Talk show Người trẻ viết gì - Giới trẻ đọc gì ngày 24.4.2014 tại NVH Thanh Niên - * Đọc sách cũng cần đúng tầm vóc tri thức

Mục lục
Talk show Người trẻ viết gì - Giới trẻ đọc gì ngày 24.4.2014 tại NVH Thanh Niên
* Sách bestseller không quan trọng bằng longseller
* GIỚI TRẺ VIẾT GÌ, GIỚI TRẺ ĐỌC GÌ?
* Đọc sách cũng cần đúng tầm vóc tri thức
Tất cả các trang

Đọc sách cũng cần đúng “tầm vóc tri thức”

Từ lâu sách đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu của con người. Sách thể hiện tiếng nói, văn hóa của một đất nước. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại song song với những phương tiện truyền thông, giải trí phát triển; vị thế của sách nói riêng hay văn hóa đọc nói chung đã có nhiều thay đổi. Ngày nay các bạn trẻ đọc gì? Những người trẻ viết gì? Và điều gì đã tạo thành một văn hóa đọc tốt trong giới trẻ hiện nay? Câu trả lời cho những vấn đề đã được đưa ra bàn luận trong Diễn đàn “Người trẻ viết gì? Giới trẻ đọc gì?”. Chương trình diễn ra tại sân 4A, Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM với sự tham gia của TS. Nguyễn Thị Hậu;  nhà báo, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Lê Minh Quốc; các tác giả trẻ Ploy Ngọc Bích, Phong Việt, Anh Khang, thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ.


Hnh_1_2
Buổi chia sẻ đã bàn đến nhiều vấn đề trong văn hóa đọc của bạn trẻ.

Người trẻ viết gì?

Trong thế giới sách muôn màu, để tạo ra cái riêng cho đứa con tinh thần của mình đồng thời tạo “tuổi thọ” lâu dài cho một tác phẩm, đòi hỏi tác giả thật sự đầu tư cả tâm huyết và sự sáng tạo của mình trong từng câu chữ. Hướng tới những tác phẩm văn học hiện tại, talkshow đã đưa ra câu hỏi: “Thế nào là một tác phẩm “Best-seller”?” đến 5 vị khách mời. TS Nguyễn Thị Hậu (cô Hậu khảo cổ) chia sẻ: “Để xét một tác phẩm có phải là best-seller hay không thì phải xét từ khởi nguyên của nó. Đó đơn giản là một loại sách bán chạy trên thị trường, do nhu cầu của xã hội tại thời điểm đó. Vì vậy tại những thời điểm khác nhau lại có những thể loại tác phẩm best-seller khác nhau”. Thế nhưng theo nhà văn Lê Minh Quốc – tác giả của “Khi tổ ấm nhảy Lambada”, một tác phẩm best-seller ngoài điều kiện cần là bán chạy thì điều kiện đủ của nó phải là một tác phẩm có giá trị với thời gian. Nhà văn chia sẻ: “Tiêu chí của một quyển sách bán chạy hay còn gọi là Best-seller trước hết là tác phẩm đó có đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Nếu như nó chỉ nổi lên ở một thời điểm nhất định và rồi không còn được bạn đọc đón nhận nữa thì đó không thể gọi là một tác phẩm best-seller”.

 Hnh_3_Ban_tr_giao_lu_ti_chng_trnh

 Những người trẻ luôn quan tâm đến việc đọc sách và trải nghiệm những trang viết mới.

Những tác phẩm có thể ra đời một cách thầm lặng, không ai biết đến nhưng theo thời gian, những giá trị của nó mang lại không thể lãng quên được, đó mới chính là một “Best-seller” thật sự. Theo các tác giả, để sản phẩm tinh thần của mình không bị xếp trong hàng tá những quyển sách tượng tự nhau nội dung, bình thường về giá trị thì mỗi tác phẩm phải thực sự xuất phát từ chính xúc cảm của tác giả, đồng thời chạm đến những vấn đề của xã hội đương đại. Chỉ bằng cách viết như vậy thì tác giả và độc giả mới thật sự là những tâm hồn đồng điệu của nhau. Trong phần chia sẻ của mình về duyên cớ ra đời của tập thơ “Đi qua thương nhớ”, tác giả trẻ Phong Việt cho biết: “Những gì mình viết theo cảm nhận của cá nhân, theo câu chuyện của mình, là những điều mình thích tự nhiên đó sẽ là tác phẩm của mình. Nếu may mắn nhận được sự đồng cảm của người đọc thì đó mới là tác phẩm thành công. Hãy viết theo những điều mình thích rồi người khác sẽ thích, đừng viết những gì bản thân không thích vì khi đó cảm xúc tác giả mang lại cho tác phẩm của mình sẽ không thật và chỉ mang tính chất nhất thời”.

Vì sao chúng ta cần đọc sách?

Có rất nhiều những ý kiến của các bạn độc giả trả lời cho câu hỏi này của nhà báo Lê Minh Quốc. Đọc sách là để lưu giữ nét đẹp của cha ông ta để lại, để hưởng thụ văn hóa một cách chủ động, để cảm nhận tâm hồn người viết một cách sâu sắc hơn, để khơi mở trí tưởng tượng. Khi xem phim, bạn bị đóng khung vào trí tưởng tượng của đạo diễn, những hình ảnh trong bạn sẽ không phong phú và chân thực như chính bạn hình dung, sẽ bị bó hẹp trong chừng mực nhất định. Nhưng điều đó chưa đủ. Nhà báo Lê Minh Quốc còn khẳng định: “Chúng ta phải đọc sách, phải yêu sách chính là để trau dồi vốn tiếng Việt, là để yêu thêm quê hương, yêu đất nước. Phạm Quỳnh đã nói thế này: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Đây mới chính là vai trò to lớn của việc đọc sách”.

Có lẽ cũng vì vai trò to lớn ấy mà Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, khuyến khích mọi người đến với kho tri thức của nhân loại này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay đang mắc phải căn bệnh nan y (mà nhà báo Lê Minh Quốc gọi) là “Bệnh trẻ quá lâu”. Các bạn chỉ tìm đọc những cuốn sách mang “tầm vóc” tri thức vừa phải, thậm chí là thấp hơn so với tầm của mình. Các bạn thích tư duy đơn giản, thích giải trí chứ không muốn tìm tòi, nghiên cứu, tìm cách để nâng tầm nhận thức mình lên. TS. Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Các bạn sinh viên hiện nay lại rất thích đọc những cuốn truyện tranh. Còn những tác phẩm lớn của nhân loại thì các bạn lại từ chối đọc”.

Ngày nay các phương tiện nghe nhìn đã làm lấn át thói quen đọc sách. Nhưng sách thật sự là một không gian sống mà không ai có thể bỏ qua. Tác giả trẻ Anh Khang tâm sự: “Làm bạn với sách, bạn có thể mở rộng lòng mình ra hơn, sống chậm lại một chút, dành cho nhau những phút thời gian để trân quý hơn cuộc đời”. Hay như TS. Nguyễn Thị Hậu bật mí: “Sách sẽ giúp bạn trải nghiệm thêm nhiều những cuộc sống khác nhau mà không một phương tiện giải trí nào khác có thể làm được”.

Qua đọc sách, thậm chí, ta còn có thể đánh giá được vị trí của nền văn học so với thế giới. Một tác phẩm có hay hay không, phụ thuộc nhiều vào tác giả có chạm được đến sự đồng cảm của độc giả hay không. Một tác phẩm có để đời hay không, nó còn phải trả lời câu hỏi rằng, nó có chạm đến vấn đề xã hội nào. Một tác phẩm có trường tồn, vĩ đại không, ta phải xét nó ở tầm nhân loại. Với những chia sẻ về việc đọc sách, các tác giả đã cho bạn đọc một cái nhìn bao quát nhất về việc viết, việc đọc, đặc biệt là tầm quan trọng của nó trong đời sống mỗi con người chúng ta. Việc đọc sách không quan trọng về số lượng, nhưng luôn đề cao chất lượng những bài học mà bạn còn đọng lại trong tâm thức, những gì bạn nghiệm ra được từ những trang viết kia. Và đến lúc đó, khi gấp lại trang sách, bạn có thể mở ra chính trang cuộc đời, để sống và làm việc thêm hứng khởi, giàu ý nghĩa hơn.

THU THỦY - CẨM HÀ

(nguồn: http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/webtd/vn/default.aspx?news_id=19871)



Chia sẻ liên kết này...