Mục lục |
---|
NGƯỜI QUẢNG NAM |
1. Đọc Người Quảng Nam |
2. Cãi nhau với Lê Minh Quốc |
3. Người xứ Quảng trong Lê Minh Quốc |
4. Người Quảng Nam |
Nhà biên khảo |
Tất cả các trang |
Sách mới:
Người Quảng Nam
Tập sách “Người Quảng Nam” của Lê Minh Quốc vừa được NXB Trẻ in và phát hành trong tháng 3 năm 2012. Sách dày 406 trang, khổ 16x24cm, giá 100.000 đồng.
Tập sách gồm 19 chương. Mở đầu tác giả “Nhìn xứ Quảng từ đèo Hải Vân qua cảm hứng thi ca”, từ đó tác giả viết về lịch sử, địa lý, con người, các món ăn xứ Quảng theo chiều dài lịch sử, văn hóa. Tập sách “Người Quảng Nam” có sức lôi cuốn người đọc nhờ giọng văn chứa nhiều cảm xúc bằng tình yêu của một người con xứ Quảng; cách bố cục các chương khá linh hoạt về; nội dung trong từng chương viết về đất và người xứ Quảng nhiều chỗ đậm nhạt khác nhau theo cách nhìn của tác giả cũng tạo cho tập sách có sức hấp dẫn riêng. Tác giả dành chương cuối cùng thống kê niên biểu Quảng Nam từ năm 982 đến 2010, khá công phu giúp bạn đọc có điều kiện “tổng kết” những sự kiện chính của Quảng Nam về một số lĩnh vực trong lịch sử hình thành và phát triển vùng đất xứ Quảng.
Nhận xét về tập “Người Quảng Nam”, nhà văn Sơn Nam viết: “Đọc tập Người Quảng Nam của nhà thơ Lê Minh Quốc, tôi thấy hình bóng người Quảng Nam hiện lên khá rõ nét”. Cũng theo nhà văn Sơn Nam, trước khi Lê Minh Quốc đặt bút viết quyển này, nhà văn Sơn Nam từng trao đổi và có lời khuyên: “Viết về vùng đất mình sinh ra là chọn con đường đi đúng hướng, để qua đó sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội. Đời sống tâm linh là cần, nhưng cái tâm linh dào dạt sức sống ấy phải thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng. Tự tôn với cái “tâm linh thuần túy” của mình là tự sát”.
Về thể loại tập sách rất khó xác định. Tập sách không viết theo thể loại bút ký, tản văn; không phải là sách nghiên cứu, càng không phải là biên khảo. Và bạn đọc chỉ biết đây là tấm lòng của một người con viết về đất mẹ được thể hiện qua 406 trang sách thật nồng ấm và yêu thương.
Như Nghĩa
(nguồn: Tạp chí Non Nước 5.2012)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|