LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.11.2017

 

gap-lai-tho-au-buion-vui-1-RRRR

(Từ phải: Lê Minh Quốc, cụ bà Lương Thị Ân ẳm Lê Minh Tiến, đứng cạnh là Lê Minh Tân)

Mẹ xóa nợ cho con

 

“Thương người như thể thương thân”, tình cảm ấy, hiện diện trong tâm hồn của mỗi người. Từ lúc sinh ra, đã có. Nó chỉ nhợt nhạt hoặc mất đi là do tác động của giáo dục, môi trường sống... Vì thiện tâm, mỗi người có cách thể hiện tấm lòng của mình. Y nghĩ rằng, chỉ cần sống tốt, nghề nghiệp ổn định, sống lương thiện, không gây hại đến người xung quanh đã là làm việc thiện. Không báo đời báo cô, ăn khín, ăn chực nguời khác, lừa đảo kiếm cơm mà tự hai bàn tay trắng kiếm sống bằng những giọt mồ hôi đã là làm việc thiện. Người ta chỉ giúp lúc ngặt. “Giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo”. Dù nghèo nhưng không phiền đến ai, không nhờ vã, ỷ lại lòng tốt của bá tánh đã là làm việc thiện. Một khi đã làm việc thiện cho mình chính là cũng giúp ích cho cộng đồng đấy chứ?

Lại có người quan niệm, làm việc thiện tức là mình kêu gọi người khác cùng nhường cơm sẻ áo, cùng vận động chung tay đóng góp. Muốn thế, phải có tài, có tâm và thời gian. Càng nhiều đóng góp thì việc hỗ trợ càng lớn, càng có nhiều người nhận được tấm lòng vàng của đồng loại. Tốt lắm. Rất đáng ca ngợi. Y luôn ủng hộ bằng “của ít lòng nhiều” nhưng bằng đồng tiền của mình làm ra, chứ kêu gọi lòng tốt người này để giúp người kia. Dù rằng, đó cũng là một việc tốt.

Tại sao như thế?

Trộm nghĩ rằng, dù làm bất kỳ một việc gì cũng tạo nghiệp. Nói như thế, y thuộc hạng yếu bóng vía quá chăng? Ngay cả việc làm việc thiện mà cũng ngần ngại. Kém thế? Vâng, làm việc thiện nếu không khéo, sơ sẩy, điều tiếng nọ kia là gánh thêm nghiệp. Mà hiện tại cái nghiệp của y đã và đang thế nào? Chẳng ra gì đâu. Nếu ra gì thì ngày hôm nay đã ra gì rồi, chứ đâu phải như lúc còn sống mẹ y thường than vãn: “Răng mi chưa chịu cưới vợ? Chắc tiền oan nghiệp chướng chi đây?”.

Lại nhớ, thỉnh thoảng gặp nhau, bạn thơ Đỗ Trung Quân thường tặc lưỡi thương hại: “Q cao số quá”. Cao số thì cải số. “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, ông Nguyễn Du bảo thế. Thì cứ làm theo thế chăng? Phải làm theo. Trong tâm trí bà cụ, đứa con trai đã già đầu mà chưa có vợ thì kỳ cục, kỳ quái, kỳ quặc còn hơn cả mặt trời mọc ở hướng Tây. Sự tệ hại ấy không khác gì thằng con ấy chỉ nửa người nửa ngợm nửa đười ươi. Không thể chấp nhận nổi. Gì cũng có thể châm chước bỏ qua,  chứ  chưa có đôi có đũa, trong mắt bà cụ, y vẫn chưa trưởng thành.

Không hiểu rõ cơn cớ làm sao mà y đã mấy lần trở thành/ suýt trở thành chú rể thì lại té cái oạch, mèo lại hoàn mèo, chẳng nên cơm cháo gì nên bà cụ quyết tìm cho ra nhẽ đặng cải số cho con.

Thế là vào một ngày đẹp trời, mẹ y lẳng lặng về quê. Bà cụ về làm gì? Không một ai trong nhà có thể biết, ngoại trừ y. Nơi bà cụ tìm đến là cái điện thờ Mẫu nhằm thăm dò trước. Sau khi có ngày giờ cụ thể, đã sắm lễ vật đâu vào đó, bà cụ cho gọi y về. Ngày đó, chỉ hai mẹ con đi tới cái điện gần chùa Tỉnh Hội, ngay ngõ đi vào xóm Mã Vôi. Bà mẹ ngoài 70 dẫn đứa con sắp 50 đi cải số. Để làm gì? Để nó mau có vợ. Thiệt tình. Biết chi tiết này, người ta sẽ cảm động hay phì cười?

Nghĩ lại, y phì cười. Cũng nhang đèn đội sớ cũng cô ba cô bảy cung văn lên đồng đàn ca ríu rít khi thảm khi sầu khi cười khi khóc khi múa khi reo... Cũng nhang đèn nghi ngút khói nhang khi nhập đồng khi vung gươm khi bắt ấn khi chém tà khi đốt bùa tích tịch tình tang cung đàn réo rắt… Nói tóm lại buổi lễ ấy, kéo dài cả hai giờ đồng hồ. Sau lần đó, mẹ y tin rằng y sẽ yên bề gia thất. Có thể yên tâm giao lại nhà cửa, trở về quê vui cùng cháu con, bạn bè, bà con láng giềng. Mà này, ngày ấy, y đang yêu ai? Yêu ai mà cũng đang mở lòng hân hoan đón đợi?

“từ đây tôi đã biết thở / bằng hơi thở của em/ từ đây tôi đã có tên / bằng tên của em / trong giấc ngủ giữa biển khơi / có hương sen / và muối mặn / sự dịu dàng nào không giống hương sen? / tình yêu nào không tựa như muối mặn? / một ngày tôi thấy ngập đầy bóng nắng / hong khô nỗi buồn / sưởi ấm niềm vui / tôi thấy em đặt tên tôi trên môi / và khẽ gọi / tôi nghe em nói / tiếng nói của trẻ thơ / biển đã yên / phía chân trời rợp bóng chim uyên / tôi thấy tôi ngốc dại / quỳ dưới chân em / một tình yêu âm vang như tiếng sóng”.

Mọi việc sẽ diễn ra như ý muốn chăng? Mẹ y nghĩ thế. Y nghĩ thế. Bạn bè cũng nghĩ thế. Hỡi ôi, tất cả vuột khỏi tầm tay. Sóng biển không âm vang. Sóng biển lặng câm. Như số phận. Như bỡn cợt. Như trêu ngươi. Từ đó, mẹ y bất lực. Bà cụ không còn nôn nóng hối thúc nữa. Chỉ lúc nào bạn bè y ghé chơi nhà, bà cụ chỉ hỏi khẽ, thăm do dạo này y đã bồ bịch với ai chưa? Rồi len lén thở dài. Nghĩ cũng lạ. Mẹ y thường làm từ thiện. Sống tốt. Thế thì, tại sao y lại không mấy may mắn được như thiên hạ?

Bà cụ làm từ thiện bằng cách nào? Hễ ai nghèo thì giúp. Thời gian ba y bị giam ở Kho Đạn, trước lúc đi thăm nuôi bao giờ mẹ y cũng cầm theo cả nắm tiền. Thuở ấy, cả bên ngoại bán vàng, ăn nên làm ra nên tiền nong chỉ trong tầm tay. Không đáng bận tâm. Có lần theo mẹ vào nơi ấy, y đã thấy hễ gặp ai nghèo khổ, túng thiếu là bà cụ lẳng lặng nhét tiền vào tay họ. Rồi đi nhanh, không cần đợi phải nghe lời cảm ơn rối rít đang vọng theo. Bà giúp đỡ người khác như một lẽ tự nhiên, tự lòng mình nên mọi việc nhẹ tênh. Không ồn ào. Sự giúp đỡ ấy thoáng qua nhanh như cơn gió. Đã giúp những ai, đã bao nhiêu tiền, bà cụ không bận tâm. 

Rồi ngay cả lúc về già cũng thế. Mỗi lần về quê, bao giờ mẹ y cũng bảo đưa ít tiền lận lưng. Ngạc nhiên quá. Ở tuổi gần đất xa trời, muốn gì, con cái lo lắng, chăm sóc chu toàn, vậy, cần tiền để làm gì? Đơn giản, chỉ để lúc đến thăm những người bạn già, thấy ai túng thiếu thì cho. Không chỉ có thế, vì đại cục, vì nghĩa lớn, mẹ y còn thể hiện qua những đóng góp lớn lao, rất lớn lao nhiều hơn thế nữa. Đã tự dặn lòng, vâng, không nhất thiết y phải nhắc lại. “Hãy để gió cuốn đi”…Ngay sau này giải phóng thời cuộc thay đổi, có những người đã thiếu nợ trước đó, mẹ y cho tất. Xí xóa. Bấy giờ ai cũng nghèo khó như ai. Cho xóa khoản nợ ấy để họ khỏi canh cánh, áy náy trong lòng, dù họ muốn trả nhưng biết lấy gì mà trả?

Ngày xưa, ông Kim Thánh Thán là người hay chữ, nhân lúc nhàn rỗi ngồi ghi ra 33 thú vui của một người biết vui sống. Mẹ y lại khác, bà cụ không biết chữ. Nhưng lúc đọc Kim Thánh Thán, y thừa biết rằng cùng chung một việc, khi thực hiện, cả hai cùng có cảm giác nhẹ nhàng, chẳng gì vướng bận, lăn tăn: “Sau bữa cơm, không biết làm gì, sắp xếp lại đồ vật trong một chiếc rương cũ, bỗng thấy hàng chục hàng trăm văn khế cũ mới của những người thiếu nợ. Người còn, kẻ mất, nhưng đều là vô hy vọng đòi lại được tiền. Không cho ai hay, bèn gom lại, châm lửa đốt hết, ngửng lên nhìn trời cao không gợn một đám mây. Chẳng cũng khoái ư?”. Khoái lắm chứ. Những tấm lòng ấy khoáng đạt, rộng rãi biết dường nào.

Ông bà ta có câu: “Xởi lởi trời gửi của cho”. Lúc trẻ, giàu có, hễ ai nghèo là giúp. Nhiều người nghĩ rằng, âu cũng là một cách làm phúc tạo đức về sau. Mẹ y cũng nghĩ như thế chăng? Có thể lắm nhưng y nghĩ tự thâm tâm bà cụ thấy việc cần làm là phải làm, thế thôi, không nghĩ ngợi xa xôi đến vậy. Một trong những điều khiến y hãnh diện, tự hào về mẹ là khi gặp nhiều bạn cũ của mẹ, ai cũng khen bà cụ tốt, đã từng giúp đỡ họ lúc nghèo khó, túng thiếu. Sống ở đời, chỉ cần nghe ai đó nhận xét tốt về mẹ/cha, tự mình cũng đã có thể tự hào ngẩng cao đầu. Đó cũng là một thứ tài sản quý báu tạo dựng nên nếp nhà.

Từ một người buôn gánh bán bưng, đầu tắt mặt tối, tần tảo ngày đêm đã nuôi dạy con nên người, sống sung túc ấm êm, nở mày nở mặt với thiên hạ, cái thuở ban đầu ấy, vốn liếng của mẹ y có gì? Chẳng có gì ngoài hai bàn tay trăng. Và như mọi người khác, lúc mất đi, trở về với đất thì bà cụ cũng hai bàn tay trắng. Không nợ nần gì ai. Ai nợ thì quên, không gì phải nhớ đến. Cuộc đời ấy, sự “ra đi” bao giờ cũng nhẹ nhàng. Như đã cầm trên tay tấm vé khứ hối. Đến lúc khởi hành, không chần chừ, nấn ná mà thanh thản bước lên, mỉm cười chào những người ở lại sẽ đi chuyến tàu sau. Rồi lại gặp nhau ở một sân ga cuối. Đông đủ. Chan hòa như đã có.

Y biết, lúc bước lên tàu đi về cõi Vô Cùng, mẹ y đã hài lòng, vì ít ra cứ nói như câu của miệng từ ngàn xưa truyền lại: “Con gái hưởng phúc cha, con trai hưởng phúc mẹ” thì mẹ đã sống tốt, đã làm điều tốt nhằm tạo phúc cho các con, thế nhưng tại cơn cớ làm sao điều mong mỏi nhất của bà cụ dành cho y lại trật duột mãi thế? Có lúc y cũng tự hỏi, rồi biết trả lời thế nào?

Thời trẻ, y không tin vào lá số tử vi, nay đã khác. Ngày trước, khi con cái sinh ra thường là người cha ghi cụ thể ngày giờ rồi nhờ thầy toán số xem giúp tương lai, hậu vận… Nếu cứ theo lá số tử vi ấy, cuộc đời y đã rẽ sang một hướng khác, rất khác. Nhưng nay, sao lại thế này? Thế thì, rõ ràng thấy toán số đoán trật cù chìa, thời trẻ y nghĩ vậy. Và không tin vào lá số ấy, không tin vào cái gọi là “số/ duyên số” của mỗi người. Nay, một khi đã ngoại ngũ thập lại nghĩ khác. Con người ta có số đấy chứ. Chắc là vậy. Nếu không làm sao có thể lý giải những việc không nên thế, không làm thế nhưng rồi vẫn xẩy ra dù đã tự ý thức?

Một khi đã bình tâm nghĩ về số/ duyên số, y đã tự cảm thấy mình đang còn nợ mẹ. Nợ một sự ổn định của có đôi có đũa, yên bề gia thất mà bà cụ mong mỏi từng ngày. Bao giờ y sẽ trả hết món nợ: “Vừa đóng vai vợ/ Lại diễn vai chồng/ Nhiều lần đi chợ/ Phải về tay không/ Thấy trong bếp lửa/ Cháy rực hoa hồng/ Vo gạo nấu cơm/ Thấy toàn mây trắng/ Từng đêm khuya vắng/ Đẩy cửa vào nhà/ Chỉ con mèo đói/ Mắt ướt ngó ra/ Rụng xuống bông hoa/ Hai bàn tay lạnh/ Chăn gối trên giường/ Ẩm rêu hiu quạnh”? Bao giờ? Bao giờ nợ này sẽ trả? Đến lúc nào nợ này sẽ trả? Sẽ thoát ra khỏi nỗi ám ảnh hoang vu xa thẳm buồn rầu ấy?

Có được thoát ra ngoài, mới là thật sự trả nợ để lúc vân du tiên cảnh mẹ y sẽ hài lòng. Tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực hết sức mình, bằng không, có lẽ bà cụ cũng mỉm cười, chỉ vì thương con mà ngậm ngùi xóa nợ.

Mẹ ơi, có phải vậy không?
 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment