LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.11.2017

ngay-di-tren-chu-1Ranh-nay

Tranh giấy dó của Lê Minh Quốc

 

Phải viết, còn vì một điều gì đó với mẹ nữa. Chẳng ai biết đâu. Ngay cả y cũng không biết nốt. Vì từ lúc mẹ mất đến nay, không lúc nào chợp mắt lại không thấy loáng thoáng hình bóng của mẹ. Kỳ lạ thật.

Cảm thấy viết thật khó khăn. Rồi cũng xong. Cứ tiếp tục nhé. Hôm trước nhận được tin nhắn của Đoàn Tuấn tâm tình về quyển Mùa chinh chiến ấy. Hắn ta bảo, khi viết tập sách này khó khăn nhất vẫn là chọn cách viết. Đã viết chừng nửa cuốn. Sau đó, phải bỏ sạch. Viết lại. Chọn cách viết khác. Và cuối cùng hắn ta đã tìm ra cách viết phù hợp. Với y, sau khi biết thông tin này, chỉ cười. Tại sao lại khó khăn đến thế? Chỉ ngồi trước bàn phím và gõ từng con chữ, là xong, là cứ thế đi hết ngày này qua ngày nọ, chứ khó khăn gì? Đúng thế. Y viết dễ dàng lắm. Không khác gì người nông dân. Rạng sáng, dắt trâu, vác cuốc ra đồng. Miễn là đã ngủ đẫy giấc.Ngày nào cũng thế. Ngồi đâu viết cũng thế. Có máy tính, gõ phím, bằng không thì viết tay. Ồn ào cũng mặc. Náo nhiệt cũng kệ. Cứ viết, miễn bỏ mặc y, đừng hỏi han tới. Dễ dàng thôi.

Tưởng là thế, mấy hôm nay, y cũng rơi vào tình trạng của bạn. Đã có ý định tập trung thời gian viết một quyển sách về những người đã khuất. Sau lúc mẹ mất, y nghĩ đã đến lúc phải viết. Không chần chừ gì nữa. Dù gì trong tình cảm máu thịt của y đã ba, mẹ, anh, chị đi về cõi khác. Viết một cái gì đi chứ?

 Tưởng dễ, nhưng rồi thế nào? Viết lại câu chuyện riêng tư nhưng người khác vẫn đọc, vẫn cảm thấy như viết về người thân của họ mới là khó. Y muốn rằng, cuốn sách ấy cứ in ra như mọi quyển sách khác nhưng chỉ tập trung vào bốn người ruột thịt không còn gặp lại nữa. Bấy giờ mới cảm thấy khó khăn mà bạn đã trải qua.

Trước đây, tháng 8.2012 khi đọc, biên tập hồi ức Khêu ngọn đèn xanh của ông anh ruột, y nghĩ, đại khái rằng:

Hồi ký, tự truyện… là một thể loại khó viết. Rất khó. Bởi thói thường do “tốt khoe, xấu che” nên ít ai có thể dám bộc bạch hết suy nghĩ của mình. Có lần y hỏi nhà văn Nguyễn Quang sáng, tại sao không viết hồi ký? Ông cười khà khà, đại khái, chẳng lẽ tao chỉ toàn kể tốt về tao? Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Chẳng hạn, học giả Vương Hồng Sển dám viết hồi ký Hơn nửa đời hư đó sao? Đọc rất ngậm ngùi thú vị.

Theo y thể loại hồi ký chỉ thật sự có giá trị khi con người ấy có một tầm vóc lớn lao, mỗi gia đoạn của cuộc đời họ đều gắn với thăng trầm của một đất nước, một dân tộc. Chẳng hạn, Tự phán của chí sĩ Phan Bội Châu, dù tự nhận cuộc đời cụ chỉ là một chuỗi thất bại, nhưng khi đọc, thế hệ sau lại học được biết bao là kinh nghiệm của thế hệ tiên phong khai đường mở lối trong sự nghiệp cứu nước.

Những nhân vật lừng lẫy ấy, khi đọc hồi ký của họ, chúng ta sẽ thấy hết sức thú vị vì có những chi tiết trong đời họ đã góp phần bổ sung cho chính sử, giúp ta hiểu chính sử rõ hơn. Họ là những con người đã tạo ra thời cuộc.  Hiểu thời cuộc thông qua số phận một con người cụ thể, còn gì thú vị hơn?

Lịch sử một đất nước được thể hiện qua chính sử. Đúng rồi. Nhưng vẫn chưa đủ. Chính các tập gia phả của mỗi dòng tộc, ngọc phả của các đời vua… có những chi tiết cụ thể, những con người cụ thể đặng khắc họa và bổ sung cho chính sử, giúp chính sử sinh động hơn, “thật” hơn và cũng “đời” hơn. Bên cạnh đó, y còn muốn nhấn mạnh đến các tập hồi hý, tự truyện, tự thuật… của các cá nhân khác.

Thế nhưng.

Có ai cần đọc những tập sách thuộc thể loại đó của những kẻ “thường thường bậc trung” như chúng ta không? Chắc không, nếu tập sách đó chỉ đóng khung trong cái cuộc đời của chính họ. Mà họ không nổi tiếng, không là người của công chúng thì chẳng ai buồn ghé mắt đến.

Nói đi cũng phải nói lại.

Gần đây nhất có nhiều hồi ký, tự truyện của những con người bình thường vẫn tạo được dư luận kìa mà. Tại sao? Bởi những hồi ký đó đạt được nhiều yêu cầu, ở đây y chỉ muốn nhấn mạnh: 1.Số phận của họ quá khốc liệt, thăng trầm dữ dội nên dù chuyện thật nhưng ta cứ như tưởng hư cấu của văn chương; 2. Viết về một cuộc đời bình thường như bao người khác, nhưng qua đó, ta lại thấy tái hiện lại tình hình xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… của cả một thời, thời họ đã sống.

Thế thì, thể loại này do ai viết cũng được. Vấn đề đặt ra là viết như thế nào.

Hồi ký Khúc tiêu đồng của ông Hà Ngại là một thí dụ sinh động. Dù viết cho riêng mình, chỉ viết lại những gì mắt thấy tai nghe, không hư cấu nhưng tập sách đó rất có giá trị nếu người đọc cần biết về khoa cử, hát bội, sinh hoạt chợ búa, đời thường dân dã… của cuối thời Nguyễn. Những thông tin đó quý báu, hấp dẫn hơn cả tài liệu “chính quy” vì chính nó đã được kể từ người trong cuộc, từ tình tiết cụ thể… Muốn vậy, người viết phải có biệt tài quan sát, có trí nhớ tốt, có tài liệu v.v… để đủ sức tái hiện lại một thời đại mà họ đã sống. Mà thông tin của sự tái hiện đó phải gắn với cái chung, được nhiều người cùng quan tâm.

Hồi ký của Sơn Nam lại khác. Hầu như không có thông tin gì về đời sống riêng, kể cả công việc viết lách, nếu có chỉ thoáng qua đôi dòng. Đọc, có cảm tưởng như ông lấy mốc năm tháng cuộc đời để kể lại những gì mình đã hiểu biết, đã sống ở địa phương đó, vùng đất đó. Cũng là một cách cung cấp về phong tục. Ngược lại, hồi ký của Bà Tùng Long, Nguyễn Hiến Lê lại rất tỉ mỉ từng chi một, kể cả chuyện hôn tình yêu, tất nhiên đều được lồng trong bối cảnh của thời cuộc mà họ đã sống.

Tập sách, tạm gọi "tự truyện" là của ông anh ruột, y nghĩ có những điều quý báu của người nay, nhưng với người kia lại không là gì cả. Và ngược lại. Điều ấy là lẽ thường tình. Tập sách này y đặt tựa Khêu ngọn đèn xanh - là lấy ý từ câu thơ của thi sĩ Quách Tấn, viết năm 1951 (in trong tập Mùa cổ điển, tái bản lần 2 tại miền Nam năm 1960):

Quán không hò hẹn đón đưa nhau,

Khêu ngọn đèn xanh gạn bể dâu.

Thương tớ, mái gương dường ướm tuyết,

Mừng ai, khóe phụng vẫn nguyên thu.

Hoa, lòng nỡ gởi trời U cốc?

Bút, mộng không rời nợ Bích câu.

Muốn mượn chén trăng hòa viễn ý

E dòng lệ ngọc khóc minh châu…

Với những suy nghĩ vừa nêu trên, y cảm thấy không nên chọn cách viết như anh mình đã viết. Bởi vì rằng, y chỉ sống với gia đình ở Đà Nẵng thời gian ngắn, quá ngắn, chỉ 18 năm rồi đi xa hẳn, chỉ xuân thu nhị kỳ mới quay về. Về như chuồn chuồn đáp nước, thoáng đó lại bay đi. Kỷ niệm, dấu vết tình thân không nhiều trong ký ức, làm sao viết? Riêng về mẹ thì khác. Đã có thời gian mẹ sống chung nhà. Nhiều tình tiết, nhiều kỷ niệm. Dễ viết hơn. Đã có nhiều tình cảm khó quên với bên ngoại, còn bên nội chỉ là vệt trắng. Hơn nữa, có những sự việc đã xẩy ra, y không muốn nhắc lại, phải quên đi, nếu chọn cách viết như Khêu ngọn đèn xanh ắt không phù hợp, không khéo không trung thực.  

Vậy, phải viết làm sao? Loay hoay mãi.

Cuối cùng phải làm sao?

Ừ, y chọn lại những gì mà trước đây đã viết, đã in. Nếu cần thì gia công thêm hoặc sắp xếp lại, bằng không cứ giữ nguyên. Lại vấp thêm cái khó nữa là xưng hô thế nào? Tôi? Chúng tôi? Con? Em? Cách nào đây? Thôi thì, thống nhất chọn gọn lỏn mỗi từ “y”, nhập vào vai người ngoài để quan sát sự việc. Chọn lấy cách viết như đã viết tùy bút. Như đã viết nhật ký. Viết chỉ tập trung một chủ đề: Gia đình.

“Hay đấy Q”. Vấn đề gia đình, tình mẹ con, cha con, anh chị em thì ai ai cũng có một cảm nhận chung, không sợ phải quá riêng tư đâu. Viết đi. Cứ thế mà viết. Viết cho gia đình mình nhưng cũng là viết cho mọi người đấy thôi. Chiều qua nhẹ cả người, sung sướng vì đã hài lòng tìm ra một cách viết cho quyển sách này, hứng quá, nhắn tin cho bạn bè rủ rê lai rai chút đỉnh. Ai cũng bận cả. Thiệt tình. Lại lủi thủi cơm mước một mình. Chẳng sao. Công việc đang thúc giục từng ngày.

Phải viết, còn vì một điều gì đó với mẹ nữa. Chẳng ai biết đâu. Ngay cả y cũng không biết nốt. Vì từ lúc mẹ mất đến nay, không lúc nào chợp mắt lại không thấy loáng thoáng hình bóng của mẹ. Kỳ lạ thật.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment