Bây giờ đi đâu, cứ đến gần giờ cơm trưa là anh vội từ biệt ra về. Bạn bè trêu: “Về ăn cơm với vợ phải không nào...". Anh cười: “Đâu, về nấu cơm”. Hạnh phúc, bình yên của anh gói gọn trong câu nói giản dị ấy thôi. Anh nói bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu hào quang lẫn sự ngưỡng mộ đều không bằng cảm giác từng ngày chờ con đến bên đời…
Tên con là Lê Minh Quốc Ấn
Liên Anh - vợ nhà thơ Lê Minh Quốc - biết mình có em bé ngay sau khi mẹ anh vừa mất. “Có lẽ nhờ ơn mẹ phù hộ” - anh tâm sự. Câu nói đó có thể khiến những người hiểu và thương anh phải rưng rưng. Lê Minh Quốc đã cô đơn quá lâu trong cuộc đời. Ngày mẹ anh còn sống, mỗi ngày anh đều được ăn cơm mẹ nấu. Gần 60 tuổi, ra đường được bao người trọng vọng nể phục nhưng về nhà với mẹ, anh vẫn như cậu bé ngày xưa. “Hồi anh đưa tôi về giới thiệu, mẹ có lo lắng không biết tôi ở bên cạnh anh được bao lâu. Bà đã quá hiểu con trai, cũng quá quen với việc cô này cô kia đến rồi lại đi. Giá mà mẹ vẫn còn kịp biết tin có cháu và an lòng rằng tôi vẫn ở lại cùng anh, bây giờ và mãi về sau nữa…” - chị Liên Anh tâm sự.
Con đến bên đời như món quà nhiệm mầu của tạo hóa, như tình thương lớn lao ấm áp của mẹ gửi về từ bên kia thế giới. Nhà thơ Lê Minh Quốc nói, con dù là trai hay gái vẫn sẽ được đặt tên là Lê Minh Quốc Ấn. Nghĩa là ấn của mẹ (khởi từ tên Ân của mẹ anh). Ngày không còn mẹ, anh đã viết tập tạp văn Mẹ đã đi chợ về! (nhà xuất bản Trẻ) khiến người đọc chảy nước mắt. Bao nhiêu đau đớn cô độc anh dồn hết vào những trang chữ. Để rồi ngày anh lấy vợ, niềm vui như được lan tỏa, vỡ òa. Lê Minh Quốc sẽ không còn cô đơn nữa - đó là mong cầu của bao bạn bè, bằng hữu vẫn dành cho anh suốt hàng chục năm qua.
Có lẽ hiếm có văn nghệ sĩ nào lấy vợ mà lại trở thành sự kiện đặc biệt trong làng thơ, làng báo như nhà thơ Lê Minh Quốc. Anh chỉ tổ chức một buổi tiệc ra mắt bạn bè thân hữu ở TP.HCM và quê nhà Đà Nẵng. Nhưng niềm vui đã lan tỏa bằng một vòng tròn tình thương ấm áp của bao người. “Ai cũng mừng cho anh, ai cũng vun đắp và kỳ vọng. Có lúc tôi không biết mình đang nhận được luồng năng lượng tinh thần tích cực quá lớn hay là một áp lực nữa. Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra mình thật sự là một người quá hạnh phúc. Tình yêu của mình đã được tất cả mọi người ủng hộ, chúc mừng. Như vậy còn gì quý giá hơn” - chị Liên Anh bộc bạch.
Người-đàn-ông-làm-thơ bây giờ hạnh phúc như một đứa trẻ. Anh trẻ ra, cười nhiều hơn, những mối quan tâm cũng đã theo một hướng khác. Không phải thơ, càng không phải rượu. Mà đó là những món ăn, thức uống tốt cho bà bầu, kinh nghiệm chăm sóc trẻ, bắt đầu tập áp tai nghe tiếng con đạp trong bụng mẹ, thai giáo, nói chuyện cùng con… “Lần đầu tiên làm cha, anh còn ngại ngần lắm, cứ hay bảo tôi “thôi em nói chuyện với con đi”. Thế nhưng, lúc nào anh cũng quan tâm coi con làm sao, để ý mọi lúc mọi nơi. Anh thật sự đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn những định nghĩa về hạnh phúc, hôn nhân, nếp nhà. Tôi đã không nghĩ rằng, mình cuối cùng lại có cuộc hôn nhân này và được hạnh phúc đến như vậy” - chị Liên Anh chia sẻ.
"Tạ ơn trờn đất linh thiêng..."
Liên Anh không xa lạ với đồng nghiệp làm báo. Chị từng công tác tại Ban Truyền hình Báo Tuổi Trẻ. Nhưng việc Liên Anh trở thành vợ của nhà thơ Lê Minh Quốc là điều… gây sững sờ. “Hồi đó, tôi có một hội chị em quan niệm là sẽ không lấy chồng mà làm mẹ đơn thân. Tôi nghĩ, người hợp với tôi cũng phải… giang hồ bụi bặm thế nào ấy. Tính tôi phóng khoáng, chỉ muốn tự do làm điều mình thích, không ràng buộc gì cả. Có lần tôi nói, không hiểu tôi hợp với anh ở chỗ nào, sao lại… để ý tôi. Anh cười nói, từ lần đầu tiên gặp, anh đã có trực giác kỳ lạ, rằng tôi sẽ là người duy nhất sinh con cho anh.
Quen nhau rồi, lúc nào anh cũng nói đến chuyện phải có con, tôi nghe nhiều đến bực mình. Khi đó, tôi nghĩ không lẽ giá trị của mình chỉ là sinh con thôi sao. Nhưng anh cũng không giận, mà tâm tình rằng, chỉ vì thời gian của anh không còn nhiều nữa, nhất là khi mẹ phải nằm bệnh viện…” - chị Liên Anh nhớ lại.
Trở ngại khiến cả hai lo nhất là mẹ của Liên Anh. Con gái sinh năm 1986, nhưng con rể tương lai sinh năm…1959. “Bạn bè anh nói vui, quan trọng là tôi có thương anh hay không. Còn mẹ tôi thì các anh sẽ đến xin giùm” - Liên Anh cười. Vậy là tết vừa rồi, chị đánh tiếng với mẹ sẽ đưa bạn trai về giới thiệu. “Mẹ chỉ hơi ngạc nhiên sao tôi chọn… nhà thơ.
Gia đình tôi không biết anh Lê Minh Quốc; anh trai tôi tra google mới phát hiện ra tôi có bạn trai lớn tuổi quá. Rồi cả nhà tìm các clip trò chuyện của anh cùng xem, cùng phân tích và kết luận: một người như anh Quốc sẽ rất thương vợ. Cả nhà ai cũng đón nhận một cách nhẹ nhàng, lại còn ra sức vun đắp khiến tôi thở phào nhẹ nhõm” - chị kể.
Là đàn em, đồng nghiệp, bạn rồi người yêu bây giờ là vợ, Liên Anh nói, chị đã nghe nhiều chuyện tình cảm trước đây của chồng nhưng tất cả điều đó đã ngủ yên cùng năm tháng. Biết bây giờ là bây giờ, chị thậm chí quên hẳn những lăn tăn ngày trước - “có lẽ nào giá trị của mình chỉ là để sinh con”. Thay vào đó là tình yêu nhẹ nhàng mà thẳm sâu. Yêu cả sự giản dị, kỷ luật của chồng. Yêu cách anh ứng xử với gia đình, họ hàng. Thương dáng anh mỗi ngày đứng trong bếp nấu cơm hay cặm cụi trên bàn viết đều đặn mỗi sáng.
“Anh không phải là người tài năng, anh chỉ là người chăm chỉ” - nhà thơ Lê Minh Quốc đã tâm sự với vợ như vậy. “Anh còn là một người luôn gìn giữ nếp nhà. Tình yêu thương gia đình, tình thân của anh khiến tôi trân trọng vô cùng. Anh khiến tôi nhận ra giá trị gia đình mới là tất cả” - chị Liên Anh bày tỏ.
Nhà thơ Lê Minh Quốc nói, viết sách với anh giờ đây đã không còn quan trọng nữa. Bởi “con đã là hạnh phúc cuối cùng”. Nếu có viết, có lẽ cũng sẽ là những trang sách cho con, như những bài thơ của anh từ lúc có Liên Anh đã bắt đầu nghiêng về hạnh phúc:
Niềm vui từ một vành nôi
Từ đây đi đứng nằm ngồi an nhiên
Tạ ơn trời đất linh thiêng
Ngày hôm nay đã chung riêng sum vầy…
Bùi Tiểu Quyên
(Nguồn: Báo Phụ Nữ chủ nhật - phát hành ngày 11.5.2018)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|