, ngoài những gian hàng được tổ chức chu đáo, nhằm thu hút mọi người, báo Phụ nữ Tân văn còn tung một “chiêu” khá hấp dẫn: “Trong Hội chợ phụ nữ tới đây, sẽ có thêm một trò vui mà cũng lạ nữa, là có nữ tướng ra đời. Cô Phan Thị Chẩn, 36 tuổi ở Giồng Luông, Bến Tre, bửa ấy sẽ có mặt tại hội chợ, mà không phải cô đấu xảo nữ công, cô đòi tỷ võ! Thật đấy, cô sẽ đăng tên vào sổ của Hội chợ rồi. Hôm ấy bất kỳ đàn ông đàn bà, ai muốn thi võ nghệ với cô, cô bằng lòng tỷ thí hết. Ai đi coi Hội chợ nên dò chương trình mà coi cho được cuộc tỷ thí này, kẻo bỏ qua uổng lắm” (số 129, ra ngày 28.4.1932). A! Một phụ nữ dám thi võ nghệ với đám mày râu thì cũng “oách” lắm chứ! Tiếc rằng bấy giờ không có ai dám thách đấu với cô. Nhắc lại chi tiết này để thấy rằng, khi tổ chức những nhà báo tại Sài Gòn đã linh hoạt, đưa ra nhiều sáng kiến để thu hút mọi người.

Trong thời gian miền Nam bị tạm chiếm ấn tượng nhất vẫn là Hội chợ kỹ nông công thương được tổ chức quy mô tại khu vực trường Đại học Dược khoa và Nông Lâm súc Sài Gòn (nay nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng), từ ngày 3.10.1970 đến 18.10.1970. Có tất cả 105 gian hàng bố trí thành bốn khu vực: kỹ nghệ; thương mại; tiểu công nghệ; nông lâm ngư súc trong diện tích 30.000 mét 2. Tổng chi phí xây dựng hội chợ trên 70 triệu đồng, chưa kể vật liệu xây dựng và nhân công do các xí nghiệp ủng hộ.

Ngoài biểu ngữ, băng ron treo khắp mọi ngả đường phố ta thấy còn có cả ca khúc Việt Nam cường thịnh (không rõ tác giả) cũng được phát liên tục trong những ngày diễn ra hội chợ: “Khuếch trương chất lượng cao, kỹ nông công thương tiến mau. Hội chợ công thương tháng mười, đề cao năng suất đương thời. Thịnh cường đem tăng tiến, người Việt Nam thêm sáng tươi đời đời. Mọi ngành đua tăng tín nhiệm nhiều, làm cho năng xuất gia tăng đều cường thịnh cho quê thắm, cho đồng lúa ngát hương chiều... Thịnh cường tăng lên mãi từng ngày, làm cho non nước xinh tươi này người người thêm sung túc, từ nay Việt Nam thêm yên vui mai đây”. Nhìn lại những biến động chính trị ở miền Nam trong giai đoạn này, ta có thể thấy hội chợ này không chỉ “hưởng ứng Năm năng suất châu Á do Tổ chức Năng suất châu Á đề xướng” mà còn nhằm đạt đến những mục đích khác sâu xa hơn, nhất là về chính trị.

Sau này, trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, trong những cuộc triển lãm - hội chợ, ta thấy thường có những chương trình văn nghệ với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng. Hoặc các công ty tham gia không những mời người tiêu dùng được xài “líp ba ga” sản phẩm của họ, mà còn “chiêu dụ” bằng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn khác! Nhưng có lẽ thành công, uy tín và tạo tiếng vang lớn nhất vẫn là triển lãm - hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao do báo Sài Gòn tiếp thị thuộc UBND TP.HCM tổ chức.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay - số 1008 ngày 16.8.2018)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com