NGƯỜI QUẢNG NAM

Mục lục
NGƯỜI QUẢNG NAM
1. Đọc Người Quảng Nam
2. Cãi nhau với Lê Minh Quốc
3. Người xứ Quảng trong Lê Minh Quốc
4. Người Quảng Nam
Nhà biên khảo
Tất cả các trang

 

*Lê Minh Quốc giới thiệu tập sách Người Quảng Nam

Thứ Sáu, 11/05/2007 22:51

NQN-1


Nhân tập sách Người Quảng Nam vừa được NXB Đà Nẵng xuất bản, nhà thơ Lê Minh Quốc sẽ thuyết trình về lịch sử, con người của vùng đất này vào lúc 9 giờ chủ nhật ngày 13-5-2007 tại Hội quán Văn nghệ cà phê Miss Sài Gòn (90 Phạm Ngọc Thạch, Q.3 - TPHCM).

Đây là hoạt động giao lưu văn hóa do NXB Đà Nẵng, Công ty Văn hóa Hương Trang và Báo Du lịch của Tổng cục Du lịch VN phối hợp tổ chức. Đến tham dự, bạn đọc yêu văn chương được uống cà phê miễn phí, mua tập sách Người Quảng Nam được giảm 30% giá bán và có chữ ký của tác giả. Ngoài ra, bạn đọc còn có dịp gặp gỡ, trao đổi với những văn nghệ sĩ tên tuổi “rượu hồng đào chưa uống đã say” như Tường Linh, Nguyễn Nhật Ánh, Vũ Đức Sao Biển, Vu Gia, Cung Văn, Đông Ki Rét, Trần Phá Nhạc...

LMQ-25

Từ phải qua trái: Nhà thơ Đông Ki Rét, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, doanh nhân Miss Sài Gòn

Th.Ngọc

http://nld.com.vn/188938p0c1020/le-minh-quoc-gioi-thieu-tap-sach-nguoi-quang-nam.htm


 

Đọc Người Quảng Nam

Thứ ba, 15/05/2007

Có chuyện sử, địa, chuyện về những nhân vật nổi tiếng trong âm nhạc, văn chương, chính trị, và cả chuyện về cọng rau muống, con cá chuồn. Đây là một cuốn sách đầy ắp tư liệu về đất và người Quảng Nam.

nguoiquangnam_R

Bìa quyển sách mới nhất của nhà thơ Lê Minh Quốc

Vừa qua, tại quán cà phê Miss Sài Gòn, nhà thơ Lê Minh Quốc ra mắt cuốn ký sự - tản văn của mình: Người Quảng Nam. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc: Nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (đều là người Quảng)... rất nhiều độc giả là con em đất Quảng xa quê đến dự buổi giao lưu. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua cuốn sách tại chỗ, chịu khó ngồi chen vai thích cánh để nghe ông nhà thơ "quảng cáo" sách của mình. Quán cà phê nhỏ chỉ chực "nổ tung" khi lượng khách tham dự tăng lên quá tải.

Cuốn sách gần 400 trang này "ôm" rất nhiều vấn đề về đất và người Quảng Nam, một vùng đất địa linh nhân kiệt. Tác giả cho thấy mình là người chịu khó tra cứu, sưu tầm tư liệu. Thêm vào đó, anh đan cài những nhận xét, cảm nhận của một người con xa quê làm trang sách thêm độ xác thực, mà không "ngấy" với cảm giác câu nệ vào tư liệu.

GS Trần Quốc Vượng từng đưa ra kết luận: Quảng Nam nơi sớm nhất của sự hình thành chữ Quốc ngữ. Và đây cũng là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách từ những chí sĩ như: Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân ... đến Bùi Giáng tiên sinh - thi sĩ tinh quái của nền thi ca hiện đại, của dấu ấn Bút máu một thời từ nhà văn Vũ Hạnh, của Nguyên Ngọc với Đất nước đứng lên. Và, theo dòng thời gian, hàng dài những cái tên được bồi vào danh sách "nhân kiệt", như: Bà Tùng Long, nhà văn nữ có biệt tài viết truyện nhiều kỳ và đề ra mục Gỡ rối tơ lòng trên báo chí miền Nam; Nguyễn Nhật Ánh "đa tài" trong nghề chữ nghĩa từ làm thơ viết báo đến sáng tác truyện cho thiếu nhi.

Có một phần khá thú vị của Người Quảng Nam là Quảng Nam hay cãi, một thành ngữ quen thuộc đến độ không cần bàn cãi gì nhiều về độ xác thực của nó.

Không nói chung chung, trong cuốn sách, Lê Minh Quốc nêu ra những ví dụ cụ thể, sinh động, cho thấy rõ cái hay lẫn cái dở của lối nói bộc trực, "xóc hông", hay lý sự của người Quảng Nam.

Tác giả còn đưa ra kết luận thú vị: Tính cách của người Quảng xét ra lại phù hợp với nghề làm báo. Năm 1927, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập báo Tiếng Dân, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Trung Kỳ. Nhà thơ Phan Khôi, người khởi xướng phong trào Thơ Mới cũng là một nhà báo tiêu biểu. Và hiện tại, phần lớn các nhà báo nổi tiếng của Sài Gòn là dân Quảng chính gốc.

Bàn chuyện ẩm thực là một phần hấp dẫn của Người Quảng Nam. Nhưng tiếc là tác giả dành cho chuyện ăn uống số trang khá ít, chừng 1/5 cuốn sách, nên đọc xong vẫn còn thấy thòm thèm vì "chưa đã".

"Ốc bươu nấu với măng chèo
Rau trai, rau dịu lại đèo rau lang"

"Ai về đất Quảng làm dâu
Ăn cơm ghế mít hát câu ân tình"

"Giàu như người ta cơm lua cá gắp
Khó như vợ chồng mình bột bắp với rau lang"

Món ăn đi vào đời sống, vào câu ca dao dân ca, vào tâm linh - tâm hồn người Quảng. Con cá nục cuốn bánh tráng, rau muống chấm nước mấm "gin" (nguyên chất). Cái bánh bèo con con. Món mì Quảng sợi mì vàng óng ánh. Con bò thui bên trong nhét lá ổi, lá sả thơm phức. Chiếc bánh tráng tiện dụng ngay cả khi nhúng nước chấm nước mắm để ăn, hay dùng trong bàn tiệc sang trọng.

Những món ăn từ dân dã đến cầu kỳ mà từ cách ăn đến cách chế biến cũng như tính cách người Quảng: cần kiệm, dè sẻn mà lại phóng khoáng, vui tươi. Mộc mạc mà đậm chất.

Không chỉ có vậy, người xứ Quảng còn vốn nổi tiếng với tiếng cười, từ tiếng cười trào phúng, thâm thúy đến lối chửi xéo, nói xiên. Và người Quảng Nam là thế, không thiếu mâu thuẫn trong cá tính nhưng cũng hết sức "đặc sệt, thuần nhất" đến độ không thể lẫn vào đâu được.

Nhà văn Sơn Nam nhận xét về quyển Người Quảng Nam:

Tập sách của Lê Minh Quốc quả là nhọc công, có gợi mở nhiều vấn đề thú vị, tản mạn trong nhiều chương sách. Đã chứng minh được những đóng góp của người Quảng nói chung trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt. Dễ đọc, dễ theo dõi. Có lúc văn phong bay bướm, dễ cảm thông nhưng lại có khi nghiêm nghị quá.

Trước đây tôi ước ao có đủ tài liệu, thời gian để làm cuốn sách, đại khái tên gọi: "Vai trò người Quảng Nam đối với nền kinh tế ở Nam kỳ". Vai trò này rất lớn, không thể không khẳng định qua những lý giải khoa học, có chứng cứ. Đây cũng là một gợi ý, hy vọng sẽ có người Quảng Nam tâm huyết theo đuổi đề tài này.

Thất Sơn

http://evan.vnexpress.net/news/diem-sach/2007/05/3b9ad841/



Cãi nhau với Lê Minh Quốc

LMQ-RR2


 

Không phải là nhà dân tộc học, cũng chẳng phải nhà Quảng học, nhưng với một tình yêu đất quê sâu nặng, nhà thơ Lê Minh Quốc đã viết cuốn Người Quảng Nam khá độc đáo, kết hợp giữa biên khảo, bút ký điền dã, tản văn và cả ngẫu hứng thi ca... Để bàn thêm những điểm thú vị của tập sách này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Lê Minh Quốc.


cai-voi-lmq


*Thưa anh, xin được mở đầu cuộc trò chuyện này bằng hai câu thơ: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà sa”y. Theo anh thì rượu Hồng Đào hoàn toàn không có thật và anh đã lý giải theo kiểu của anh trong tập sách người Quảng Nam. Chuyện này, chắc chắn người Quảng Nam còn… cãi nhiều. Ở đây, tôi thử đặt ra vấn đề câu thành ngữ: “Quảng Nam hay cãi”; và đặt nó trong toàn bộ bài vè:Quảng Nam hay cãi/Quảng Ngãi hay lo/Bình Định nằm co/Thừa Thiên ních hết. Theo tôi thì mấy câu này cũng có thể là đặt cho có vần. Vì ở địa phương cũng có người “hay cãi”, người “hay lo”, người “nằm co” và người “ních hết”. Anh có… cãi chuyện này không?

-Tất nhiên là... cãi. Ở địa phương nào cũng có những con người với những tính cách như anh đã đã nêu. Nhưng để tính cách ấy trở thành sự đặc trưng của cả một vùng đất, như “Quảng Nam hay cãi” thì đó là cả một quá trình lâu dài. Dẫu rằng, địa phương nào cũng có người “hay cãi”, nhưng chắc chắn họ không thể cãi một cách quyết liệt, dữ dội, bền bỉ - hay nói cách khác, là “thủy chung” cái sự cãi cho bằng người Quảng Nam. Điều này trong tập sách Người Quảng Nam tôi đã góp phần lý giải.

Ở đây, tôi chỉ nêu hai thí dụ:

Một: Nhìn lại sự kiện “Ngũ phụng tề phi”, mặc dù có ca ngợi tinh thần hiếu học làm rạng danh đất Quảng Nam - nhưng Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vẫn lấy làm tiếc khi “ngũ phụng” không để lại cho hậu thế một sự nghiệp chính trị, văn hóa, học thuật nào đáng kể. Cái sự “lấy làm tiếc” trong trường hợp này thiết tưởng chỉ có ở người Quảng Nam. Dù sự kiện trên làm rạng danh đất học xứ Quảng, làm sáng giá mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên nhưng họ vẫn chưa thật sự ưng ý. Họ vẫn đòi hỏi cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở đó. Phải có một bản lĩnh phi thường, họ mới dám đem cái danh xưng đáng tự hào kia ra thẩm định và bình luận. Nói rộng ra, tính cách của người Quảng Nam là muốn đi vào thực chất của sự việc, dù được khen nhưng nếu cảm thấy chưa thật sự xứng đáng với lời khen đó, thì họ cũng từ chối. Chao ôi! Người Quảng thật bụng thật lòng (và thật thà) đến thế là cùng.

Hai: Lâu nay, con dân xứ Quảng vẫn thường tự hào về tài cầm binh thao lược của Ông Ích Khiêm và nhiều nhà viết sử cho rằng, chính ông là người đã cha đẻ kế hoạch dùng trái mù u đánh Pháp! Điều này không sai, trong lời ăn tiếng nói của người Quảng còn nhớ:

Đà Nẵng, Sơn Trà, Miếu Bông, Cẩm Lệ

Chuyện trăm năm còn kể trận mù u

Hội ni ngó bộ không xong

Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng

Có lẽ chính vì thế, nhà nghiên cứu Lâm Quang Thự khẳng định “chắc nịch”: “Quân Pháp thường hành quân trên các nẻo đường làng. Biết quân Pháp thường mang giày dưới đế đóng đinh, Ông Ích Khiêm bèn ra lệnh cho dân chúng nhặt thật nhiều quả mù u, rồi cho quân mang theo những giỏ thật đầy mù u phục kích các ngã đường mà giặc hay đi qua. Khi quân Pháp kéo qua, quân ta đổ ra đánh, vừa đánh vừa chạy và rải quả mù u đầy đường. Quân Pháp đang đà đuổi theo quân ta thì giẫm phải quả mù u, trượt chân ngã lăn, quân ta xông vào diệt. Trong trận này, địch chết rất nhiều, máu nhuộm đầy đường”. Thoạt đọc qua, ta thấy cũng có lý lắm chứ. Tôi chưa thấy nhà sử học nào phản bác lại. Nhưng kỳ lạ thay, chính… người Quảng Nam không thuận tình, bèn… cãi!

Người trước nhất có lẽ là nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân, ông cương quyết bác bỏ lập luận về việc sử dụng mù u trong chiến thuật của Ông Ích Khiêm; kế đến nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô cũng cãi, nhưng có phần dè dặt hơn: “Theo suy luận lôgic của ngành Folkclo học thì điều gì không có, chắc chắn sẽ không được nhân dân nhắc đến và lưu truyền. Dù sao, có lẽ trận mù u chắc không gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, nếu có thì họ đã ghi vào nhật ký “Chinh phục phương Đông” của mình rồi”.

Thêm chuyện này, ta lại thấy rõ hơn tính cách của người Quảng, cho dù có được khen, được ca ngợi nhưng nếu không hợp tình hợp lý thì họ cũng… cãi!

*Thưa anh, nói  “về thổ âm, thổ ngữ xứ Quảng, chúng tôi thấy có nhiều từ ngữ rất “đắc địa”, hoàn toàn không có trong từ điển tiếng Việt. Ví dụ: để chỉ một người có tính cà chớn, lếu láo…người Quảng gọi là “ba nhe”. “Ba nhe” là sao? Là… ba-nhe. Thật khó giải thích, khó thẩm thấu nếu không phải là người Quảng. Một đề xuất làm cuốn từ điển tiếng Quảng là cần thiết và thú vị. Nhưng tại sao vẫn chưa thấy ai làm?

-Chưa ai làm, chứ không phải không ai làm. Tôi tin rằng, rồi sẽ có người làm việc này. Mà không riêng gì về từ điển Quảng Nam, nếu các địa phương khác cũng có thì những công trình tương tự thì qua đó, ta sẽ thấy tiếng Việt của mình phong phú biết chừng nào. Thú thật cho đến nay, tôi vẫn khao khát, thèm khát được  đọc một quyển từ điển về tiếng Quảng tương tự như quyển Từ điển tiếng Huế của ông Bùi Minh Đức. Rất đỗi thèm. Ông Đức là người Huế, hiện sống tại California mà vẫn làm được một công trình tầm cỡ trên một ngàn trang in khổ lớn, in tại Việt Nam như một món quà dành cho quê nhà. Còn ta, ta đang sống trên quê nhà, từng ngày hít thở không khí của quê hương mà vẫn không bắt tay vào làm thì xấu hổ thật. Nếu ai đó thật sự yêu lấy mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, thì cũng đều có thể làm được quyển sách như thế. Đừng sợ thiếu sót, phiến diện. Khi sách ra, sẽ có nhiều ý kiến chân tình đóng góp để bổ sung...

*Đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”, có nhiều nhà yêu nước, chí sĩ nổi tiếng  như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Thoại Ngọc Hầu, Phạm Phú Thứ v.v… Đặc biệt đất Quảng Nam là nơi có rất nhiều người tham gia làng báo, để lại những dấu ấn đậm nét. Tuy nhiên, đây cũng được xem là mảnh đất của các thi sĩ. Theo anh thì giữa làm thơ và làm báo có gì “đụng độ” nhau không, nhất là theo tính cách của người Quảng Nam?

-Thật ra điều này khó có thể đưa ra một nhận định nào, tạm gọi là “chính xác” cả. Ở đây, tôi chỉ xin chủ quan nói rằng, hai công việc trên không hề “đụng độ” nhau mà nó có phần bổ sung cho nhau. Thí dụ, nếu Phan Khôi không làm báo thì ông không thể là người tiên phong nã phát đại bác vào thành trình Thơ cũ để mở ra phong trào Thơ mới qua bài thơ Tình già. Sự kiện kinh thiên động địa này diễn ra vào ngày 10.3.1932. Nhưng nếu Phan Khôi cũng làm báo, nhưng không phải là “Quảng Nam hay cãi” thì cũng không thể thực hiện cú “làm bàn” ngoạn mục như trên. Ở Bùi Giáng cũng vậy. Nếu báo chí là “lửa”, thơ là “mây” thì tay thợ nóng tính, nóng nẩy, quyết đoán là người Quảng Nam đã biết cách dung hòa chúng. Mà anh bạn này, xin nói nhỏ, tôi vẫn đang còn suy nghĩ tại sao những điều ta vừa đặt ra lại không diễn ra một cách tiêu biểu trên mảnh đất Quảng Nam - mà phải là Sài Gòn hoặc ở một địa phương khác? Có phải yếu tố môi trường cũng phần nào tác động nhằm phát huy tột cùng tính cách vốn có của người Quảng?

*Nói về ẩm thực xứ Quảng, đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, có thể quy gọn là hai chữ “no” và “đậm”. Theo anh thì trong chuyện ăn uống này, có thể hiện theo cung bậc tình cảm của người xứ Quảng hay không?

-Đúng như thế. Xin bổ sung thêm, nó còn phản ánh đúng tính cách của người Quảng. Đừng nhìn đâu xa, chỉ cần đi ngược ra phía bắc chừng 100 km, vượt qua bên kia đèo Hải Vân thì ta thấy cái nết ăn uống của người Huế lại khác hẳn người Quảng. Họ ăn uống không nhằm không “no” và “đậm” mà trên mâm ăn phải còn toát lên tinh thần “duy mỹ” nữa. Đó là tính cách của mỗi vùng miền. Chỉ tiếc rằng, lâu này các nhà nhiên cứu chúng ta chúng ta ít lưu tâm đến điều này. Mà hầu như khi tìm hiểu về tính cách, bản lĩnh... của người dân địa phương nào đó họ lại quá chú trọng đến sự kiện lịch sử, hoàn cảnh chính trị xã hội nói chung - hơn là khai thác các yếu tố đời thường mang tính đắc trưng, tiêu biểu như chúng ta vừa đề cập đến. Chính các yếu tố - tưởng rằng rất đời thường, tầm thường kia nhưng lại là một giá trị vật chất không thể chối bỏ nếu ta muốn tìm hiểu một cách chu đáo về tính cách của người dân các vùng miền.

*Nhưng chúng ta đã có nhiều loại sách về địa chí?

-Thưa, có nhiều quyển địa chí biên soạn công phu và có giá trị. Nhưng tôi không tin ở trí tuệ, tài năng, tâm huyết của một nhóm “nhà nghiên cứu, tiến sĩ” nhân danh Viện này, Hội nọ hiện chuyên sống bằng nghề... làm địa chí cho các địa phương! Đây là điều có thật 100%. Những “địa chí” kiểu này chỉ là một cách “giải ngân” hợp pháp mà thôi. Theo tôi, muốn viết địa chí phải là người địa phương sống và lớn lên tại vùng đất đó hoặc yêu dấu vùng đất đó như nơi mình đã sinh ra. Cả một đời họ dành cả tâm huyết nghiên cứu nơi mình đã sống. Đó là người hợp của ông Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam, ông Sơn Nam với Nam bộ nói chung, ôngn Nguyễn Tú với Quảng Bình, ông Quách Tấn với Bình Định v.v... Sách của họ không dày, chừng vài trăm trang nhưng có giá trị thiết thực hơn các bộ sách “địa chí” đồ sộ.

*“Quảng Nam quốc” là một xưng tụng đặc biệt, duy nhất dành cho đất và người Quảng Nam. Tuy nhiên cũng có thể thấy Người Quảng Nam không lấy điều đó như một tấm áo choàng kiêu hãnh khoác lên mình; mà họ luôn sống chân chất, thân thà, trọng nhân nghĩa. Người Quảng Nam đi đâu cũng giữ gốc quê của mình. Ví dụ như ghé vào chợ Bà Hoa ở khu Bảy Hiền ra thấy ở đây không sót một món gì của ẩm thực Quảng Nam. Đặc biệt, thêm một món đặc sản không trộn lẫn đó là… giọng Quảng rặt ròi, đặc sệt. Là một nhà thơ, anh nghĩ gì về giọng nói “người mình”?

-Xa quê hương gặp đồng hương

Mắt đen. Răng trắng. Má hường. Môi thơm

Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn

Chiêm ngưỡng nhan sắc rạ rơm quê nhà

Bóng hình này của người ta

Nhưng kìa, giọng nói như là giọng tôi

Hồn quê đặt ở trên môi

Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về

Mơ hồ một bến sông quê

Long lanh mắt biếc xuôi về xốn xang

Chạm vào sợi tóc mênh mang

Vuốt ve sợ tóc nhẹ nhàng thơm lâu

Quê nhà ở tận đâu đâu

Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà

Ở gần đây chớ đâu xa

Nghe giọng nói nhớ quê nhà vậy thôi


TRẦN NHÃ THỤY (thực hiện)
(nguồn:Tuần báo Doanh nhân - số 196 (12-18.6.2007)

http://www.leminhquoc.vn/lmq/tac-pham-du-luan/phong-van/904-cai-nhau-voi-le-minh-quoc.html


Người xứ Quảng trong Lê Minh Quốc

 

07/04/2012 3:33

Tập sách Người Quảng Nam của Lê Minh Quốc là một chuyên luận về đất và người được viết theo dòng lịch sử, chứa nhiều trang gợi cảm và mềm mại như vải lụa Xita với rượu Hồng đào dưới nắng chiều ngày cưới...

nQN

Các sự kiện lớn cùng các danh nhân xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Nam bắt đầu từ năm 1471 - thời điểm vua Lê Thánh Tông đặt tên Quảng Nam thừa tuyên đến đầu thế kỷ 21 được Lê Minh Quốc trình bày qua 29 mục với 410 trang (khổ 16 x 24 cm), do NXB Trẻ ấn hành năm 2012. Điều đáng ghi nhận là tác giả luôn đặt Quảng Nam trong tổng thể dòng chảy của lịch sử nước nhà để xem xét, từ đó đúc kết những “dấu nhấn” về vai trò của một "Quảng Nam quốc" (trang 109), về nơi sớm nhất của sự hình thành chữ Quốc ngữ (tr.117), nơi trước nhất nổ súng đánh Pháp mở đầu giai đoạn lịch sử cận đại VN (tr.136), nơi quân Mỹ đổ bộ đầu tiên trong chiến lược chiến tranh cục bộ (tr.149), nơi có nhiều bà mẹ VN anh hùng nhất (tr.165), nơi trước nhất vận dụng tư tưởng canh tân nước nhà đầu thế kỷ 20 (tr.179), nơi ra đời của Duy Tân hội (tr.190), nơi sản sinh nhiều danh nhân VN như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, các nhà văn nhà báo danh tiếng như Phan Khôi, Bùi Giáng, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Văn Xuân...

Một số tài liệu nước ngoài được Lê Minh Quốc sử dụng để soi sáng thêm, chẳng hạn bút ký Xứ Đàng Trong năm 1621 của Christophoro Borri ghi nhận Hội An là hải cảng đẹp nhất. Cũng vậy, bút ký Chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793 của J.Barrow đề cập đến kỹ thuật đóng thuyền đủ kích cỡ với những chiếc dài từ 15 - 25m, chạm trổ cầu kỳ tinh xảo, được ngư dân dùng để vượt biển ra Hoàng Sa thu lượm hải sâm, chim yến. Cuối sách là Niên biểu Quảng Nam đến năm 2010 được kê cứu công phu ghi từ năm Lê Hoàn đem quân đánh Chiêm Thành tiến vào kinh đô Indrapura (nay là Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam)...

Song có lẽ chân thực và cảm động hơn hết khi tác giả bộc bạch rằng tác phẩm viết bởi: “Đứa con xa quê lâu ngày. Tha thiết thương trong lòng. Da diết nhớ trong óc. Thương nhớ từng ngày đi qua với từng món ăn của thuở ấu thời, từng mùa nắng mưa trên con đường đi học, từng trò chơi ngày tuổi nhỏ, từng bến sông lau sậy quạnh hiu nắng úa, từng tiếng chim kêu khắc khoải trên nhánh sầu đông ngày cuối đông mưa dầm dề lạnh lẽo”. Phần “duyên” nhất của Người Quảng Nam có lẽ là mục phân tích về thổ âm thổ ngữ của người Quảng và mục về rượu Hồng đào. Lê Minh Quốc cho rằng rượu Hồng đào ở Quảng Nam là loại rượu không có thực theo nghĩa của các danh tửu quen thuộc như rượu Bàu Đá, rượu làng Vân, làng Chuồn, song hai tiếng thân thương ấy lại đã có mặt và thăng hoa vào tâm hồn người xứ Quảng từ lâu, nghĩa là rượu Hồng đào vừa có (trong tâm thức), vừa không (trong thực tế), vừa mang triết lý bất nhị “có có không không”.

Giao Hưởng

(Nguồn:

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120407/nguoi-xu-quang-trong-le-minh-quoc.aspx



Sách mới:

nQNRRR

Người Quảng Nam

Tập sách “Người Quảng Nam” của Lê Minh Quốc vừa được NXB Trẻ in và phát hành trong tháng 3 năm 2012. Sách dày 406 trang, khổ 16x24cm, giá 100.000 đồng.

Tập sách gồm 19 chương. Mở đầu tác giả “Nhìn xứ Quảng từ đèo Hải Vân qua cảm hứng thi ca”, từ đó tác giả viết về lịch sử, địa lý, con người, các món ăn xứ Quảng theo chiều dài lịch sử, văn hóa. Tập sách “Người Quảng Nam” có sức lôi cuốn người đọc nhờ giọng văn chứa nhiều cảm xúc bằng tình yêu của một người con xứ Quảng; cách bố cục các chương khá linh hoạt về; nội dung trong từng chương viết về đất và người xứ Quảng nhiều chỗ đậm nhạt khác nhau theo cách nhìn của tác giả cũng tạo cho tập sách có sức hấp dẫn riêng. Tác giả dành chương cuối cùng thống kê niên biểu Quảng Nam từ năm 982 đến 2010, khá công phu giúp bạn đọc có điều kiện “tổng kết” những sự kiện chính của Quảng Nam về một số lĩnh vực trong lịch sử hình thành và phát triển vùng đất xứ Quảng.

Nhận xét về tập “Người Quảng Nam”, nhà văn Sơn Nam viết: “Đọc tập Người Quảng Nam của nhà thơ Lê Minh Quốc, tôi thấy hình bóng người Quảng Nam hiện lên khá rõ nét”. Cũng theo nhà văn Sơn Nam, trước khi Lê Minh Quốc đặt bút viết quyển này, nhà văn Sơn Nam từng trao đổi và có lời khuyên: “Viết về vùng đất mình sinh ra là chọn con đường đi đúng hướng, để qua đó sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội. Đời sống tâm linh là cần, nhưng cái tâm linh dào dạt sức sống ấy phải thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng. Tự tôn với cái “tâm linh thuần túy” của mình là tự sát”.

Về thể loại tập sách rất khó xác định. Tập sách không viết theo thể loại bút ký, tản văn; không phải là sách nghiên cứu, càng không phải là biên khảo. Và bạn đọc chỉ biết đây là tấm lòng của một người con viết về đất mẹ được thể hiện qua 406 trang sách thật nồng ấm và yêu thương.

Như Nghĩa

(nguồn: Tạp chí Non Nước 5.2012)


http://www.leminhquoc.vn/lmq/tac-pham-du-luan/phong-van/982-nha-bien-khao-qtay-ngangq-le-minh-quoc-toi-viet-ve-quang-nam-vi-yeu-a-nho.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com