Đời, thế mà vui.
Nếu không có cú điện thoại của Đ, y vẫn còn lơ mơ làng màng rộn ràng mộng đẹp trong chăn êm nệm ấm. Khác trước, lần này không cáu có, gắt gỏng mà cười toe toét bởi gã khen: “Ông viết Nhật ký hay quá. Cho tôi trích in lại trên tờ L.C nghen?”. Y phổng mũi đồng ý. Lâu nay Nhật ký là viết cho mình, cho bạn đọc của trang web cá nhân. Được in lại là có nhuận bút. Mà lại in trên tờ báo cười là chứng tỏ y viết cũng hài hước ra phết. Còn nhớ, lúc tờ L.C phát hành số đầu tiên, anh em rủ nhau về quán Nail trên đường Mạc Đĩnh Chi, gần Trung tâm Văn hóa Q.1 lai rai chút đỉnh. Lúc ấy, có cả Đ.K.R nữa, anh ứng khẩu:
Mừng ngày ra báo Làng Cười
Từ nay, báo Tuổi Trẻ cười hết kiêu
Y cộng tác từ lúc đó, bút danh Tiểu Nhị. Viết ròng rã mấy năm liền cho mục Quán đầu làng mà y phụ trách. Sáng nay, Đ còn nhắn tin: "Ông đọc truyện ngắn Tôi đi áp vong phần 2 chưa? Thấy thế nào?". Trả lời thẳng thắn, bạn bè thân tình nói lấy được, nói vuốt đuôi, nói rồng nói rắn, nói bóng nói bẩy chăng? Nói như thế để làm gì? Bèn chọn cách nói toạc móng heo, nói thẳng ruột ngựa: "Không hay bằng phần 1, không hấp dẫn như lúc ông đã kể". Mà thật, lúc nghe kể, y nổi da gà vì chuyện người cõi âm nhập vào người đang sống. Hư hư thật thật. Mơ hồ. Huyễn hoặc. Tin hay không còn tùy nhưng rõ rằng cách kể buộc phải chăm chú nghe. Ấy vậy, khi đọc lại những gì đã phơi bày trên giấy trắng mực đen lại thấy nhạt phèo.
Tại sao?
Viết trên báo thì phải né! “Biết, biết rồi, khổ quá nói mãi”. Đành mượn câu nói nhân vật của Vũ Trọng Phụng. Khi người ta chưa kiểm duyệt, mình đã tự kiểm duyệt trước, cuối cùng bạn đọc còn được cái gì? Nỗi sợ mơ hồ nào đó đã khiến không ít người viết phải chùn tay, tự mình rào trước đón sau kỹ quá. Kỹ đến nổi bạn đọc ngơ ngác chẳng hiểu ất giáp đầu cua tai nheo thế nào cả. Chúng ta chưa có những nhà văn hì hục viết tác phẩm cho mai sau. Đời sau. Người sau. Cứ viết, nay không in, được dăm năm sau, mươi năm sau nữa in. Miễn bản thảo không bị biên tập cắt xén thành ái nam ái nữ. Chúng ta nôn nóng. Chúng ta vội vã. Không ta không bền chí. Viết để in. In được, phải uốn éo. Phải lách. Phải lạng. Phải né. Không dám phóng ngòi bút đi sâu vào tận cùng tử cung của đời sống. Chỉ lép nhép mép rìa cỏ dại, chỉ nhấp nghé ngoài lề hang sâu. Đã thế thái độ, động tác lại thận trọng quá. Chỉnh chu quá. Bạn đọc thời nào cũng vậy. Khó có thể đánh lừa được họ. Dẫu là đánh lừa qua các chiêu trò thời thượng. Nếu được, chỉ một lần. Do không dám nói thật, đọc thấy giả. Cái giả đang tràn lan trên các dòng chữ. Ô hay! Y có hay hướm đi phê người khác? Chính y cũng đang giả đấy thôi. Từng tự thú:
Lên xe. Nổ máy. Rồ ga
Sao vượt qua được ta bà âm dương
Bánh xe dằn vặt mặt đường
Linh hồn thấp thỏm thất thường lo âu
Rú ga. Xe chạy. Về đâu?
Mặt đường toang hoác nát nhầu mặt tôi
Vật vờ như cá đang trôi
Ồ trên đại lộ mày bơi hướng nào?
Hướng A cây đã ngã nhào
Hướng Ă dị nghị bị rào bốn bên
Hướng  bầm dập gập ghềnh
Hướng nào vọng lại vang rền tiếng thơ?
Hướng tôi ngầy ngật ngất ngơ
Rú ga nghễnh ngãng vu vơ chạy hoài
Trái tim lạnh cóng sóng soài
Bật ra khỏi ngực rớt vào hư không
Một ngày lơ láo lông nhông
Xác thân làm biếng viển vông thời giờ
Tôi đi tìm kiếm nàng thơ
Bây giờ biết đến bao giờ gặp em?
(11.IX.1996)
Chính y cũng đang giả đấy thôi. Hay ho gì mà phê người này, bình người nọ? Đấy, ngay cả viết Nhật ký, viết cho riêng mình nhưng nào có dám nói sự thật đâu. Mà thôi, sự thật của y không đáng cho bạn đọc quan tâm, viết lại làm gì? Y quan niệm, trang nhật ký của một người phải gắn với cái chung của đời sống, sự quan tâm chung của mọi người, nếu không cũng chỉ là những ghi chép vụn vặt, tầm thường. Bạn đọc không cần những kể lể tầm thường đó, huênh hoang đó. Vậy y viết để làm gì? Thưa, chỉ là cách ghi lại những suy nghĩ trong một ngày. Suy nghĩ ấy có thể giúp ích người đọc một điều gì đó. Bằng không, cũng là lúc giúp họ giết thời gian vậy. Giết thời gian dễ à? Không đâu. Y đã giết bằng cách nào?
bây giờ thơ đã về chưa
thời gian tôi giết đã vừa một đêm
ngoài sân bướm trắng bay lên
trong tôi náo động thác ghềnh bủa vây
giết thời gian buổi sớm mai
nghe vu vơ nắng rơi đầy mái hiên
giết thời gian của tình duyên
tôi nghe sám hối mọc trên hình hài
giết thời gian giết mây bay
cõi nhân sinh vỗ cánh quay về trời
bàn chân còn bước rong chơi
hôn thơ một chút giữa trời đổ mưa
(14.XI.1998 - IX.2001)
Thương nhớ online mỗi ngày là cách giết thời gian đấy thôi. Phải không nàng? Viết Nhật ký cũng là cách giết thời gian. Những trang Nhật ký vừa xong, y đều post lên facebook. Dần dà y phát hiện ra được thói quen của không ít người. Rất máy móc. Vô hồn. Sợ nhất trên đời vẫn là thói quen từ cảm xúc. Vừa past đường link, chưa kịp ráo mực, chỉ nháy mắt chưa đầy một giây đã xuất hiện “like”. Bố khỉ. Bèn cười khẩy. Đã đọc chưa mà nhấn cái nút ấy? Chỉ là thói quen.
Cái thói quen từ cảm xúc dẫn đến cái giả.
Cái giả đang tràn lan từ cách viết đến trò chuyện. Đã trở thành công thức. Công thức trong sáng tác là điều tệ hại, tồi tệ nhất. Mấy hôm nay, bò ra giường đọc và chấm thơ dự thi về chủ đề viết về nông thôn mới. Bèn cười một mình. Cười lấy chính mình. Bởi cái công thức ấy đã thâm nhập vào trong từng bài thơ. Từng câu thơ. Không phải cuộc thi này. Cuộc thi khác cũng thế. Đọc xong cứ như đang sống dưới thời vua Lý Thái Tổ, vua Lê Thánh Tôn… Ngảnh mặt qua thấy từ này, ngó mắt lại cũng chữ ấy. Sáo rỗng. Khẩu hiệu. Có những bài diễn văn, những bản báo cáo người ta chỉ cần thay đổi mốc thời gian, địa điểm là có thể sử dụng dài dài. không hề lỗi mốt, vẫn model như thường. Chẳng giúp gì cho nhận thức mới, cũng chẳng hại gì cho xu thế đổi mới của thời đại! Cứ thế, năm nào sử dụng cũng ổn tất.
Sáng nay tình cờ đọc vào mạng shtyle.fm, đọc một “chuyện ngắn” trên trang của Art Minh. Đọc xong cười tủm tỉm. Cười vì nó không giả. Nó thật. Thật bởi cảm xúc thật. Suy nghĩ thật. Đố các bài văn mẫu đang in bán tràn lan đầu độc cả mấy thế hệ học trò có thể làm viết được chân thật như thế này. Còn lâu. Nguyên văn như sau: “Một hôm, tôi đến thăm bạn đang dạy học tại vùng núi. Cuộc sống ở đây tuy khó và khổ vì đường xa thiếu thốn, song nhờ trò sáng dạ và chăm học nên không đến nỗi làm người dạy nản lòng.
Tối đến, khi ngồi cạnh bạn đang chấm bài. Rảnh tiện tay tôi lôi thử một số bài ra xem. Bài kiểm tra tập làm văn. Đầu đề ghi “Nguyện vọng của em”. Hầu như cũng giống thời của bọn tôi là ai nấy đều muốn làm thầy, cô giáo, và nhà khoa học cả… Riêng tình cờ thấy có một bài với dòng chữ ghi: “Nguyện vọng của em là làm một con chó”. Ngạc nhiên và hiếu kỳ, tôi đọc thấy ghi tiếp: “Bố đi xa rồi, nhà chỉ còn mẹ và em. Ở đây đêm rất tối, nghe nói đêm về, thường có ma. Ma không dám vào nhà nào có chó. Nhà em lại không nuôi chó. Nên em mong làm chó để có thể ngày đêm trông giữ nhà, và mẹ sẽ không phải sợ hãi nữa...”.
Đọc thấy thương quá. Trong trẻo quá. Hồn nhiên quá. Chân thật quá. Nếu là giáo viên, chấm bài luận cỏn con học trò này, y sẽ điểm 10. Nhờ bài luận văn này, sáng nay, y đã sung sướng lặp lại câu slogan của y vừa đăng ký ở Trung tâm bảo hộ quyền tác giả Việt Nam chi nhánh TP.HCM có hẳn hòi đóng dấu mộc đỏ tươi roi rói:
Đời, thế mà vui.
L.M.Q
(nguồn: báo ANTG cuối tháng số 158 - tháng 10.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|