LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.11.2017

Lại nhớ bài thuộc lòng môn Quốc văn hồi học lớp Ba: “Em nhớ bà em những buổi chiều/ Ngồi bên giàn lý gió hiu hiu/ Một bày cháu nhỏ chơi quanh gối/ Đứa nếp sau bà đứa đuổi theo/ Bà bảo đừng nô bà kể chuyện/ Cùng nhau xúm lại tiếng cười reo…”.

clip_image0014ba_ngoai

Bà ngoại - tri kỷ, tri âm của mẹ

 

Đại khái trong tập tản văn Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn, Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên, thỉnh thoảng, y có nhắc đến bà ngoại. Chẳng hạn, thời hoa niên, ngày ấy, nhà y sống gần chùa Tỉnh Hội. Có một điều khó lý giải là vì sao các tiểu trạc tuổi bọn y, sao lại điềm tĩnh, chững chạc và “người lớn” chứ không hề “tâm viên ý mã”? Tại sao thế? Nghe y hỏi, bà ngoại bảo, do các tiểu sống trong không gian thanh tịnh và ăn chay nên tính tình đằm lại. Có đúng vậy không? Mãi đến lúc đã “ngũ thập” y mới nhận ra bà nói đúng. Ích lợi của việc ăn chay, không gian sống tác động đến sức khỏe, tâm tính như thế nào, các bác sĩ đã giải thích, y xin phép không lạm bàn.

Người định hướng trước nhất cho con cháu trong nhà y, không ai khác chính là bà ngoại - cụ bà Võ Thị Thừa, pháp danh Tâm Đoan, người gốc ở làng Phước Ninh (Đà Nẵng). Bà vốn mộ đạo, tự học đánh vần, tập đọc để đọc kinh Phật và trước lúc ngủ bà luôn niệm: “A di đà Phật cứu khổ cứu nạn…”. Ngày Rằm thường dẫn cháu lên chùa chiêm bái Phật, y nhớ mãi hình ảnh mà hằng ngày ít thấy là dịp ấy, bao giờ bà cũng mặc áo dài màu lam, chân đi đôi guốc mộc đã mòn vẹt. Và mẹ y đã ảnh hưởng từ bà rất nhiều trong cách dạy con. Những tưởng đó phải là những “triết lý” to tát, lớn lao, phải thông suốt kinh sử mới có thể thực hiện nổi.

Không, những bài học khai tâm ấy nhẹ nhàng và dễ hiểu xiết bao. Những đêm nằm ngủ bên bà, bao giờ, y cũng nghe bà dặn dò đừng nên nói những câu gợi lên điều ác, hắc ám, chết chóc… Không khéo nó vận vào người thì khốn. Thuở bé, nghe bà dạy thế, chỉ mỉm cười, chẳng hiểu lắm đâu. Mãi sau này, lúc đọc Thả một bè lau, y mới giật mình cảm nhận về một điều thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích, không khác gì lời bà ngoại đã dạy.  

Thiền sư viết rằng: “Ngày xưa, khi chị Cầm của tôi đọc Truyện Kiều cho mẹ tôi nghe, ngang câu “Phận sao phấn bạc như vôi/ Ðã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng” mẹ tôi nói: “Con đừng đọc như vậy, phải đọc là “Phấn sao phấn bạc như vôi”. Tôi nói: “Ðâu có! Trong sách để ‘phận’ rõ ràng mà, tại sao lại đọc “phấn"?”. Mẹ tôi nói: ‘Ðúng rồi. Viết là ‘phận” nhưng nếu mình đọc “Phận sao phận bạc như vôi” thì mình cũng đang than thở như Kiều vậy. Mình sẽ vận nó vào trong người. Rất nguy hiểm. Thành ra phải đọc là “phấn” (để chứng tỏ là mình khác). Lúc đó, mấy chị em mới hiểu là trong văn hóa của mình có truyền thống tự bảo hộ như vậy. Không phải chỉ trong đạo Phật người ta mới cẩn thận trong việc tưới tẩm hạt giống, chính trong văn hóa Việt Nam cũng có truyền thống kiêng cữ”.

Nếp văn hóa truyền thống ấy, phải từ sự học mà ra, tu tâm dưỡng tính mà có? Không sai. Nhưng xin thưa rằng, điều quan trọng hơn cả, theo y vẫn chính từ nếp nhà. Giềng mối ấy, môi trường ấy quan trọng biết dường nào. Điều đó, giải thích vì sao có những người ăn học đàng hoàng, bằng cấp nọ kia, nhà cao cửa rộng nhưng phép ứng xử, đối nhân xử thế lại kém cỏi thế kia? Cũng do từ nếp nhà mà ra.

Có lần bà ngoại thủ thỉ: “Những ai đã giúp mình dù ít, dù nhiều trong quá khứ thì đùng quên ơn họ”. Rồi bà ngâm nga: “Trả ơn cái cối, cái chày/ Nửa khuya giã gạo có mày có tao”. Y hiểu, cái chày, cái cối kia không còn là vật vô tri vô giác, nó đã là người bạn của những lúc “tối lửa tắt đèn” có nhau.

Rồi có lần bà kể ngày xưa ở Quảng Nam, chiều ba mươi Tết chuồng trâu, bò được dọn sạch sẽ và chúng được nghỉ xả hơi. Qua ngày mồng bốn, chúng được đưa ra đồng với cái lễ vui vẻ có cả bánh tét, bánh chưng hẳn hòi. Sau khi khấn vái, người ta dán giấy vàng mã lên sừng trâu bò, con nghé thì được dán giữa trán - như lời cầu chúc cho chúng luôn khỏe mạnh, không ốm đau, không trở chứng xao nhãng công việc. Cúng xong, bánh trái ấy được phân phát cho trẻ mục đồng. Ấy cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn với gia súc đã quanh năm cùng gắn bó “trên đồng cạn dưới đồng sâu”.

Còn nhớ, sau khi ba y bị đày ra Côn Đảo, bà ngoại xuống nhà ở chung. Thương con gái làm dâu mà quê chồng xa tít ngoài Bắc, đất nước chia đôi, gặp lúc chồng  hoạn nạn, tai ách thì con mình hỏi han, tâm sự cùng ai? Ngược lại, không có cha mẹ chồng bên cạnh, chỗ dựa của mẹ vẫn là bà ngoại. Mọi vui buồn của mẹ con đều san sẻ cho nhau. Lúc gần đất xa trời, bước vào độ tuổi “cổ lai hy”, thỉnh thoảng mẹ y thường bảo: “Ở trong nhà mẹ thương bà ngoại nhất. Bà ngoại còn là bạn của mẹ”.

Ai là người đã dẫn mẹ từ lúc còn nhỏ xíu lên chùa quy y pháp danh Trí Viên mãn? Bà Ngoại. Ai là người đã nâng đỡ mẹ dậy, vỗ an ủi lúc lên mười mẹ té xuống nền nhà mà nay trên trán vẫn còn hằn vết sẹo? Bà Ngoại. Ai dạy mẹ biết cách nhóm bếp, cầm đôi đũa bếp? Bà ngoại. Ai người ngày đêm ẳm bồng đứa con so đầu lòng của mẹ? Bà ngoại. Ai đã dẫn mẹ đi chùa chiền cầu trời khấn Phật cho ba tai qua nạn khỏi lúc tù tội? Bà ngoại. Ai là người vẫn có mặt bên cạnh mỗi ngày lúc mẹ đã trưởng thành buôn bán ngoài chợ Cồn? Bà ngoại. Ai là người ngay lúc xuôi tay nhắm mắt đã cầm chặt lấy bàn tay mẹ? Bà ngoại.

Vậy, giữa hai mẹ con phải tâm đầu ý hợp nên mới có thể tạo duyên tri âm, tri kỷ. 

Một trong những câu chuyện mẹ y hay kể lại vẫn là “ngày xửa, ngày xưa…”. Ngày khói lửa binh đao của cuộc kháng chiến Chín năm, gia đình còn nghèo, sống ở vùng tự do Cây Sanh (Tam Kỳ). Ông ngoại làm ăn xa thỉnh thoảng mới đem tiền về nhà nuôi vợ con. Đồng lương của một người nấu bếp trên núi Bà Nà bốn mùa sương giăng gió buốt, heo hút non xanh, có là bao? Ông về là vui cửa vui nhà, có đồng quà tấm bánh, có đồng ra đồng vào nhưng cũng phải tằn tiện lắm mới đủ ăn. Sợ nhất, lo lắng nhất vẫn là lúc ông về lại dẫn theo dăm ba người bạn cùng làng; hoặc có lúc người cùng làng từ Đại Lộc (Quảng Nam) nhân việc đó từ quê ra, tạt qua ghé thăm nhà, ở lại chơi dăm ngày.

Cụm từ “người cùng làng/ người cùng quê”, bây giờ đọc lên nghe nhẹ hều, thậm chí chẳng mấy bận tâm. Cùng lắm một câu chào hỏi, quý lắm, kéo nhau ra quán, chìa cái thực đơn, gọi vài ba chai bia là xong. Thế nhưng ngày xưa lại khác. Khác lắm. Dù đói, dù nghèo thì trong nhà người mẹ/ vợ phải đãi đằng chu đáo. Thuở ấy, nhà ông bà ngoại y nghèo lắm, ăn còn bữa đói bữa no, lấy gì đãi khách? Nếu cần, nhịn miệng đãi khách. Nếu cần, giật nợ đầu này, vay nóng đầu kia để rủng rẻng ít tiền lo cơm nước chu đáo để cha/chồng tiếp khách.

Ngày xưa, một trong những điều khoái trá nhất của ông Kim Thánh Thán vẫn là: “Một ông bạn cách biệt mười năm, chiều tối bỗng tới nhà. Mở cửa, vái nhau xong, chưa kịp hỏi han đi đường thủy hay đường bộ, cũng chưa kịp mời bạn ngồi ghế hay ở giường, vội vào trong bếp, hỏi nhỏ vợ: “Bà có sẵn đấu rượu như bà Đông Pha không?”. Vợ vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem đổi rượu. Tính ra đãi bạn được ba ngày. Chẳng cũng khoái ư?”. Bà ngoại y nào có cái trâm vàng đem đổi rượu. Nhưng rồi, dù gì thì gì cũng phải đãi đằng “người cùng làng/ người cùng quê” chu đáo, thịnh soạn mà ngoài mặt cứ tỉnh bơ như không.

Ơ hay, sao lại thế, cứ nói thật với khách có phải thiệt lòng hơn không? Không bao giờ. Trong quan niệm của người đàn bà Việt: “Nhịn miệng tiếp khách đường xa/ Cũng như của gửi chồng ta đi đường”. Tự nhủ để rồi rối lòng, lo lắng tính toán từng ngày, chỉ khi nào khách rời nhà, mới có thể thở phào nhẹ nhỏm. Ngoài lý do trên, còn là suy nghĩ này, nếu mình tiếp đón không khéo, biết đâu khi về làng họ than thở, trách móc với bà con xóm giềng thì hóa ra mình ăn ở chẳng ra gì? Vậy đó, dù gì cũng phải bấm bụng mà chịu. Mẹ y kể, đó vẫn chính là những ngày bà ngoại lo sốt vó, có đêm ngủ không an giấc... Nói đi cũng phải nói lại. Người cùng làng ấy, nếu có dịp mà không ghé nhà thăm nhau, họ lại sợ người cùng quê hay tin sẽ trách móc: “Bộ mi chê nhà tau nghèo không lo được bữa ăn hay sao?”.

Có phải tính cách này vốn đặc trưng của người miền Trung? Không đâu. Vùng miền nào trên dải đất gấm vóc hình cong như chữ S cũng không khác gì đâu. Sở dĩ quả quyết vậy, vì khi đọc quyển Văn minh Việt Nam (Nam chi tùng thư XB năm 1965 tại miền Nam) của nhà văn hóa Lê Văn Siêu, y nhận ra đó chính là quan niệm ứng xử của người Việt nói chung. Mà này, trong nỗi lo ấy, lo vì hoàn cảnh nghèo túng nhưng xét ra việc tiếp khách cùng quê cũng có sự hứng thú đấy.

Hãy nghe ông Lê Văn Siêu - người Hà Nội khái quát: “Nhất là những lúc cơm nước xong rồi, người ta đem những chuyện trong làng ra nói hay những chuyện từ bao nhiêu năm trước ra nói, để rồi ậm ờ, nhớ nhớ quên quên, hay để rồi cãi nhau ý oẳng và sau đấy thì cười lên sằng sặc. Có khi câu chuyện đương vui thì chuyển sang một giọng buồn não ruột, hay giọng nghiêm trang bất ngờ. Người ta mắng nhau, an ủi nhau, răn dạy nhau, kể lể cho nhau nghe đủ thứ đầu cua tai nheo, chỉ bảo cho nhau đủ điều khôn dại có khi gàn dở nữa, tựa hồ người ta khiêng cả một cái không khí của làng vào nhà chúng tôi vậy. Và sau vài ba ngày ở chơi như thế, người ta lục tục ra về…” (tr.175-176).

Được ở chung nhà với mẹ, nghe những câu chuyện kể ấy, với y cực kỳ lý thú, bởi lẽ cũng là một gợi mở để tìm hiểu về phép ứng xử của người Việt ngày trước. Mà đâu chỉ có thể, phép ứng xử ấy lại lưu truyền qua đời mẹ, đến đời con, đời cháu… Âu cũng là một sự gắn kết của tình làng nghĩa xóm, bà con láng giềng trong dòng tộc. Và gì nữa? Có thể nói, sự nhậy cảm trong tâm hồn y nếu có được ít nhiều cũng từ bà ngoại - tri kỷ, tri âm của mẹ.

Thật khó lý giải vì sao dù không biết chữ nhưng bà lại thuộc, lại nhớ nhiều đồng dao, ca dao, tục ngữ đến vậy? Do ảnh hưởng từ bà ru cháu, mẹ ru con? Rồi mầm lửa nhân ái này lại được tiếp tục nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ? Đúng thế. Chẳng phải ở làng quê nước Nam ta, đã có những bà mẹ một chữ cắn đôi cũng không biết nhưng lại thuộc làu làu lời ăn tiếng nói của cha ông đấy sao?

Còn nhớ, tháng ngày êm đềm nhất vẫn là những lúc lũ nhóc bọn y được quây quần bên chân bà ngoại. Lại nhớ bài thuộc lòng môn Quốc văn hồi học lớp Ba: “Em nhớ bà em những buổi chiều/ Ngồi bên giàn lý gió hiu hiu/ Một bày cháu nhỏ chơi quanh gối/ Đứa nếp sau bà đứa đuổi theo/ Bà bảo đừng nô bà kể chuyện/ Cùng nhau xúm lại tiếng cười reo…”. Nỗi nhớ ấy loang dần, loang dần theo năm tháng. Rồi mãi đến bây giờ, đã bước qua dốc của thời gian tuổi tác, tóc đã lớm chớm bạc, vậy mà có chiều ngoài trời lâm râm mưa, nhìn lên bà thờ ba mẹ, tự tâm hồn y đã thốt ra một nỗi nhớ nhung vời vợi khôn cùng: “Trời mưa lâm râm/ Cây trâm có trái/ Con gái có duyên/ Đồng tiền có lỗ/ Bánh tổ thì ngon/ Bánh giòn thì béo/ Cái kéo thợ may/ Cái cày làm ruộng/ Cái xuổng đắp bờ/ Cái lờ đơm cá/ Cái ná bắn chim/ Cái kim may áo/ Cái dáo đi săn/ Cái khăn bịt đầu/ Cái gầu tát nước/ Cái thước đo vải/ Cây cải làm dưa/ Cái cưa thợ mộc…”. Tưởng chừng như trong tiếng mưa còn ê a vọng theo câu đồng dao mà thuở bé đọc theo bà ngoại. Rồi đôi lúc sực nhớ về mấy câu đố của bà, chẳng hạn: “Sào dài chống suối, sào ngắn chống khe” là vật dụng gì? Đứa nào sáng dạ, trả lời đúng thì được bà khen, có khi còn thưởng cho cái bánh nữa. Câu đố ấy, lũ nhóc bọn y ngắc ngứ chịu thua. Mãi sau bà mới giải thích, “chống suối”“chuối sống”; “chống khe”  là “ché không” v.v… Một cách nói lái của người Quảng Nam.

Mẹ ơi, bao giờ con mới có thể quay trở về năm tháng ấy một cách hồn nhiên, vô tư? Bởi ngày ấy, con chưa biết rằng, sẽ đến một ngày kỷ niệm êm đềm ấy sẽ trở thành cổ tích, để rồi ngậm ngùi: “Ngày xửa, ngày xưa…”. Ngày xưa ấy, đã xa tít ngàn trùng. Đã chập chùng thời gian mịt mờ sóng vỗ. Đã không thế níu lại được. Làm sao níu vạt áo dài của ngoại lúc theo bà đi lễ chùa? Lắm lúc mệt mỏi vó ngựa, dừng lại ven đường, ngước mặt nhìn trời xám xịt, chợt lòng rầu rầu: “Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười" (P.D).

Một hoài niệm khiến lòng buồn rười rượi…

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment