Trong lấm láp màu áo quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, có những tâm hồn nghệ sĩ đã được nuôi dưỡng, được vun đắp mỗi ngày.
Kỷ niệm 20 năm cùng nhau nhập ngũ để chiến đấu với bọn diệt chủng, Lê Minh Quốc và Đoàn Tuấn đã in chung tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” vào năm 1997. Đó là một tác phẩm mà người Việt dù yêu thơ hay không yêu thơ cũng thấy trân trọng.
Nhà thơ Lê Minh Quốc ngày nhập ngũ quân tình nguyện Việt Nam năm 1977. |
Bởi lẽ, từng vần điệu chân thành đã tình tự như trái tim những chàng trai Việt biết hy sinh vì hòa bình, vì nghĩa lớn. Đoàn Tuấn thảng thốt: “Đất bên ngoài Tổ quốc... phía xa kia…/ Lòng tôi mãi thuộc địa hình nơi đó/ Ngầm Sa-em, đền Prếch Vi-hia/ Sườn Đăng-rếch, những con đường xe đổ…/ Đồng đội tôi tình nguyện nằm xuống đó/ Để Đất mang gương mặt Con Người/ Đất mang tên Nhật Minh/ Mang tên Hoàng An, mang tên Dương Công Hạm/ Campuchia ơi, đồng đội tôi ngã xuống/ Chẳng mộ bia ghi lại tuổi tên/ Để tên Người cũng ấm áp thiêng liêng/ Như Trường Sơn, Cà Mau, Đồng Tháp/ Đi giúp bạn cũng vì đất nước/ Một tấm bằng Tổ quốc ghi công…/ Có nhiều lúc tự nhiên tôi không hiểu/ Mình đang ở đây hay đã trở về/ Đồng đội ơi lúc nào tôi cũng nhớ/ Đất bên ngoài Tổ quốc, cả trong mơ…”.
Là một người lính tình nguyện Việt Nam, khi gặp “Miếng trầu phum Choawmssre”, Đoàn Tuấn thầm thì gọi Mẹ với một người đàn bà Campuchia lam lũ: “Dây trầu không vườn mẹ xanh rờn/ Bóng cau lẫn bóng hàng thốt-nốt/ Khúc vỏ chay quánh khô mẹ gọt/ Bàn tay gầy run run/ Cả phum không một mẩu vôi non/ Mẹ cặm cụi mò trai dưới suối/ Lửa mẹ đốt vỏ trai hồng đêm tối/ Để sáng mai có vôi trắng ăn trầu…”
Cũng giống như đồng đội Đoàn Tuấn, những ngày trên xứ sở chùa Tháp đã biến Lê Minh Quốc thành một thi sĩ. Trong bài “Đêm trú quân ở Xam Công Thmay nhớ Hàn Mặc Tử”, Lê Minh Quốc viết: “Tôi như Gái quê ca hát hồn nhiên/ Khẩu súng quàng vai năm mười tám tuổi/ Quen địa hình xuyên rừng lội suối/ Hơn suy tư đắm đuối với trăng ngân”.
Từng địa danh xa lạ lần lượt đi vào thơ Lê Minh Quốc như một niềm riêng thân thuộc, dù mỗi tấc đất giành được phải trả bằng bao nhiêu tính mạng của những chàng trai Việt. Để rồi, khi “Đứng trước nghĩa trang Svay Riêng, Lê Minh Quốc không giấu được sự nghẹn ngào: “Một ngày biên giới chân đi/ Đạp mìn nhìn lại thấy gì nữa đâu/ Hồn bay lên cõi trời cao/ Thịt xương chằng chịt rơi vào hư vô/ Ngủ yên đầu gối ba lô/ Vùi ba thước đất nấm mồ vô danh”.
Ở Campuchia, Lê Minh Quốc cũng có lần suýt chết. Tình huống ấy được Đoàn Tuấn ghi lại trong cuốn sách “Mùa chinh chiến ấy” khá tỉ mỉ: “Đang đi, Quốc vấp mìn. Nghe tách một cái, trái mìn bay lên ngang người Quốc, rơi bịch xuống. Quốc và Nhân đi gần nhau. Cả hai bị bất ngờ, vội lăn ra. Mặt tái xanh. Tim đứng lặng. Chờ nghe mìn nổ. Nhưng mãi không thấy. Hai tên bò dậy, thấy quả KP2 xanh lè, nằm ngay bên mình. Còn nguyên.
Nhìn kỹ, thì ra quả mìn bị cài kíp ngược. Chắc thằng địch cài mìn vội vàng, nên đặt lộn kíp. Nếu nó đặt đúng, thì Quốc tiêu đời rồi. Trưa hôm ấy, tôi sang chỗ Quốc chơi. Quốc vẫn lặng im. Chắc chưa kịp hoàn hồn. Quốc còn sống, chắc nhờ âm phần che chở”.
Còn Lê Minh Quốc lại chứng kiến sự hy sinh của một đồng đội mình, để hồi tưởng lại trong cuốn sách “Thời của mỗi người” nhiều day dứt: “Bước luồn qua những bụi gai nhọn hoắt, bóng tối nhập nhoạng. Như một linh tính đã báo trước, tao chợt cúi rập người xuống để né cành cây ngang tầm mắt thì đó cũng là lúc một tiếng nổ dữ dội gầm lên. Tiếng gầm khủng khiếp. Cái chết đã đến.
Trung đội trưởng ngã vật người ra phía sau với tiếng thét rợn người. Một quả mìn KP.2 đã cắt ngang nửa người anh ấy. Trái mìn không chôn dưới đất mà nó được nối vào dây kim hỏa - sợi dây ấy như màng nhện giăng là đà dưới mặt đất. Trung đội trưởng đã vướng dây mìn. Kim hỏa bị kéo tụt ra và phóng chính xác vào hạt nổ. Cả đất trời tối sầm lại”.
Đối với cả Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc, thì những trang viết của họ giống như món nợ phải trả. Họ kiêu hãnh làm người lính và họ tự hào về “Đất bên ngoài Tổ quốc” giai đoạn gian lao: “Những bài thơ của một thời trên quê hương Chùa Tháp trong sổ tay nhem nhuốc, được viết dưới ánh sáng của dầu khộp khi nằm trong hầm thùng Anlungveng, được viết sau những giây phút hiếm hoi nghỉ giải lao trên chặng đường truy kích, được viết bâng quơ đâu đó... nay bỗng vọng về như một lời thầm nhắc về tuổi trẻ của mình.
Tập sách “Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn! |
Tuổi trẻ đã đi qua. Những sợi tóc đã bạc. Những kinh nghiệm của cuộc đời đã cày từng nếp nhăn trên gương mặt. Chúng tôi sực nhớ đến những liệt sĩ có nụ cười tinh khôi như nắng mới. Môi hồng hào như chưa một lần sốt rét. Thịt da thơm tho như chưa bao giờ hứng trọn quả B.40 giữa lồng ngực. Chúng tôi gọi đó là những liệt sĩ trinh tiết.
Những linh hồn ấy dường như còn bay vất vưởng, lượn lờ đâu đó trên mỗi bước chân tôi đi trong dòng đời xuôi ngược. Những linh hồn ấy còn nằm trong sổ tay: “Huỳnh Lộc 15-6-1980, Đỗ Nhờ 16-7-1980, Nguyễn Tiếp 21-7-1980, Nguyễn Luôn 13-8-1980, Lý Văn Nga 18-8-1980, Mai Công Ngói 15-6-1980, Lê Văn Lâm 21-6-1980, Phạm Hữu Phước 17-6-1980, Trần Thanh Biện 25-11-1980, Lưu Thanh Sơn 25-11-1980, Hoàng An 28-12-1980, Huỳnh Hoan 13-12-1980, Trần Lợi 13-12-1980...”
Ấn tượng dữ dội nhất của chúng tôi trong nỗi nhớ về Campuchia vẫn là nghĩa trang Anlungveng - nằm trên khu Đông Bắc - nơi ấy, cỏ lau ngút ngàn, những ngày mưa lội bì bõm đi chôn đồng đội của mình. Giọt nước mắt không còn để ứa ra. Những nụ cười tắt ngúm. Những căm thù bủa vây. Và từ bên kia ngọn Đănrek những loạt pháo gầm thét ngày đêm. Trời rực lửa. Chúng tôi đã sống dưới lòng chiến hào. Đôi lúc ngước mắt nhìn sao trời xa xăm trên đỉnh trời lạnh lẽo”.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|