LÊ CÔNG SƠN
nguồn: báo Thanh Niên ngày 10.2.2019)
Độc đáo Bộ truyện tranh lịch sử Hiền tài nước Việt
Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi dấu ấn biết bao nhiêu hiền tài, danh sĩ. Họ đã đóng góp rất lớn cho đất nước trên nhiều phương diện, dựng nước, giữ nước và chấn hưng đất nước. Những hiền tài, danh sĩ tiêu biểu nhất được tôn vinh trong Bộ truyện tranh lịch sử Hiền tài nước Việt, 10 tập, vừa được Nhà sách Đông A và Nhà xuất bản Dân Trí phát hành. Người chắp bút bộ truyện này là nhà thơ Lê Minh Quốc, vẽ minh họa là họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn.
Vào thời Lê, phụng chỉ vua Lê Thánh Tông, trên tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, Tiến sỹ Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”. Vì vậy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có thể thấy, bên cạnh việc mở mang kinh tế, thì các triều đại hay giai đoạn rực rỡ nhất đều có điểm chung là sự quan tâm, phát triển văn hóa, phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, bồi đắp cho nguyên khí quốc gia ngày càng thịnh vượng.
Với tinh thần như vậy, Bộ truyện tranh lịch sử Hiền tài nước Việt tái hiện chân dung 10 danh sĩ nổi bật trong lịch sử Việt Nam như: “Thiền sư Vạn Hạnh, tuy thân nơi cửa chùa nhưng vẫn hết lòng phò minh quân; Mạc Đĩnh Chi nghèo khó xấu xí nhưng lại là “hoa sen trong giếng ngọc”, lừng danh danh xưng Lưỡng quốc Trạng nguyên; Chu Văn An dám dâng Thất trảm sớ rúng động triều đình; Trương Hán Siêu hiến kế đánh lui vó ngựa Nguyên Mông; Nguyễn Trãi với ngòi bút thần khích giặc; Lương Thế Vinh lém lỉnh mà tính toán như thần; Nguyễn Bỉnh Khiêm yên cả 03 nhà bằng lời tham vấn; Đào Duy Từ bôn tẩu vào Nam phò chúa Nguyễn lập cơ đồ; Lê Quý Đôn nổi danh thần đồng viết sách truyền hậu thế; Cao Bá Quát đứng lên khởi nghĩa chống lại bất bằng”.
Một chuyên gia lịch sử từng nói: “Lịch sử là quá khứ nhưng quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại; không có quá khứ thì cũng không có tương lai”. Vì vậy, đưa lịch sử đến với trẻ em bằng một phương thức dễ thẩm thấu, tiếp thu như truyện tranh sẽ góp phần giúp các em có được sự hiểu biết về bề dày lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước hào hùng và oanh liệt của đất nước, dân tộc Việt Nam. Từ đó, dần hình thành thái độ trân trọng, tình cảm biết ơn và ý thức tri ân đối với các thế hệ cha, ông bằng những nỗ lực xây dựng đất nước trong thời hiện đại.
Hoàng Tùng
(nguồn: http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/doc-dao-bo-truyen-tranh-lich-su-hien-tai-nuoc-viet-20983?fbclid=IwAR2FBKFpGOTwkzem3toz7NgEQBWFcA-AsFLZbNiiNdsh6ejNihMl8gm5-_w)