TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định NGƯỜI QUẢNG NAM - 1. Đọc Người Quảng Nam

NGƯỜI QUẢNG NAM - 1. Đọc Người Quảng Nam

Mục lục
NGƯỜI QUẢNG NAM
1. Đọc Người Quảng Nam
2. Cãi nhau với Lê Minh Quốc
3. Người xứ Quảng trong Lê Minh Quốc
4. Người Quảng Nam
Nhà biên khảo
Tất cả các trang
 

Đọc Người Quảng Nam

Thứ ba, 15/05/2007

Có chuyện sử, địa, chuyện về những nhân vật nổi tiếng trong âm nhạc, văn chương, chính trị, và cả chuyện về cọng rau muống, con cá chuồn. Đây là một cuốn sách đầy ắp tư liệu về đất và người Quảng Nam.

nguoiquangnam_R

Bìa quyển sách mới nhất của nhà thơ Lê Minh Quốc

Vừa qua, tại quán cà phê Miss Sài Gòn, nhà thơ Lê Minh Quốc ra mắt cuốn ký sự - tản văn của mình: Người Quảng Nam. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc: Nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (đều là người Quảng)... rất nhiều độc giả là con em đất Quảng xa quê đến dự buổi giao lưu. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua cuốn sách tại chỗ, chịu khó ngồi chen vai thích cánh để nghe ông nhà thơ "quảng cáo" sách của mình. Quán cà phê nhỏ chỉ chực "nổ tung" khi lượng khách tham dự tăng lên quá tải.

Cuốn sách gần 400 trang này "ôm" rất nhiều vấn đề về đất và người Quảng Nam, một vùng đất địa linh nhân kiệt. Tác giả cho thấy mình là người chịu khó tra cứu, sưu tầm tư liệu. Thêm vào đó, anh đan cài những nhận xét, cảm nhận của một người con xa quê làm trang sách thêm độ xác thực, mà không "ngấy" với cảm giác câu nệ vào tư liệu.

GS Trần Quốc Vượng từng đưa ra kết luận: Quảng Nam nơi sớm nhất của sự hình thành chữ Quốc ngữ. Và đây cũng là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách từ những chí sĩ như: Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân ... đến Bùi Giáng tiên sinh - thi sĩ tinh quái của nền thi ca hiện đại, của dấu ấn Bút máu một thời từ nhà văn Vũ Hạnh, của Nguyên Ngọc với Đất nước đứng lên. Và, theo dòng thời gian, hàng dài những cái tên được bồi vào danh sách "nhân kiệt", như: Bà Tùng Long, nhà văn nữ có biệt tài viết truyện nhiều kỳ và đề ra mục Gỡ rối tơ lòng trên báo chí miền Nam; Nguyễn Nhật Ánh "đa tài" trong nghề chữ nghĩa từ làm thơ viết báo đến sáng tác truyện cho thiếu nhi.

Có một phần khá thú vị của Người Quảng Nam là Quảng Nam hay cãi, một thành ngữ quen thuộc đến độ không cần bàn cãi gì nhiều về độ xác thực của nó.

Không nói chung chung, trong cuốn sách, Lê Minh Quốc nêu ra những ví dụ cụ thể, sinh động, cho thấy rõ cái hay lẫn cái dở của lối nói bộc trực, "xóc hông", hay lý sự của người Quảng Nam.

Tác giả còn đưa ra kết luận thú vị: Tính cách của người Quảng xét ra lại phù hợp với nghề làm báo. Năm 1927, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập báo Tiếng Dân, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Trung Kỳ. Nhà thơ Phan Khôi, người khởi xướng phong trào Thơ Mới cũng là một nhà báo tiêu biểu. Và hiện tại, phần lớn các nhà báo nổi tiếng của Sài Gòn là dân Quảng chính gốc.

Bàn chuyện ẩm thực là một phần hấp dẫn của Người Quảng Nam. Nhưng tiếc là tác giả dành cho chuyện ăn uống số trang khá ít, chừng 1/5 cuốn sách, nên đọc xong vẫn còn thấy thòm thèm vì "chưa đã".

"Ốc bươu nấu với măng chèo
Rau trai, rau dịu lại đèo rau lang"

"Ai về đất Quảng làm dâu
Ăn cơm ghế mít hát câu ân tình"

"Giàu như người ta cơm lua cá gắp
Khó như vợ chồng mình bột bắp với rau lang"

Món ăn đi vào đời sống, vào câu ca dao dân ca, vào tâm linh - tâm hồn người Quảng. Con cá nục cuốn bánh tráng, rau muống chấm nước mấm "gin" (nguyên chất). Cái bánh bèo con con. Món mì Quảng sợi mì vàng óng ánh. Con bò thui bên trong nhét lá ổi, lá sả thơm phức. Chiếc bánh tráng tiện dụng ngay cả khi nhúng nước chấm nước mắm để ăn, hay dùng trong bàn tiệc sang trọng.

Những món ăn từ dân dã đến cầu kỳ mà từ cách ăn đến cách chế biến cũng như tính cách người Quảng: cần kiệm, dè sẻn mà lại phóng khoáng, vui tươi. Mộc mạc mà đậm chất.

Không chỉ có vậy, người xứ Quảng còn vốn nổi tiếng với tiếng cười, từ tiếng cười trào phúng, thâm thúy đến lối chửi xéo, nói xiên. Và người Quảng Nam là thế, không thiếu mâu thuẫn trong cá tính nhưng cũng hết sức "đặc sệt, thuần nhất" đến độ không thể lẫn vào đâu được.

Nhà văn Sơn Nam nhận xét về quyển Người Quảng Nam:

Tập sách của Lê Minh Quốc quả là nhọc công, có gợi mở nhiều vấn đề thú vị, tản mạn trong nhiều chương sách. Đã chứng minh được những đóng góp của người Quảng nói chung trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt. Dễ đọc, dễ theo dõi. Có lúc văn phong bay bướm, dễ cảm thông nhưng lại có khi nghiêm nghị quá.

Trước đây tôi ước ao có đủ tài liệu, thời gian để làm cuốn sách, đại khái tên gọi: "Vai trò người Quảng Nam đối với nền kinh tế ở Nam kỳ". Vai trò này rất lớn, không thể không khẳng định qua những lý giải khoa học, có chứng cứ. Đây cũng là một gợi ý, hy vọng sẽ có người Quảng Nam tâm huyết theo đuổi đề tài này.

Thất Sơn

http://evan.vnexpress.net/news/diem-sach/2007/05/3b9ad841/



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com