LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.11.2107

ngay-di-tren-chu-3Rqueme

Tranh giấy dó của Lê Minh Quốc

Quê mẹ

1.

“Đất lành chim đậu”. Sài Gòn là một vùng đất như thế. Năm tháng sinh viên, y đã có những ngày lang thang trên “ngựa sắt” khắp hang cùng ngõ hẻm của chốn phồn hoa đô hội này. Và đã yêu. “Xin cám ơn con ngựa sắt cà tàng/ Rong ruổi theo em chưa hề bỏ cuộc/ Chiếc xe đạp như một vần thơ / Chuyên chở tôi đi tỏ tình khó nhọc”. Ai cũng có hoa trái của một thời tuổi trẻ trong mộng mị lẫn đời thường. Hoa trái thơm tho như mắt môi của một người con gái ấy. Gặp một người, yêu một người. Và đã có kế hoạch nên duyên sắt cầm. Năm 1987,  y viết bài thơ Nơi em về làm dâu.

Nơi ấy là nơi nào?

Ngày xửa ngày xưa, khi chàng trai trong ca dao tỏ tình: “Sao Măng năm cái nằm ngang/ Thương em từ thuở mẹ mang đầy lòng”, nếu duyên tình ấy trọn vẹn, họ sinh con đẻ cái ắt con cái gọi nơi ấy là quê mẹ. Quê mẹ của y ở xã Quảng Huế, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), hằng năm vào ngày 20 tháng 3 Âm lịch, dòng tộc Lương bên ngoại từ khắp nơi về giỗ chạp nhưng y lại không có nhiều kỷ niệm. “Chẳng lẽ về quê lại hỏi người?”. Câu thơ của Chế Lan Viên nghe ra cám cảnh quá, ấy là lúc ông trở về An Nhơn (Bình Định) - nơi đã sống từ bé sau nhiều năm xa cách. Về lại, “Bạn chơi ngày nhỏ chả còn ai/ Nền nhà nay dựng cơ quan mới” mà còn thốt ra câu ấy, huống hồ gì về Đại Lộc, với y, chẳng khác gì đến bất kỳ một vùng đất nào.

Vậy, quê mẹ có gì mà lại nhớ, lại yêu, lại canh cánh trong lòng? Có gì ư? Ấy là một khái niệm, với y không rõ nét, chỉ biết, nơi ấy, mẹ đã chôn nhau cắt rốn. Khi viết bài thơ cho cuộc hôn nhân đầu tiên, này Loan, anh  vẫn nghĩ về quê mẹ, dù nơi ấy chỉ là thoáng mây vụt ngang qua trí nhớ. Nếu có nhớ gì chăng cũng là sau này, khi trở về nơi mẹ sinh ra không khác gì khách lạ qua đường. Nỗi nhớ ấy xanh rêu cũng từ tưởng tượng đấy thôi.

Có thể, y nghĩ đến ngày xưa mỗi sáng, trên đường đi học, mẹ đã từng nghe tiếng chim gù rúc rích trên lùm tre. Nghĩ đến năm tháng tuổi thơ lúc mẹ gánh nước ở dòng sông Vu Gia. Nghĩ như thế nên mới tự nhủ với em - cô nàng đã trở thành vợ: “Đất miền Trung không cằn cỗi tiếng chim/ Em cứ hồn nhiên ra sông gánh nước/ Trên lùm tre tiếng chim gù xanh mướt/ Chiều quê anh đắm thắm nụ hôn đầu”. Thì cứ cho là thế. Sao lại không là thế? Bởi, đổ bóng xuống tuổi trẻ của mẹ đã có ráng chiều nhập nhòe thấp thoáng. “Đòn gánh tre chín rạn hai vai” (Nguyễn Du). Mẹ đã gánh nặng trĩu trên đôi vai mảnh khảnh. Gánh năm tháng tuổi thơ đi qua mọi nhọc nhằn, cơ cực.

Lại nghĩ về mưa. Có lần về quê mẹ trong mùa bão lụt, y rùng mình nhìn những ngấn sẫm đọng lại trên vách tường, sau khi nước rút. Vết sẫm ấy cho biết bão lụt đã dâng nước lên sát cả trần nhà. Quê mẹ đó ư?  “Làm sao vẽ được cơn cuồng nộ của bão? Những đêm đen toác hoác cả vòm trời. Nơi đó, có dòng sông điên cuồng nhào xuống đất. Đất hóa thành sông lênh láng ngược lên trời”. Lại nghĩ về nắng. Trong tâm trí vẫn còn gợi lên hình ảnh cây xương rồng kiêu hãnh vươn lên đất bỏng. Buộc miệng kêu lên: “Rễ bám chặt đất khô khan/ Thân kiêu hãnh đón chói chang nắng trời/ Ô hay cây cũng như người/ Vượt qua khắc nghiệt đến thời nở hoa/ Sắc trầm tĩnh đến thiết tha/ Hương thanh khiết lại mượt mà như không/ Cây gai tua tủa xương rồng/ Lại trổ hoa thắm sắc hồng ngộ chưa?”.

Sức sống của con người sinh ra trên vùng đất miền Trung, nói chung là vậy. Không, vùng đất của nước non nhà đấy chứ, dù “Chó ăn đá gà ăn sỏi”, dù “Trời hành cơn lụt mỗi năm”, dù khắc nghiệt hơn thế nữa nhưng người Việt vẫn tồn tại bền lòng. Vẫn dựng vợ gả chồng. Vẫn sinh con đẻ cái. Vẫn chung tay gìn giữ từng tấc đất trường tồn theo năm tháng;...

Có phải do vùng đất khắc nghiệt ấy đã khiến sau này, y vẫn luôn tự hỏi: “Sao mẹ chắt chiu đến cả nụ cười?”. Ngay cả nụ cười cũng “chắt chiu” gìn giữ, thế mới biết các bà mẹ nước Việt luôn cần kiệm, lo toan, dè xẻn biết chừng nào. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Âu cũng là đặc tính tốt đẹp ngàn đời của phụ nữ Việt. Ông nhà thơ Hồ Dzếnh, người Minh Hương nhưng lại được nuôi sống bằng bầu sữa Việt. Con người ấy đã rất Việt khi cảm nhận về phụ nữ Việt bằng một nỗi niềm khâm phục thốt ra tự lòng thành: “Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa/ Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha/ Khi cô vui thú, là khi đã/ Bồng bế con thơ, đón tuổi già”. Đọc lên âm vang trong đường tơ kẽ tóc, tự dưng ta có một rung cảm mãnh liệt bởi câu thơ trên khác gì dành cho người mẹ của mình.

2.

Quê mẹ, còn là nơi có căn nhà đầy ắp kỷ niệm thơ ấu của mẹ. Căn nhà ấy thế nào? Chính mẹ cũng không còn nhớ rõ, chưa bao giờ nghe kể lại. Lúc mẹ còn hoa niên, do chiến tranh nên ông bà ngoại đã tản cư lên vùng Cây Sanh (Tam Kỳ), năm 1955 hồi cư về Đà Nẵng lập nghiệp. Thế nhưng dấu ấn nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ vẫn hiện hữu theo năm tháng. Mà dấu ấn của quê cha cũng chẳng khác gì.

Thử nhớ lại đi, hỡi những người con đã sống xa quê, dù chưa một lần về quê nhưng vẫn có thể cảm nhận rất rõ nét từ người mẹ/ người cha. Có phải các anh các chị các em đã cảm nhận qua giọng nói đặc trưng vùng miền từng đấng sinh thành đấy không? Khi nghe giọng nói, dù chưa hề một lần về thăm quê, nhung lập tức từ trong máu thịt tình cảm của cội nguồn khiến ta nghĩ đến: “Hồn quê đặt ở trên môi/ Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về/ Mơ hồ một bến sông quê/ Long lanh mắt biếc xuôi về xốn xang”. Tìm đâu xa, “hồn quê” chính là từ giọng nói của cha/mẹ đấy thôi.

Ngay cả lúc phiêu dạt chân trời góc biển, nơi người lạ, xứ lạ nhưng rồi giữa muôn trùng người người lớp lớp ấy, con người  ta cũng có thể tìm thấy “hồn quê/quê nhà” từ những con người xa lạ dù chỉ mới lần đầu gặp gỡ. Y đã từng thốt lên ngạc nhiên: “Ở gần đây chứ đâu xa/ Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi”. Khi viết chuyên luận Người Quảng Nam, sở dĩ y hoàn thành xuất sắc phần khảo sát thổ âm, thổ ngữ chính là từ lúc quan sát, trò chuyện và ghi chép cách phát âm, gọi sự vật từ giọng nói của mẹ y. Bà cụ là một người Quảng, rất Quảng, mãi cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt nhưng vốn từ đặc trưng của một vùng miền vẫn tươi roi rói.

Chỉ nêu một thí dụ nhỏ, rất nhỏ, nếu không có mẹ sống chung nhà, làm sao y có thể viết được câu này: Không chỉ có thế, họ còn nói "thọa" là cái hộc tủ; "cụi" là tủ đựng thức ăn, đặt dưới bếp - thông thường thị dân còn gọi là cái "gạc măng rê" (phiên âm Garde manger của Pháp). Cái cụi này ở nông thôn xứ Quảng, người ta thường để bốn cái tô bằng sành, rẻ tiền, dưới bốn chân tủ, đổ đầy nước để ngăn kiến, sâu bọ không theo đó mà leo lên; "lủm" là từ chỉ hành động bốc một vật gì đó bỏ vào trong miệng, như: "-Miếng thịt mới đây đứa mô lủm rồi?"; "trã" tương tự như cái chảo, làm bằng đất, không sâu chỉ trèn trèn, dùng để kho cá; "kiệt" là hẻm; "kiết" là keo kiệt, như: “- Thằng cha ni giàu mà kiết"; "đầu dầu" là đầu trần, như thấy người kia đi giữa nắng chang chang không đội nón, người này nói: "- Reng (răng) mà đi đầu trần (hoặc đầu dầu) rứa? Không sợ cảm néng (nắng) à?"; "ở dổng" là ở truồng, như người ra thường nói: "-Không biết dị à? Lớn rồi mà còn ở dổng!"; "hục" là "hố" như ta thường nghe: "- Mi ra ngoài kia đào cho tao cái hục, sâu chừng nửa thước"; ướt đẫm thì họ nói là "ướt nhẹp" v.v…

Ngoài giọng nói, còn có thể tìm thấy dấu vềt của quê mẹ/ quê cha đất tổ ở đâu nữa không? Xin nêu một “kinh nghiệm” hoàn toàn có tính cách chủ quan: Hãy quan sát bánh trái ba/mẹ đã sắm/ đã chưng trên bàn thờ ông bà tổ tiên trong ngày Tết. Và y đã thấy gì? Thấy gì là thấy gì? Dù nhắm mắt lại, trong trí nhớ vẫn hiện lên rõ mồn một như mới ngày hôm qua, ngày mới lên năm lên mười đứng xớ rớ dưới bếp chờ mẹ sai vặt. Lẫn trong khói bếp, nghe mẹ bảo: “Con bưng lên cho ba sắp lên bàn thờ ông nội”. Mùi thơm ngon hiện lên hau háu trong lòng đứa bé háu ăn nhưng nào có dám. “Bánh tổ hả mẹ?”. Đang bận rộn bếp núc, bà cụ không ngừng tay với chiếc đũa bếp, chỉ nói gọn lỏn: “Nhanh đi con”. Ấy cũng là một cách trả lời của người Quảng.

Ngày trước, không riêng gì Đại Lộc, người miền Trung nói chung rất chuộng bánh tổ. Bánh làm bằng bột nếp, đường tán, loại đường ngà ngà, to bằng bát ăn cơm, thuở bé, y nghe gọi đường bát, khi xếp vào cần xé hoặc rọ mỗi lớp đường đều được lót rơm cho chặt, khỏi xóc khi di chuyển làm bể/vỡ bát đường. Nếu không dùng rơm, có thể xếp bằng lá chuối tươi. Đường bát còn gọi đường đinh, đường tán. “Vái ông Tơ một chầu bánh tráng/ Vái bà Nguyệt một tán đường đinh/ Đôi ta gá nghĩa chung tình/ Dầu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưng”. Một loại đường rẻ tiền, bình dân nếu so với đường phổi, đường phèn trứ danh của Quảng Ngãi.

Lúc nhỏ, lúc đứa trẻ khóc nhè, dỗ mãi không nín, bà mẹ dụ khị bằng cách tán nhỏ bánh đường tán đưa cho ắt nó cười tít mắt. Mẹ ơi, ngày ấy nay đâu? Bánh tổ hình tròn, trên mặt bánh rắc mè. Hấp chín. Dẽo và ngọt. Chỉ làm trong ngày Tết. Sau Tết, bánh khô lại không còn dẽo, cắt bánh ra, nhai có cảm giác sừng sực. Chẳng ai ăn thế đâu. Cách ăn đúng điệu, đúng catalogue nhất vẫn là xắt mỏng đem chiên với dầu phộng. Sau này, lúc mẹ ở Sài Gòn giữ nhà cho y về quê, lúc vào lại, bao giờ vợ chồng em út cũng chu đáo dặn đem vào cho mẹ. Ối dào, lúc ấy răng mẹ đã rụng, làm sao ăn? Không sao cả, chỉ cần nhìn cái bánh tổ, hương vị của bánh, y biết rằng cũng là lúc bà cụ nhớ về quê mẹ xa lơ xa lắc dầu chỉ là vệt nắng mờ mờ trong ký ức.

Trong vệt nắng ấy, còn có cả hình ảnh của bánh nổ. Là nếp khô nguyên vỏ, rang cho nổ bung rồi thắng với đường, lèn vào khuôn. Khi ăn cắt ra từng miếng. Thường dịp gần Tết, từ Quảng Ngãi, gia đình ông cậu ruột gửi ra biếu các cậu, các dì. Tự tay nhà làm chứ không phải mua. Sự tự tay ấy, không hẳn tiết kiệm mà còn chính vì thể hiện tấm lòng yêu quý bà con bên chồng của mợ Lý - vợ cậu Bảo. Rồi lại có năm gửi ra cả bánh thuẫn nữa. Một khi nhắc đến các loại bánh vốn quen thuộc của một vùng quê xứ Quảng, thâm tâm y đã nhớ về quê mẹ.

Này em yêu đã đính hôn, này Hoàng, khi anh viết tặng em: “Cuối năm lửa cháy hoài trong bếp/ Nấu bánh chưng xanh đón giao thừa/ Tôi nằm nghêu ngao như trẻ nhỏ/ Dăm chiếc lá khô rụng cuối mùa” - cũng là lúc anh nhớ về quê mẹ đó thôi. Một khi đã nhớ đến một người, có thể tìm thấy bóng dáng của người mẹ thì tình cảm ấy, làm sao mất đi? “Em còn xõa tóc xuống bờ vai/Thấp thoáng ngoài sân chiếc bóng gầy/ Thương em tảo tần như dáng mẹ/Sao tôi để vụt khỏi tầm tay?”. Câu hỏi ấy, mẹ y cũng đã hỏi. Bây giờ, bà cụ đã không còn nữa. Đã xa lắc muôn trùng. Tưởng mất, lại còn. Hình bóng về quê mẹ cũng không khác gì đâu. Đã xa, lại gần.

Một con người chào đời, biết được gốc gác, nguồn cội của cha mẹ, ông bà sinh ra nơi nào, âu cũng là một diễm phúc, may mắn. Cây có cội, nước có nguồn. Cội ấy, nguồn ấy, mới có cha có mẹ để về sau con cái, cháu, chắt là một sự tiếp nối đời đời không dứt. Một mạch nước ngầm vĩnh viễn tràn đầy, tồn tại mãi mãi, trải dài theo thăng trầm non non nước nước...

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment