TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc

Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc

Mục lục
Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc
* Tôi và đàn bà (báo SGGP)
* * Lê Minh Quốc và... đàn bà (Tạp chí Duyên dáng Việt Nam)
* Tôi và đàn bà (TTC, AT & TGPN)
* Nhà thơ Lê Minh Quốc: Bẩm sinh đã sợ đàn bà (báo THỂ THAO & VĂN HÓA)
* Tôi và đàn bà: Luận chuyện phụ nữ kim - cổ - Đông - Tây (báo Pháp luật TP.HCM)
* LÊ MINH QUỐC: Trả lời Bloggazin.com về TÔI VÀ ĐÀN BÀ
* Nhà thơ Lê Minh Quốc: Viết như đã sống
* TÔI VÀ ĐÀN BÀ (tạp chí Người Làm Báo)
Tất cả các trang

“Điều gì đã làm nên người đàn bà?”

Câu hỏi khiến biết bao nhiêu học giả, nhà văn, nhà thơ từ cổ chí kim đau đầu đi tìm lời giải đáp. Và nhà thơ Lê Minh Quốc, tác giả của “Gái đẹp trong tôi” phải mất gần cả đời người cho câu hỏi này. Anh, cái người mà  “ngay từ lúc oa oa chào đời đã... sợ đàn bà. Thuở nhỏ, sống trong nhà thì sợ mẹ, sợ chị; đến trường, sợ cô giáo; lên đại học, sợ bạn gái lẫn người yêu và đến lúc đi làm kiếm sống, trời ơi, ròng rã gần ba mươi năm trời, tôi chỉ làm việc dưới quyền của sếp nữ”. Viết “Tôi và đàn bà”, Lê Minh Quốc đang liều lĩnh đặt mình vào phía một đầu cân, phía bên kia là cả một nửa của thế giới. Anh đứng một mình trong tương quan bất cân xứng “Tôi” - “đàn bà” chứ không phải “đàn ông” - “đàn bà”. Hoặc anh đang rất can đảm, hoặc là anh đang rất… điên.

 

Toi_va_dan_ba_phuong_nam

Bìa sách TÔI VÀ ĐÀN BÀ. Hiện nay sách đã phát hành, có thể tìm mua tại hệ thống Nhà sách Phương Nam

 

Anh bắt đầu cuốn sách của mình bằng lời than của một người đàn ông trong Thần thoại Ấn Độ ôm mặt khóc hu hu sau khi chung sống với người đàn bà do đấng Twashtri tạo ra: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Câu trả lời là: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”.

Tại sao vậy?

Vì, Lê Minh Quốc bắt đầu lý giải: “Đàn bà cũng là muối. Vị mặn của muối là một giá trị như sự hiện hữu của đàn bà trong cõi ta bà này”. Và theo anh “Những ai nếu chưa bước vào đời sống hôn nhân thì chưa thể cảm nhận hết hỉ, nộ, ái, ố của kiếp người trần tục. Những ai chưa có cho mình một (hoặc nhiều) người đàn bà; và chưa từ người đàn bà đó tạo ra một hình bóng nối tiếp của mình thì người đó chưa trưởng thành. Muôn đời chỉ là đứa trẻ. Một đứa trẻ lớn xác. Đứa trẻ ấy dẫu đi hết một vòng sinh tử, khởi đầu từ vành nôi đến tận cùng nấm mộ thì cũng chỉ là sự tồn tại không đầy đủ, không trọn vẹn của một kiếp người”.

Trở lại câu hỏi đầu tiên: “ Điều gì đã làm nên một người đàn bà?”

Theo Lê Minh Quốc, để tạo ra một người đàn bà, đấng tạo hóa đã phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp:   Ngài đã lấy vành tròn của vầng trăng , lấy sự lấp lánh của sao trời, lấy hình thon thon của ngà voi, lấy dáng yểu điệu, ẻo lả của cây liễu, lấy sự mơn mởn đầu mùa, sự mịn màng như nhung, lấy tính lất phất của lá trúc, lấy đường cong của các dây leo, lấy tua uốn của cây nho, lấy sự run rẩy của cỏ, lấy sự mềm mại của lau sậy, lấy sự vướng vít của tơ lấy sự rực rỡ của cánh bướm, lấy dáng nhẹ nhàng của nắng mai, lấy sự dịu dàng của nai, lấy sự nhí nhảnh của chim sáo, lấy sự nhút nhát của thỏ, lấy ánh nắng tươi vui, lấy vẻ u uất của mây mù, lấy cái vị ngọt ngào, đậm đà của mật ong, lấy cái khoắc khoải bất chợt của làn gió, lấy sự cuồng nộ của biển động lấy sự kiêu căng vô lối của công, lấy sự cứng rắn của kim cương, lấy tính mong manh của hạt sương ( Bí ẩn của tạo hóa).

Nghe anh nói, những người phụ nữ thì sung sướng, và không ít người đàn ông lấy làm ghen tị vì sinh ra đã không được làm đàn bà.

Đương nhiên, nếu chỉ có những cái đẹp đẽ đó thì người đàn ông trong thần thoại Ấn Độ và biết bao ông chồng ngày nay đâu phải ngồi ôm mặt khóc hu hu và than thở: “Tôi không thể nào sống chung được với nó?”.

Hãy nghe Lê Minh Quốc nói tiếp: Ngài lấy tính tàn bạo của hổ báo, lấy tính lang chạ của phấn thông vàng, lấy lạnh lùng của băng tuyết, lấy tiếng gù gù của bồ câu, lấy nét đỏm dáng và tính giả dối của mèo, lấy cái cháy bỏng của hỏa diệm sơn, lấy giọng ca du dương của họa mi, lấy tiếng kêu quang quác, thô kệch của loài ngỗng, sự trung thành của chó cũng như sự trở mặt của cáo, lấy tính đa sự của ý tưởng... Ngài lấy tất cả, tất cả rồi trộn lại với nhau để tạo nên người đàn bà. Cũng có thể trong cái sự “tất cả” này còn phải có thêm... những giọt nước mắt của cá sấu nữa chứ?.

Bởi vì sở hữu những đức tính trên cho nên dù cho các ông chồng có cất tiếng than xé ruột: “Trời! Sống như thế này thà chết còn hơn”. Và nếu thực sự “Được “chết” lúc ấy sung sướng biết bao nhiêu. Hả hê biết bao nhiêu. Khoái trá biết bao nhiêu. Thế mà ta vẫn cứ tiếp tục sống để “chiều chuộng” cho bằng được tính nết “trái gió trở trời” của họ”. Cái sự nó nằm ở chỗ ấy. Thế mới khổ.

Và đó cũng chính là lý do khiến cho “Con cá đã một lần chui tọt vào trong lờ, tìm mọi cách để thoát ra dẫu là tuyệt vọng và may sao, thoát được. Ấy vậy, khi đã thoát, đã tự do với sông hồ tung tăng thì nó lại tìm mọi cách... chui tọt vào trong lờ!”.

Không phải đàn bà vùng nào cũng giống nhau. Với người đẹp miền Bắc nơi có con sông Hồng uốn mình chảy qua, Lê Minh Quốc thường nghĩ đến cái ngon của bánh đúc. “Ngon bởi sự mịn màng của bột đã nhuyễn đến độ cổ điển, trở thành “khuôn vàng thước ngọc”.

Với nhan sắc sông Hương, Lê Minh Quốc nghĩ ngay đến sự tảo tần một nắng hai sương và liên tưởng đến hình ảnh và cái ngon thâm trầm, kín đáo của bánh bèo.

Và với người đẹp sông Cửu Long anh lại liên tưởng đến cái ngon của bánh xèo. “Lời nói cứ nhẹ như ru, sao ta không tưởng tượng ra một khuôn mặt thẹn thùng đang cúi mặt, mắt lúng liếng và tay đang vân vê vạt áo bà ba?” ( Phụ nữ ba miền).

Cứ thế, anh lần lượt đi vào rất nhiều lĩnh vực thi ca, nhạc, họa… và từ đó lôi ra những “nét” đàn bà rất thơ và cũng rất… sex. Có thể kể ra như: Thư trung tự hữu nhan như ngọc, Sex? Vâng chính là sex, Tuổi của nàng, Cảm giác của dục tính, Kinh nghiệm của tình yêu, Với đàn bà, đàn ông chỉ là đứa trẻ, Biên bản tự kiểm điểm, Nội tướng, Không là “đặc quyền” của đàn bà, Nữ tính của đàn bà không ở trong góc bếp, Tại sao cứ phải hy sinh?, Ám ảnh của quá khứ, Thế mới là đàn bà, Con hư tại ai? Thưa quý ngài, sao không tự nâng mình lên?...

Và sức hấp dẫn của cuốn sách đến tận trang cuối cùng. Lời bạt của cuốn sách dành cho một người đàn bà, một người đàn bà thực sự. Người không bao giờ tự nhận mình là em, là cô, là bà hay là mẹ, người luôn luôn nghĩ và tin rằng mình đẹp: Chị Đẹp. Với lời thách thức: “Nếu tôi là đàn ông”.

Như vậy, dường như Lê Minh Quốc đã lấy lại thế cân bằng và sức nặng đang từ từ lệch về phía anh của cán cân. Một nửa của thế giới đang dịch chuyển về phía anh và phía bên kia là một người đàn bà với tiếng cười ngạo nghễ.

Ngân Hoa

                                                                (nguồn:  http://www.phuongnambook.com.vn/book_point.php?id=264)


 

Tôi và đàn bà

Phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với người nghệ sĩ, đặc biệt là với Lê Minh Quốc. Với cương vị một nhà báo, gần ba mươi năm anh làm báo liên quan đến phụ nữ; với vai trò một họa sĩ thì phụ nữ là chủ đề chính trong tranh của anh; đến với thơ văn hình ảnh người phụ nữ ở khắp mọi nơi. Thậm chí, với vai trò một nhà nghiên cứu, khi thực hiện công trình về danh nhân Việt Nam người ta cũng bảo Lê Minh Quốc viết cho danh nhân nữ nhiều hơn! Cách đây hai năm, anh cho ra mắt bạn đọc cuốn sách đầu tiên của mình về đề tài phụ nữ với một nhan đề làm rất nhiều người ganh tị Gái đẹp trong tôi và mới đây là tác phẩm Tôi và đàn bà. Dù không chính thức nhưng như chính tác giả có dịp thổ lộ, có thể xem Tôi và đàn bà là phần nối tiếp của Gái đẹp trong tôi.

Rất khó để xếp Tôi và đàn bà vào dạng nào, về danh nghĩa đây là một tác phẩm phiếm luận. Nhưng trong đó, bạn đọc lại có thể thấy được ký ức của tác giả về ảnh hưởng của phụ nữ, đàn bà đối với cuộc đời của mình. Cũng có thể xem đây là tác phẩm thơ bằng văn xuôi khi đọc nhưng dòng văn đầy chất thơ: “Tôi đã từng phiêu lưu trên mênh mông của một vùng thân xác mà ngoài khơi xa chập chùng sóng vỗ và những ngọn đèn trên thuyền đánh cá lấp lánh tựa các vì sao rọi xuống…”. Cũng có đoạn tác phẩm lại thể hiện sự trần tục đầy hình ảnh như ở chương viết về phụ nữ ba miền, tác giả đã liên tưởng hình ảnh người phụ nữ ở mỗi miền đất của Tổ quốc bằng chính các loại món ăn từ bột đặc trưng của vùng đất đó. Đây là người đẹp sông Hồng có cái mịn màng của bánh đúc; nét đẹp sông Hương thâm trầm, kín đáo như vị ngon của bánh bèo; rồi cái giòn giòn, nồng nàn của rau xanh và tươi trong bánh xèo khắc họa hình ảnh vẻ đẹp của cô gái sông Cửu Long.

Có thể nói, khi đọc tác phẩm của Lê Minh Quốc, nếu đọc bằng một tâm thế thật phóng khoáng, đọc toàn bộ và nhìn lại, bạn đọc sẽ có cảm giác như anh đang giúp khắc họa cách mà người đàn ông nghĩ về người đàn bà. Có lúc nhẹ nhàng lãng mạn như bài thơ, có khi triết lý, suy tư như nhà hiền triết và không ít lần lại trần tục như một kẻ sành ăn nhớ về một món ngon. Tất cả mâu thuẫn lẫn nhau nhưng cũng đồng thời gắn kết hợp lý với nhau cũng như sự mâu thuẫn của đàn ông khi nghĩ về phụ nữ. Nếu bạn đọc là nam chắc hẳn sẽ gật gù tâm đắc, mà nếu là nữ thì như Lê Minh Quốc nói “…kẻ phàm phu tục tử như tôi thì làm sao có thể hiểu được bí ẩn của tạo hóa…”.

Một điều khá đặc biệt của Tôi và đàn bà là nếu quá mệt mỏi trong việc cố gắng cùng Lê Minh Quốc tìm hiểu về phụ nữ, bạn có thể xem tác phẩm này dưới góc độ một tài liệu nghiên cứu độc đáo về vấn đề nam nữ. Lê Minh Quốc đã đưa vào tác phẩm của mình nhiều thông tin lý thú như việc anh tiết lộ từ 300 năm trước, người Việt đã viết về tình dục rất bạo. Tiêu biểu là một tác phẩm được lưu trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm với mã số A.2829. Đây là một bản chép tay của tác phẩm có tên Hoa viên kỳ ngộ tập, gồm 46 tờ tương ứng 92 trang 27x15cm, trang đầu có đóng dấu của Thư viện Viễn đông Bác cổ Pháp. Lê Minh Quốc cho biết: “Hoa viên kỳ ngộ tập không ghi tên tác giả, nhưng câu chuyện diễn ra tại đất Nam Xang tương ứng với huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hiện nay… Có thể so sánh Hoa viên kỳ ngộ tập như một Tây sương ký. Rất tiếc, thời đó chúng ta không có một nhà phê bình văn học cỡ Kim Thánh Thán để nhận ra giá trị của tiểu thuyết viết chuyện phòng the thuộc loại đầu tiên của người Việt”.

 

XUÂN THÂN

(nguồn: báo SGGP 8.6.2013/ http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sachvacuocsong/2013/6/320487/)

 


 

 

* Lê Minh Quốc và... đàn bà

 

tivadanbaddvn

(nguồn: Tạp chí Duyên dáng Việt Nam số tháng 5.2013)


 

tuoitre-cuoitoibvadanba

                                                                                                                                   (nguồn: Tuổi trẻ cười số 1.5.2013)

thegiophunu

(nguồn: Tạp chí Thế giới phụ nữ 13.5.2013)

doanthachbien-ai-thu-1Rbien-2R

(Nguồn: Ái Thư / Tập san Áo Trắng 15.5.2013)

 

* Có cả “con gái” lẫn “đàn bà”

 

Không hiểu có hẹn hò, giao ước gì với nhau không mà hai cây bút nổi tiếng trong làng văn, làng báo Nguyễn Đông Thức và Lê Minh Quốc cùng ra sách trong một thời điểm, tựa sách như “2 chị em song sinh” bởi cùng viết về phái đẹp: Con gái vốn phức tạp (Nguyễn Đông Thức), Tôi và đàn bà (Lê Minh Quốc).

Đọc xong 15 truyện ngắn của Nguyễn Đông Thức, tôi lắc đầu bật thốt “Con gái là như vậy sao ? Thật không thể hiểu nổi ?!”.

Còn tập tản văn của Lê Minh Quốc, gồm những bài viết đã đăng tải trên tạp chí Duyên Dáng Việt Nam và những ấn phẩm khác, lại là những áng văn ngợi ca người phụ nữ với rất nhiều trích dẫn và diễn giải từ  tục ngữ ca dao đến thơ văn nhạc họa, đồng thời thể hiện những chiêm nghiệm trong quá trình “chung sống, chung chạ và chung thân với họ”, trong đó đặc biệt tác giả thể hiện quan điểm “giải phóng phụ nữ” rõ rệt...

Cũng cần nói thêm, trước đây Lê Minh Quốc đã từng có một cuốn sách với đề tài tương tự: Gái đẹp trong tôi (lấy cảm hứng từ Truyện Kiều). Cả hai cuốn sách trên đều do NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty sách Phương Nam ấn hành tháng 4.2013

H.Đ.N

(nguồn: http://m.thanhnien.com.vn/Detail.aspx?ID=143139)


 

 

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Bẩm sinh đã sợ đàn bà (báo THỂ THAO & VĂN HÓA)


(Thethaovanhoa.vn) - Trung bình mỗi năm Lê Minh Quốc xuất bản ít nhất một cuốn sách, có khi là thơ, hoặc biên khảo hoặc tạp bút... Chưa kể hằng ngày anh phải chu toàn công việc của cơ quan báo Phụ nữ TP.HCM; anh còn cặm cụi viết theo đơn đặt hàng của các báo bạn. Anh cho biết viết được khỏe như vậy vì cả đời sống độc thân nhưng lại rất sợ… đàn bà.


lmq

Nhà thơ Lê Minh Quốc

NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book vừa ấn hành tập phiếm luận Tôi và đàn bà của Lê Minh Quốc. Đây là cuốn sách cung cấp nhiều nghiên cứu thú vị về quan hệ nam nữ xưa nay, trong đó có chuyện phòng the của người Việt, đồng thời Lê Minh Quốc cũng gửi gắm khá nhiều tình riêng của chính anh.

Tiểu thuyết về phòng the của người Việt hơn 300 năm trước

Tình dục vẫn là chủ để "nhạy cảm" ở nước ta hiện nay. Nhiều cuốn sách đề cập đến sex đã bị thu hồi, một số triển lãm chuyên đề ảnh khỏa thân đã bị từ chối. Tất nhiên, nhiều tác phẩm trong số này không hợp với “thuần phong mỹ tục” nên bị “từ chối” là lẽ đương nhiên.

Vậy nhưng, hơn 300 năm trước, người Việt đã viết về tình dục rất táo bạo. Thật thú vị khi trong Tôi và đàn bà, Lê Minh Quốc đã bật mí về chuyện này. Cuốn sách với nhiều chuyện phòng the ấy có ký hiệu A.2829 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với một bản chép tay duy nhất có tên Hoa viên kỳ ngộ tập, gồm 46 tờ tương ứng 92 trang 27x15cm, trang đầu có đóng dấu của Thư viện Viễn đông Bác cổ Pháp.

Lê Minh Quốc cho biết: “Hoa viên kỳ ngộ tập không ghi tên tác giả, nhưng câu chuyện diễn ra tại đất Nam Xang tương ứng với huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hiện nay. Tác phẩm này tôi đọc qua bản dịch của ông Phan Văn Các - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Có thể so sánh Hoa viên kỳ ngộ tập như một Tây sương ký của Vương Thực Phủ bên Tàu. Rất tiếc, thời đó chúng ta không có một nhà phê bình văn học cỡ Kim Thánh Thán để nhận ra giá trị của tiểu thuyết viết chuyện phòng the thuộc loại đầu tiên của người Việt”.

Hoa viên kỳ ngộ tập kể về chuyện tình của chàng trai tuấn tú, học giỏi tên Sinh và hai chị em ruột con nhà gia giáo Lan Nương và Huệ Nương. Mối tình này được diễn đạt với ngôn ngữ tiểu thuyết có nhiều cảnh quan hệ tính dục được viết rất “mạnh tay”. Cô chị Lan Nương sẵn sàng “chia sẻ” chàng Sinh với em gái Huệ Nương, thậm chí còn với cả “osin” của hai nàng này nữa. Kết thúc câu chuyện có hậu khi chàng Sinh đi thi đỗ đạt và cả ba người cùng sống chung êm ấm.

Vậy Hoa viên kỳ ngộ tập xuất hiện trước công chúng rộng rãi ở đâu? Lê Minh Quốc cho biết: “Tiểu thuyết này in trong Tổng tập Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (NXB Thế giới -1997) là công trình công phu, nghiêm túc Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tuy nhiên, những bộ sách như thế hạn chế người đọc, vì chỉ có dân nghiên cứu mới đọc loại sách này. Trong phần đề dẫn liên quan đến Hoa viên kỳ ngộ tập, nhà nghiên cứu Trần Nghĩa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết: “Phải chăng đó là phản ứng, thậm chí một cách trả thù đối với những khắt khe của lễ giáo phong kiến trong lĩnh vực tình yêu mà tác giả Hoa viên kỳ ngộ muốn giải tỏa để đi tới chỗ được tự do yêu đương, tự do ân ái theo tiếng gọi bản năng của sinh vật tiềm ẩn trong mỗi con người?”.

 

toi-va-dan-baTTVH

Tôi và đàn bà


Sợ đàn bà nhưng không thể sống thiếu họ

Khoảng hai năm trước, Lê Minh Quốc đã in cuốn Gái đẹp trong tôi, có thể nói là tập Tôi và đàn bà đầu tiên vậy. Với Gái đẹp trong tôi, Lê Minh Quốc “luận” về phụ nữ, từ cảm hứng Truyện Kiều đến các câu tục ngữ, ca dao viết về tình yêu đôi lứa của người Việt. Ở Tôi và đàn bà, ông nhà thơ này cũng “luận” về phụ nữ nhưng “lấy cảm hứng” từ chính “nỗi sợ đàn bà” của mình.

Lê Minh Quốc “tự thú” về nỗi sợ ấy rất… thật thà: “Chẳng có gì phải giấu giếm, bình sinh tôi là người nhút nhát, ngay từ lúc oa oa chào đời đã… sợ đàn bà. Thuở nhỏ, sống trong nhà thì sợ mẹ, sợ chị; đến trường sợ cô giáo; lên đại học sợ bạn gái lẫn người yêu. Khi đi làm kiếm sống, trời ơi, ròng rã gần 30 năm, tôi chỉ làm việc dưới quyền của sếp nữ”.

Có phải vì “bẩm sinh đã sợ đàn bà” nên Lê Minh Quốc đã viết các cuốn sách “luận” về “một nửa thế giới” nhằm lý giải nỗi sợ của mình hay không? Những ai biết về cuộc sống riêng tư của nhà thơ này đều có thể khẳng định: “Lê Minh Quốc làm người tình rất thành công, được rất nhiều quý bà, quý cô yêu thích. Nhưng Lê Minh Quốc lại là kẻ thất bại trong cuộc sống gia đình”. Chính anh thừa nhận: “Tôi thất bại não nề và cay đắng”.

Tôi và đàn bà được tác giả chia ra 17 chương để lý giải “nỗi sợ” ấy của anh: Bí ẩn tạo hóa, Phụ nữ ba miền, Tuổi của nàng, Cảm giác của dục tính, Con hư tại ai?, Thưa quý ngài, sao không tự nâng mình lên?... Không chỉ là kinh nghiệm cá nhân về… đàn bà, Lê Minh Quốc còn trích dẫn rất nhiều thơ, văn viết về tình yêu, chăn gối mà anh cho là đúng với những gì mình đã trải nghiệm.

Như người đàn ông khóc thống thiết nói với đấng Twashtri: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Đấng Twashtri trả lời: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”. Hóa ra, Lê Minh Quốc cũng giống như câu trả lời của đấng Twashtri, anh vừa sợ nhưng không thể trốn tránh nỗi sợ của chính mình, thậm chí còn “yêu nồng nàn” nỗi sợ đó nữa.

Điều thú vị trong Tôi và đàn bà là lời bạt lại do “một bà” viết. Tác giả Chị Đẹp (blogger Lê Phương Thảo), nhận định về Tôi và đàn bà: “Nếu tôi là đàn ông, tôi muốn người đàn bà của tôi: Nói cho tôi biết họ muốn gì. Và đừng bao giờ muốn tôi là nơi nương tựa của họ. Nghe hãi lắm”.

 

Trần Hoàng Nhân

(nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa 19.5.2013/  http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/nha-tho-le-minh-quoc-bam-sinh-da-so-dan-ba-n20130519031741664.htm)


 

Tôi và đàn bà: Luận chuyện phụ nữ kim - cổ - Đông - Tây 

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc là người đọc sách nhiều bởi anh thích làm sách khảo cứu.

Chuyện tình duyên, hôn nhân, gia đình của Lê Minh Quốc cũng có phần đặc biệt. Thế nên với hai yếu tố này, đọc tác phẩm mới nhất Tôi và đàn bà của Lê Minh Quốc sẽ chẳng lạ để thấy Lê Minh Quốc nói chuyện đàn bà từ cổ tới kim, từ Đông tới Tây, từ thơ văn ra đời thực; và cũng có lúc người đọc tủm tỉm cười vì thấy một người đàn ông trẻ con trong ấy. Song chính vì thế mà Tôi và đàn bà mang lại ít nhiều thú vị cho những ai đọc nó.

Ở Tôi và đàn bà, Lê Minh Quốc nói những chuyện rất truyền thống như vẻ đẹp của phụ nữ ba miền Bắc - Trung - Nam, đức hy sinh của phụ nữ… Anh nhắc chuyện xưa Thư trung tự hữu nhan như ngọc (kể chuyện người xưa ví người con gái đẹp như ngọc); nhắc chuyện tình của Thôi Oanh Oanh - Trương Quân Thụy trong cổ thư Mái tây của Trung Hoa… Thế rồi thoắt cái anh nói ngay vào những đề tài hiện đại như phụ nữ và sex, lấy vợ lớn tuổi, tình phí, ghen với người thứ ba… Người đọc, dù có đồng tình hay không với quan điểm, suy nghĩ của Lê Minh Quốc về hôn nhân, gia đình, phụ nữ… thì cũng sẽ mỉm cười cho qua. Bởi chính Lê Minh Quốc đã thú nhận trong quyển sách “với đàn bà, đàn ông chỉ là đứa trẻ con lớn xác”. Và anh vừa sợ vừa yêu quý, trân trọng đàn bà, không thể sống thiếu họ, dù với anh, đàn bà là hiện hữu cả ngọt ngào và cay đắng…

HÒA BÌNH

(nguồn:  http://phapluattp.vn/20130519112323706p1021c1087/toi-va-dan-ba-luan-chuyen-phu-nu-kim-co-dong-tay.htm)


LÊ MINH QUỐC: Trả lời Bloggazin.com về TÔI VÀ ĐÀN BÀ

 

Mùa sách sắp đến. Những hội hè, những triển lãm, những buổi ra mắt sách sẽ nhộn nhịp rộn rịp hơn bao giờ. Trong làn sóng sách mới vừa phát hành, có cuốn TÔI VÀ ĐÀN BÀ của nhà thơ, nhà văn, nhà báo Lê Minh Quốc. Bloggazin.com có cuộc đối thoại thú vị với anh Lê Minh Quốc. Mỗi người có lẽ sẽ hiểu theo… một kiểu khác nhau với bài trả lời phỏng vấn này.


Bloggazin: Được biết cuốn TÔI VÀ ĐÀN BÀ của anh vừa phát hành. Trước đó là cuốn GÁI ĐẸP TRONG TÔI. Vì sao anh liên tục chọn viết về Đàn Bà như thế?

Trong tôi có những con người

Lúc đang khóc cũng là cười đấy thôi

Kìa trông cỏ mướt trên môi

Chỉ nháy mắt đã ngậm ngùi héo khô

Vừa nghe dậy sóng nhấp nhô

Đã im lặng cõi hư vô ngàn trùng

GÁI ĐẸP vừa đến sau lưng

Thốt nhiên lớn dậy mùa xuân ĐÀN BÀ

Phải nhìn trong mỗi sát-na

Vòng quay sinh tử cũng là tử sinh

Nhìn em, tôi rợn bình minh

Cũng là giây phút tự tình hân hoan

ĐÀN BÀ, tôi viết từng trang

Cũng là GÁI ĐẸP hàng hàng bước qua

Bloggazin: Có người viết về một chủ đề nào đấy vì bị ám ảnh, nhưng người ta cũng thường cho rằng, khi một người thường tỏ ra biết rất nhiều về một vấn đề gì đấy, cũng chính là vì họ không biết gì cả. Anh thì thế nào?


Tôi biết gì nắng đang non

Biết gì cỏ mọc rập rờn bướm hoa?

Biết gì trong cõi ta bà

Từ trong tuyệt lộ sinh ra con người?

Biết gì vị? Biết gì mùi?

Biết gì bia mộ ngậm ngùi nhân sinh?

Biết gì ái? Biết gì tình?

Biết gì Nước - Lửa cuộn mình cuốn nhau?

Biết gì thăm thẳm ngàn dâu

Câu thơ vừa rớt ngang đầu sớm mai?

Biết gì nhập một thành hai

Thấy hai là một miệt mài truy hoan?

Biết gì tôi? Biết gì nàng?

Tôi không biết.

Biết nắng vàng đang ngon

 

Bloggazin: Anh trải qua nhiều hôn nhân, nhiều mối tình đổ vỡ, hiện giờ vẫn độc thân vui tính. Kiến thức của anh về đàn bà là nguyên nhân làm anh chọn đời sống độc thân?


Con đường ngày nọ, tôi đi

Vừa lên núi đã tuột về biển sâu

Chạm vào sóng mặn gọi nhau

Đã nhìn thấy núi vẫy chào dưới chân

Đi tìm hoan lạc ngày xuân

Gặp mùa gió buốt sau lưng đắng lòng

Mới hay trong có có không

Có không không có phiêu bồng là mây

Em vừa níu chặt cánh tay

Đã xa cách một vòng quay luân hồi

Soi gương tôi lại gặp tôi

Một hai hai một đắp bồi xác thân

ĐÀN BÀ? Kinh nghiệm? Nguyên nhân?

Thưa không.

Hãy hỏi mây Tần nẻo xa…

Bloggazin: Cuốn Tôi Và Đàn Bà nghiêng về chiều hướng dục tính nhiều. Có liên quan gì đến những người đàn bà trong đời của anh?


Từ em, tôi lại sinh ra

Từ tôi, em mới bước qua xuân thì

Bloggazin:  Có lần anh đã nói “ khi đã đi qua một mối tình, anh quên sạch sẽ rằng trước đây anh đã từng yêu họ như thế”. Nhưng những bài thơ anh làm về tình yêu lại cứ thấm đẫm tuyệt vọng. Vì sao?

Nhớ mùi hương đã xa vời

Quên trong tiềm thức dậy lời cỏ xanh

Đìu hiu gió bụi chòng chành

Nhớ quên váy mỏng thập thành phố khuya

Nhớ tuyệt vọng tận mép rìa

Quên ngày dĩ vàng chia lìa mắt môi

Thời gian từng giọt trôi xuôi

Dòng xanh chảy ngược mù khơi tháng ngày

Câu thơ rơi tuột khỏi tay

Tượng hình ngữ nghĩa nhuốm đầy sương đêm

Từ nhớ đồng nghĩa là quên

Bởi hiện tại đã là em, em là…

Trong GÁI ĐẸP có ĐÀN BÀ

Thấy em gọi Chị.

Đậm đà Cỏ Thơm…

LÊ MINH QUỐC


 

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Viết như đã sống

 

Ồn ào, vui vẻ, lạc quan, bận rộn với công việc báo chí, những tưởng anh ít có thời gian tĩnh lặng để góp nhặt những điều về phụ nữ để in thành sách, vậy mà Lê Minh Quốc lại là một trong số những nhà thơ ra sách đều đặn nhất. Sách của anh đọc vui, lạ, thỉnh thoảng giật mình vì những trải nghiệm thú vị trong đời sông và đời viết của anh.

THIÊN KIM

(Thực hiện)

Quoc-Kim-R

Thưa nhà thơ Lê Minh Quốc, ý tưởng ban đầu của anh khi cho ra tập sách “Tôi và đàn bà” là gì?

- Sau tập sách “Gái đẹp trong tôi”, những cảm hứng suy nghĩ “đau đớn thay phận đàn bà” vẫn đầy ắp trong suy tư của tôi. Đó là những điều mà nhà thơ Ý Nhi từng chia sẻ rằng: “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn”. Vì thế, tôi tiếp tục với đề tài này và hiện vẫn đang còn viết. Viết như một sự khám phá chính mình về sự hiểu biết của mình về thế giới phụ nữ.

“Tôi và đàn bà” là một tập sách gây ấn tượng, nó như một cuốn tự bạch của bản thân anh về những người đàn bà đã đi qua trong cuộc đời với những quan niệm về tình yêu, về cách hành xử với những người phụ nữ trong cuộc đời mình. Anh có lo sợ những người phụ nữ trong đời anh sẽ… nổi giận?

- Tại sao lại nổi giận khi mà chính tác giả đã viết rằng: “Không biết ơn sao được, dù nàng có “thế này thế kia”, có nhiều lúc đem lại cho ta quá nhiều sự phiền toái, phiền muộn, rắc rối, gò bó, bực bội... Lúc ấy, ta những muốn chết quách đi cho rãnh cái nợ đời nhưng bình tĩnh lại đi, cứ nghĩ lại mà xem ai là người đã cho ta một mái ấm, một hậu phương vững chãi, một nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn? Và nhất là khi ta ngã ngựa đường dài, ai là người đầu tiên và cuối cùng kéo ta vào lòng, tin cậy, vỗ về như mẹ và  xoa đầu như bảo đứa con trai: “Đứng dậy đi anh”?. Nỗi giận sao được khi tôi đặt nhiều vấn đề phải thay đổi quan niệm về nữ tính, đức hy sinh… ở người phụ nữ: “Nhưng phải thay đổi từ đâu? Từ chính người đàn bà. Vâng, họ phải tự ý thức sự tự do cá nhân khi song hành cùng người đàn ông trên trái đất này. Đừng bao giờ mong đợi sự thay đổi ấy từ các đấng “râu hùm, hàm én, mày ngài”. Phải chính người phụ nữ, tự họ “giải phóng” thân phận mình. Đừng quên, sự tự do không đi cùng yếu đuối”.

Thậm chí, tôi khẳng định:  “Cho dù sau này, ngàn năm sau nữa quan niệm về cái Đẹp ở người đàn bà có thay đổi, tất nhiên thay đổi, nhưng tôi rằng, có một giá trị vĩnh cửu làm nên cái đẹp của họ vẫn không bao giờ thay đổi cho dù họ sinh ra ở vùng miền nào trên trái đất này khiến bọn đàn ông cũng luôn tìm thấy một sự bí ẩn và hấp dẫn lạ thường bởi họ đã sở hữu một giá trị mà ngay cả kim cương cũng không thể sánh nổi. Đó là sự thủy chung, bền lòng của người phụ nữ”.

Tôi nhận thấy rằng, đàn ông thì rõ là mê gái, nhất là các văn nghệ sĩ thì điều này càng… rõ ràng hơn hết, nhưng không phải ai cũng thú nhận bằng văn bản (mà là in sách hẳn hoi) như anh về sự mê đắm của mình. Anh cho rằng, điều này khiến anh trong mắt mọi người là… dại hay khôn?

-Tôi không quan tâm đến dư luận về chuyện “dại hay khôn”. Bởi tôi tự ý thức rằng, sách tôi viết ra có ích cho bạn đọc. Thế là đủ.

Cuốn sách được lồng vào đó những câu thơ, đoạn thơ (của anh). Hình như sau mỗi cuộc tình thì cái anh được nhất là rất nhiều bài thơ và tập thơ đã… ra đời?

- Cái này còn tùy vào cảm hứng của tôi sau những cuộc tình đó. Mà thường là những sáng tác như bạn đã biết. Các nhà thơ khác, tôi nghĩ cũng vậy thôi.

Anh tâm đắc điều gì nhất trong tập sách này?

- Tập sách này, “Tôi và đàn bà” lại tiếp tục như một tiếp nối của “Gái đẹp trong tôi”. Nếu tập trước lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, tục ngữ ca dao, sắc màu hội họa và những chuyện xa như tình gần thì nay, lại là tâm trạng và sự chiêm nghiệm khi chung sống, chung chạ, chung thân với họ. Khó có thể nói hết những gì đã nhớ, những gì đã quên về một (hoặc nhiều) người đàn bà do đấng Twashtri tạo ra, lúc ấy, lũ đàn ông chúng ta ôm mặt khóc hu hu não nùng, bẽ bàng, thống thiết: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Câu trả lời của đấng Twashtri chỉ là: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”.

Bạn gái hiện tại của anh đã đọc cuốn sách này chưa? Chị ấy yêu anh hơn hay… đã bỏ anh?

- Hằng tuần, tôi tiếp tục có bài viết về đề tài “tôi và đàn bà” in đều đặn trên tạp chí Thế giới Phụ nữ, Duyên dáng Việt Nam, Phụ nự TP.HCM… Đó  là câu trả lời vậy.

Nói gì thì nói, yêu nhiều, đau khổ nhiều nhưng cho đến nay ở vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, anh vẫn bị coi là một nhà thơ… cô đơn, anh có vẻ là người… cao số?

- Tôi không quan tâm đến điều này. Hạnh phúc của đời người, hãy nhìn nó từ chất lượng sống của mỗi người.

quoc-kim-Toi-va-dna-baR

Hẳn trong bao nhiêu năm đã sống anh có mối tình với một người phụ nữ Hà Nội, anh có thể chia sẻ về cuộc tình và người đàn bà đó?

Ở đây tai vách mạch rừng

Những chuyện bí mật xin đừng nói ra

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc bận rộn với trăm công ngàn việc báo chí, vậy mà anh vẫn có sách (gồm nhiều thể loại) ra đời, anh lấy đâu ra nhiều thời gian để viết lách đến vậy?

-Tôi nghĩ ai cũng làm được. Nếu họ có một thời khóa biểu cho “giờ nào việc nấy” và luôn biết quý thời gian.

Sắp tới anh có ra cuốn gì mới?

- Đó là quyển Nếu tôi… đẻ được. Vẫn xoay quanh về đề tài phụ nữ, hôn nhân, tình yêu như hai tập sách Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà đã xuất bản.

* Xin cám ơn anh!


(nguồn:  Tạp chí Truyền hình Hà Nội số 105 tháng 7.2013) 


 

TÔI VÀ ĐÀN BÀ

 

Từ một người lính chiến đấu tại chiến trường Campuchia, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp TP.HCM; nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, hiện công tác tại Báo Phụ Nữ TP.HCM, đã nhanh chóng trở thành cây bút có thương hiệu trong lòng bạn đọc, cả về lĩnh vực viết văn, làm thơ, làm báo.

Từ năm 1989 đến nay, Lê Minh Quốc đã xuất bản  hàng chục tập thơ, bút ký. Sắp tới, Lê Minh quốc xuất bản tiểu thuyết “Đời, thế mà vui”. Năm 2011, Lê Minh Quốc viết “Gái đẹp trong tôi”. Có thể xem “Tôi và đàn bà” là sự tiếp tục của Gái đẹp trong tôi. Tập trước, anh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, tục ngữ ca dao, sắc màu hội họa  để luận bàn, thì lần này, anh bày tỏ sự chiêm nghiệm khi chung sống, chung chạ, chung thân với đàn bà - một nửa thế giới “phức tạp” mà như  đấng Twashtri đã  chỉ ra “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”.

Lê Minh Quốc, bằng sự trải nghiệm cuộc đời đã đức kết, đàn ông vô cùng biết ơn đàn bà, dù đàn bà có “thế này thế kia”, nhiều lúc đem đến cho ta quá nhiều sự phiền toái, phiền muộn, rắc rối, gò bó, bực bội. Nhưng cứ hãy nghĩ lại mà xem ai là người đã cho ta một mái ấm, một hậu phương vững chãi, một nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn? Bởi khi ta ngã ngựa đường dài, ai là người đầu tiên và cuối cùng kéo ta vào lòng, tin cậy, vỗ về như mẹ và xoa đầu như bảo đứa con trai: “Đứng dậy đi anh”?

Với “Tôi và đàn bà”, Lê Minh Quốc viết về đàn bà  dưới nhiều góc cạnh khác nhau, mà góc nhìn nào của Lê Minh Quốc cũng thẳng thắn, đằm thắm, sâu sắc, thấu đáo.  Lê Minh quốc đọc nhiều, kiến thức rộng, bằng cách diễn đạt rất thơ, một thế mạnh của anh -  thơ do chính anh làm, hoặc trích dẫn thơ từ bạn bè, đồng nghiệp, các vĩ nhân; cách thể hiện ấy làm cho những những  trang viết của anh thêm nhẹ nhàng, sâu lắng.

Người đàn bà trong các trang viết của Lê Minh Quốc, với tư cách làm mẹ, làm vợ, làm nột trợ trong gia đình; làm chủ trong công việc, ngoài xã hội, góc nhìn nào của tác giả cũng thấm đậm chất nhân văn, nêu bật những phẩm hạnh tuyệt vời của phái đẹp, đảm đang, bao dung, độ lượng, hy sinh, yêu chồng, thương con, thật đáo để mà cũng rất đời. Tình yêu của đàn bà  dành cho đàn ông, quyết liệt mà  thủy chung, sâu sắc mà lắng động.

Nếu ta là đàn ông, xin có lời biết ơn Lê Minh Quốc đã giúp ta nói thay cho lòng mình “đàn bà - mi không thể sống thiếu nó !”


BẰNG LINH

(nguồn: Tạp chí Người Làm Báo số tháng 9.2013)

 

Cùng một chủ đề:

TÔI VÀ ĐÀN BÀ của Lê Minh Quốc


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com