TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Viết như đã sống

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Viết như đã sống

 

Ồn ào, vui vẻ, lạc quan, bận rộn với công việc báo chí, những tưởng anh ít có thời gian tĩnh lặng để góp nhặt những điều về phụ nữ để in thành sách, vậy mà Lê Minh Quốc lại là một trong số những nhà thơ ra sách đều đặn nhất. Sách của anh đọc vui, lạ, thỉnh thoảng giật mình vì những trải nghiệm thú vị trong đời sông và đời viết của anh.

THIÊN KIM

(Thực hiện)

Quoc-Kim-R

 

Thưa nhà thơ Lê Minh Quốc, ý tưởng ban đầu của anh khi cho ra tập sách “Tôi và đàn bà” là gì?

- Sau tập sách “Gái đẹp trong tôi”, những cảm hứng suy nghĩ “đau đớn thay phận đàn bà” vẫn đầy ắp trong suy tư của tôi. Đó là những điều mà nhà thơ Ý Nhi từng chia sẻ rằng: “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn”. Vì thế, tôi tiếp tục với đề tài này và hiện vẫn đang còn viết. Viết như một sự khám phá chính mình về sự hiểu biết của mình về thế giới phụ nữ.

“Tôi và đàn bà” là một tập sách gây ấn tượng, nó như một cuốn tự bạch của bản thân anh về những người đàn bà đã đi qua trong cuộc đời với những quan niệm về tình yêu, về cách hành xử với những người phụ nữ trong cuộc đời mình. Anh có lo sợ những người phụ nữ trong đời anh sẽ… nổi giận?

- Tại sao lại nổi giận khi mà chính tác giả đã viết rằng: “Không biết ơn sao được, dù nàng có “thế này thế kia”, có nhiều lúc đem lại cho ta quá nhiều sự phiền toái, phiền muộn, rắc rối, gò bó, bực bội... Lúc ấy, ta những muốn chết quách đi cho rãnh cái nợ đời nhưng bình tĩnh lại đi, cứ nghĩ lại mà xem ai là người đã cho ta một mái ấm, một hậu phương vững chãi, một nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn? Và nhất là khi ta ngã ngựa đường dài, ai là người đầu tiên và cuối cùng kéo ta vào lòng, tin cậy, vỗ về như mẹ và  xoa đầu như bảo đứa con trai: “Đứng dậy đi anh”?. Nỗi giận sao được khi tôi đặt nhiều vấn đề phải thay đổi quan niệm về nữ tính, đức hy sinh… ở người phụ nữ: “Nhưng phải thay đổi từ đâu? Từ chính người đàn bà. Vâng, họ phải tự ý thức sự tự do cá nhân khi song hành cùng người đàn ông trên trái đất này. Đừng bao giờ mong đợi sự thay đổi ấy từ các đấng “râu hùm, hàm én, mày ngài”. Phải chính người phụ nữ, tự họ “giải phóng” thân phận mình. Đừng quên, sự tự do không đi cùng yếu đuối”.

Thậm chí, tôi khẳng định:  “Cho dù sau này, ngàn năm sau nữa quan niệm về cái Đẹp ở người đàn bà có thay đổi, tất nhiên thay đổi, nhưng tôi rằng, có một giá trị vĩnh cửu làm nên cái đẹp của họ vẫn không bao giờ thay đổi cho dù họ sinh ra ở vùng miền nào trên trái đất này khiến bọn đàn ông cũng luôn tìm thấy một sự bí ẩn và hấp dẫn lạ thường bởi họ đã sở hữu một giá trị mà ngay cả kim cương cũng không thể sánh nổi. Đó là sự thủy chung, bền lòng của người phụ nữ”.

Tôi nhận thấy rằng, đàn ông thì rõ là mê gái, nhất là các văn nghệ sĩ thì điều này càng… rõ ràng hơn hết, nhưng không phải ai cũng thú nhận bằng văn bản (mà là in sách hẳn hoi) như anh về sự mê đắm của mình. Anh cho rằng, điều này khiến anh trong mắt mọi người là… dại hay khôn?

-Tôi không quan tâm đến dư luận về chuyện “dại hay khôn”. Bởi tôi tự ý thức rằng, sách tôi viết ra có ích cho bạn đọc. Thế là đủ.

Cuốn sách được lồng vào đó những câu thơ, đoạn thơ (của anh). Hình như sau mỗi cuộc tình thì cái anh được nhất là rất nhiều bài thơ và tập thơ đã… ra đời?

- Cái này còn tùy vào cảm hứng của tôi sau những cuộc tình đó. Mà thường là những sáng tác như bạn đã biết. Các nhà thơ khác, tôi nghĩ cũng vậy thôi.

Anh tâm đắc điều gì nhất trong tập sách này?

- Tập sách này, “Tôi và đàn bà” lại tiếp tục như một tiếp nối của “Gái đẹp trong tôi”. Nếu tập trước lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, tục ngữ ca dao, sắc màu hội họa và những chuyện xa như tình gần thì nay, lại là tâm trạng và sự chiêm nghiệm khi chung sống, chung chạ, chung thân với họ. Khó có thể nói hết những gì đã nhớ, những gì đã quên về một (hoặc nhiều) người đàn bà do đấng Twashtri tạo ra, lúc ấy, lũ đàn ông chúng ta ôm mặt khóc hu hu não nùng, bẽ bàng, thống thiết: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Câu trả lời của đấng Twashtri chỉ là: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”.

Bạn gái hiện tại của anh đã đọc cuốn sách này chưa? Chị ấy yêu anh hơn hay… đã bỏ anh?

- Hằng tuần, tôi tiếp tục có bài viết về đề tài “tôi và đàn bà” in đều đặn trên tạp chí Thế giới Phụ nữ, Duyên dáng Việt Nam, Phụ nự TP.HCM… Đó  là câu trả lời vậy.

Nói gì thì nói, yêu nhiều, đau khổ nhiều nhưng cho đến nay ở vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, anh vẫn bị coi là một nhà thơ… cô đơn, anh có vẻ là người… cao số?

- Tôi không quan tâm đến điều này. Hạnh phúc của đời người, hãy nhìn nó từ chất lượng sống của mỗi người.

quoc-kim-Toi-va-dna-baR

 

Hẳn trong bao nhiêu năm đã sống anh có mối tình với một người phụ nữ Hà Nội, anh có thể chia sẻ về cuộc tình và người đàn bà đó?

Ở đây tai vách mạch rừng

Những chuyện bí mật xin đừng nói ra

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc bận rộn với trăm công ngàn việc báo chí, vậy mà anh vẫn có sách (gồm nhiều thể loại) ra đời, anh lấy đâu ra nhiều thời gian để viết lách đến vậy?

-Tôi nghĩ ai cũng làm được. Nếu họ có một thời khóa biểu cho “giờ nào việc nấy” và luôn biết quý thời gian.

Sắp tới anh có ra cuốn gì mới?

- Đó là quyển Nếu tôi… đẻ được. Vẫn xoay quanh về đề tài phụ nữ, hôn nhân, tình yêu như hai tập sách Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà đã xuất bản.

* Xin cám ơn anh!


(nguồn:  Tạp chí Truyền hình Hà Nội số 105 tháng 7.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com