TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Nhà thơ Lê Minh Quốc - Tuổi 60 làm thơ cho con thơ

Nhà thơ Lê Minh Quốc - Tuổi 60 làm thơ cho con thơ

 

79201119_3071425719553353_3614232546000240640_R


Theo dõi facebook của Lê Minh Quốc vừa buồn cười, vừa xúc động bởi sự kiện làm cha ở tuổi 60 của anh. Ảnh bé Mì, “cục cưng” của thi sĩ chiếm trọn ngôi nhà ảo. Niềm hạnh phúc vô bờ khiến Lê Minh Quốc “thở ra thơ” thiếu nhi: “Sinh nhật chú Trương Nam Hương/Em Mì lại được chú Hương lì xì (…) Em vui, vui lắm hì hì/Chú Hương sinh nhật, vậy thì… quá vui”.

 

Viết nhật ký cho con bằng thơ

Lê Minh Quốc cưng con gái đến độ đặt tựa những bài thơ dành cho con là “Thơ của em Mì”. “Thơ của em Mì”được đánh số La mã. Đây là bài thứ IX: “Cô Mộng Hoài xinh đẹp/ Tặng em chiếc váy đầm/ Màu hồng đào tươi thắm/ Thiệt là number one/ Se sẻ cùng vành khuyên/ Khen, Mì mặc hợp lắm/ Cảm ơn cô Mộng Hoài/ Chiếc váy đầm xinh xắn”. Cứ tình hình này thì rất nhiều người quen và lạ trên thi đàn, văn đàn… sẽ có mặt trong thơ bé Mì. Lê Minh Quốc bật mí, những bài thơ ngắn anh viết mỗi ngày và đưa lên facebook là một cách ghi nhật ký cho bé nhóc. Nhà thơ chuyên và không chuyên trên nước Việt  nhiều không kể, song viết nhật ký cho con bằng thơ có lẽ Lê Minh Quốc là người đầu tiên. Để xem anh làm được đến khi Mì mấy tuổi!

Không phải lần đầu Lê Minh Quốc làm thơ thiếu nhi. Anh kể, trước kia, do cộng tác với một vài tờ báo dành cho thiếu niên nhi đồng, thỉnh thoảng anh cũng viết thơ cho các bé, sau gom lại in thành tập “Nếu không còn cổ tích”. Nhưng chưa bao giờ anh làm thơ thiếu nhi say sưa như bây giờ. Tập thơ  mới ra mắt của anh, có đến 99 bài thơ “dành cho các thiên thần nhỏ và… người lớn”: “Bất kỳ động tác nào từ con cũng khiến tôi bật ra thơ. Những câu thơ, bài thơ trong tập “Chào thế giới bây giờ con đã đến” hầu hết đã ra đời như thế. Rất nhanh. Không gì phải suy nghĩ nhiều. Cảm xúc ùa đến trong lúc tôi ru con, nô đùa cùng con cứ mải miết dạt dào theo từng ngày, tôi chỉ ghi lại”. Không dừng lại ở việc ghi nhật ký cho con bằng thơ, thi sĩ còn ru con bằng thơ mình viết.  Lê Minh Quốc khoe những bài thơ trong “Chào thế giới bây giờ con đã đến”  được các nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, Thế Hiểu, Bùi Anh Tôn, Lê Trung Tín… đã và đang tiếp tục phổ nhạc.

Trên bìa tập thơ “Chào thế giới bây giờ con đã đến” còn ghi “Inspired by: Coco Mì”: “Nếu không có bé nhóc sẽ không có tập thơ này. Bé chính là người quyết định cảm xúc, cảm hứng mới mẻ vừa có được trong đời tôi”, anh giải thích lí do dẫn tới dòng chữ trịnh trọng trên bìa sách. Tới đây, khéo nhiều tập sách khác của Lê Minh Quốc, Coco Mì tiếp tục nhận vinh dự “đồng tác giả”? Lê Minh Quốc hé lộ: Ngoài tập thơ vừa in, sắp tới, anh sẽ cho in tập tùy bút, chưa đặt tựa, đó là những bài ghi lại cảm xúc từng ngày cùng vợ chăm con.

 

Kẻ sống trên mây giờ đã “trưởng thành”

Trước khi có vợ, Lê Minh Quốc là người sống trên mây, không biết việc nhà, bởi đã có mẹ già chu tất mọi việc. Anh kể kỷ niệm đặc biệt về mẹ: “Khi nằm bệnh trước ngày mất, cứ tỉnh táo mẹ tôi thường bảo: “Con chịu khó ăn cơm ngoài đường vài ngày, lúc nào khỏe, về nhà mẹ nấu cho con ăn”. Người mẹ 90 nói với người con đã xấp xỉ 60, nay nhớ lại tôi vẫn luôn rưng rưng”.  Nhưng khi có vợ con, kẻ  “say mê với công việc viết lách, bay nhảy rong chơi tùy thích, không nhúng tay đến việc gì” bỗng thành người khác với nếp sinh hoạt khác. Một ngày của Lê Minh Quốc giờ chỉ có thể tóm gọn trong hai chữ “tất bật”: “Muốn viết lách phải thức giấc chừng 4,5 giờ sáng vì khi đó con đang ngủ. Bé nhóc đã thức dậy thì xem như “xong phim”.

Mỗi sáng nối tiếp vẫn là động tác loay hoay bồng con phơi nắng, nấu nước tắm, rồi cho con ăn dặm, bú sữa… Nháy mắt đã 9 giờ. Bấy giờ mới điểm tâm. Chẳng mấy chốc đã trưa. Vừa lo cơm trưa, vừa lo nấu nướng cho bé nhóc. Nếu thuận buồm xuôi gió, chừng 13 giờ có thể cơm đũa lên mâm. Có lúc 14 giờ vẫn chưa cơm nước gì. Thời gian lại trôi vèo. Ngửa mặt lên nhìn đồng hồ đã 17 giờ, lại đến giờ phải bồng con đưa đi dạo mát”. Tất bật thế mà vẫn ra thơ: “Thời gian đảo lộn tùng phèo/ Lịch sinh hoạt phải tuân theo cô Mì/ Lạ ghê, bé tỉ tì ti/ Chỉ lên tiếng khóc tức thì... đổi thay”.

Thi sĩ sống trên mây ngày nào bỗng nhận ra “Chính em Mì đã thay đổi đời mình, thay đổi suy nghĩ mình trong mọi chuyện, dù lớn, dù bé”. Niềm vui của Lê Minh Quốc trong giai đoạn này là giặt quần áo, thay bỉm cho con: “Nhìn mọi thứ nhỏ xíu, thơm thơm mùi sữa, thương lắm. Tất cả việc này càng khiến tôi nhớ đến ba mẹ mình ghê gớm. Ngày xửa ngày xưa mẹ mình, ba mình, đã từng lo toan cho mình từng ly từng chút, ấy thế, mình vô tâm quá, nào có biết đâu”. Ở tuổi 60, Lê Minh Quốc xác nhận “đã trưởng thành”, bởi vì “đã biết chăm sóc cho con”. Anh muốn ba mẹ nhìn thấy sự “trưởng thành” của mình: “Hỡi ôi, ba mẹ đã khuất bóng, đâu còn chung vui với hạnh phúc lớn lao này”, thi sĩ cảm thán.

Hỏi Lê Minh Quốc làm cha ở tuổi 60, ưu điểm lớn nhất là gì? Nhà văn, nhà thơ, nhà báo đáp bằng thơ: “Sáu mươi năm một kiếp người/ Từ trong nhân-quả, trang đời mở ra”. Hoàn toàn khác với những ai ngoài ba mươi đã có con. Ưu điểm lớn nhất với tôi vẫn là sự trưởng thành, thật sự trưởng thành và bắt đầu tự ý thức, từ đây mình không thể lựa chọn mọi việc theo ý mình, vì đang gánh vác một “sứ mệnh” quan trọng, lớn lao hơn rất nhiều: Sống vì con. Từ đây, hơi thở của mình đang là “thở theo con” trong từng giây từng phút: “Nhẫn nại, bền lòng, quên mệt nhọc/Từng ngày ba mẹ… thở theo con” con”.

Lê Minh Quốc cầu kỳ từ cái tên đặt cho con. Mẹ anh tên Ân, con gái anh tên Ấn, Lê Minh Quốc Ấn: “Mẹ bây giờ trong đời thường đã ẩn/ Ân bây giờ là sắc ấn hài nhi”. Bé Ấn có nickname “Mì”: “Đơn giản chỉ vì vợ chồng tôi thích… ăn mì Quảng, kể cả các loại mì của người Hoa. Hơn nữa, mì còn gợi đến đồng âm của “mì” trong “nhu mì” nữa”. Nickname của con cũng phải gợi nhớ mảnh đất anh yêu như máu thịt, gợi nét nhu mì con gái, còn tên chính thức lại là tên bà ngoại tái sinh. Làm gì cho con, dù bé xíu, Lê Minh Quốc cũng nghĩ trước, nghĩ sau cẩn thận. Bé Mì đúng là một trong những em bé sung sướng nhất trần gian.

 

“Chồng già, vợ trẻ là tiên”

Ba người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời Lê Minh Quốc chắc chắn là mẹ, vợ và con gái anh.  Năm ngoái, anh cưới vợ náo nức cả làng văn, làng báo. Chắc nhiều người mừng cho chú rể 59 tuổi  lấy được cô dâu quá trẻ, kém anh gần 30 tuổi. Bài thơ anh viết tặng vợ, Liên Anh, được đặt tên “Bắt đầu”: “Mừng em - ngọn nắng xuân thì/ Vỗ về chăn gối nhu mì Liên Anh/ Mùa tình tuổi trẻ đang xanh/ Từng đêm giấc ngủ an lành có nhau  Mừng em - mừng đến xưa sau/ Tượng hình sự sống dạt dào tinh khôi/ Niềm vui từ một vành nôi/Từ đây đi,đứng, nằm ngồi… an nhiên”.

 Tác giả “Người Quảng Nam” chủ yếu viết thơ cho con, thơ cho vợ “có đôi bài”. 60 tuổi đủ trải đời, Lê Minh Quốc thừa biết trong cuộc sống gia đình thứ người đàn bà cần nhất không phải là thơ: “Họ cần nhất là sự cảm thông, chia sẻ, chung tay của người chồng trong việc chăm sóc con, tạo dựng mái ấm.  Họ cần chỗ dựa tinh thần trong cuộc hành trình dài lâu”.  Tổng kết của người xưa “Chồng già, vợ trẻ là tiên” hoàn toàn chính xác: “Ít ra đối với tôi. Do còn trẻ nên cô ấy mới có thể gánh vác hết những việc chi li, cụ thể trong từng ngày nuôi con, chứ cỡ như tôi mà đêm nào cũng thức dậy, cũng lo toan như vợ chăm sóc con thì đã… “sụm bà chè” từ khuya”, Lê Minh Quốc cảm kích nói về vợ.

Có nhiều lí do thuyết phục người trên mây Lê Minh Quốc xuống mặt đất lấy vợ. Một trong những lí do quan trọng: Lúc mẹ anh nằm viện thập tử nhất sinh, nàng đã túc trực chăm sóc chu đáo như con cái trong một nhà. “Vì sao nàng sinh năm 1986 lại mê anh sinh năm 1959?”, tôi hỏi. Lê Minh Quốc vui vẻ trả lời: “Cô ấy thích tôi vì tôi vui tính, biết nói đùa. Tôi đùa rằng: “Nếu em không yêu anh, cô khác nhảy vào chiếm lấy anh thì lỗi ấy… thuộc vể em”.

Sau câu nói ấy, tôi đưa chìa khóa nhà, cô ấy muốn ra vào, muốn làm gì thì làm. Hành động này khiến cô biết rằng, tôi nói thật chứ không hề… đùa”. Bí quyết “cưa” vợ trẻ của Lê Minh Quốc vào hàng “siêu đẳng”. Và anh cũng là thi sĩ khéo nịnh vợ hàng đầu. Trước mắt cô con gái bé bỏng, anh tung vợ “lên mây”: “Mẹ con không kém gì nữ tướng/ Không cần âm nhạc lẫn thơ văn/Tung chiêu một phát là oanh liệt/ “Vệ tinh” của ba chạy có cờ/ Vì sao giỏi thế? Vì sao thế? Bửu bối là con - rất thiên thần/Ba cũng đầu hàng vô điều kiện/ Tự nguyện từ đây hết Don Juan”. Tung hô cả vợ lẫn con song Lê Minh Quốc cũng không quên “PR” cho mình. Nhận mình là “Don Juan” cũng là cách “dọa vợ” sang chảnh đó chứ? Thế mà khi bảo anh kể cho nghe một kỷ niệm về vợ trẻ, anh nhanh chóng từ chối: “Để lần sau nhé. He he và he he”.

Box

Phất cao ngọn cờ trắng đầu hàng

Thi sĩ gắn bó máu thịt với mảnh đất có tiếng “hay cãi” (“Quảng Nam hay cãi”) song trong chuyện gia đình, mỗi khi gặp sóng gió, lại chủ động xuống nước, giảng hòa và kiên quyết… phất cao ngọn cờ trắng đầu hàng: “Êm chuyện càng nhanh càng tốt, vì một khi đã có con nếu vợ chồng bất hòa, cơm không lành canh không ngọt thì gánh lấy phần thắng vẫn là cách trút nỗi ấm ức, ghen tuông, hờn giận vào bé nhóc. Con còn quá nhỏ, tội tình gì mà phải hứng lấy sóng gió của phụ huynh? Nhận lỗi về phần mình một cách chân thành cũng là nghệ thuật “tháo ngòi nổ”. Hơn nữa, cụ Nguyễn Du đã dạy: “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”. Nghe Lê Minh Quốc bàn về thuật giữ gìn tổ ấm, mới hay, chồng già mà lại là thi sĩ, cũng là một lựa chọn tuyệt vời của những cô gái đang đi tìm “một nửa”.

Nông Hồng Diệu

(nguồn: Báo Tiền Phong chủ nhật - ngày 8.12.2019)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com