LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.10.2017

 

ngay-di-tren-chu-5Ryyy

Tranh vẽ trên giấy dó của Lê Minh Quốc

 

Vừa đi Đà Nẵng về.  

Thành phố của năm tuổi thơ vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ. Vẫn đi lại những con đường cũ. Vẫn những thức ăn của ngày xa xưa. Vẫn tháng 9 có cơn mưa tầm tã vào buổi sáng sớm. Vẫn giọt cà phê đắng môi. Vẫn âm vang tiếng gió tiếng mây tiếng lao xao từ vòm trời xa thẳm réo gọi. Vẫn mùi biển mặn trong không gian ngút ngàn kỷ niệm. Vẫn thế. Không gì khác. Đời người, hạnh phúc nhất vẫn còn một nơi chốn để quay về, tìm về. Những cuộc tình đã qua. Những cuộc tình đã mất. Tưởng là còn, ngỡ là mất nhưng rồi tất cả chỉ là một làn hương thoáng qua một chốc nhưng vạn kiếp ngàn đời đã hóa thành máu thịt.

“Xa xăm điện thoại một, hai/ Bốn, năm, sáu, bảy... chờ mai ngóng chiều/ Tưởng rằng nỗi nhớ mọc rêu/ Ngờ đâu nguyên vẹn màu yêu vẫn còn/ Tưởng rằng chiều xuống héo hon/ Ngờ đâu nắng đẹp tươi non bắt đầu/ Mưa nguồn chớp biển tiễn nhau/ Lúc quay lại vẫn ngọt ngào như xưa”. Cứ thế, sự ngọt ngào ấy chỉ còn trong tâm tưởng nuôi con người ta lớn lên, già đi và cuối cùng là một sự trống rỗng, rỗng không, vô hình hài hình tướng.  

Đôi khi tự nhủ, phải viết mỗi ngày. Rồi lại phân vân, viết để làm gì? Câu hỏi ấy trả lời ra làm sao. Thôi thì, cũng là một cách giết thời gian. Giết dần từng khoảng khắc của ngày. Một ngày. Vạn ngày. Đến ngày nào mới thôi? Chẳng thể biết được. Đôi khi con người ta cũng tự chán lấy mình. Một ngày tẻ nhạt quá đi mất. Quanh đi quẩn lại cũng chừng ấy nhúm chữ. Xáo đi, trộn lại và trải dài ra trước mắt. Là viết đấy à? Ngày nào cũng thế. Quanh đi quẩn lại cũng chừng ấy gương mặt. Lại nhớ đến câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới/ Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại/ Tôi đi một mình trong phố vắng ban đêm”. Đi đâu? Y chẳng bao giờ dám đi đâu ngoài bốn bức tường nhà. Chán là thế.

Sực nghĩ, chung quanh mình còn có những con người tầm vóc lớn lao ghê gớm. Họ đã vượt ra ngoài ý nghĩ thông thường như y đã nghĩ. Họ đã biết nghĩ về người khác. Nghĩ về sự tồn tại của cả một cộng đồng. Tại sao họ thế sống trong tâm thế ấy? Câu này có thể trả lời bằng nhiều cái “gạch đầu dòng”, nhưng rồi, dù có liệt kê dài dòng đến cỡ nào cũng không thể thiếu đi một yếu tố quan trọng bậc nhất: môi trường xã hội mà họ đang sống.

Môi trường ấy cho phép họ có thể toàn tâm toàn ý suy nghĩ về những gì vượt ra ngoài cơm áo nặng nợ mỗi ngày, không phải đối mặt với những vụn vặt nhiễu sự, không phải thắt lòng đau đớn trước các thông tin chẳng ra làm sao về tham ô tham nhũng, ô nhiễm môi trường, chạy quyền chạy chức, con ông cháu cha, "con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa", lợi ích nhóm, bè phái cánh hẩu, an toàn thực phẩm, tranh tụng nhì nhằng, "Con kiến mà kiện cành đa/ Leo phải cành cộc leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cộc leo vào leo ra"… rất ư đúng quy trình. Vâng, rất đúng quy trình. “Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo” - nhân vật của nhà văn Nam Cao, nếu bước ra ngoài trang văn cũng lại thốt lên câu ấy đấy thôi.

Thỉnh thoảng trong Nhật ký, đã đôi lần y biểu dương, thán phục những con người có tầm nhìn lớn lao đã biết sống cho người khác, vì người khác. Gần đây, sự thán phục ấy lại quay về trong sự suy nghĩ cỏn con của y. Rằng, thời đi học, ai cũng biết rằng, nếu muốn được công nhận một quốc gia mới thì phải có đủ điều kiện: dân số, chính phủ, ranh giới lãnh thổ và có khả năng tương tác với các nước khác. Rằng, nếu Liên Hiệp quốc công nhận thì sắp đến đây, trên thế giới sẽ có thêm một quốc gia nữa, nâng con số lên 194.

Quốc gia nào vậy?

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 29.9.2017, “quốc gia” này có quốc kỳ, hộ chiếu, tem bưu chính, thậm chí cả quốc ca, tổng tuyển cử, đội tuyến bóng đá: “Nhưng điều đáng nói nhất là lãnh thổ của nó không phải dất đai mà hoàn toàn là… rác thải”. Đây là sáng kiến của Công ty truyền thông LADbible (Anh) cùng với tổ chức phi chính phủ Plastic Oceans Foundation (Mỹ) khởi động từ tháng 9.2017 - khi họ phát hiện, khảo sát khối rác thải nhựa rộng nửa triệu kilômet vuông đang bềnh bồng ngoài khơi Thái Bình Dương - diện tích gần bằng nước Pháp! “Quốc gia” này được đặt tên Trash Isles (Đảo Rác) cũng lên chiến dịch mà họ vận động Liên Hiệp quốc công nhận.

Công nhận để làm gì?

Là để mong muốn các chính phủ cùng chung ta “xóa sổ” nó đi, “nhấn chìm” nó đi. Và tổ chức trên sẽ tiếp tục “gây ồn ào” cho đến bao giờ mọi người chịu lắng nghe và hành động. Được biết, thông qua chiến dịch này, họ đã thiết kế sẵn quốc kỳ, hộ chiếu và cả tiền giấy (gọi là đồng debris, nghĩa là mảnh rác, tem bưu chính, tất cả làm từ vật liệu tái chế. Hiện nay, “quốc gia” nay đã có 130.000 người đăng ký trở thành công dân, thông qua mạng trực tuyến chage.org, tất nhiên họ không phải đến “an cư lạc nghiệp” tại Trash Isles. Công dân danh dự đầu tiên  của “quốc gia” này là cựu Tổng thống Mỹ Al Gore; nữ diễn viên 83 tuổi người Anh là Juli Dench đã đồng ý làm “nữ hoàng”, đơn giản bà từng thủ vai nữ hoàng Anh Elizabeth trong phim Shakespeare đang yêu và đã đoạt giải Oscar.

Những thông tin này, ngoài ý nghĩa lớn lao của nó, điều khiến nhiều người thích thú còn là sự trẻ trung, vui nhộn khi họ phát động chiến dịch Trash Isles nữa. Cũng là vấn đề về rác, thử hỏi rằng, nước Nam ta có gì để khoe không? Có chứ. Cùng với dịp, cuộc vận động này được tiến hành thì, thì sao?

Thì cứ theo như nguồn tin của báo Thanh Niên số ra ngày 8.9.2017, đây là ngày: “Công ty an ninh mạng Kaspersky công bố báo cáo 'Spam và lừa đảo trong quý 2/2017'. Theo đó, nhìn chung số lượng thư rác trung bình đã tăng lên 56,97%. VN trở thành quốc gia có nguồn phát tán thư rác đứng đầu (chiếm12,37%), vượt qua Mỹ (10,1%) và Trung Quốc (8,96%). Lượng thư rác độc hại đã tăng mạnh sau cuộc tấn công của WannaCry vào tháng 5, gây ảnh hưởng tới hơn 200.000 máy tính trên toàn cầu, dẫn tới sự hoảng loạn lớn cho người dùng và những kẻ gửi thư rác ngay lập tức đã tận dụng cơ hội này. Một trong những xu hướng chính là số lượng thư rác được nhắm mục tiêu đến hệ thống doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng thư kèm theo các Trojan, được gửi dưới danh nghĩa các dịch vụ chuyển phát quốc tế cũng gia tăng”.

Đọc xong mẩu tin này và tủm tỉm cười.

Lại tủm tỉm cười. Cười với gì nữa? À, cười với một “bài thơ” lục bát, chẳng rõ tác giả. Ghi lại trong Nhật ký để thấy rằng các công chức ăn lương như y đây, hiện nay đang quan tâm đến điều gì khi bước vào công sở. Trước hết, xin nhắc lại sự việc tại thành phố nọ đã ban hình Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối Nhà nước, trong đó có việc cán bộ, công chức không mặc quần jean, áo thun khi thực thi nhiệm vụ, là nhằm tiến đến chính quy hiện đại. Một quan chức giải thích:  “Trước khi soạn thảo, chúng tôi đã có nghiên cứu, tham khảo các tài liệu thì thấy quần jeans có xuất xứ từ các nước Châu Âu, dành cho những người lao động để người ta mặc đi lao động, sản xuất hoặc là đi chăn bò, chăn cừu”.

Thiên hạ có nhiều ý kiến khác nhau.

Và đây là những câu vần vè tếu táo: “Nội quy cấm được mặc quần/ Bò tới công sở, một tuần trừ lương/ Sếp thì đang rất là cương/ quyết phải thực hiện chủ trương cái quần/ Ai ai mặt cũng đầy phân/ vân là không biết có quần thay không!/ Rồi phải đeo phù hiệu công/ ti ở trước ngực hồng hồng xinh xinh/ Mình thì cũng hết cả tinh/ thần để làm việc nên mình im ru/ Thân thì chả khác gì cu/ li pha trà nước rồi thu dọn phòng/ Buồn ra quán gọi đĩa lòng/ lợn ngồi chễm chệ xơi xong rồi về”. Nội dung không có gì đáng bàn, sở dĩ gây cười vì nó viết theo phong cách tân hình thức với lối xuống câu cực kỳ ba trợn, dù vẫn tuân theo nhịp 6/8.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment