Talk show Người trẻ viết gì - Giới trẻ đọc gì ngày 24.4.2014 tại NVH Thanh Niên - * GIỚI TRẺ VIẾT GÌ, GIỚI TRẺ ĐỌC GÌ?

Mục lục
Talk show Người trẻ viết gì - Giới trẻ đọc gì ngày 24.4.2014 tại NVH Thanh Niên
* Sách bestseller không quan trọng bằng longseller
* GIỚI TRẺ VIẾT GÌ, GIỚI TRẺ ĐỌC GÌ?
* Đọc sách cũng cần đúng tầm vóc tri thức
Tất cả các trang

GIỚI TRẺ VIẾT GÌ, GIỚI TRẺ ĐỌC GÌ?

 Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam 21−4, Công ty cổ phần sách Thái Hà và Công ty cổ phần Tiki đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. HCM tối ngày 23−4−2014 vừa qua.

Toadamvanhoadoc1

Các khách mời của buổi tọa đàm Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì

Buổi tọa đàm có sự tham gia của 5 vị khách mời đại diện cho 2 thế hệ tác giả. Đại diện cho thế hệ tác giả đi trước là tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu và nhà văn − nhà thơ − nhà báo Lê Minh Quốc. Trong khi đó, Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Ploy Ngọc Bích là 3 gương mặt đại diện cho thế hệ tác giả trẻ.

24042014_Toadamvanhoadoc2

Đại diện cho thế hệ tác giả đi trước là tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu và nhà văn Lê Minh Quốc

24042014_Toadamvanhoadoc3
Anh Khang, Nguyễn Phong Việt và Ploy Ngọc Bích đại diện cho thế hệ tác giả trẻ

Tại buổi tọa đàm, các tác giả đã cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra quan điểm cá nhân về xu hướng viết sách, văn hóa đọc sách của những người trẻ hôm nay. Những ý kiến trái chiều giữa 2 thế hệ tác giả là điều được dự đoán từ trước nhưng qua những tranh luận mang tính phản biện như thế, nhiều bài học được đúc kết đã khiến những người trẻ viết sách và đọc sách phải giật mình nhìn lại và tự hỏi Phải chăng văn hóa đọc đang xuống cấp?.       

Vấn đề đầu tiên được đưa ra mổ xẻ tại buổi tọa đàm là định nghĩa về “best-seller”. Nhà văn Lê Minh Quốc cho rằng chỉ có thể loại sách văn học mới có thể trở thành “best-seller” và “best-seller” phải là cuốn sách đáp ứng được sở thích, xu hướng đọc của phần lớn độc giả tại thời điểm đó. Tuy nhiên, giá trị văn học của một cuốn sách “best-seller” lại không phải là số lượng sách bán ra mà nằm ở chỗ nó có được công chúng nhớ đến sau một thời gian dài sau đó hay không. Anh Khang, tác giả trẻ sở hữu cuốn sách bán chạy nhất tại Hội sách TP. HCM 2014 – Buồn làm sao buông cũng cho rằng một cuốn sách dù bán chạy cách mấy mà không bán chạy dài lâu thì cũng không xứng đáng là một tác phẩm có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho độc giả.


24042014_Toadamvanhoadoc4

Anh Khang trải lòng với độc giả về “best-seller”

Một vấn đề nóng hổi khác cũng được các vị khách mời của buổi tọa đàm mang ra tranh luận là dòng văn học trẻ, văn học mạng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho biết đặc trưng của dòng văn học trẻ hiện nay gắn liền với sự phát triển của mạng xã hội. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy điều này qua những cuốn sách văn học trẻ được xuất bản gần đây. Chúng chỉ là những ấn phẩm tập hợp các tác phẩm đã được ra đời, chia sẻ và lan truyền trên mạng xã hội trước đó nhưng lại rất được độc giả trẻ yêu thích, đón nhận. Trong khi đó, cả 3 tác giả trẻ Phong Việt, Anh Khang và Ploy Ngọc Bích đều cho rằng văn học trẻ ra đời là dành cho độc giả trẻ và ngược lại, người trẻ tìm đến văn học trẻ là vì dòng văn học này phù hợp với sở thích, tâm tư, cảm xúc của họ,

Nhiều độc giả trẻ có mặt tại buổi tọa đàm đã không ngần ngại tham gia trao đổi cùng các khách mời và nêu ra những câu hỏi rất hay dành cho các tác giả về các vấn đề xoay quanh văn hóa đọc của giới trẻ.

24042014_Toadamvanhoadoc5

Đông đảo các độc giả trẻ đã đến tham dự buổi tọa đàm

24042014_Toadamvanhoadoc6

Các bạn trẻ không ngần ngại tham gia tranh luận, đặt câu hỏi

Khi được một độc giả hỏi quan điểm cá nhân về ý kiến cho rằng văn hóa đọc của giới trẻ đang xuống cấp thì tác giả trẻ Ploy Ngọc Bích có vẻ khá bất bình và cô cho rằng ý kiến này là chủ quan, không có cơ sở nên từ chối trả lời. Trong khi đó, nhà văn Lê Minh Quốc lại thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân về nhược điểm của văn hóa đọc hiện nay. Ông cho rằng giới trẻ, cả người viết và người đọc đều mắc phải “bệnh trẻ quá lâu”. Bổ sung thêm ý kiến này của nhà văn Trần Minh Quốc, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã bổ sung thêm rằng trong quá trình giảng dạy của cô tại các trường đại học, cô đã nhiều lần bắt gặp các bạn sinh viên đọc truyện… tranh trong lớp.

Công bằng mà nói, giới trẻ ngày nay vẫn rất quan tâm đến sách, yêu thích đọc sách. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang có xu hướng thích đọc những loại sách giải trí, thiếu thực tế, ít kiến thức… Trước khi chỉ trích ý kiến cho rằng văn hóa đọc của giới trẻ xuống cấp, có lẽ chúng ta nên tự nhìn lại mình bằng những câu hỏi như“Cuốn sách đạt giải Nobel văn học năm ngoái là cuốn sách nào?”, “Mình đã bao giờ đọc hết tác phẩm Chí Phèo, Tắt đèn hay Số đỏ… chưa?”…

Các tác giả trẻ tại buổi tọa đàm đều khẳng định những cuốn sách bán chạy của họ trên thị trường đều được viết bằng chất liệu cảm xúc của bản thân, vì bản thân và cho bản thân họ trước hết. Tuy nhiên, có lẽ văn học Việt Nam, độc giả Việt Nam cần ở các tác giả trẻ nhiều hơn thế. Tại sao chúng ta không có quyền mơ ước một tác phẩm văn học trẻ của Việt Nam sẽ nổi tiếng khắp thế giới trong tương lai thay vì chỉ quanh đi quẩn lại những cuốn sách làm vui buồn độc giả trong thoáng chốc?

24042014_Toadamvanhoadoc7

Các tác giả trao quà cho những bạn đọc tham gia trả lời, đặt câu hỏi trong buổi tọa đàm

24042014_Toadamvanhoadoc8

Ban tổ chức trao hoa cho các tác giả khách mời

24042014_Toadamvanhoadoc9

Anh Khang trong vòng vây người hâm mộ

24042014_Toadamvanhoadoc10

Nguyễn Phong Việt ký tặng độc giả mến mộ

Có thể nói, buổi tọa đàm Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì là một hoạt động giàu ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh chào mừng Ngày sách Việt Nam 21−4. Đây không chỉ đơn thuần là một buổi giao lưu, trò chuyện giữa các tác giả và độc giả mà còn là cơ hội để các tác giả trẻ, các độc giả trẻ nhìn lại mình đã viết gì, đọc gì.

Bài và ảnh: Linh Lê

(nguồn: http://thegioivanhoa.com.vn/van_hoc/14297501/nguoi-tre-viet-gi-gioi-tre-doc-gi/)