LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.10.2017

tganh-giy-do-cua-le-minh-quocTranh giấy dó của Lê Minh Quốc

 

Đoàn Tuấn bảo, tìm đọc bài thơ Sầu hương của một thi sĩ Đài Loan. Ông ấy là Dư Quang Trung, sinh năm 1928 tại Nam Kinh, nguyên quán Phúc Kiến (Trung Quốc). Năm 1950, chuyển đến Đài Loan, ông viết loạt thơ cùng chủ đề Sầu hương. Những bài thơ này nổi tiếng, nhiều người yêu thích, dù rằng, ông còn viết nhiều thể loại, chủ đề khác. Xa quê, nhớ quê mà viết. Tâm trạng thật. Cảm xúc thật. Dó đó, nhiều người đồng cảm cũng là điều dễ hiểu.

Hãy đọc một bài Sầu hương của ông viết ngày 21.1.1972, Nguyễn Thị Hải dịch: “Ngày thơ/ Nỗi sầu hương là con tem nho nhỏ/ Tôi ở đầu này/ Mẹ ở đầu kia/ Lớn lên/ Nỗi sầu hương là tấm vé tàu mỏng mảnh/ Tôi ở đầu này/ Người vợ mới cưới ở đầu kia/ Ngày sau/ Nỗi sầu hương là nấm mộ lấp xấp/ Tôi ở bên ngoài/ Mẹ ở bên trong/ Giờ đây/ Nỗi sầu hương là quãng eo biển rập rờn/ Tôi ở đầu này/ Đại lục ở đầu kia”. Đã sinh ra làm người, con người ta phải hịu dựng nhiều nỗi khổ, nhưng khổ tâm, dằn vặt, nhớ nhung nhất vẫn là sự xa cách. Vợ xa chồng. Mẹ xa con. Anh xa em. Chàng xa nàng. Tình ái vừa bén mùi đã xa thẳm đôi nơi. Chia xa tình thân thương ruột rà cũng là một chủ đề của thơ. Mà đã viết về sự chia xa ấy, tưởng chừng như khoảng cách giữa hai dòng thơ, bao giờ cũng ngần ngật giọt nước mắt.

“Thiếp tại Tương giang đầu/ Quân tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thuỷ”. Viết dễ dàng như không, thế nhưng đọc xong lại cảm thấy bùi ngùi. Thương cảm nhất vẫn là lúc đôi lứa “Đồng ẩm Tương giang thuỷ” (Cùng uống nước sông Tương). Uống chung một dòng nước, có lẽ con người ta sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng, dịu vợi hơn chăng?

Dù gì, dù có xa cách ngàn trùng thì ngụm nước chung một dòng chảy, cả hai cùng uống vẫn là ý niệm tạo nên sự gần gũi, thân mật. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu điều cảm nhận đó qua âm nhạc. Giai điệu day dứt. Đớn đau mà không tuyệt vọng. “Nước vẫn trôi mau, mắt vẫn hoen sầu/ Thành lệ tuôn theo nước trôi không màu/ Số kiếp hay sao, không cho bắt cầu/ Thì xin sông nước sẽ cho gần nhau”. Gần nhau bằng cách nào? Vẫn là Đồng ẩm Tương giang thuỷ hay gì khác? Cứ nghe hết ca khúc Hẹn hò, sẽ có câu trả lời.

Theo nhà thơ Dư Quang Trung: “Tôi có tìm hiểu về thiên văn học, tương lai nếu như có thể di dân lên mặt trăng, ắt hẳn khi ấy chúng ta sẽ có thêm một loại Sầu hương nữa. Câu thơ của Lý Bạch chắc phải viết lại là: “Cử đầu vọng địa cầu/ Đê đầu khán minh nguyệt”.

Nghe ra cũng chí lý thay.

Ăn theo thuở, ở theo thời. Cái nhớ của mỗi thời cũng khác. Thời đại của Lý Bạch, “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương) đến thời chung ta đã khác. Nhớ quê ư, cứ bỏ tiền ra mua vé máy bay, vé tàu, xe đò là xong tất. Ngay cả thức ăn quê vốn khoái khẩu cũng thế. Cứ vào siêu thị là có tất. Sự dễ dàng về giao thông, buôn bán không còn tạo ra quay quắt nhớ, thê thiết thương, nồng nàn tương tư, nhớ nhung chất ngất nữa. Liệu còn cảm xúc bật ra tiếng thơ? Rồi nếu lên sinh sống, lập nghiệp tại mặt trăng, trở thành bạn láng giềng với chị Hằng, chú cuội ắt có lúc con người ta lại rồ dại thương, điên cuồng nhớ về quả địa cầu? Liệu lúc ấy sẽ có cảm xúc bật ra tiếng thơ? Dự báo bằng tâm thế nghệ sĩ của ông Dư Quang Trung thế nào? Mà thôi, dài dòng chuyện này để làm gì?

Sực nhớ bài học thuở xa xưa, thời Quốc văn giáo khoa thư từng ám ảnh trong trí nhớ nhiều thế hệ còn là sự biệt ly.

Chiều, không bận rộn gì, lật lại trang sách cũ rồi ê a đọc lấy bài học thuộc lòng để nhớ về cái thời niên thiếu, chẳng lẽ lại không vui? Vui quá đi chứ. Khi viết đến đây lại nhớ bài học từ thời lớp Nhất ở Trường Nam Tiểu học (Đà Nẵng) nói về lúc hội ngộ buổi tựu trường: “Đây đó giòn tan những tiếng cười/ Mặt mừng, tay bắt khắp nơi nơi/ Ngoài sân bỡ ngỡ dăm em bé/ Ngơ ngác nhìn quanh hết mọi người/ Giữa tiếng hò reo, trống nổi lên/ Học sinh vui vẻ tới bên thềm/ Điểm danh, trò cũ theo thầy mới/ Để được dồn lên lớp học trên”.

Lớp học trên là lớp mấy mà thuở xưa các ông Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Thận, Trần Trọng Kim, Đặng Đình Phúc đã cho các em học bài Kẻ ở người đi? Các em phải chịu đựng Sầu hương lẫm liệt: “Tôi ở đầu này/ Mẹ ở đầu kia”. Buồn quá đi chứ. Vâng ạ. “Cơm nước xong rồi, thầy mẹ tôi, anh em, chị em tôi, cả đến kẻ ăn người ở trong nhà, đều tiễn tôi ra tận bờ sông, chỗ thuyền đậu Vừa ra khỏi nhà, thì lòng tôi tự nhiên sinh ra buồn rầu vô cùng. Từ thuở bé đến giờ, chỉ quen vui thú ở nhà, nay tôi mới biết cái cảnh biệt ly là một! Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại: từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm tôi quyến luyến khác thường. Thuyền nhổ sào, ai cũng chúc tôi thuận buồm xuôi gió, bình yên khỏe mạnh. Thuyền đi đã xa mà tôi còn đứng nhìn trở lại, nhìn mãi cho đến lúc không trông thấy nhà nữa mới thôi. Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy”.

Có phải từ ám ảnh “Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy” mà ông Dzoãn Mẫn đã thổn thức: “Biệt ly nhớ nhung từ đây/ Chiếc lá rơi theo heo may/ Người về có hay”? Mà Cung Trầm Tưởng: “Lên xe tiễn em đi/ Chưa bao giờ buồn thế/ Trời mùa Đông Paris/ Suốt đời làm chia ly”? Mà Vũ Hoàng Chương: “Đò chiều sông lạ tiễn đưa nhau/ Gió nấc từng cơn, sóng vật đầu/ Hai ngả lênh đênh trời ngụt khói/ Người đi, ta biết trở về đâu?”.

Một câu hỏi buông ra ai là người trả lời?

Ngay cả Vũ Hoàng Chương cũng không thể trả lời bởi vì rằng, họ tiễn đưa nhau oái oăm thay, không phải nơi chốn từng quen thuộc: “Trăm năm đành lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác xưa” - mà chính “Đò chiều sông lạ”. Không gian: chiều; sông: lạ. Sao lại tiễn đưa trong một hoàn cảnh éo le đến thế? Éo le vì đò chiều là chuyến đò cuối; lại chia tay nhau ở bến sông lạ thì người ở lại sẽ biết về đâu?

Về đâu, chỉ có thể: "Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu/ Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào?" (Phạm Duy). Người ngồi lại sẽ về đâu? Không biết. Người đi sẽ đi đâu? Không biết. Làm sao có thể biết khi cả hai cùng trong tâm cảnh: “Hai ngả lênh đênh trời ngụt khói”. Khói gì vậy? Sương khói của êm ả bóng chiều? Không, ấy chính là khói lửa chiến tranh, binh đao tan tác nên "Gió nấc từng cơn, sóng vật đầu" là hình cụ thể phơi bày trước mắt, chứ không phải phản ánh lấy tâm trạng.

Có phải tiễn đưa vào lúc chiều, đêm tối, canh khuya thì càng não nùng ly biệt hơn chăng? Có thể lắm. Chắc chắn lắm. Vi tâm trạng u tối, lại không gian sẫm tối, nhập nhòe bóng tối, nhìn từ góc độ hội họa rõ ràng bức tranh ấy khác gì câu thơ của Nguyễn Gia Thiều: “Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này”?

Lâu nay, ai cũng bảo Đường Thi là những viên ngọc, càng trải theo năm tháng, ngọc càng sáng. Sự khái quát của nói về tâm cảnh biệt ly trong Đường Thi ra làm sao? Thì đây, hãy đọc qua bản dịch của Tản Đà: “Sung mơ ăn khó ai ơi/ Sung ăn thời chát, mơ thời chua sao/ Chưa bằng sống biệt ly nhau/ Ruột gan chua chát lại đau bội phần”. Hay không? Rất hay. Khen thì khen vậy, nhưng sao bi thảm, buồn bã, thảm thiết bằng câu ca dao Việt Nam: “Đêm qua mới thật là đêm/ Ruột xót như muối, dạ mềm như dưa/ Mong chàng như cá mong mưa/ Nhớ chàng như bữa cơm trưa đói lòng”. Một cách nói thật thà, không hoa hòe hoa sói, lấy thức ăn hằng ngày: muối/ dưa; lấy sự tồn tại tất yếu: cá/mưa. Lấy cơm trưa đói lòng so sánh với nỗi nhớ chàng, chao ôi, nghe ra dân dã, mộc mạc và tình cảm chân chất biết dường nào.

Trong đời người, ai lại không từng trải qua sự biệt ly rúng động tâm hồn? Sự biệt ly nào mà không: "Xa nhau gió ít lạnh nhiều/ Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh" (Trần Huyền Trân)? Có thể xếp hai câu thơ này vào hạng hay bậc nhất về chủ đề Sầu hương của Việt Nam? Có những câu hỏi, chẳng dại gì vội trả lời. Câu hỏi vừa rồi cũng thế. Cái hay của câu thơ trên là ở chỗ phản ánh cảm giác của tâm trạng. Gió vẫn gió của mọi ngày, đã từng cảm nhận mỗi ngày nhưng rồi do xa cách nên cảm thấy lạnh hơn. “Chiếu chăn không ấm người nằm một/ Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay (Huy Cận), do vậy, cảm giác lạnh hơn dù vẫn ngọn gió ấy là lẽ tất nhiên. Lửa khuya, mưa chiều cũng không khác gì, bởi xa nhau đến ngút ngàn thăm thẳm nên mới buồn rầu nhận ra sự khác thường của tốc độ nhanh/ chậm. Ấy cũng chính là cảm giác của tâm trạng. Nếu không tâm trạng ấy ắt không có cảm giác ấy.

Với y, ấn tượng nhất vẫn là: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường”. Cuộc tình của Thúy Kiều - Kim Trọng dù sau này tan vỡ, không thể tơ duyên chắp nối nhưng vầng trăng ấy vẫn cứ tròn đầy đến ngàn đời, muôn đời sau. Sau này dù chàng và nàng đã đâu vào đó, đã ổn định riêng tư, không còn qua lại, không còn tay trong, không còn "Mảng vui rượu sớm trà trưa/ Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh" nhưng rồi lúc nào đó, bất chợt nhìn thấy/ gặp lại vàng trăng của thuở "Ai xẻ làm đôi", chắc chắn họ sẽ thổn thức tâm can, đầm đìa thương nhớ...  Câu thơ không có nhân vật, chỉ có vầng trăng nhưng rồi một khi đã Sầu hương, bất kỳ ai cũng thấy mình ở trong đó. Đó mới là bút pháp thượng thừa, vô tiền khoáng hậu của thiên tài Nguyễn Du.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment